Cuộc đời là những chuyến đi”, có những chuyến đi đơn thuần là sự dịch chuyển cơ học “đi để đến”, nhưng cũng có những chuyến đi không chỉ để đến, để biết mà còn để lại trong lòng người những cảm xúc, dư âm thật đẹp.
“Cuộc đời là những chuyến đi”, có những chuyến đi đơn thuần là sự dịch chuyển cơ học “đi để đến”, nhưng cũng có những chuyến đi không chỉ để đến, để biết mà còn để lại trong lòng người những cảm xúc, dư âm thật đẹp, bởi nó giúp chúng em trưởng thành lên về ý chí, tự tin về bản lĩnh, được rèn luyện kỹ năng giao tiếp với nhân dân và kỹ năng xử lý những tình huống xảy ra trong cuộc sống…” - đó là chia sẻ của một số bạn học viên của Trường cao đẳng Cảnh sát nhân dân I với tôi khi nói về kỷ niệm của chuyến thực hành chính trị xã hội tại Nhã Nam, Tân Yên (Bắc Giang).
Thật xúc động khi nghe những chia sẻ chân thành của các bạn học viên Trường cao đẳng CSND I vừa kết thúc chuyến “thực hành chính trị xã hội” tại cơ sở. Các bạn kể lại chuyến đi thực tế này mà lòng rưng rưng, nhất là ngày chia tay bà con, thì cả đêm hôm trước, các bạn đã không ngủ.
Học viên Hoàng Thị Hiếu (lớp B1C3 khóa H04S, chuyên ngành Trinh sát phòng chống tội phạm về trật tự an toàn xã hội) chia sẻ, em thật hạnh phúc khi cùng các bạn học viên toàn khóa H04S và K53S tổ chức hoạt động thực tế chính trị tại xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Nơi đây không chỉ đơn thuần là xã miền núi mà còn là vùng đất cách mạng anh hùng gắn với những di tích lịch sử, trong đó có chùa Tứ Giáp cùng với thôn Chùa Nguộn, là địa điểm đóng quân của Công an Khu XII thời điểm từ cuối năm 1946 đầu năm 1948.
Nơi đây đã ghi dấu một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng, đó là ngày 11-3-1948, Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII. Trong thư, Bác nêu 6 điều về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Từ đó đến nay, 6 điều Bác Hồ dạy đã trở thành kim chỉ nam cho toàn lực lượng CAND.
Các học viên và cán bộ chiến sỹ gần gũi, thăm hỏi người dân, gắn kết tình quân dân. |
Ba tuần hoạt động thực tế chính trị tại đây, Hiếu đã gắn bó với gia đình cô La - một phụ nữ hết sức giản dị, nghĩa tình, thân thiện và gần gũi. Nhà cô La chỉ có hai mẹ con, mà cô lại ít khi ở nhà, do đó con gái cô hầu như phải ở một mình. Ban đầu con gái cô La rất ngại ngùng, ngại tiếp xúc rồi dần dần làm quen, gần gũi với Hiếu.
Ba tuần ở cùng, Hiếu đã như một người chị, bảo ban, chăm sóc con gái cô La. Đến khi chuẩn bị về trường, con gái cô La bịn rịn mãi không muốn rời, em nói với Hiếu: “Đây là những ngày tháng em vui nhất, em mong các chị sớm trở lại với em”. Sau này, khi về trường trở lại với công việc học tập bận bịu, Hiếu vẫn nhớ tới cô gái đó với dạt dào tình cảm mến thương và lo lắng.
Ba tuần ở xã Nhã Nam, Hiếu và các bạn đã làm rất nhiều những công việc bổ ích, đúng nghĩa “ba cùng với dân”. Đó là sinh hoạt với người dân như những người trong gia đình, từ việc nấu ăn, quét nhà, dọn dẹp vườn tược, nhổ cỏ, tưới rau… Cùng Đoàn thanh niên nhà trường tặng quà thăm hỏi gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, nạo vét mương, dọn dẹp đường xá, nhà văn hóa, nghĩa trang, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, làm lễ dâng hương tại chùa Tứ Giáp.
Hiếu và các bạn còn được tham gia công tác dân vận thông qua các phong trào vận động nhân dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tham gia các buổi tuyên truyền Luật An toàn giao thông đường bộ và phòng chống ma túy học đường tại Trường tiểu học và Trung học cơ sở xã Nhã Nam.
“Ông cha ta có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn’’, quả đúng là như vậy. Những ngày cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân đã giúp chúng em nuôi dưỡng cảm xúc, lòng thương người, biết sẻ chia và thấu hiểu những khó khăn mà người dân đang trải qua, và đặc biệt là củng cố những kiến thức đã học, rèn luyện ý chí, bản lĩnh. Đây còn là cơ hội giúp em và các bạn trưởng thành hơn”, Hoàng Thị Hiếu chia sẻ.
Cùng có những kỷ niệm đẹp như Hoàng Thị Hiếu, sinh viên Phạm Văn Hưng, Khoa Cảnh sát hình sự lớp B1C3-H05S kể, em đi “ba cùng” tại thôn Minh Khai, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên. Em đã sống cùng gia đình bác Bùi Quang Sử, hiện là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Tân Hưng. Thôn Minh Khai là một vùng quê nghèo, kinh tế còn khó khăn. Vùng quê này tình hình tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp.
