Tin tức sự kiện

31633

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần

07:36, 27/10/2013 (GMT+7)

6 đối tượng được trợ cấp xã hội hằng tháng

Theo Nghị định quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có 6 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng với mức thấp nhất bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng từ 1,0 đến 3,0 tùy theo đối tượng. Trong đó, mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội là 270.000 đồng.
 
Nhận trợ cấp hàng tháng - Ảnh: Minh họa

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chế độ trợ giúp xã hội đột xuất với đối tượng bảo trợ xã hội. Cụ thể, hỗ trợ 15 kg gạo/người đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong dịp Tết Âm lịch.

Hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian không quá 3 tháng cho mỗi đợt trợ giúp đối với tất cả thành viên hộ gia đình thiếu đói trong và sau thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa, giáp hạt hoặc lý do bất khả kháng khác.

Hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh

Theo Quyết định về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này là trẻ em có Thẻ bảo hiểm y tế: Thuộc hộ gia đình nghèo; thuộc hộ gia đình cận nghèo; thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật.

Trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh sẽ được hỗ trợ chi phí khám bệnh có liên quan đến phẫu thuật tim, chi phí phẫu thuật tim. Cụ thể, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, phẫu thuật tim theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; ngân sách địa phương thanh toán phần chi phí mà Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán.

Ngoài ra, trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim. Cụ thể, ngân sách địa phương hỗ trợ tiền ăn với mức 50.000 đồng/trẻ em/ngày, trong thời gian không quá 15 ngày; ngân sách địa phương hỗ trợ tiền đi lại theo giá phương tiện công cộng thông thường.

Dạy thêm khi chưa được cấp phép bị phạt đến 12 triệu đồng

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Chính phủ ban hành, vi phạm quy định về dạy thêm sẽ bị phạt đến 12 triệu đồng.

Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định. Đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng.

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép. Đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 6-12 triệu đồng.

Điều kiện ký hợp đồng mua bán điện sinh hoạt

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, trong đó quy định cụ thể điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt.

Cụ thể, bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 1 năm trở lên; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực.

Bên bán điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của bên mua điện.

Bên bán điện phải ký hợp đồng và cấp điện cho bên mua điện trong thời hạn 7 ngày làm việc khi có đủ các điều kiện quy định trên.

Trường hợp chưa có lưới điện phân phối hoặc lưới điện phân phối bị quá tải có xác nhận của cơ quan Điều tiết điện lực hoặc cơ quan được ủy quyền, bên bán điện phải trả lời cho bên mua điện trong thời hạn 5 ngày làm việc trong đó nêu rõ thời hạn dự kiến cấp điện được.

Khai sai thuế bị phạt 20% số tiền thuế khai thiếu

Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, người nộp thuế là tổ chức, cá nhân khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì bị phạt 20% số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm cao hơn so với quy định.

Phạt hành vi sử dụng phương tiện thi công làm hư hỏng, gây sự cố lưới điện

Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thiết kế, lắp đặt và đưa vào vận hành lưới điện, nhà máy điện không đáp ứng được các quy định về kỹ thuật, an toàn điện; không kiểm tra, thí nghiệm hệ thống chống sét, nối đất của nhà máy điện, trạm điện; xếp, chứa các chất cháy, nổ, ăn mòn trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

Đối với một trong các hành vi sau: Đào đất làm lún, nghiêng, đổ cột của đường dây dẫn điện hoặc thiết bị của trạm điện, nhà máy điện; nổ mìn gây hư hỏng bất kỳ bộ phận nào của lưới điện, nhà máy điện; sử dụng phương tiện thi công gây chấn động làm hư hỏng, sự cố lưới điện, nhà máy điện thì sẽ bị phạt tiền từ 40-50 triệu đồng.

Nghị định quy định, các mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Xâm  phạm quyền sao chép tác phẩm bị phạt đến 35 triệu đồng

Theo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng.

Trong đó, đối với cá nhân có hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15-35 triệu đồng.

Ngoài ra, hành vi nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định sẽ bị phạt nặng với mức phạt từ 200-250 triệu đồng.

Không được để người dân bị đói vì bão

Bão số 11 là cơn bão rất mạnh gây thiệt hại lớn về tài sản, nhà cửa nhân dân các tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và ảnh hưởng lớn đến tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi.
 
Cung cấp lương thực kịp thời cho đồng bào - Ảnh: Minh họa
Để kịp khắc phục hậu quả bão lũ và giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước mắt các địa phương khẩn trương hỗ trợ lương thực, không được để người dân bị đói và sớm giải quyết tình trạng màn trời, chiếu đất của người dân; hỗ trợ thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Hỗ trợ thêm lãi suất mua tạm trữ thóc, gạo Hè Thu

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và địa phương liên quan khẩn trương đánh giá chính xác tình hình tiêu thụ thóc, gạo vụ Hè Thu năm 2013; tình hình sản xuất vụ Thu Đông năm 2013 và cân đối khả năng xuất khẩu gạo đến cuối năm; khó khăn của doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ thóc gạo vụ Hè Thu, trên cơ sở đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ thêm lãi suất mua tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu trước ngày 29/10/2013.

Kiểm tra việc đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G

Vừa qua, dư luận báo chí có nhiều bài phản ánh việc ba công ty viễn thông di động: VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G vào ngày 16/10/2013 lên cùng một mức cước, có dấu hiệu "bắt tay nhau", lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường vi phạm pháp luật về cạnh tranh, việc tăng giá cước là không có cơ sở, bất hợp lý.

 

Kiểm tra cước dịch vụ dịch vụ 3G

Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc, nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.


TH

Các tin khác