Tin tức sự kiện

Đòn trả đũa trừng phạt giữa Nga – Mỹ và EU

15:35, 13/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Từ ngày 13/9, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ “tăng cường và mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga. Và để đáp lại động thái này, Bộ Kinh tế Nga cũng đã soạn thảo một danh sách các mặt hàng châu Âu để cấm nhập khẩu. Một “cuộc chiến hòa bình về kinh tế” đã thực sự bắt đầu với lý do chính vẫn là vì bất đồng quan điểm trong vấn đề Ukraine.
 
“Ăn miếng trả miếng”
 
Theo tin từ hãng BBC, hôm 11/9, EU đã công bố quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga bất chấp việc  những đòn đánh đó gây hậu quả xấu đối với chính họ. Cụ thể, gói trừng phạt mới bao gồm cắt giảm cung cấp các khoản vay và tín dụng cho các thực thể Nga từ thời hạn hơn 90 ngày xuống còn hơn 30 ngày; hạn chế khả năng tiếp cận thị trường tài chính. Việc này sẽ được áp dụng đối với 6 doanh nghiệp Nga trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc ngành quốc phòng và 3 doanh nghiệp thuộc ngành năng lượng là các công ty Rosneft, Transneft và Gazprom Neft, chi nhánh dầu mỏ của Tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom.
 
Về cá nhân, EU quyết định bổ sung 24 nhân vật, trong đó có các nhà lãnh đạo mới ở khu vực Donbass (miền Đông Ukraine), các thành viên chính quyền Crimea, các nhà hoạch định chính sách và giới tài phiệt Nga vào danh sách trừng phạt, tổng số đối tượng bị EU trừng phạt lên 119 người. Tờ Guardian của Anh cho biết, các biện pháp này được Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đưa ra với lý giải rằng có thể dỡ bỏ trong vài tuần nếu lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine tiếp tục được duy trì.
 
Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố rằng Washington tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng của Nga. Trước mắt, Mỹ sẽ áp đặt trừng phạt ngân hàng Nga Sberbank và thắt chặt lệnh hạn chế sáu ngân hàng bị trừng phạt trước đó là VTB Bank, Gazprombank, Bank of Moscow, VEB và Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Russian Agriculture Bank).
Việc Nga từ chối mua các loại trái cây và rau quả sẽ khiến EU thiệt hại khoảng 6,7 tỷ euro. Ảnh: Valley News
Việc Nga từ chối mua các loại trái cây và rau quả sẽ khiến EU thiệt hại khoảng 6,7 tỷ euro. Ảnh: Valley News
Tờ Business Times dẫn lời một nhà kinh tế học cho biết, cấp độ trừng phạt lần này của Mỹ và EU là đánh thẳng vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Nga nhằm gây sức ép buộc Moskva phải có những bước đi góp phần làm giảm căng thẳng tại Ukraine. Thế nhưng, động thái này lại chỉ khiến Nga thêm tức giận. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ lấy làm tiếc về việc các đối tác châu Âu làm dứt đoạn quan hệ hữu nghị và nhấn mạnh, thế giới hiện đã không còn là đơn cực nữa. Ông Sergei Lavrov cho biết, Nga không sợ những đòn trừng phạt mới và sẵn sàng đáp trả một cách tương xứng. Hôm 11/9, sau khi ra sắc lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ Mỹ, EU, Na Uy, Australia và Canada, Moskva đã “tung ra đòn trả đũa thứ hai” với lệnh hạn chế nhập khẩu ôtô, đặc biệt là ôtô đã qua sử dụng và một số mặt hàng khác.
 
Những hệ lụy cho cả đôi bên
 
Trong khi các chính trị gia Mỹ, EU, Nga còn đang say sưa với những biện pháp trừng phạt nhằm thể hiện quan điểm và lập luận của mình thì trên thị trường tài chính kế toán, những biến động đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên là việc đồng rúp của Nga tạo đáy mới, trượt giá xuống còn 37,57 USD. Chỉ số Micex của thị trường chứng khoán Moskva giảm 1,3%, mạnh nhất từ ngày 29/8. Trái phiếu Nga kỳ hạn 10 năm phát hành bằng đồng rúp giảm giá ngày thứ tư liên tục… Tiếp đó là những lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ khi mùa đông đang đến gần, nếu Nga sử dụng quân bài chiến lược khí đốt. Bởi lẽ, nhiều nước thuộc EU hiện đang nhập khẩu hơn 1/3 lượng khí đốt của Nga và một nửa trong số này trung chuyển qua Ukraine.
 
Con số thống kê của các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Hà Lan (ING) thì cho hay, việc Nga từ chối mua các loại trái cây và rau quả ở châu Âu sẽ khiến EU thiệt hại khoảng 6,7 tỷ euro và ngoài ra còn làm tăng đội ngũ người thất nghiệp ở EU thêm 130.000 người. Đức sẽ chịu thiệt hại lớn nhất về tiền tệ với mức là 1,3 tỷ euro, còn Ba Lan thì ảnh hưởng bởi việc mất khoảng 23.000 việc làm. Nga đương nhiên cũng chịu tác động không nhỏ với khả năng đáng lo ngại nhất chính là thiếu vốn huy động bên ngoài để phục vụ cho hoạt động của các công ty về năng lượng và giao dịch ngân hàng cũng bị giảm.

Nguồn: Cand.com.vn

Các tin khác