Tin tức sự kiện
Kinh tế thế giới lao đao vì dịch bệnh Ebola
15:46, 26/10/2014 (GMT+7)
Ngày 24/10, ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo rằng dịch bệnh Ebola vẫn trong tình trạng báo động khẩn cấp trên toàn cầu, Ngân hàng thế giới (WB) và Liên Hợp Quốc đã đưa một báo cáo cho thấy, không chỉ là mối đe dọa đối với sức khỏe của cả cộng đồng thế giới mà Ebola còn đang trở thành tác nhân cốt yếu khiến kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào vòng suy thoái mới.
Theo tin từ hãng BBC, tối 23/10, tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu lại nhóm họp lần nữa để bàn thảo về phương cách chống dịch bệnh Ebola đang hoành hành ở Tây Phi và lan nhanh tới châu Âu, Mỹ. Các lãnh đạo EU cho rằng, mặc dù Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã tuyên bố đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng lần thứ 2 vaccine chống virus Ebola VSV-ZEBOV do Canada sản xuất trên người song thế giới không thể chủ quan với dịch bệnh Ebola. Căn bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng của 4.900 người tại khu vực châu Phi trong những ngày qua và số người thiệt mạng gia tăng trong tổng số gần 10.000 người bị nhiễm bệnh đã cho thấy tình trạng báo động khẩn cấp trên toàn cầu về Ebola.
Những khả quan trong thử nghiệm lâm sàng loại vaccine VSV-ZEBOV đã mang lại tia hy vọng mới cho cuộc chiến chống Ebola. Ảnh: Reuters. |
Tại phiên họp của Ủy ban khẩn cấp về Ebola, WHO cũng đã tuyên bố rằng, sự lây lan của virus chết người này là mối lo ngại lớn nhất đối với toàn cầu. Số người nhiễm có thể tăng lên 10.000 ca/tuần vào đầu tháng 12 tới nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp hiệu quả và kịp thời để dập dịch. Vì vậy, những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh không chỉ phụ thuộc vào con người mà còn chịu tác động nhiều từ các nguồn lực tài chính tại trợ cho hoạt động phòng chống virus Ebola. Chính vì thế, bên cạnh việc chi 24,4 triệu euro cho nghiên cứu chống virus Ebola, phân bổ cho 5 dự án khác nhau, EU cũng đã công bố tài trợ 180 triệu euro viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển nhằm giúp các nước bị dịch Ebola hoành hành như Sierra Leone, Liberia và Guinea.
Ngoài ra, EU cũng chỉ định Uỷ viên EU về viện trợ nhân đạo Christos Stylianides, người Cyprus làm điều phối viên của khu vực này trong cuộc chiến với Ebola. Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho biết, đây là phương thức tốt nhất phối hợp nỗ lực của các nước EU gồm tài chính, nhân viên y tế và các phương tiện cùng các nghiên cứu nếu dịch bệnh cần phải bị kiếm chế và kiểm soát.
ng khi đó, Mỹ cũng nỗ lực chống Ebola bằng việc công bố các biện pháp kiểm soát Ebola ngay sau khi nước này phát hiện thêm trường hợp nhiễm virus Ebola là bác sĩ Craig Spencer mới trở về New York sau khi điều trị cho các bệnh nhân Ebola ở Guinea. Chương trình mà Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) bao gồm việc giám sát y tế trong vòng 21 ngày đối với bất cứ ai đến từ các nước Tây Phi; kiểm tra thân nhiệt 1 lần/ngày đối với các du khách đến từ những nước này.
Tiến sĩ Thomas Frieden, Giám đốc CDC cho biết, chương trình giám sát này sẽ được duy trì cho tới khi dập xong dịch Ebola. Song điều mà giới chức Mỹ hiện lo ngại nhất chính là việc Bộ An ninh nội địa nước này sẽ đối mặt với nguy cơ không duy trì được hoạt động trong trường hợp một đại dịch bùng phát trên đất Mỹ. Hiện Bộ An ninh nội địa Mỹ đã chi tới 16 triệu USD để mua các thiết bị và các loại dược phẩm kháng virus Ebola nhưng đáng tiếc là những loại thuốc này còn đang có những quan ngại về hiệu quả sử dụng…
Song nỗi lo ở các nước phát triển không đáng sợ bằng tình trạng gia tăng bệnh nhân và số người thiệt mạng tại các nước nghèo vùng Tây Phi – trung tâm dịch Ebola. Ghi nhận của WHO cho thấy, các nước Tây Phi đang chịu ảnh hưởng ngày càng nặng nề của dịch bệnh. Mali, quốc gia láng giềng của vùng trung tâm dịch hôm 23/10 cũng đã xác nhận ca nhiễm Ebola đầu tiên sau khi một bé gái 2 tuổi từng đến Guinea được xét nghiệm dương tính với loại virus này.
Theo cảnh báo của các chuyên gia WHO, Ebola có thể lan rộng và trở thành đại dịch thứ 3 sau hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003 và dịch cúm gia cầm H5N1 vào các năm 2003-2006. Trước diễn biến đáng sợ của dịch Ebola hiện nay, WHO đã lên tiếng kêu gọi các nước châu Á-Thái Bình Dương tăng cường công tác phòng chống dịch Ebola và cảnh báo rằng cả thế giới có thể đang bị đe dọa. Trong khi đó, báo cáo mới đây của WB cho rằng “nỗi lo sợ” chính là tác nhân cốt yếu khiến kinh tế thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng. Báo cáo này nhắc lại rằng, khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003, những chi phí trực tiếp như y tế, lao động giảm sút,... chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong việc tác động đến kinh tế song những chi phí gián tiếp như việc đóng cửa hệ thống giao thông, sân bay, doanh nghiệp xuất phát từ nỗi lo sợ lây nhiễm, chiếm tới 80-90%.
WB cho rằng, nền kinh tế châu Phi sẽ phải chịu thiệt hại lên tới 32,6 tỷ USD vào năm 2015 và đây sẽ là một thảm họa đối với khu vực này. Tổng sản lượng trong nước (GDP) của ba nền kinh tế Tây Phi (Sierra Leone, Liberia và Guinea) bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Ebola có thể bị sụt giảm từ hơn 2% đến gần 12% trong năm 2015 nếu bệnh dịch này không được khống chế kịp thời. Còn Chương trình Lương thực thế giới (WFP) thì ra lời cảnh báo rằng, tình trạng thiếu lương thực tại các nước đang bị dịch Ebola hoành hành dữ dội nhất như Guinea, Liberia và Sierra Leone đang diễn ra ở nhiều cấp độ. Nhằm ngăn virus lây lan, chính quyền các nước đã tiến hành phân vùng cách ly nhiều khu vực cộng đồng, khiến nông dân không thể canh tác và chăn nuôi gia súc. Kể từ tháng Tư, WFP đã phân phát hơn 9.000 tấn lương thực cho gần 530.000 người dân bị ảnh hưởng bởi Ebola. Chỉ trong một thời gian ngắn tới, đại dịch Ebola không chỉ cướp đi sinh mạng hàng ngàn người mà còn tàn phá nền kinh tế Tây Phi và ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới nền kinh tế thế giới.
Nguồn: Chinhphu.vn