Nếu được Quốc hội thông qua, năm 2015 Luật Căn cước công dân sẽ có hiệu lực. Khi đó, công dân sẽ được cấp thẻ căn cước. Tấm thẻ này không chỉ giúp công dân tiện ích trong việc khẳng định quyền công dân, trong giao dịch mà còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi khi thực hiện chức năng của mình. Dự kiến đến năm 2020 mọi công dân trên lãnh thổ Việt Nam sẽ được cấp thẻ căn cước.
Trong khi Luật Căn cước chưa có hiệu lực, đề án về Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia chưa được phê duyệt nhưng tại Hà Nội, việc cấp chứng minh nhân dân (CMND) 12 số đang thực hiện. Liệu có sự lãng phí hay chồng chéo trong việc làm này? Có người lo ngại đặt câu hỏi, liệu chúng ta có đang tự đẩy mình vào thực trạng: Làm đường – Đào đường làm hạ tầng ngầm – Làm đường… đang diễn ra ở một số đô thị hay không?
Để có câu trả lời, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an. Đại tá Dung cho biết, năm 2013, ở Hà Nội thực hiện thí điểm cấp CMND 12 số tại 3 quận nội thành. Sau một năm vận hành cách làm mới cả về hình thức lẫn nội dung, đến nay việc cấp CMND 12 số đã được thực hiện ở tất cả các quận, huyện của Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã cấp được trên 100.000 CMND 12 số.
Vấn đề đặt ra là, theo thông tin mà cơ quan quản lý Nhà nước về dân cư thì số CMND 12 số cũng chính là mã số định danh cá nhân. Như vậy, cùng với việc Hà Nội cấp được 100.000 CMND mới, cũng đồng nghĩa với việc đã cấp mã số định danh cá nhân cho ngần ấy công dân. Về việc này, Đại tá Dung khẳng định là đúng.
Tại cuộc họp báo đầu tháng 4 của Bộ Tư pháp, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, thành viên ban soạn thảo đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng khẳng định, CMND 12 số và mã số định danh cá nhân là một. Cũng theo ông Phan, những công dân sinh từ ngày 1/1/2016, cán bộ Tư pháp cấp Giấy khai sinh và đồng thời cập nhật thông tin này lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp luôn mã số định danh cá nhân. Còn những người sinh trước năm 2016, việc cấp mã số định danh cá nhân thông qua việc cấp CMND.
Theo chúng tôi được biết, khi Luật Căn cước có hiệu lực, các tỉnh thành trên toàn quốc sẽ đồng loạt triển khai cấp CMND 12 số. Vấn đề đặt ra là giữa CMND, mã số định danh cá nhân, thẻ căn cước có sự liên hệ nào không. Đại tá Dung khẳng định, đây là “3 trong 1”. Từ ngày 1/1/2016, công dân mới sinh được khai sinh tại cấp xã/phường. Cán bộ tư pháp nhập dữ liệu dân cư và số định danh cá nhân sẽ “ra đời” trên hệ thống. Số định danh cá nhân lưu trên cơ sở dữ liệu dân cư nên khi làm thẻ căn cước sẽ in ra. Tuy nhiên, với những công dân dưới 14 tuổi, khi làm thẻ căn cước sẽ không có đặc điểm nhận dạng. Khi đủ 14 tuổi, công dân đến cơ quan Công an bổ sung nhận dạng, ảnh.
Thẻ căn cước sẽ thay thế CMND, bởi nó là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu công dân. Dự kiến, thẻ căn cước sẽ có những thông tin, như: Họ tên khai sinh; ngày tháng năm sinh; giới tính; quê quán; nơi thường trú; đặc điểm nhận dạng (với công dân trên 14 tuổi). Theo dự thảo Luật Căn cước, thẻ căn cước sẽ thay thế CMND, được cấp cho công dân ngay từ khi mới sinh ra cùng với số định danh cá nhân.
Thẻ này sẽ “đi” theo công dân đến hết cuộc đời. Nói về việc có hay không việc cá nhân tự chọn cho mình mã số định danh cá nhân theo kiểu “chơi số đẹp”, Đại tá Dung cho biết, việc này không thể thực hiện được. Việc cấp mã số định danh cá nhân dựa trên thuật toán. Nghĩa là, con số này ra đời trên cơ sở dữ liệu công dân như: ngày tháng năm sinh, quê quán, giới tính… Và theo tính toán, kho số này có thể sử dụng trong vòng 500 năm mà không bị lặp lại.
Tính bảo mật của thẻ căn cước công dân, sự tiện ích trong sử dụng của công dân đã được tính đến. Người ta kỳ vọng, khi thẻ căn cước ra đời, các ngành như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, ngân hàng… sẽ thuận lợi hơn trong việc quản lý, vận hành. Bởi, chỉ cần một cái nhấp chuột, những thông tin cá nhân sẽ được cập nhật đầy đủ. Còn công dân khi đó, thay vì phải mang bên mình đủ các loại giấy tờ như: giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm, bằng lái xe…, chỉ cần một cái thẻ căn cước với một con số “đi” theo suốt cuộc đời. Nhiều người dân tin tưởng, khi Luật Căn cước có hiệu lực, sẽ có một cuộc “cách mạng” về giấy tờ công dân cũng như việc quản lý dân cư.