Tôi không có ý định phản bác quan điểm của bất kỳ ai, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng.
Mấy năm gần đây, khai xuân mở hội lúc nào thì báo chí ầm ĩ khi đó. Cộng với mạng xã hội, bức tranh đi chùa cúng sao phóng sinh, lễ hội đánh nhau, vật nhau, chém lợn, bứt lông lợn lại càng được đặc tả đậm nét hơn, cả buồn lẫn vui và nhiều điều còn lấn cấn khác. |
Tiền nhân dạy, “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Ngay cả ông Khổng Tử cũng luận, “Kính nhi viễn chi”, chuyện quỷ thần thì đứng xa mà nhìn thôi, không lại gần, không bàn làm gì.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, nếu cuộc đời chỉ đơn giản là lễ tạ cúng bái sẽ thành công thì thật tốt biết chừng nào. Đáng tiếc, nào có phải vậy đâu.
1. Đọc sách sử không biết ngày xưa thịnh trị chùa chiền miếu mạo nhiều ra sao, nhưng bây giờ phải thừa nhận rằng có nhiều chùa lớn quá. Không chỉ là lớn, mà phải gọi là kỳ vĩ. Chùa to cũng thờ Phật mà chùa nhỏ cũng thờ Phật, có khác chăng là vài chỗ chùa to có thu tiền vé vào cổng chùa, chùa nhỏ thì không. Rồi báo giới còn ngại ngần cái chuyện BOT cổng chùa, BOT tâm linh…
Nói chung thì cũng buồn, có nhiều chuyện thấy đó biết đó mà viết không đặng. Nhiều năm trước, tôi có hầu chuyện một ni sư mà tôi rất kính trọng, mang chuyện chùa nhỏ chùa to ra nhờ ni sư kiến giải, ni sư giảng chùa nhỏ chùa to là do tâm nguyện của thầy trụ trì thôi, nhiều lúc truyền đời mà thành. Cũng không có gì đáng để luận bàn hay hồ nghi.
Vừa rồi có bài báo dâng lễ cúng sao giải hạn gì đó, được cho là do thiếu 50 nghìn nên bị từ chối, dân tình cũng mang bài báo ấy ra mổ xẻ ghê gớm lắm. Gọi là mổ xẻ thôi, chứ đa phần là miệt thị, lên án. Đọc những điều này cảm xúc rất khó tả. Nhưng nhìn cái ảnh người dâng sao giải hạn tràn cả ra đường, chen nhau đứng chật như nêm thì đúng là có chút kinh hãi. Mà đơn thuần sự kinh hãi của cá nhân, hoàn toàn không có ý nào khác.
Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có ý kiến chính thức xung quanh câu chuyện dâng sao giải hạn này. Theo đó, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có công văn nêu rõ, việc các chùa tổ chức dâng sao, giải hạn là sự biến tướng, lợi dụng nhu cầu của người dân để trục lợi. Cục đề nghị địa phương có biện pháp chấn chỉnh, xử lý.
Minh họa: Hùng Dingo. |
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy của Bộ này chia sẻ: “Nhu cầu mong ước sức khỏe, hạnh phúc, bình an, may mắn... là chính đáng. Nhưng để đạt được điều đó thì bản thân mỗi người phải nỗ lực rèn luyện, học tập, làm việc, tu tâm dưỡng tính, biết chia sẻ, yêu thương. Nếu nghĩ rằng mọi ước mong đều dễ dàng đạt được bằng việc cúng sao giải hạn, trông chờ may rủi là không đúng giáo lý nhà Phật. Nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu văn hóa, chức sắc của Giáo hội đã lên tiếng khẳng định, nhưng hiện tượng này không thuyên giảm mà ngày càng bùng phát”.
Trong điển tích tôi thường đọc có câu chuyện rất hay, thôi thì còn hương xuân kể lại hầu bạn đọc.
Có ngôi chùa ở xứ nọ nổi tiếng linh thiêng, khách hành hương kéo đến nườm nượp. Tục truyền, ai cắm được cây nhang đầu tiên vào lư hương thì xin gì cũng linh ứng. Có cô gái chăm cha bị mù nên không thể hành hương, bèn nhờ lối xóm giúp bằng cách đếm số bước chân từ nhà hàng xóm lên đến lư hương là bao nhiêu bước. Hàng xóm thương tình nhận giúp.
Biết rõ số bước chân từ nhà hàng xóm lên đến chùa, cô gái cộng thêm số bước chân từ nhà hàng xóm đến nhà mình. Vậy là cứ mỗi tối, cô gái đi vòng quanh nhà đúng bằng số bước chân mà theo hình dung của cô thì đã đến trước lư hương đặt trong chùa. Đủ số bước, cô thắp nhang và cầu mong cho cha mình khỏe mạnh.
Có vị phu nhân của quan phủ túc trực sẵn trong chùa để đợi đến giờ được thắp nhang trước, nhưng dẫu có canh sớm đến đâu đi chăng nữa, thì vị phu nhân vẫn thành người thắp nhang thứ hai. Vị phu nhân kể thấy cái bóng mờ ảo của một cô gái đi quanh lư hương rồi thắp trước.
Ấy chính là tấm lòng thành hiếu thảo thuận nhân của cô gái đã cảm động thần phật vậy.
Tôi vẫn nghĩ về điển tích này mỗi khi thấy cảnh tầng tầng lớp lớp người chen chúc ở chùa chiền, hẳn nhiên cổng chùa rộng mở ai muốn đến thì đến thôi. Mặc cho, tấm lòng hướng thiện thì ở đâu cũng sẽ được báo ứng.
2. Có một nét rất đáng khen trong năm nay chính là những lễ hội đã thiếu nhiều bóng dáng của quan chức, vắng cả xe công vụ. Ngoại trừ, những lễ hội quốc gia. Đây là một điểm rất tích cực.
Lễ hội ở một địa phương suy cho cùng là hoạt động vui chơi phục vụ cho tinh thần của người địa phương đang sinh sống, làm việc ở địa phương đó. Có lễ hội rước sinh thực khí, có lễ hội linh tinh tình phộc, có lễ hội bứt lông lợn, lễ hội đâm trâu…
Những lễ hội mà có yếu tố bạo lực hay ngược đãi động vật, có lẽ cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông để hạn chế hoặc tìm các hình thức thay thế dần dần. Chứ dẫu sao cũng không thể biện minh do tục lệ do tín ngưỡng để tồn tại mãi. Đến nhuộm răng ăn trầu còn bỏ được thì không lẽ không tìm thấy hình thức khác thay thế mà vẫn bảo tồn nét truyền thống theo ý nguyện cho cư dân ở địa phương đó hay sao.
Đây là việc mà tôi nghĩ rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có hướng giải pháp. Trong khi chờ giải pháp này, thì báo giới đưa tin, đưa hình ảnh về những lễ hội đấy ít thôi, mà nếu có thể thì không đưa cũng được.