Phóng sự
Vô pháp sao gọi là có... 'lý tưởng'?!
15:00, 09/12/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Theo từ điển thì "lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta muốn đạt tới". Như vậy, có thể hiểu "lý tưởng" là mong ước đạt được những điều tốt đẹp nhất cho bản thân, gia đình và xã hội. Với Phạm Đoan Trang, đối tượng vi phạm pháp luật, bị khởi tố, bắt giam vì những hành vi nguy hiểm, chống phá Nhà nước, xã hội mà lại có một số người, thông qua mạng xã hội muốn tô vẽ Trang thành một người trẻ có "bản lĩnh", có "lý tưởng sống" , như một "người hùng"!
Ngay sau khi Phạm Đoan Trang (42 tuổi, trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội, tạm trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh) bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999 và tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam" theo Điều 117, Bộ luật hình sự 2015, một số đối tượng phản động, bất mãn, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã lên mạng xã hội đăng các dòng trạng thái và bài viết xuyên tạc, đánh "hỏa mù" nhằm gây sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Các đài nước ngoài phát bằng tiếng Việt cũng có những bài viết, video phỏng vấn một số đối tượng chống đối để xuyên tạc, vu khống Nhà nước ta đàn áp những người bất đồng chính kiến, vi phạm nhân quyền... với mục đích là vận động các tổ chức quốc tế, các chính phủ gây sức ép với Nhà nước Việt Nam thả Phạm Đoan Trang.
Đây là thủ đoạn cũ, đã được các đối tượng chống đối "thuộc bài" sau mỗi lần cơ quan chức năng Việt Nam áp dụng các biện pháp tố tụng đối với những công dân vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, lại có một số người muốn thể hiện bản thân, muốn gây sự chú ý để hút "like" trên mạng xã hội, hoặc vì những lý do khác đã đăng những bình luận thiếu trách nhiệm, lệch lạc về nhận thức, cổ xúy cho những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích chung của đất nước.
"Với tôi Phạm Đoan Trang là một người sống có lý tưởng... Người có lý tưởng là người nhìn thấy mục đích cao cả trong cuộc sống của mình, vì mục đích ấy mà người ta có thể dám đánh đổi sự an bình, hạnh phúc của bản thân... Ở Việt Nam, những con người sống có lý tưởng cao cả thực sự rất ít... Phạm Đoan Trang đã tạo được một hình ảnh đẹp trong lòng mọi người... Trang không đẹp về hình thức, ít nói, thầm lặng, khiêm tốn nhưng rất kiên định, quả quyết, dũng cảm trên con đường mình đã chọn..." - đó là bình luận rất lệch lạc của Đ.B.C - một võ sư Karate trên trang Facebook của mình. Dĩ nhiên, một bình luận như vậy của một người khá nổi danh như Đ.B.C, có mối quan hệ rộng cả trên "thế giới ảo" lẫn đời thực sẽ tạo ra sự lan truyền khá lớn.
Bất luận là thế nào, một người vi phạm pháp luật thì không thể gọi người đó là có "lý tưởng" được. Chấp hành pháp luật luôn là thước đo về đạo đức, ý thức và nhân cách sống của mỗi con người.
Bàn về chủ đề này, tôi chợt nhớ đến "Hoa hướng dương" Lê Thanh Thúy, cũng là một người trẻ trạc tuổi với Phạm Đoan Trang. Thúy không may mắc bệnh ung thư, nhưng với nghị lực sống, cô đã biến những ngày cuối đời mình trở thành những ngày có ý nghĩa. Chương trình "Ước mơ của Thúy" đã trở thành nhịp cầu nhân ái của xã hội kết nối yêu thương với những người không may mắc bệnh hiểm nghèo. Thúy đã lan tỏa nghị lực sống, lan tỏa ước mơ, lý tưởng của tuổi trẻ cho những người cùng cảnh ngộ và cho những bạn trẻ bằng thông điệp: Hãy sống có ích, đừng để lãng phí thời gian sống của mỗi đời người bằng những việc làm vô nghĩa. Bản thân cô, dù không biết "ra đi" lúc nào, nhưng vẫn quyết tâm tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông và ước mơ thi vào đại học... Như vậy, lý tưởng sống của Lê Thanh Thúy thật đáng ngưỡng mộ mà những người trẻ, có sức khỏe cũng không dễ làm được. Đơn cử một trường hợp của Thúy trong rất nhiều những tấm gương trẻ sống có hoài bão, có lý tưởng. Vậy mà, Đ.B.C lại viết rằng: "Ở Việt Nam, những người sống có lý tưởng cao cả thật sự rất ít"?
Phạm Đoan Trang có được may mắn là xuất phát điểm tốt hơn Thúy rất nhiều. Trang sinh ra trong một gia đình mà bố, mẹ, anh trai đều làm việc trong cơ quan nhà nước. Bản thân Trang được ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, Trang được tuyển vào làm phóng viên của một số tờ báo điện tử có uy tín, rồi chuyển sang làm báo hình... Tuy nhiên, sau khi tự ý xuất cảnh ra nước ngoài không được cơ quan chủ quản cho phép, trở về, Trang bắt đầu "tự diễn biến", lập trang web, thông qua đó để cấu kết với một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài xuyên tạc, chống phá các chủ trương, chính sách của Nhà nước; kích động, cổ xúy các hành vi chống đối, kêu gọi biểu tình... Gần đây, Trang viết và tán phát một số cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam; bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động lật đổ chính quyền.
Kết cục của cái gọi là "lý tưởng sống" đó của Phạm Đoan Trang là gì? Là đánh mất sự nghiệp, đánh mất tương lai, gây sự thất vọng cho gia đình. Đồng thời, Trang còn phải bị trả giá bởi sự trừng phạt của pháp luật. Vậy kết cục đó đâu có tốt cho Trang và xã hội?
Nếu ai đó gọi mục đích chống phá Nhà nước của Phạm Đoan Trang là "lý tưởng" thì cái "lý tưởng" đó cũng đâu có đúng với nội hàm của hai từ "lý tưởng" là hướng tới mục đích tốt nhất, cao đẹp nhất đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Chúng ta đang sống trong một xã hội an bình, đất nước ngày một phát triển. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một được cải thiện và nâng cao. Thế hệ trẻ đang có một môi trường tốt để phát triển khả năng và trí tuệ của mình. Vậy nên, mong rằng, trước khi gõ bàn phím để đưa ra những bình luận, nhận xét trên mạng xã hội, Đ.B.C hay một ai đó muốn thể hiện "tư duy", "ý tưởng" khác người của mình cũng cần suy nghĩ một cách thấu đáo, có trách nhiệm. Đừng cổ xúy cho những hành vi vi phạm pháp luật chỉ để thể hiện bản thân mình. Đừng cố "tung hô" một nhân vật, mà nhân vật đó không bao giờ được giới trẻ lựa chọn là hình mẫu để noi theo.
Nguồn: CAND