Ba tuần ở đây, Hưng và các bạn đã giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, làm sạch cỏ dại xung quanh đường xá, khơi thông cống rãnh; kết hợp với chính quyền xã, thôn làm đường bê tông đi vào các xóm nhỏ; trồng hoa ven đường đi quanh xã, đồng thời giúp nhà chùa Phương Trà lợp mái, dọn dẹp cỏ dại. Qua những công việc đời thường với bà con, Hưng cảm thấy mình trưởng thành hơn về nhận thức, tư tưởng, lối sống, đặc biệt em được “củng cố vững vàng về nghiệp vụ vận động quần chúng”.
Hưng chia sẻ: “Trước chuyến đi, có lúc chúng em xác định đi với tâm thế để đến, để điểm danh, để hoàn thành nhiệm vụ của kỳ thực tế. Vậy nhưng, vượt xa những điều mong đợi, và với những gì thực tế tận mắt được chứng kiến đã cho em biết bao tình cảm gắn bó với người dân và cho chúng em thêm nhận thức, thêm kỹ năng mà nếu không “xách ba lô lên và đi” thì không thể nào có được”.
Những chuyến “ba cùng với dân” giúp các học viên cảnh sát trưởng thành về mọi mặt. |
Có thể nói, những chuyến đi thực hành chính trị xã hội, đưa sinh viên về bám cơ sở, cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm với nhân dân nhiều năm qua đã được các trường CAND thực hiện nghiêm túc. Và ngoài ý nghĩa về mặt đổi mới phương pháp giáo dục đào tạo thì những chuyến “ba cùng” này còn mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc.
Đây cũng có thể coi là “đặc sản” trong phương pháp giáo dục của các nhà trường CAND, khi gắn “học với hành”, mục đích là củng cố nhận thức của học viên, giúp học viên có điều kiện so sánh, đối chiếu giữa kiến thức đã học với tình hình thực tế ở địa phương, bước đầu làm quen với công tác dân vận.
Chuyến “ba cùng” này còn nhằm tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và chính quyền, Công an địa phương, xây dựng hình ảnh và ấn tượng tốt đẹp về người chiến sỹ Công an đối với nhân dân.
Trung tá Đặng Thị Thanh Hoa, Trưởng bộ môn Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn (Trường cao đẳng CSND I) chia sẻ với chúng tôi rằng, những chuyến đưa sinh viên đi “ba cùng” tại các xã ở Bắc Giang, Hưng Yên rất có ý nghĩa trong cuộc đời nhà giáo của chị; giúp chị có thêm nhiều kiến thức thực tế sâu sắc để kết hợp với lý luận bài giảng.
Trung tá Hoa cho hay, đầu vào của Cao đẳng CSND I rất đa dạng, có cán bộ đi học, có lính nghĩa vụ và có cả học sinh phổ thông là những em rất ít va chạm thực tiễn. Nhưng chỉ sau một chuyến đi thực tế tại cơ sở, các em đã trưởng thành lên rất nhiều; tự tin hơn khi tiếp xúc với người dân, hiểu được đời sống chính trị ở địa phương. Có kiến thức thực tế giúp các em “học đi đôi với hành, kiến thức không còn là lý thuyết suông”. Với những môn nghiệp vụ, như phòng chống tội phạm, các em học cũng hiệu quả hơn. Các bạn học viên cảnh sát đã “chinh phục” bà con bằng chính sự tận tâm, nhiệt thành khi lăn xả vào công việc, đã thu hẹp khoảng cách giữa người dân và chiến sỹ, góp phần thắt chặt tình quân dân.
Trung tá Hoa kể, có bạn học viên được bố trí ở cùng một gia đình có hoàn cảnh khá “đặc biệt”, bố mất sớm, mẹ bỏ đi, hai đứa trẻ ở cùng với ông bà. Khi bạn học viên xuất hiện trong gia đình này, cuộc sống của họ có thêm biết bao niềm vui. Bạn học viên đó đã bảo ban hai đứa trẻ học hành, đưa đón các em đi học. Đến ngày chia tay, hai đứa trẻ cứ bám lấy “chú cảnh sát”, còn hai ông bà già thì bịn rịn nắm chặt tay “chú” mãi không rời. Sau này, trong bản viết thu hoạch, bạn học viên này đã viết rằng, “chuyến đi đã giúp tôi hiểu thêm giá trị của tình quân dân thắm thiết. Tôi sẽ trở lại nơi này để gặp lại gia đình họ, gặp lại hai đứa trẻ”.
Cũng theo Trung tá Hoa, ý nghĩa của những đợt thực hành chính trị xã hội này còn thể hiện ở việc, nhiều học viên được giác ngộ rằng, vùng đất nào, miền quê nào cũng là quê hương; người dân ở đâu cũng đều là người thân mình, nên họ sẵn sàng nhận phân công công tác ở bất cứ đâu. Có học viên sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện về nơi mình đã “ba cùng với dân” để công tác, lập nghiệp.
Và còn một điều thật thú vị và cũng vô cùng nhân văn - đó là sau những chuyến “ba cùng”, đã có một số học viên “có duyên” với những gia đình họ gắn bó, “thầm yêu trộm nhớ” con gái nết na nhà họ. Sau khi tốt nghiệp, những sỹ quan cảnh sát này đã trở thành “rể” của thôn, xã nơi họ đến thực tế. Hiện đã có ba đôi nên duyên vợ chồng từ những chuyến đi “ba cùng” này, như một nhịp cầu vững chắc của tình quân dân.
.