Tin tức sự kiện

Các phong trào ly khai có dấu hiệu 'tái phát'

15:39, 14/09/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Những diễn biến ở Scotland một lần nữa khơi lại phong trào ly khai tại một số nước.
 
Các phong trào đòi độc lập từ Catalonia tại Tây Ban Nha, Quebec ở Canada, Corsica ở Pháp, Kurdistan ở Iraq cũng như nhiều phong trào ly khai ở châu Âu khác đều đang bám sát mọi diễn biến từ Scotland.
 
Chuyên gia phân tích Naif Bezwan của Trường ĐH Mardin Artuklu (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận định cuộc trưng cầu của Scotland “sẽ tạo ra một tiền lệ cực kỳ quan trọng”.
 
Theo báo The New York Times, một Scotland độc lập có thể tạo ra đợt sóng lớn chưa từng thấy ở châu Âu. Đây là lần đầu tiên một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với việc một khu vực đòi ly khai để trở thành thành viên mới của EU.
 
Trong khi đó, những dòng người Catalan, Nam Tirolean, Corsican, Breton, Frisian… đang lũ lượt tới Scotland để chứng kiến tận mắt cuộc bầu cử “ngàn năm có một” như cách chính phủ Scotland - dưới sự lãnh đạo của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) - tự gọi. Thậm chí cả người Bavaria ở Đức, vốn tự xem mình là nền kinh tế lớn thứ 7 của châu Âu, cũng cử phái đoàn tới Scotland.
 
Hiệu ứng domino
 
Phong trào đòi ly khai ở Tây Ban Nha đã bùng phát trở lại ngay sau những diễn biến ở Scotland khi vùng này chuẩn bị trưng cầu dân ý độc lập vào ngày 18/9 tới. Lần đầu tiên, kết quả khảo sát quy mô lớn cho thấy số người ủng hộ Scotland tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh lên tới 51%
 
Reuters đưa tin, ngày 11/9, khoảng nửa triệu người đã xuống đường biểu tình ở Barcelona để ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Catalonia dự kiến vào ngày 9/11 tới.
 
Cuộc biểu tình diễn ra trong không khí ôn hòa trong trang phục trắng đỏ giống màu cờ. Cảnh sát Barcelona cho biết có đến 1,8 triệu người tham gia biểu tình, tuy nhiên các nhà chức trách ước tính chỉ khoảng nửa triệu người.
 
Giới chức khu vực không loại trừ khả năng cuộc bỏ phiếu sẽ không theo hình thức trưng cầu dân ý mà theo hình thức khảo sát toàn quốc bởi Tòa án hiến pháp tuyên bố trưng cầu dân ý là bất hợp pháp.
 
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và các thành viên khác trong chính phủ cũng tuyên bố sẽ không thừa nhận kết quả trưng cầu dân ý của Catalonia.
 
Theo báo New York Times, phong trào ly khai ở xứ Basque tại Tây Ban Nha cũng đã lên tiếng khẳng định ý nguyện muốn tiếp bước Scotland.
 
Theo AFP, mới đây Đảng Parti Quebecois (PQ) đại diện cho phong trào ly khai ở Quebec tuyên bố muốn tổ chức trưng cầu ý dân về việc tách Quebec ra khỏi Canada. Báo Globe & Mail cũng cảnh báo cuộc trưng cầu ý dân của Scotland có thể trở thành một mô hình đối với Quebec và Canada.
 
Tại vùng Veneto của Ý, cư dân còn tổ chức cả một cuộc trưng cầu dân ý trực tuyến theo kiểu của người Scotland và kết quả cho thấy cứ 10 người thì có 9 người muốn độc lập. Nhà nước được đề xuất thành lập bao gồm khu vực Veneto và sau đó có thể lan rộng ra các phần khác như Lombardy, Trentino và Friuli-Venezia Giulia. Tổng số dân cả vùng lên tới 5 triệu người. Cuộc bỏ phiếu này không được chính phủ Rome công nhận. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd cũng tuyên bố muốn độc lập.
 
Trước đó, thế giới đã chứng kiến sự ly khai của bán đảo Crime khỏi Ukraine và sáp nhập vào Liên bang Nga cũng như một số tỉnh miền Đông của Ukraine muốn ly khai, thành lập nhà nước riêng.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác