Thứ Bảy, 10/08/2019, 14:55 [GMT+7]

Làm gì để ngăn nhà đầu tư 'tay không bắt giặc' tham gia Dự án cao tốc Bắc - Nam?

Dự án cao tốc Bắc- Nam đã được xác định những đoạn ưu tiên để thực hiện giai đoạn 2018 - 2021, với chiều dài 654km, chia thành 8 dự án thành phần.
 
Hiện có khoảng 60 bộ hồ sơ dự sơ tuyển của các liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước được nộp (trong đó có hơn 40 nhà đầu tư nước ngoài và liên doanh nước ngoài với doanh nghiệp nội), vượt dự đoán của chính Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT). 
 
Trong vòng 2 tháng tới, các cơ quan chức năng sẽ phải đánh giá khách quan trên cơ sở các tiêu chí mời sơ tuyển đã được công bố trước đó để chọn ra tối đa 40 nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm nhất, đưa vào danh sách nhận hồ mời mời thầu chính thức vào tháng 10-2019. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để loại những nhà đầu tư không có năng lực..
 
"Kịch tính" ngay từ vòng sơ tuyển
 
Vào thời điểm tháng 7- 2019, khi 7 trong số 8 dự án thành phần (DATP) đầu tư theo hình thức BOT thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam mở sơ tuyển, có tới gần 30 doanh nghiệp trong nước tham gia mua hồ sơ mời sơ tuyển (HSMST) và tham gia sơ tuyển ở 6/7 dự án. 
 
Duy nhất còn lại 1 dự án mà các nhà đầu tư trong nước không tham dự là dự án thành phần  (DATP) đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn. Một cán bộ của Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 - bên mời thầu Dự án cho biết, trong thời gian phát hành HSMST, có rất nhiều nhà đầu tư trong nước mua hồ sơ. 
 
Kết quả nộp hồ sơ dự sơ tuyển (HSDST) khiến chính cán bộ này bất ngờ, vì DATP này có tổng vốn đầu tư thấp nhất trong số 8 DATP (6.333 tỷ đồng), nếu trừ phần vốn tham gia của Nhà nước (2.003 tỷ đồng) thì phần vốn nhà đầu tư 4.330 tỷ đồng. 
 
Trong khi các dự án lớn hơn nhà đầu tư trong nước đều tham gia có thể cho thấy vấn đề năng lực không phải là quan ngại lớn đối với nhà đầu tư trong nước. Ngược lại, nhà đầu tư trong nước có mặt nhiều nhất ở DATP đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Dự án này có 8 nhà đầu tư dự sơ tuyển, trong đó 4 nhà đầu tư “nội 100%”, 2 liên danh do nhà đầu tư Trung Quốc đứng đầu. 
 
Theo một số ý kiến, DATP này thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia một phần do cơ cấu vốn. Tổng vốn đầu tư dự án là 7.615 tỷ đồng, nhưng trong đó phần vốn nhà nước tham gia đã là 5.058 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư thu xếp chỉ còn 2.557 tỷ đồng.
 
Tính chung 7 dự án, có 29 doanh nghiệp Việt tham dự sơ tuyển với tư cách độc lập hoặc liên danh. Trong hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GT-VT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. 
 
Cụ thể, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm). 
 
Tối đa 5 nhà đầu tư có điểm đánh giá cao nhất tại giai đoạn sơ tuyển sẽ được lựa chọn vào giai đoạn đấu thầu tiếp theo. Trong giai đoạn đấu thầu thiếp theo, hồ sơ mời thầu sẽ được lập trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự doán được Bộ GT-VT phê duyệt theo quy đinh. Trong quá trình tổ chức đấu thầu, tiêu chí chính để lựa chọn nhà đầu tư là mức vốn góp của Nhà nước.
Dự án cao tốc Bắc - Nam được xác định sẽ thu phí theo hình thức dự án đối tác công tư.
Dự án cao tốc Bắc - Nam được xác định sẽ thu phí theo hình thức dự án đối tác công tư.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt?
 
