Thể thao

Cầu thủ Việt Nam và cái giá 'triệu like'

09:32, 12/05/2020 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Nếu mỗi bài đăng trên Facebook của Quang Hải có giá hàng nghìn USD thì anh cũng phải đánh đổi vào đó nhiều giá trị khác.
 
Năm 2018, sau khi U23 Việt Nam giành được ngôi á quân tại giải U23 Châu Á tại Thường Châu, nhiều cầu thủ đã bước ra từ ánh hào quang. Nổi bật lên trong đó là Quang Hải và Bùi Tiến Dũng. Cột mốc ấy không chỉ mở ra chu kỳ thành công cho bóng đá Việt Nam mà còn làm thay đổi chính sự nghiệp của những cầu thủ này.
 
Cả hai cầu thủ này đều có lượt theo dõi tăng chóng mặt trên Facebook cá nhân. Cho đến thời điểm hiện tại, Quang Hải có hơn 2,2 triệu lượt theo dõi, còn Bùi Tiến Dũng là hơn 3,1 triệu lượt theo dõi. Lượng người theo dõi tăng đồng nghĩa với việc các nhãn hàng cần quảng cáo cũng tìm đến hai cầu thủ này nhiều hơn.
Nhiều cầu thủ Hà Nội có giá trị hình ảnh cao. Ảnh: Strong Vietnam.
Nhiều cầu thủ Hà Nội có giá trị hình ảnh cao. Ảnh: Strong Vietnam.
Cũng nhờ có những người quản lý nhìn thấy cơ hội kinh doanh béo bở này mà Bùi Tiến Dũng đã có ngay một “bảng báo giá” được rò rỉ trên mạng xã hội. Theo đó, một bài đăng trên Facebook của Bùi Tiến Dũng được báo giá 2.500 USD (khoảng 57 triệu đồng). Đây là con số khiến nhiều người giật mình.
 
Theo quan điểm của người được cho là đại diện của Bùi Tiến Dũng thời điểm đó thì giá đó chỉ bằng 1/3 một ca sĩ đang nổi tiếng nếu độc quyền nhãn hàng, bằng khoảng 1/2 các danh hài đình đám nhất. Nếu so sánh, mức độ ảnh hưởng của Tiến Dũng đang ở vị thế cao hơn, lượng follow khách hàng chất hơn.
 
Cũng bắt đầu từ đây mà xu hướng cầu thủ “kinh doanh” bằng Facebook cá nhân nở rộ. Nhiều cầu thủ “hái ra tiền” nhờ doanh thu từ việc đăng bài cho các nhãn hàng. Nên nhớ rằng, những bài viết được đăng tải mang tính cá nhân. Mạng xã hội trở thành kênh truyền thông và kiếm tiền hiệu quả trong suốt hơn 2 năm qua của Quang Hải và nhiều đồng đội khác tại CLB Hà Nội.
 
Thế nhưng, cũng vì bảng báo giá đó mà Bùi Tiến Dũng từng nhận không ít “gạch đá” vì cho rằng sớm mắc bệnh ngôi sao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nghĩ đến chuyện kiếm tiền quá sớm có thể sẽ làm hỏng một tài năng trẻ.
 
Đặc biệt, hiệu ứng từ mạng xã hội đã khiến Dũng mắc không ít rắc rối. Đó là câu chuyện, Dũng xin lỗi trên mạng xã hội khi mắc sai lầm trong màu áo Thanh Hoá. Hay mới nhất là câu chuyện Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm trong màu áo U22 Việt Nam tại SEA Games 30. Những dòng trạng thái từng bị chỉ trích rất nhiều đó là câu “Tôi sai đã có các đồng đội sửa”. Đó cũng là cái giá mà “Thủ môn quốc dân” phải trả từ mạng xã hội.
 
Mới đây, Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T đã ban hành quy định về việc quản lý sử dụng hình ảnh cầu thủ, huấn luyện viên CLB Hà Nội. Công ty khẳng định là đơn vị duy nhất sở hữu quản lý và sử dụng thương hiệu, hình ảnh, các dấu hiệu liên quan đến huấn luyện viên, cầu thủ theo các hợp đồng đã ký kết.
 
Đặc biệt, trong quy định mới, Quang Hải và các đồng đội sẽ phải chia sẻ thù lao và các khoản thu nhập nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Zalo, Twitter… để quảng bá sản phẩm, dịch vụ cho các thương hiệu.
 
Đây là điểm đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, khi cầu thủ đăng bài trên Facebook cá nhân với hình ảnh của cá nhân chứ không phải của câu lạc bộ, việc phải chia sẻ quyền lợi rõ ràng có điểm chưa hợp lý. Thế nhưng, theo mục đích của CLB Hà Nội đưa ra thì quy định mới này nhằm chuẩn hoá các quy định về sở hữu thương hiệu, quyền và nghĩa vụ khi sử dụng hình ảnh và các dấu hiệu liên quan của cầu thủ, huấn luyện viên, thương hiệu, nhãn hiệu và các tài sản thuộc sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu của Hà Nội.
 
Nhìn ở ở góc độ tích cực, nếu cả Hà Nội và các cầu thủ đều thoả thuận đi đến thống nhất chung, đó sẽ là câu chuyện hợp tác để làm “Kinh tế bóng đá”. Điều này sẽ có lợi cho cả hai. Bởi lẽ, trong môi trường bóng đá Việt Nam vẫn còn ngổn ngang lên chuyên nghiệp, cầu thủ cần có định hướng trong việc kiếm tiền. Đây cũng là lúc mà chúng ta nhận ra, vai trò của người đại diện quan trọng như thế nào với một cầu thủ.
 
Cầu thủ Việt Nam thu lợi từ những Facebook “triệu like”. Thế nhưng họ cũng trả giá không nhỏ cho những khoản thu nhập đó.
Báo giá “khủng” của cầu thủ Việt Nam
 
Ở thời điểm hiện tại, tuyển thủ Quế Ngọc Hải được báo giá chi phí tham dự sự kiện 1 ngày là 5.000USD, một bài đăng trên Facebook là 2.000USD, quyền sử dụng hình ảnh trên các phương tiện truyền thông trong 3 tháng là 7.000USD.
 
Các cầu thủ khác lần lượt là Tiến Linh (4.000USD, 2.000USD, 5.000USD), Văn Thanh (2.000USD, 1.000USD, 3.500USD), Trọng Hoàng (2.000USD, 1.000USD, 3.500USD), Đình Trọng, Duy Mạnh (80 triệu đồng, 50 triệu đồng, 300 triệu đồng), Tuấn Anh (150 triệu đồng, 50 triệu đồng), Minh Vương (120 triệu đồng, 40 triệu đồng), Văn Toàn (160 triệu đồng, 50 triệu đồng)...
 
Theo bảng báo giá rò rỉ của Bùi Tiến Dũng thì, tiền bản quyền hình ảnh của thủ thành này cao ngang một ngôi sao showbiz. Ví dụ, 1 status trên Facebook của Bùi Tiến Dũng được báo giá 2.500USD (khoảng 57 triệu đồng), 1 lần livestream là 5.500USD (hơn 120 triệu đồng).
 
Trước đó, cầu thủ "đắt show" nhất của bóng đá Việt Nam, có báo giá cao nhất là Công Phượng, khi CLB Hoàng Anh Gia Lai bán quyền khai thác hình ảnh, quảng cáo của tiền đạo này cho một công ty truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp.

Nguồn: CAND

Các tin khác