(Congannghean.vn)-Những video ăn sâu bọ sống, phá hoại đồ đạc, đốt xe, thử thách làm chó, nhạo báng, vu khống, cách thắt cổ mà vẫn thở hay nuốt những đồ vật mà không sao… xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Chủ nhân của những clip nhảm nhí ấy vì lợi nhuận, vì câu view mà bất chấp những hệ lụy gây hậu quả khôn lường tới trẻ em.
Bất chấp để câu view
Mạng Internet ngày càng phát triển, smartphone lại càng không còn xa lạ, để làm ra một clip sau đó chia sẻ lên mạng xã hội ngày càng dễ dàng. Trào lưu này đã có từ khá lâu ở nước ngoài, tuy nhiên chỉ mới du nhập về Việt Nam đã được đón nhận mạnh mẽ. Đặc biệt, khi mà Youtube, trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới, trả tiền cho các nhà làm video thông qua các quảng cáo hiển thị trên video chia sẻ lên Youtube, càng khiến nhiều người tự thực hiện để kiếm thêm thu nhập.
Bên cạnh những video được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh, âm thanh và nội dung thì vẫn có những sản phẩm có nội dung nhảm nhí, thậm chí điên rồ và đặc biệt nguy hiểm với trẻ em. Các video này được đăng tải trên Youtube với mục đích gợi trí tò mò của người xem và thu hút càng nhiều lượt xem càng tốt.
Một số kênh đã lợi dụng, lồng ghép các cảnh hở hang, nội dung kỳ lạ, hướng dẫn các bé làm những việc điên rồ như thắt cổ mà vẫn thở, hay cách nuốt các đồ vật mà không sao. Các clip này được gắn từ khoá, gợi ý hết sức chuyên nghiệp, chính vì thế chúng đạt được lượt người xem khổng lồ.
Quái vật Momo và Peppa Pig trên Youtube. |
Tương tự là các thử thách như "Thử thách 24h làm chó", nguy hiểm hơn là "Thử thách 24h sống trong quan tài", "Thử thách 24h sống trong nhà dưới đất", "Thử thách bơi trên sông bằng túi nilon", khủng khiếp hơn là "Thử thách uống dung dịch vệ sinh phụ nữ". Cụ thể, có đoạn clip với tiêu đề "Uống nước nhà vệ sinh ngon như nước lọc", trong đó có quay cảnh múc nước từ bồn cầu nhà vệ sinh vào ly, sau đó người trong video tham gia chơi để xem ai là người phải uống nước trong cốc nước đó. Điều đáng nói là đoạn clip kì quặc thu hút tới 160.000 người xem.
Trong hàng trăm nghìn lượt người xem ấy, chắc chắn có không ít trẻ em. Với tâm lý còn non nớt, đang phát triển và hoàn thiện, ai sẽ đảm bảo các em không làm theo những clip thử thách điên rồ, vô bổ đó.
Hậu quả nhãn tiền
Cháu bé tại Phú Thọ nuốt phải bấm móng tay sau khi học theo trên mạng xã hội. |
Những ngày qua, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng khi xảy ra các vụ việc trẻ em đã tử vong, bị thương vì làm theo hướng dẫn trong clip. Đó là trường hợp của một bé gái mới 5 tuổi vừa xem xong video hướng dẫn trò thắt cổ trên yotube. Chỉ vì tò mò mà bé đã lấy chiếc khăn voan có sẵn trong nhà… và bắt chước. Trước đó, tháng 11-2019, bé trai 7 tuổi ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh đã làm theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên mạng xã hội. Khi gia đình phát hiện ra bé thì toàn thân bé tím ngắt, rất may mắn bé đã được các bác sỹ can thiệp kịp thời và không mất mạng. Chị P.L mẹ của bé cho hay: "Khi tỉnh lại bé kể rằng mình học theo trò ảo thuật trên YouTube, trong đó họ hướng dẫn cách thắt cổ mà vẫn sống nên đã làm theo. Cháu còn nói là làm thử mà không hề sợ, và khi làm thành công sẽ được các bạn ở lớp rất thần tượng".
Qua tìm hiểu, clip hướng dẫn thắt cổ mà vẫn thở còn dạy các bé làm siêu nhân một cách điên rồ. Thực tế tế có nhiều bé bắt chước hành động của "siêu nhân nhện" nên đã đập tay thật mạnh vào kính dẫn tới đứt mạch máu. Còn tại Hà Nội, cách đây ít ngày, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận cháu M.Đ (15 tuổi, quê Hải Dương) trong tình trạng đa chấn thương do chế thuốc nổ theo video hướng dẫn trên YouTube. Bác sĩ điều trị cho cháu M.Đ cho biết: "Tôi có hỏi cháu là có biết thuốc nổ rất nguy hiểm ko? Cháu nói là không biết, thấy họ hướng dẫn làm thì làm, làm theo đúng hướng dẫn mà vẫn nổ. Thực sự đây là hành động vô cùng nguy hiểm, cha mẹ cần kiểm soát những thứ con mình xem trên mạng. Tốt nhất là hạn chế cho các cháu xem các video trên mạng".