Việc các dự án đều có đông nhà đầu tư dự sơ tuyển (ít nhất là 5, nhiều nhất là 11 nhà đầu tư), các nhà đầu tư trong nước sẽ phải cạnh tranh với nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp để có thể lọt qua sơ tuyển, vào vòng đấu thầu. 
 
Ngay trước khi hồ sơ mời sơ tuyển được phát hành, đã xuất hiện những ý kiến đề xuất hạ tiêu chí để các nhà đầu tư trong nước có thể tham gia nhiều hơn tại các dự án PPP cao tốc Bắc Nam. 
 
Theo một chuyên gia giao thông, với mức độ dày đặc các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp hoặc liên danh nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc trúng thầu khi đấu thầu quốc tế là khá lớn. 
 
Tuy nhiên, cần phải làm rõ vấn đề khi tổ chức đấu thầu quốc tế các dự án cao tốc Bắc - Nam, là nhằm mục tiêu thu hút vốn, nguồn lực, không kể là doanh nghiệp (DN) trong nước hay nước ngoài. Việc không hạ tiêu chí để mở rộng cửa hơn cho DN trong nước cũng nhằm tránh tình trạng chọn phải nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, yếu kém năng lực như đã từng xảy ra tại một số dự án mở rộng QL1 trước đây.
 
Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông, quá trình xem xét phân chia dự án này, Bộ GT-VT đã đưa ra các tiêu chí và có đánh gía rất kỹ từng dự án thành phần. Bởi Dự án cao tốc Bắc Nam đã xác định sẽ thu phí theo hình thức dự án đối tác công tư, như vậy mọi yếu tố như tính hiệu quả của dự án, tính kết nối với các trung tâm, kết nối với các đường hiện hữu, những trung tâm kinh tế, chính trị dọc tuyến… đều phải được xem xét, tính toán kỹ. 
 
Về ý kiến đấu thầu sơ tuyển cao tốc Bắc-Nam có nhiều tiêu chí quá cao khiến nhà đầu tư trong nước khó tham gia và khiến cho các gói thầu này dễ rơi vào tay nhà thầu nước ngoài, trong khi đây là tuyến đường trục xương sống quốc gia cần lưu ý về an ninh quốc phòng, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định dự án áp dụng hình thức đối tác công tư PPP thì theo Luật Đấu thầu phải đấu thầu quốc tế. 
 
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu quy định, trong trường hợp ảnh hưởng an ninh quốc phòng thì cấp có thẩm quyền quyết định. Hiện Bộ GT-VT đã tổng hợp các hồ sơ tuyển dự thầu, báo cáo Chính phủ xem xét. 
 
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hồ sơ mời thầu là rất quan trọng. Đây là dự án huyết mạch với tổng chiều dài hơn 600km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 100.000 nghìn tỷ đồng. 
 
Qua sơ tuyển hồ sơ mời thầu, có cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia dự án. Tinh thần chỉ đạo chung là đấu thầu quốc tế rộng rãi, minh bạch, công khai để chọn các nhà thầu có năng lực. Tuy nhiên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GT-VT rà soát lại dự án, đảm bảo một số tuyến đấu thầu cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. 
 
Trong tuyến đường 654km này có 11 dự án, trong đó có 2 dự án sẽ khởi công vào tháng 10-2019, và dự án cầu Mỹ Thuận sẽ được khởi công vào cuối quý I hoặc đầu quý II- 2020. Còn lại 8 dự án sẽ xem xét lại liên quan tới vấn đề đoạn tuyến, vấn đề quốc phòng an ninh, Bộ GT-VT tiếp tục báo cáo Thủ tướng để xử lý đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, việc triển khai dự án phải bảo đảm vấn đề chất lượng, an toàn. “Về lâu dài là vấn đề an ninh trật tự, về lòng dân”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
.

Nguồn: Phạm Huyền/CAND

.