Tin tức sự kiện
Thành lập 4 đội phản ứng nhanh nhằm ứng phó với Ebola
08:09, 20/10/2014 (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Ebola gây nên, Bộ Y tế sẽ thành lập 4 đội phản ứng nhanh ở cấp quốc gia để ứng phó với bệnh dịch nguy hiểm này.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác chống nhiễm khuẩn, dự phòng lây chéo và trang phục phòng hộ cá nhân chuẩn cho nhân viên tại BV Bệnh nhiệt đới TW. |
Trong buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola ngày 19/10 tại bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch bệnh Ebola vẫn diễn biến phức tạp trong những ngày gần đây.
Đặc biệt, việc 3 y tá đang làm việc trong các cơ sở y tế của Tây Ban Nha và Mỹ bị nhiễm virus này khi chăm sóc người bệnh là một sự cố về y tế công cộng. Điều này buộc tất cả các quốc gia trên thế giới phải xem xét, kiểm tra và rà soát lại các biện pháp phòng, chống lây nhiễm virus Ebola để rút ra các bài học kinh nghiệm.
Qua kiểm tra tại BV Bệnh nhiệt đới TW cho thấy, BV đã sẵn sàng việc tiếp nhận, điều trị và phòng, chống lây nhiễm virus Ebola.
BV cũng đã phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế xây dựng phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola, thường xuyên tập huấn cho cán bộ trong bệnh viện, thành lập đội cấp cứu ngoại viện...
Trong công tác chống nhiễm khuẩn, dự phòng lây chéo và điều trị, bệnh viện đã được trang bị trang phục phòng hộ cá nhân chuẩn cho nhân viên. Bệnh viện cũng đã trang bị buồng cách ly áp lực âm di động và buồng cách ly áp lực âm để bảo vệ tối đa an toàn cho điều trị người bệnh, nhân viên y tế và những người xung quanh.
Đồng thời, bệnh viện đã xây dựng phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp 2+. Tuần tới, phòng xét nghiệm sẽ được Bộ Y tế và Tổ chức WHO thẩm định để đạt điều kiện xét nghiệm virus Ebola.
Theo đại diện của tổ chức WHO và các tổ chức quốc tế, các nghiên cứu mới nhất cho thấy virus Ebola chưa có biến đổi gene và độc lực, cũng như chưa có cơ sở khoa học và bằng chứng rõ ràng về việc thay đổi đường lây truyền của virus Ebola.
Mặc dù, bệnh Ebola tăng nhanh chóng cả về số ca mắc và số ca tử vong tại các nước Tây Phi và gần đây có các nhiễm bệnh ở Tây Ban Nha, ở Mỹ. Tuy nhiên thứ 6 tuần trước, qua theo dõi 2 chu kỳ của bệnh Ebola (42 ngày), Senegal không phát hiện có ca nhiễm mới. Tổ chức WHO đã ra thông báo Senegal được công nhận là quốc gia chấm dứt dịch bệnh Ebola.
Trong ngày mai (20/10), nếu Nigeria vẫn không có ca nhiễm mới thì Nigeria sẽ là quốc gia thứ 2 được WHO công nhận chấm dứt dịch bệnh Ebola.
Việc chấm dứt dịch bệnh ở 2 quốc gia này có ý nghĩa quan trọng, cho thấy những nỗ lực phòng, chống virus Ebola đã có hiệu quả, những bài học kinh nghiệm về chấm dứt dịch bệnh Ebola của 2 quốc gia này sẽ được WHO áp dụng và phổ biến cho các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, tính đến ngày 18/10, thế giới tiếp tục ghi nhận các ca mắc bệnh với 9.284 trường hợp, 4.604 ca tử vong. Trong số này đã ghi nhận 431 trường hợp là cán bộ y tế mắc bệnh và 247 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tất cả các cơ sở y tế cần nâng cao mức độ cảnh giác và mức độ đáp ứng cao hơn nữa đối với dịch bệnh Ebola.
Bộ sẽ thành lập 4 đội phản ứng nhanh ở cấp quốc gia. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các quận, huyện sẽ thành lập một đội phản ứng nhanh trên cơ sở kiện toàn lại đội phòng, chống dịch bệnh đã có tại địa phương để tăng cường khả năng ứng phó.
Các bệnh viện phải chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận, cách ly và điều trị hỗ trợ người bệnh nghi ngờ, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất diệt khuẩn, đặc biệt là phương tiện phòng hộ cá nhân để phục vụ tốt việc thu dung, cách ly, điều trị các ca bệnh nghi người và phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…
Đặc biệt, trong tuần tới, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ tổ chức diễn tập quy mô tại BV Bệnh nhiệt đới TW và những BV được giao nhiệm vụ ở miền Trung, miền Nam, xây dựng kế hoạch diễn tập với các tình huống giả định cụ thể, lên phương án nhân lực để khám sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, cách ly, kiểm soát, phòng, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện, có phương án mở rộng vùng cách ly khi dịch lan rộng.
Nguồn: Chinhphu.vn