Sáng 12/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị “Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam". Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị |
Thưa các bạn và các vị khách quý,
Hôm nay, tôi rất vui mừng tham dự Hội nghị về “Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam”. Đây là một chủ đề rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực. Đối ngoại đa phương ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống chính trị - kinh tế - đối ngoại của thế giới và cũng là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng Quý vị đại biểu trong nước và quốc tế. Tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự tham dự của các diễn giả quốc tế. Sự chia sẻ của Quý vị và các bạn về kinh nghiệm đối ngoại đa phương sẽ rất có ích cho việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới để Việt Nam chúng tôi có thể đóng góp tích cực và hiệu quả hơn cho cộng đồng quốc tế.
Thưa Quý vị và các bạn
Đối ngoại Việt Nam, trong đó có đối ngoại đa phương, đã có những đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đối ngoại đã mang lại những thành công vang dội trên mặt trận đa phương, với những dấu ấn lịch sử của các Hội nghị Geneva 1954, Hội nghị Paris 1973, góp phần kiến tạo hòa bình, giành và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, đối ngoại đa phương đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam ra khỏi thế bị bao vây cấm vận, từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế, thúc đẩy các mục tiêu phát triển, bảo vệ và duy trì môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam ngày nay là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quan trọng ở khu vực và thế giới như Liên Hợp Quốc, WTO, ASEAN, APEC, ASEM… Chúng ta thật sự tự hào trước những bước trưởng thành của đất nước trong các hoạt động đối ngoại đa phương. Nổi bật là việc nước ta đã đảm nhận thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khóa 2008-2009 và vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010. Chúng ta cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện đa phương lớn mang tầm vóc quốc tế, giành được sự tín nhiệm, ủng hộ của bạn bè trên thế giới, vị thế đất nước không ngừng được nâng cao.
Trong quá trình tham gia và hội nhập vào đời sống quốc tế, Việt Nam luôn nhận thức rõ vai trò quan trọng của các thể chế, các diễn đàn đa phương đối với các vấn đề an ninh và phát triển của khu vực và thế giới.
Bước sang thế kỷ 21, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến những chuyển dịch mạnh mẽ trong nền tảng kinh tế thế giới cũng như trong tương quan lực lượng quốc tế. Và quá trình toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đa phương và liên kết ở các cấp độ - cả khu vực, liên khu vực và quốc tế.
Trong môi trường an ninh và phát triển đang chuyển biến rất nhanh và sâu sắc, tất cả các nước lớn nhỏ đều đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác, liên kết để cùng giải quyết các vấn đề chung cấp bách. Các thách thức toàn cầu ngày càng nhiều và phức tạp, nằm ngoài khả năng giải quyết của từng quốc gia và từng khu vực. Đó là việc bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết xung đột, đến các vấn đề liên quan tới liên kết kinh tế, tài chính, tự do hóa thương mại, đầu tư… cũng như việc hợp sức ứng phó với khủng hoảng và các thách thức an ninh phi truyền thống.
Thế giới đang hướng đến cục diện “đa cực” cùng với xu thế dân chủ hóa phát triển mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Tất cả các quốc gia đều rất coi trọng các thể chế, các phương thức giải quyết đa phương nhằm phục hồi kinh tế, mở rộng không gian phát triển, tạo thêm thế và lực trong cục diện mới. Trong đó, châu Á-Thái Bình Dương đang đi đầu về xu hướng liên kết đa tầng nấc và đã trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị năng động.
Ngày nay, từ cấp độ tiểu vùng, khu vực đến liên khu vực, toàn cầu và trong mọi lĩnh vực, chúng ta đều cảm nhận được về tầm quan trọng và sự tác động của các thể chế hợp tác đa phương.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư duy đối ngoại. Chúng ta chủ trương “triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại” trên tất cả các kênh song phương và đa phương, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao Nhà nước - đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân. Đại hội XI của Đảng cũng đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, theo đó hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và xu thế chung của thế giới, chúng ta cần xác định đối ngoại đa phương là bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đối ngoại đa phương là phương tiện hữu hiệu để chúng ta triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế. Các thể chế, các diễn đàn đa phương là nơi Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển; nâng cao vị thế của đất nước và hài hòa với các lợi ích chung; cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Đồng thời, đây cũng là nơi chúng ta thể hiện tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt trong tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết. Chính sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của các bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu,
Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội nghị toàn quốc để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta bàn về chủ đề này với sự tham gia, đóng góp của nhiều diễn giả là chính khách hàng đầu của thế giới và Việt Nam - những người dày dạn kinh nghiệm về đối ngoại và đặc biệt là đối ngoại đa phương.
