Nga và các nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải “dẫn dòng” lại luồng hàng xuất – nhập của mình sau khi hai bên cùng ra lệnh cấm vận lẫn nhau.
Lệnh cấm của Nga đối với các sản phẩm nhập khẩu nông nghiệp và lương thực có thể khiến EU thiệt hại 16 tỷ USD và khiến châu lục rơi vào khủng hoảng.
Thị trường nào cho EU?
Thương mại EU phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu thực phẩm sang Nga. Năm ngoái, Nga đã mua thực phẩm trị giá 16 tỷ USD từ EU, tương tương 10% tổng xuất khẩu của khối.
Biện pháp trả đũa của Nga đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể đẩy EU vào một cuộc khủng hoảng thị trường, Liên đoàn quốc gia các nghiệp đoàn khai thác nông nghiệp Pháp (FNSEA), hiệp hội nông nghiệp lớn nhất của Pháp, nhận định.
Trước những khó khăn vừa nêu, các nước bị cấm xuất khẩu thực phẩm sang Nga bao gồm EU, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy sẽ buộc phải định hướng lại sản xuất để xuất khẩu sang các nước châu Á, khu vực Mỹ Latinh và các nước vùng Caribe.
Thậm chí, các nhà xuất khẩu của Cộng hòa Séc cho biết họ đang tìm kiếm những hướng đi mới cho xuất khẩu sản phẩm, trong đó kêu gọi khôi phục quan hệ thương mại với Iran, vốn là một bạn hàng lớn, song thị trường này đã bị đóng cửa hàng chục năm nay đối với Séc do những nguyên nhân chính trị.
Trước những khó khăn trước mắt, Phòng Kinh tế Cộng hòa Séc hiện đang chuẩn bị thực hiện sứ mệnh hợp tác đầu tiên mang tính lịch sử với Iran. Dự kiến, chuyến khảo sát thị trường Iran sẽ được thực hiện vào tháng 9/2014.
Nga tìm thị trường mới ở đâu?
Sau khi Mỹ và EU đồng loạt áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, theo hãng tin Nga ITAR-TASS, ngày 6/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh "Về áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt riêng rẽ nhằm bảo đảm an ninh Liên bang Nga."
Sắc lệnh yêu cầu các cơ quan chính quyền trung ương thực thi những biện pháp liên quan, theo đó trong thời gian 1 năm kể từ ngày sắc lệnh trên có hiệu lực, phải cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia đã áp đặt trừng phạt kinh tế chống lại các cá nhân và thể nhân của Nga, hoặc những quốc gia đã ủng hộ quyết định trừng phạt này.
Hãng phân tích thị trường Euromonitor cho biết, lệnh cấm của Moscow chỉ áp dụng đối với các sản phẩm mà Nga có thể sản xuất trong nước hoặc ít phụ thuộc hơn cả, cụ thể nhập khẩu các nhóm hàng bị áp lệnh cấm chỉ bằng 10% sản lượng các nhóm hàng đó tại Nga.
Theo thống kê của Ủy ban châu Âu, EU xuất sang Nga khoảng 30% trái cây và hơn 20% các sản phẩm rau tươi. Tổng cộng hàng năm Nga nhập khẩu một khối lượng thực phẩm và nông sản chừng 30 tỷ USD từ nước ngoài, trong đó chỉ 2% là từ Mỹ.
Các doanh nghiệp bán lẻ của Nga đã đàm phán với Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile, Trung Quốc và các nước châu Á khác về việc cung cấp hàng hóa thay thế cho các mặt hàng nhập khẩu, như thịt bò, trái cây và rau quả từ châu Âu và Mỹ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Belarus Leonid Marinich cho rằng đối với Belarus thì thị trường Nga bây giờ thực sự là một "mỏ vàng".
Đất nước hàng xóm này của Nga đã sẵn sàng cung cấp hầu hết các mặt hàng thực phẩm cho Nga thay thế cho các mặt hàng trước đây từng nhập khẩu từ Ba Lan và các nước Baltic.
Tương tự như vậy, các nước khác như Kazakhstan, Uzbekistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập đều sẵn sàng trở thành các đối tác cung cấp hàng hóa mới cho Nga.
Việc tìm kiếm thị trường mới của Nga cũng là một cơ hội tốt cho các quốc gia khác như khu vực Đông Nam Á khi Nga đang tìm kiếm những cơ hội gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực này. Việc EU áp đặt các lệnh trừng phạt và đòn đáp trả của Nga hoàn toàn có thể mở ra cơ hội hợp tác của các thị trường này với các thị trường mới mà chưa khai thác hết tiềm năng.
.