Một việc mới nhất xảy ra vào ngày 30-10, bé trai mới 9 tuổi (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) đã phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, ho nhiều vì nuốt phải di vật là một chiếc bấm móng tay, gây tổn thương dạ dày. Người nhà cháu bé cho biết cháu rất thích xem các clip trên YouTube, các clip cháu xem thường là hướng dẫn làm các đồ chơi, hướng dẫn chơi những trò mạo hiểm. Chuyện đáng tiếc này xảy ra là do cháu xem clip trên YouTube và làm theo.
Cháu bé tại TP HCM may mắn thoát chết sau khi tập phương pháp "thắt cổ mà vẫn thở" trên Youtube. |
Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho hay, trước đó, đơn vị liên tục tiếp nhận các trường hợp bệnh nhi hóc dị vật sinh hoạt như đồng xu, đồ chơi, cúc áo… Một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, dây xích… đe dọa gây thủng thực quản. Những trường hợp này đều được gia đình cho cầm đồ để chơi nhưng không có người lớn giám sát.
Trước đây, cộng đồng mạng đã từng dậy sóng khi trên YouTube xuất hiện nhiều video mang tên "Thử thách Momo" (Momo challenge) có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát. Theo đó, khi trẻ em xem video trên kênh này có thể liên lạc với Momo - một phụ nữ có hình dáng quái dị với đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi. Nhân vật này đã điều khiển trẻ thực hiện những thử thách đáng sợ, kết thúc bằng việc tự sát.
Với những hình ảnh phản cảm, nội dung sai lệch, vô bổ và nhảm nhí này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ nhỏ và không thể chấp nhận được. Việc trẻ em xem các video này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển tư duy, sẽ có những suy nghĩ, tư tưởng lệch lạc dẫn đến hậu quả khôn lường.
Nhà Xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng từ thực tế này cần ra câu chuyện, thay vì những clip nhảm nhí ở trên mạng thì những người yêu quý trẻ em, những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục trẻ em nên gia tăng thêm những thông tin bổ ích chính trên mạng. Thay vì những lớp giáo dục chính thống, giáo điều, những chương trình cứng nhắc thì hãy tạo ra nhiều chương trình ý nghĩa, gần gũi. Bên cạnh đó thì nhà chức trách phải dùng "kính chiếu yêu" để giản lược những clip "đen", những clip xấu có thể đầu độc giới trẻ. Ngoài ra phải tranh thủ tối đa chính cộng đồng mạng để tuyên truyền, giáo dục tới nhận thức của lớp trẻ.
Mới đây, một động thái của YouTube Việt Nam được coi là tích cực. Họ sẽ có cơ chế xử lý dựa trên cộng đồng, nếu video/kênh video ảnh hưởng đến cộng đồng. YouTube sẽ xem xét gỡ bỏ, thực tế đã có một vài video bị cảnh bảo quá nhiều và bị xoá.
Bác sĩ Lê Thị Thanh Thu, chuyên khoa 2, Trưởng khoa Bán cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần TW1, cho biết: "Ở lứa tuổi chưa có được sự nhận thức rõ rệt, các con dễ dàng học và bắt chước theo những trò dại dột, phản cảm và có hại cho sức khỏe, dẫn tới nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý và sự phát triển. Theo tôi, tất cả các clip phản cảm đó cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ của an ninh mạng. Ngoài ra, trách nhiệm lớn nhất là thuộc về chính gia đình của các con.
Để các con không phải tiếp xúc với những video như vậy thì trước tiên gia đình cần phải có biện pháp quản lý và giám sát. Đối với những trường hợp học theo các video trên YouTube, các em chắc chắn đã xem đi xem lại nhiều lần và cảm thấy thích thú với nội dung có trong video đó. Thậm chí, có những em còn thành lập những hội nhóm có cùng sở thích rồi bàn bạc nhau cùng thực hiện.
Trong trường hợp gia đình có con bị nghiện xem những clip phản cảm thì cần phải đưa con đến gặp các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được tư vấn và có phương pháp giúp đỡ kịp thời. Nếu các em xem những clip như thế trong một thời gian dài thì lâu dần sẽ trở thành bệnh lý và bắt buộc phải đi cai "nghiện". Tuy nhiên điều đặc biệt là việc "cai nghiện" này sẽ không có thuốc cai mà chỉ có cách là cách ly bệnh nhân với môi trường (trong trường hợp này là các thiết bị kết nối Internet như smartphone, máy tính - pv).
Sau khi "cai nghiện" trở về thì phải có sự giám sát chặt chẽ của gia đình để các em không bị "tái nghiện". Vì đang ở lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên các con cần phải có sự quan tâm sâu sắc của thầy cô, nhà trường và đặc biệt là gia đình".
.