Tôi đề nghị Hội nghị cùng các diễn giả, đại diện các tổ chức quốc tế thảo luận để giúp tìm ra các biện pháp hữu hiệu đẩy mạnh đối ngoại đa phương, phục vụ hiệu quả cho bảo đảm môi trường hòa bình và phát triển của Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới.
Thứ nhất, cần đề xuất những định hướng cả trước mắt và dài hạn cho đối ngoại đa phương của Việt Nam trong thời kỳ mới. Hội nghị cần làm rõ những yêu cầu, nhiệm vụ mới của đối ngoại đa phương, những thuận lợi và thách thức trong triển khai thực hiện. Sau gần 30 năm đổi mới, chúng ta có thuận lợi lớn là thế và lực của đất nước đã tăng lên rất nhiều. Việt Nam ngày nay là thành viên tích cực của ASEAN và hầu hết các tổ chức khu vực, quốc tế quan trọng, có quan hệ ngoại giao với 184 quốc gia và tạo dựng khuôn khổ quan hệ ổn định, sâu sắc với các đối tác hàng đầu. Mặt khác, chúng ta cũng đứng trước những thách thức to lớn từ sự thay đổi sâu sắc của cục diện đa phương và môi trường chiến lược ở khu vực và thế giới.
Thứ hai, cần phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành trong hoạt động đối ngoại nói chung và trong triển khai đối ngoại đa phương. Đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Tôi mong rằng Hội nghị sẽ thảo luận kỹ về phương thức xử lý hài hòa các mối quan hệ quan trọng, như mối quan hệ giữa lợi ích, quan tâm của Việt Nam với lợi ích, quan tâm chung của khu vực và thế giới; giữa lợi ích song phương với lợi ích đa phương; giữa lợi ích tổng thể với lợi ích của mỗi ngành… Chúng ta cần coi trọng việc đóng góp thiết thực vào xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015 và Chương trình nghị sự phát triển sau 2015 của Liên Hợp Quốc.
Thứ ba, cần làm rõ những biện pháp để tăng cường thống nhất nhận thức và đồng thuận giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương trong hội nhập quốc tế toàn diện phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ tư, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế cần bàn sâu các biện pháp cụ thể nhằm xây dựng, kiện toàn các cơ chế phối hợp liên ngành và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngoại giao đa phương, phù hợp với chuyển biến của tình hình và đáp ứng nhu cầu mới của đất nước. Đồng thời, cần có biện pháp khuyến khích, tăng cường sự tham gia, đóng góp nhiều hơn của các cơ quan nghiên cứu, các địa phương, doanh nghiệp trong nỗ lực chung này. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công trong triển khai thực hiện chính sách.
Các bài học, kinh nghiệm, đề xuất và khuyến nghị tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam. Giai đoạn 10-20 năm tới rất then chốt đối với nước ta khi chúng ta nỗ lực hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tham gia các liên kết kinh tế sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời hoàn tất nhiều cam kết quốc tế lớn có thời hạn vào năm 2015-2020. Đây là yêu cầu và nhiệm vụ rất mới của đối ngoại nước ta.
Đối ngoại đa phương đã tỏ rõ tầm quan trọng và sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần tạo thêm thế và tăng thêm lực cho đất nước trong cục diện mới đang định hình.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của Liên Hợp Quốc, WTO, ASEAN, các tổ chức quốc tế, khu vực, các học giả, các nhà nghiên cứu và những người bạn thân thiết của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới cũng như trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại đa phương của đất nước chúng tôi.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp
Chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc.
.