Bạo lực học đường đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia. Bạo lực học đường không phải là câu chuyện mới, nhưng thời gian gần đây, nó trở thành đề tài được nhiều phụ huynh trên thế giới quan tâm khi mạng xã hội góp phần “phát tán” nhanh hơn những đoạn ghi hình các học sinh ẩu đả, hiếp đáp lẫn nhau.
Vấn nạn ngày càng nghiêm trọng
Mỹ là quốc gia báo động đỏ về tình trạng bạo lực học đường. Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí Journal of Developmental and Behavioural Pediatrics, có gần 90% học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 tại Mỹ từng ít nhất một lần bị bạn học bắt nạt, ức hiếp, ngoài ra 59% thừa nhận đã từng có hành động bắt nạt những em khác. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Mỹ cho biết, cứ 3 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại nước này thì có một em báo cáo đã bị bắt nạt tại trường. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC), mỗi ngày tại nước này có 160.000 học sinh không dám đi học, vì sợ bị bắt nạt ở trường.
Hàn Quốc cũng được coi là một trong những quốc gia có nạn bạo lực học đường nhức nhối trên thế giới. Theo kết quả khảo sát của Quỹ Phòng chống bạo lực thanh thiếu niên Hàn Quốc, 20% thừa nhận từng bị bắt nạt ở trường. 63% nạn nhân phải “nếm” đòn bạo lực ngay khi mới học tiểu học. Con số này càng ngày càng gia tăng và tệ nạn này xảy ra nghiêm trọng đối với học sinh nữ hơn học sinh nam. Đáng lưu ý, nhiều học sinh đã không ý thức được hành vi bạo lực của mình. Khoảng 36% học sinh Hàn Quốc coi việc bắt nạt như một trò đùa, 20% thừa nhận hành vi bắt nạt bạn là không có lý do đặc biệt. Theo điều tra, số học sinh thường xuyên bắt nạt các bạn học khác thường hay xem phim bạo lực, hoặc do hoàn cảnh gia đình. 51,5% người được hỏi thừa nhận, thường xuyên chơi và xem phim, game bạo lực.
Chiến lược ngăn ngừa và can thiệp
Theo các chuyên gia về phòng chống bắt nạt trong học đường, để đấu tranh hiệu quả với nạn này, vấn đề quan trọng nhất là phải chỉ ra cho các em nhỏ nhận thấy rằng việc bắt nạt người khác là hành vi không thể chấp nhận được, và động viên những em khác chống lại hành động không hay này. Ngành giáo dục cần phải tiếp tục đưa ra những biện pháp can thiệp để ngăn chặn tình trạng bạo lực và ức hiếp giữa các học sinh. Nếu để các em đơn độc đối phó thì tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn. Các biện pháp can thiệp thường có hiệu quả nhất khi được phối hợp toàn diện giữa giáo viên, ban giám hiệu nhà trường, những người bảo vệ nhà trường và các bậc phụ huynh.
Trong cuộc chiến đẩy lùi bạo lực học đường, rõ ràng, mối liên hệ chặt chẽ và sự chia sẻ trách nhiệm giáo dục con trẻ giữa xã hội, nhà trường, gia đình luôn là điều mấu chốt. Tiến sĩ Scott Poland, chuyên gia về khủng hoảng học đường và sức khỏe HS cho rằng: “Hình phạt không phải là biện pháp tối ưu mà trên hết chính là trang bị cho học sinh cách nhìn nhân văn hơn, ý thức tập thể tốt hơn để các em có thể hòa hợp với bạn bè”.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) là một trong những cơ quan có nhiều nghiên cứu và hành động trong vấn đề bạo lực học đường tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2007, CDC đã đưa ra hệ thống chiến lược ngăn ngừa và can thiệp với vấn đề bạo lực học đường theo bốn mức độ: Can thiệp xã hội, cộng đồng trường học, gia đình và can thiệp cá nhân.
Các chiến lược phòng chống từ xã hội nhắm tới việc thay đổi điều kiện văn hóa và xã hội nhằm giảm thiểu phát sinh bạo lực. Sự can thiệp ở mức độ này khá rộng từ hạn chế kích thích bạo lực trên các phương tiện truyền thông, phục hồi các quy tắc xã hội và đạo đức tới việc tái dựng các hệ thống giáo dục tích cực.
Cộng đồng trường học là mức độ can thiệp được xây dựng nhằm giảm thiểu những nguy cơ bạo lực tại trường học. CDC đề xuất trường học khuyến khích các kỹ năng quản lý lớp học, hình thức học nhóm và hình thức giám sát chủ động giữa học sinh.
Mức độ can thiệp quan trọng chính là gia đình. Thái độ bạo lực của thanh thiếu niên có thể xuất phát từ chính hoàn cảnh gia đình. Thực tế cho thấy khi môi trường sống tại gia đình lành mạnh, tích cực và mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, ông bà và cháu, anh chị em… tích cực sẽ đảm bảo cho mối quan hệ cá nhân với xã hội không đẩy tới bạo lực.
Tại rất nhiều nước hiện nay, sự can thiệp hiệu quả nhất chính là can thiệp trực tiếp với các học sinh có thái độ gây hấn và hành vi bạo lực. Trường học phối hợp với gia đình và chuyên gia tâm lý có thể xây dựng các chương trình can thiệp nhằm giảm thiểu thái độ xung đột của các em, đồng thời giúp các em biết cách hòa đồng và biết lựa chọn những hành vi tích cực thay vì bạo lực. Cần xác định rõ nguyên nhân, điều kiện tâm lý cũng như hoàn cảnh sống của đối tượng để lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp.
.