(Congan.nghean.gov.vn)-Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung đấu tranh quyết liệt với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó, góp phần đảm bảo môi trường đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Bài 2: Đấu tranh quyết liệt, hiệu quả
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, thời gian qua, Công an tỉnh Nghệ An đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản.
Vụ bắt quả tang nhóm 23 đối tượng khai thác trái phép đá trắng với khối lượng rất lớn tại khu vực núi Phá Cụm, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp là điển hình trong tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Lần đầu tiên trong một vụ án về môi trường, có 05 đối tượng bị khởi tố. Chiến công này đã được Lãnh đạo Bộ Công an và Lãnh đạo tỉnh biểu dương, khen ngợi. Đặc biệt, sau chuyên án này, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An đã khẩn trương rà soát và chấn chỉnh lại tình trạng khai khoáng trên địa bàn toàn tỉnh; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hiện trường vụ khai thác đá ở khu vực núi Phá Cụm, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp |
Trong năm 2021, lực lượng Công an toàn tỉnh phát hiện, bắt giữ, xử lý 711 vụ, 807 đối tượng, thu giữ hơn 10.000kg khoáng sản trái phép; chủ yếu là các hành vi khai thác khoáng sản trái phép (522 vụ, 611 đối tượng), vận chuyển khoáng sản trái phép (150 vụ, 153 đối tượng)… Đặc biệt, đã củng cố hồ sơ, tài liệu, tiến hành khởi tố, xử lý hình sự 05 vụ, 10 bị can về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, răn đe tội phạm và vi phạm pháp luật.
Trong 11 tháng (từ 15/12/2020 đến 14/11/2021), Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Nghệ An đã phát hiện, xử lý 42 vụ, 60 đối tượng có hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, thu giữ nhiều phương tiện và khối lượng lớn quặng, thiếc, đất, đá, cát… Điển hình: Ngày 02/11/2021, tại khu vực sông Lam thuộc địa phận khối 13, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, các lực lượng thuộc Công an tỉnh Nghệ An gồm Phòng Cảnh sát môi trường chủ trì, Đội Cảnh sát đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh phát hiện 01 phương tiện phà vỏ sắt có 04 người đang tiến hành khai thác cát trái phép. Lực lượng chức năng đã yêu cầu các đối tượng dừng hành vi khai thác và tổ chức lập biên bản vụ việc. Qua kiểm tra xác định số lượng cát đã khai thác trái phép chứa trên khoang phà là 112 m3. Phà vỏ sắt được các đối tượng sử dụng để khai thác cát có chiều dài 47m, rộng 5,2m, được trang bị 07 hệ thống máy nổ để phục vụ khai thác cát. Quá trình làm việc, cơ quan Công an làm rõ số cát trên phà sau khi khai thác được các đối tượng chở về bãi tập kết tại bến của Công ty Cổ phần xây lắp và thương mại 668, thuộc khối 13, phường Bến Thủy, thành phố Vinh. Tại bãi tập kết của công ty này có hơn 1.630 m3 cát, thời điểm kiểm tra lãnh đạo công ty chưa xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát trên.
Công an tỉnh Nghệ An phối hợp lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép |
Ngày 19/9/2021, tại đập Bầu Cơm thuộc xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Nghệ An chủ trì, phối hợp Công an huyện Nghi Lộc và UBND xã Nghi Kiều bắt quả tang vụ khai thác khoáng sản không đúng khung thời gian quy định.Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện nhiều máy móc, phương tiện của Công ty Cổ phần khoáng sản GD Việt Nam (có địa chỉ tại xóm 4, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc) đang khai thác đất với quy mô lớn. Tuy nhiên, việc khai thác này vi phạm quy định của UBND tỉnh về khai thác nạo vét tận thu tại đập Bầu Cơm. Theo đó, hoạt động khai thác nạo vét tận thu được phép tiến hành trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm (trong thời gian 05 năm, từ năm 2020), nhưng đến thời điểm ngày 19/9/2021, Công ty Cổ phần khoáng sản GD Việt Nam vẫn tiến hành khai thác là không đúng với khung thời gian quy định.
Các phương tiện khai thác đất không đúng với khung thời gian quy định tại đập Bầu Cơm, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc |
Tháng 7/2021, Công an huyện Đô Lương và Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp bắt giữ, xử lý 03 vụ việc vi phạm về khai thác cát, sỏi trái phép, thu 2.014m3 cát sạn, 02 tàu vỏ sắt, 04 máy nổ; củng cố hồ sơ, khởi tố đối với Trần Văn Phúc (sinh năm 1991), trú tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
Cơ quan chức năng lập biên bản vụ việc tại đập Cầu Bơm |
Trước đó, vào tháng 3/2021, tại xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, Công an huyện Hưng Nguyên phát hiện, bắt Trần Thiết Hùng (sinh năm 1974), trú tại khối 14, phường Cửa Nam, thành phố Vinh đang có hành vi khai thác cát trái phép, thu giữ 50m3 cát; củng cố hồ sơ khởi tố 01 vụ, 01 bị can về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Tháng 4/2021, cũng tại địa điểm nói trên, đơn vị tiếp tục bắt quả tang Lê Văn Tân, trú tại xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên có hành vi khai thác cát trái phép. Quá trình bắt giữ, đối tượng đã có hành vi chống lại tổ công tác. Công an huyện Hưng Nguyên đã củng cố, khởi tố đối tượng về tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại điều 330, Bộ luật hình sự 2015 và xử phạt hành chính đối với Tân về hành vi khai thác khoáng sản trái phép...
Phòng Cảnh sát môi trường tuyên truyền, ký cam kết thực hiện Nghị định 23,36 cho các hộ dân có thuyền khai thác cát tại xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn |
Dự báo trong thời gian tới, tội phạm và vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Trước tình hình đó, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh hiệu quả hơn nữa. Hiện, Công an tỉnh cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là ngành Tài nguyên - môi trường, chính quyền cấp huyện, xã chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chủ động tham mưu, siết chặt công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản. Trong đó, đề xuất UBND tỉnh tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của các mỏ trên địa bàn, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp được cấp phép có vi phạm. Đối với các mỏ, điểm khai thác khoáng sản chưa được cấp phép cần có thống kê, đánh giá và giao UBND cấp huyện, cấp xã quản lý chặt chẽ. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn diễn ra kéo dài, phức tạp mà không có biện pháp xử lý triệt để.
>>Bài 1: Đồng bộ nhiều giải pháp