Kiểm tra và tăng cường độ an toàn các cầu treo, cầu tạm; thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng; kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về bớt xén gạo cứu đói... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 24-28/2/2014.
Ảnh minh họa |
Kiểm tra và tăng cường độ an toàn các cầu treo, cầu tạm
Tại Công điện về việc sập cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo khẩn trương cứu chữa người bị thương, động viên, thăm hỏi gia đình có người chết và tiếp tục chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn.
Bên cạnh đó, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn sập cầu treo nêu trên; bắc cầu tạm để nhân dân đi lại, ổn định đời sống và trật tự xã hội khu vực xảy ra sự cố.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương trên cả nước kiểm tra và tăng cường độ an toàn của các cầu cáp treo, cầu tạm trên địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa tránh để xảy ra tai nạn tương tự.
Thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Chủ tịch Hội đồng.
Hội đồng có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra công tác quản lý chất lượng, chất lượng công trình, công tác nghiệm thu các công trình quan trọng quốc gia và một số công trình quan trọng khác khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu...
Theo Quyết định, Hội đồng có quyền yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu và các bên liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động của Hội đồng; tạm dừng thi công nếu phát hiện thấy các sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình hoặc an toàn trong thi công xây dựng công trình; yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu làm rõ và có biện pháp khắc phục sai phạm này.
Đồng thời, Hội đồng cũng được quyền không cho phép đưa công trình vào sử dụng nếu công trình không đảm bảo an toàn, không đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn và thiết kế được duyệt; chỉ định các chuyên gia, tổ chức tư vấn trong và ngoài nước có kinh nghiệm và năng lực phù hợp để kiểm tra chất lượng, thẩm tra các vấn đề kỹ thuật và kiểm định chất lượng công trình. Hội đồng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các kết luận và quyết định của Hội đồng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 74/TB-VPCP yêu cầu trong năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai phương án tổ chức các kỳ thi như đã nêu trong Báo cáo ngày 17/2/2014, bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, tiết kiệm, tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án tổ chức thi từ năm 2015, và công bố công khai vào đầu quý III năm 2014 theo hướng: Nội dung thi nhằm tạo động lực để học sinh học tập, phát triển toàn diện, đồng thời có tính hướng nghiệp, tạo thước đo khách quan, khoa học để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong việc tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục đại học và hướng tới có một kỳ thi quốc gia đáp ứng yêu cầu cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Trong bản báo cáo với Thủ tướng tại cuộc họp ngày 17/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo định hướng thi tốt nghiệp THPT 4 môn (hai môn bắt buộc Toán, Ngữ Văn và hai môn tự chọn); điều chỉnh đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn; tạm dừng chủ trương miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học sinh.
Chuẩn hóa giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh
Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giáo dục quốc phòng và an ninh đã được Chính phủ ban hành, trong đó quy định trình độ chuẩn giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh.
Cụ thể, giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh phải có một trong các trình độ chuẩn: 1- Có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh; 2- Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác và chứng chỉ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; 3- Có văn bằng 2 về chuyên ngành đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh.
Giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh phải có một trong các trình độ chuẩn: 1- Có bằng cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh trở lên; 2- Cán bộ quân đội, công an có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; 3- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành khác và chứng chỉ đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Quy định phạm vi hòa giải cơ sở
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
1- Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
2- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
3- Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
4- Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
5- Vi phạm pháp luật hình sự trong một số trường hợp.
6- Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính.
7- Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
Cũng theo Nghị định, không hòa giải các trường hợp sau đây: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp được hòa giải ở trên; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ một số trường hợp được hòa giải ở trên.
Ngoài ra, một số mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở bao gồm: Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành; hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
7 loại hình hoạt động thông tin khoa học và công nghệ
Theo Nghị định về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ, có 7 loại hình hoạt động thông tin khoa học và công nghệ gồm:
1- Thu thập, cập nhật và xử lý các dữ liệu, số liệu, dữ kiện, thông tin nhằm tạo lập và phát triển nguồn tin khoa học và công nghệ.
2- Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ cho dự báo, hoạch định chính sách, lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội khác.
3- Phát triển hạ tầng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu, các trang thông tin và cổng thông tin điện tử về khoa học và công nghệ; thiết lập, triển khai các mạng thông tin khoa học và công nghệ; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, phương tiện kỹ thuật tiên tiến trong hoạt động thông tin khoa học và công nghệ; xây dựng thư viện điện tử, thư viện số.
4- Tìm kiếm, tra cứu, chỉ dẫn, khai thác, sử dụng thông tin khoa học và công nghệ.
5- Cung cấp, trao đổi, chia sẻ các nguồn tin khoa học và công nghệ.
6- Phổ biến thông tin, tri thức khoa học và công nghệ.
7- Các hoạt động khác có liên quan.
Ban hành Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành
Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.
Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành nhằm đáp ứng yêu cầu biên soạn Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 2/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ); biên soạn Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 56/2010/QĐ-TTg ngày 14/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ) và Niên giám Thống kê.
Phạm vi thống kê gồm: Số liệu báo cáo tổng hợp trong hệ thống biểu mẫu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, ngành về lĩnh vực chuyên môn được giao.
Trong 281 biểu báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 31 biểu; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội 17 biểu; Bộ Tài chính 29 biểu; Ngân hàng Nhà nước 11 biểu; Bộ Kế hoạch và Đầu tư 19 biểu;...
Kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu về bớt xén gạo cứu đói
Báo Lao Động các ngày 12/2 và 20/2/2014 có bài "Đem gạo cứu đói chia cho người không nghèo"; "Cấp phát gạo cứu đói ở Vĩnh Linh, Gio Linh (Quảng Trị): Giả dối!", phản ánh thông tin tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị, chính quyền địa phương tự ý cấp phát gạo cứu đói không đúng đối tượng, có dấu hiệu bớt xén gạo cứu đói của Chính phủ hỗ trợ cho người nghèo.
Về việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo nêu trên, nếu đúng cần xử lý nghiêm các hành vi sai phạm. Đồng thời rà soát và báo cáo đầy đủ tình hình quản lý, cấp phát gạo cứu đói tại địa phương lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/3/2014.
.