Tin tức sự kiện

Những cảnh báo mới về dịch bệnh Ebola

08:39, 21/10/2014 (GMT+7)

Ngày 18/10, Ngân hàng thế giới (WB) bất ngờ đưa ra những cảnh báo về thiệt hại kinh tế, con người trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Ebola. Trong khi đó, Quỹ ủy thác của Liên Hợp Quốc (LHQ) vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nguồn tiền nhanh và linh động để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết trong việc đối phó với dịch bệnh Ebola. Đến nay, 4.555 người đã thiệt mạng vì virus Ebola và con số này có khả năng sẽ tăng đến 10.000 người vào tháng 12 tới.

Ebola nguy hiểm như HIV

Trong một báo cáo được đưa ra hôm 17/10, các chuyên gia y tế Anh và Mỹ đều khuyến cáo rằng, bất chấp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế, dịch bệnh Ebola vẫn lây lan với tốc độ nhanh và đến nay đã khiến 4.555 người thiệt mạng. Đáng chú ý là chỉ trong vòng 24 giờ qua, hơn 100 người đã tử vong cho thấy tính chất nghiêm trọng của loại virus này khi xâm nhập vào cơ thể con người.

TIN LIÊN QUAN

Sau sự kiện hai y tá Mỹ bị nhiễm Ebola vì đã tiếp xúc với bệnh nhân Ebola, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy công du tới đảo Rhode và New York để ở lại Nhà Trắng giám sát các nỗ lực của chính phủ nhằm đối phó với bệnh Ebola.

Mặc dù ông Barack Obama đã cam kết Mỹ “sẽ phản ứng mạnh mẽ” để dập dịch ở Tây Phi và ngăn chặn sự lây nhiễm trong nước, song những sai sót của hệ thống y tế Mỹ trong vấn đề chống dịch Ebola vẫn khiến thị trường chứng khoán phố Wall chao đảo. Các khảo sát mới nhất của tờ Washington Post và hãng tin ABC News còn cho thấy, 65% người Mỹ lo ngại nguy cơ dịch Ebola bùng phát tại đây.

Để trấn an dư luận một lần nữa, Tổng thống Mỹ đã phải điều động Lực lượng Vệ binh quốc gia tham gia phòng chống Ebola và bổ nhiệm thêm một cựu quan chức Nhà Trắng là ông Ron Klain giữ chức Điều phối viên phụ trách công tác ngăn chặn dịch Ebola ở Mỹ.

123
EU và WHO đang cùng xác minh lại hiệu quả của việc kiểm soát chống Ebola tại các sân bay của 3 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Ảnh: AP.

Tại châu Âu, thêm một số trường hợp nhập viện vì có triệu chứng giống căn bệnh Ebola đã khiến cả khu vực náo loạn. Hôm 17/10, các Bộ trưởng Y tế của Liên minh châu Âu (EU) đã phải nhóm họp khẩn cấp để bàn biện pháp phối hợp phòng chống.

Từ khuyến cáo của WB về việc loại virus này có nguy cơ lây lan nhanh do sự di chuyển toàn cầu của những người đến từ vùng có dịch bệnh, EU cũng sẽ cùng với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác minh lại hiệu quả của việc kiểm soát chống Ebola tại các sân bay của 3 quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Đồng thời, EU cũng đã thông qua gói viện trợ 1,3 tỷ USD cho các quốc gia Tây Phi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Ebola.

Bên cạnh gói viện trợ này, Anh sẽ gửi 1.000 nhân viên y tế sang các quốc gia ở trung tâm vùng dịch. Một nhóm nhân viên y tế của WHO cũng sẽ tới những nước này để đánh giá kế hoạch phản ứng của họ cũng như trang thiết bị cần thiết, đồng thời tiến hành các khóa huấn luyện với tình huống giả định, các nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường dịch Ebola tấn công.

Cần nhiều tháng để khống chế

Phát biểu trước báo giới về vấn đề dịch bệnh Ebola, Giám đốc WHO phụ trách mạng lưới cảnh báo và ứng phó toàn cầu Isabelle Nuttall cho biết, phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng mới có thể khống chế được dịch bệnh Ebola. Trong thời gian đó, thế giới cần đảm bảo rằng chủng virus nguy hiểm này không lây lan sang nhiều quốc gia khác.

Theo bà Isabelle Nuttall, khả năng một trường hợp ở các quốc gia ngoài vùng dịch bị nhiễm virus Ebola là khó có thể tránh được, song làm thế nào để sau đó, mỗi nước không có thêm những trường hợp nhiễm mới là điều quan trọng.

Vì thế, mọi nỗ lực hiện nay đang đổ dồn vào Guinea Bissau, Senegal, Mali và Côte d'Ivoire, những nước có biên giới giáp với các quốc gia hiện là tâm điểm của dịch Ebola ở Tây Phi. Mà để làm việc này, không chỉ cần sự hỗ trợ của các nước mà còn cần rất nhiều tiền. Hiện tại, giới chức LHQ và WHO đang kêu gọi các nước phát triển hỗ trợ thêm nữa về tài chính để phục vụ “cuộc chiến” chống Ebola.

Đích thân Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã nói về vấn đề này và khẳng định, việc các quốc gia có tiềm lực tài chính đóng góp cho chiến dịch chống Ebola là việc làm đúng đắn và cần thiết xét về khía cạnh nhân đạo, y tế cộng đồng và kinh tế thế giới. Theo tin từ văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ, Quỹ tín thác Liên Hợp Quốc được thành lập nhằm tài trợ cho cuộc chiến chống dịch Ebola mới chỉ huy động được 100.000 USD trên tổng số 1 tỷ USD cần thiết.

Hơn nữa, cũng mới chỉ có 365 triệu USD được các nước cam kết sẽ chuyển trực tiếp cho LHQ để ngăn chặn dịch Ebola tại 3 quốc gia tâm dịch. Việc chậm trễ ủng hộ tài chính này cũng là một nguyên nhân khiến công tác phòng chống Ebola gặp nhiều khó khăn

Nguồn: cand.com.vn

Các tin khác