Tin tức sự kiện
Triển khai Hiến pháp 2013: Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, vào tháng 7/2014 tới đây, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ được Chính phủ xem xét, thông qua, trình Quốc hội. Trong tháng 3/2014, Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc họp để nghe Bộ Nội vụ, cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo, trên cơ sở đó cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của dự án Luật quan trọng này.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2014. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Nhân tố quan trọng nhất trong đổi mới cơ chế thực thi quyền lực của Chính phủ của Hiến pháp năm 1992 là hình thành và hoạt động của thiết chế Thủ tướng Chính phủ với những nhiệm vụ, quyền hạn riêng, độc lập với Tập thể Chính phủ; làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Kế thừa quy định Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định mạnh mẽ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, đồng thời là một thiết chế độc lập và đứng đầu hệ thống hành chính Nhà nước.
Theo đó, Hiến pháp quy định toàn diện hơn về chế độ trách nhiệm của Thủ tướng: Chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Đồng thời, nhấn mạnh chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, trước nhân dân về hoạt động của Chính phủ, về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính quốc gia.
Để khắc phục được tình trạng bộ máy trì trệ, nặng nề, cục bộ, cát cứ; kỷ luật, kỷ cương hành chính lỏng lẻo hiện nay, một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng là cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới, bảo đảm quyền lực của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là một thiết chế độc lập trong cơ chế quản lý, điều hành của Chính phủ, tập trung thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước vào Thủ tướng Chính phủ.
Sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ cần tiếp tục khẳng định mạnh mẽ, quy định rõ hơn vị trí, thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là một thiết chế độc lập có chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ riêng, là người đứng đầu hệ thống hành chính, làm việc theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội.
Đồng thời, cần phân biệt và quy định rõ trong Luật 2 loại công việc của Thủ tướng: Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập, quyết định nội dung và chủ tọa các phiên họp Chính phủ; và với tư cách là một thiết chế độc lập, có thẩm quyền và trách nhiệm lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Văn phòng Chính phủ là nhân tố quan trọng trong cơ chế thực hiện quyền lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các chức năng, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được vận hành chủ yếu là thông qua hoạt động của Văn phòng Chính phủ với tư cách là bộ máy làm việc, giúp việc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Do vậy, các quy định về Văn phòng Chính phủ trong Luật Tổ chức Chính phủ cần được bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Văn phòng Chính phủ, để Văn phòng Chính phủ thực sự trở thành bộ máy làm việc của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tốt chức năng tham mưu, hỗ trợ cho Thủ tướng trong xử lý các công việc, cả ở tầm chính sách chiến lược vĩ mô và hành chính.
Tham mưu chính sách luôn gắn liền với điều phối chính sách, do vậy cần tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ trong việc giúp Thủ tướng Chính phủ điều hoà, phối hợp hoạt động của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành vĩ mô, bảo đảm sự lãnh đạo, điều hành thống nhất, thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả của Thủ tướng Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia.
Chinhphu