Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã vẽ ra một bức tranh u ám của nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, hai trong những mối nguy lớn khiến IMF phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới lại bắt nguồn từ những căng thẳng địa-chính trị ở Trung Đông, Ukraine và dịch bệnh bùng phát tại vùng Tây Phi.
Những mối đe dọa nghiêm trọng
Ngay trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thường niên được tổ chức tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), cả Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde và Chủ tịch Ngân hàng thế giới Kim Yong Jim đều khẳng định rằng, dịch bệnh Ebola và tình trạng biến đổi khí hậu đang là những mối lo lớn nhất trên toàn thế giới. Việc ngăn chặn dịch bệnh này và bảo vệ hành tinh trước tình trạng biến đổi khí hậu là những ưu tiên hàng đầu của IMF và WB.
Nhắc đến những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Ebola và những cảnh báo mà Liên Hợp Quốc (LHQ) đã đưa ra, Chủ tịch WB Kim Jong Jim cho biết, tác động của dịch bệnh Ebola về mặt kinh tế vốn đã rất nghiêm trọng (đặc biệt là với 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Guinea, Liberia và Sierra Leone), sẽ lại càng khủng khiếp hơn nếu không nhanh chóng ngăn chặn được dịch bệnh.
Ước tính, những thiệt hại kinh tế đối với khu vực Tây Phi trong năm nay và đến hết năm 2015 là vào khoảng 32 tỷ USD. Các quốc gia khác tuy không nằm trong trung tâm vùng dịch nhưng cũng chịu thiệt hại về kinh tế khi phải liên tục sử dụng các biện pháp an ninh mới nhằm phát hiện người nhiễm bệnh trở về từ khu vực Tây Phi hay thành lập các phòng điều trị đặc biệt về Ebola. Đó là chưa kể đến số tiền khổng lồ bỏ ra cho công việc nghiên cứu các loại thuốc, vaccine phòng bệnh, mua trang thiết bị y tế, trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế và tổ chức đào tạo cho các nhân viên y tế thuộc các quốc gia nghèo và các quốc gia đang phát triển.
Chủ tịch WB Kim Jong Jim (phải) và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde (trái) Tại Hội nghị thường niên IMF & WB. |
Còn về tình trạng biến đổi khí hậu, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết, tác động tới điều kiện sản xuất ở các quốc gia cũng không nhỏ. Đó còn chưa kể những ảnh hưởng đến cuộc sống, điều kiện sinh trưởng của con người và các loài động, thực vật, làm xáo trộn môi trường sống… Chính vì lẽ đó, cả hai thể chế tài chính và kinh tế này đã hạ mức dự báo tăng trường kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 3,3% so với dự báo 3,4% đưa ra cách đây 3 tháng. Đến năm 2015, nếu có nhiều thay đổi quyết liệt, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể sẽ mạnh lên ở mức 3,8%. Với mức dự báo này, theo bà Christine Lagarde, triển vọng tăng trưởng kinh tế ở các nước là bấp bênh, không đồng đều, rủi ro tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và bất bình đẳng gia tăng.
Cần cải cách nghiêm túc hơn
Để giải quyết những thách thức và khó khăn hiện nay, theo các chuyên gia của IMF và WB, các chính phủ cần phải đẩy mạnh cải cách và cải cách nghiêm túc hơn nữa và chi thêm nhiều ngân sách theo hướng tạo công ăn việc làm và đầu tư các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Về việc này, WB đã phát động sáng kiến hợp tác toàn cầu (GIF) với mục tiêu kết nối các tổ chức đầu tư tư nhân với nhu cầu nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Việc thắt chặt chi tiêu trong cuộc khủng hoảng tài chính- kinh tế vừa qua của các nước châu Âu đã được thực hiện một cách có hiệu quả, nhưng theo IMF, đến nay, các nước cần phải thay đổi lại mô hình của thị trường lao động, hệ thống an sinh xã hội. Nếu cứ tiếp tục thắt chặt chi tiêu và không đầu tư cho phát triển hạ tầng thì là một phương pháp sai lầm, gây hậu quả lớn…
Nguồn tin từ hãng BBC cho hay, sau 3 ngày làm việc, ngày 12/10, hội nghị cũng đã ra được thông cáo chung cam kết của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu về các nỗ lực phối hợp nhằm đối phó với các rủi ro như dịch bệnh Ebola, chống biến đổi khí hậu và đầu tư cho hạ tầng. Riêng đối với nỗ lực chống biến đối khí hậu, WB đã nhận được sự ủng hộ của 74 chính phủ, chiếm 54% lượng khí thải thế giới, đối với việc thực thi cơ chế mua bán khí phát thải
.