Tin tức sự kiện
Tháo gỡ nhanh vướng mắc trong sản xuất vắc xin
16:05, 13/09/2014 (GMT+7)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ ngành tháo gỡ nhanh những vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các đơn vị sản xuất vắc xin, đồng thời từng đơn vị sản xuất vắc xin phải mạnh dạn thay đổi tư duy, chủ động tìm nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường và xuất khẩu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành Đề án tái cơ cấu các đơn vị sản xuất vắc xin. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Sáng 12/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, các Bộ ngành liên quan về tình hình sản xuất và quản lý vắc xin trong nước.
Hiện Việt Nam có 4 cơ sở sản xuất vắc xin, cung ứng được 10/12 loại vắc xin sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) như: Viêm gan B, viêm gan A, viêm não Nhật Bản, vắc xin tả uống, sởi, bại liệt uống, bạch hầu-uốn ván-ho gà,…
Vắc xin của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao về chất lượng, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất vắc xin đang rất khó khăn khi phần lớn sản phẩm là vắc xin đơn giá (phòng 1 bệnh), chưa thể làm vắc xin phối hợp “4 trong 1” hay “5 trong 1”, vốn là loại được tổ chức quốc tế tài trợ cho Chương trình TCMR.
Dây chuyền sản xuất nhiều loại vắc xin đơn giá của Việt Nam đang khai thác ở mức 5-50% công suất thiết kế do đặt hàng từ Chương trình TCMR giảm mạnh, chỉ có ít dây chuyền đạt công suất trên 95% (như: Viêm não Nhật Bản, viêm gan B r-Hbvac). Chưa kể, giá vắc xin trong nước thấp hơn nhiều lần so với vắc xin nhập khẩu để tài trợ cho Chương trình TCMR và sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ.
Giá bán thấp, thị trường sụt giảm khiến nhiều đơn vị sản xuất vắc xin trong nước không đủ nguồn lực đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất; nghiên cứu các sản phẩm mới; đào tạo, phát triển nhân lực…
Trong cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho vắc xin nội về thị trường tiêu thụ và điều chỉnh nguyên tắc tính giá vắc xin hợp lý hơn.
Đại diện các đơn vị sản xuất vắc xin khẳng định nếu đảm bảo được thị trường, được tăng giá bán vắc xin thì có thể chủ động vay vốn đầu tư, với lãi suất ưu đãi, để nâng cấp dây chuyền, mở rộng sản xuất, nghiên cứu sản phẩm mới…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng cần đánh giá toàn bộ các đơn vị sản xuất vắc xin về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, năng lực chuyên môn, nhu cầu thực tế… để có kế hoạch đầu tư, lộ trình phát triển tổng thể, bền vững.
“Với việc hoàn thiện đầy đủ 6 chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước về vắc xin và sinh phẩm (NRA), các cơ sở sản xuất vắc xin của Việt Nam cũng phải nâng cấp theo các tiêu chuẩn mới để có thể lưu hành sản phẩm tại Việt Nam, được sử dụng trong Chương trình TCMR hay xuất khẩu”, ông Long nói.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ ngành tháo gỡ nhanh những vướng mắc về cơ chế, chính sách cho các đơn vị sản xuất vắc xin, đồng thời từng đơn vị sản xuất vắc xin phải mạnh dạn thay đổi tư duy, chủ động tìm nguồn vốn đầu tư, nghiên cứu sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu thị trường và xuất khẩu.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ KHCN tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất vắc xin trong nước được vay vốn ưu đãi với sự bảo lãnh của Chính phủ để đầu tư nâng cấp và đầu tư mới một số hạng mục của các cơ sở sản xuất vắc xin; khẩn trương phân bổ vốn cho các dự án nghiên cứu vắc xin thuộc chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.
Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành đề án tái cơ cấu các đơn vị sản xuất vắc xin; nghiên cứu việc xây dựng cơ sở nghiên cứu, sản xuất vắc xin đồng bộ, hiện đại ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc…
Nguồn: Chinhphu.vn