Tin tức sự kiện

Phát hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên tại Mali

08:45, 25/10/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Bộ Y tế Mali ngày 23/10 thông báo nước này đã phát hiện ca nhiễm virus Ebola đầu tiên, là một bé gái hai tuổi, gần đây có đến Guinea.
 
Bé gái trên nhập viện ở thị trấn miền Tây Kayes một ngày trước đó và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Ebola. Bệnh nhân này cùng những người có tiếp xúc với em đã được đưa tới khu vực cách ly.
 
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Y tế Mali cho biết bệnh nhân trên đã đi du lịch Guinea với người thân và chính quyền đã nắm được lịch trình chuyến đi này. Theo đó, bệnh nhân đã đến Kissidougou, một thị trấn phía Nam Guinea, nơi dịch Ebola bùng phát đầu tiên vào tháng 12/2013.
 
Theo Bộ Y tế Mali, mọi biện pháp cần thiết đã được tiến hành nhằm tránh lây lan virus nguy hiểm chết người này, đồng thời kêu gọi người dân bình tĩnh. Bộ cũng cảnh báo mọi người hạn chế tới các khu vực bị ảnh hưởng và tuân thủ các biện pháp vệ sinh và an toàn.
 
Trước đó, hồi tháng 4, Mali đã phát hiện một số ca nghi nhiễm Ebola, tuy nhiên các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Tháng 8 vừa qua, Senegal cũng đã ghi nhận một ca nhiễm Ebola lây từ Guinea. Ca bệnh này đã không lây lan và tuần trước, Senegal tuyên bố hết Ebola.
 
Thế giới đã cảnh báo dịch Ebola khi phát hiện các ca nhiễm virus này ở bên ngoài châu Phi. Một nữ y tá người Tây Ban Nha nhiễm virus này từ một bệnh nhân mà cô chăm sóc sau khi bệnh nhân này nhiễm Ebola từ Liberia và về nước điều trị. Tại Mỹ, hai nữ y tá cũng nhiễm bệnh sau khi chăm sóc một người Liberia, đã tử vong ngày 8/10 và là ca bệnh Ebola đầu tiên phát hiện trên đất Mỹ. Mới đây nhất, ngày 23/10, một bác sĩ Mỹ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola ở Guinea có xét nghiệm dương tính và đã trở về New York.
 
Trong một diễn biến khác, ngày 23/10, các nước châu Phi cam kết cử hơn 1.000 nhân viên y tế tới Liberia, Sierra Leone và Guinea nhằm đối phó với dịch Ebola. Trước đó, các thành viên Đông Phi của AU đã cam kết cử 600 nhân viên y tế đến hỗ trợ. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh thiếu các chuyên gia y tế có năng lực chuyên môn cao, một trong những cản trở lớn trong cuộc chiến chống Ebola tại khu vực này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện gần 10.000 người, trong đó có 443 nhân viên y tế, đã bị nhiễm virus Ebola và 4.900 ca tử vong, trong đó có 244 nhân viên y tế. Đến nay, các thử nghiệm lâm sàng vẫn đang diễn ra tích cực, tuy nhiên chưa có vaccine nào được sản xuất.
 
Cùng ngày, Nigeria thông báo lập Kế hoạch quốc gia Sẵn sàng đối phó Ebola (NEPP) nhằm phát hiện nguy cơ tái bùng phát dịch Ebola tại nước này. Trước đó, WHO tuyên bố Nigeria hết dịch Ebola trong 6 tuần qua, tuy nhiên, Abuja cho rằng vẫn cần chủ động trong cuộc chiến chống loại virus dễ lây lan này bởi nguy cơ lây nhiễm từ các nước láng giềng vẫn cao. Theo kế hoạch NEPP, Nigeria sẽ thành lập một Trung tâm quốc gia xử lý khẩn cấp tại thủ đô Abuja, nâng cao ý thức người dân về căn bệnh này...
 
Trong khi đó, Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma tuyên bố cuối năm 2014, nước này sẽ ngăn chặn được virus Ebola. Sierra Leone là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch. Nước này đã ghi nhận 1.200 ca tử vong trong số 4.900 người thiệt mạng vì Ebola tại Tây Phi.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác