Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201812/nhung-tran-danh-khong-tieng-sung-831811/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201812/nhung-tran-danh-khong-tieng-sung-831811/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những trận đánh không tiếng súng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 30/12/2018, 10:56 [GMT+7]

Những trận đánh không tiếng súng

Điều quan tâm nhất của lực lượng Công an trong mỗi vụ trọng án là công tác truy nóng đối tượng ngay sau khi gây án. Bởi tâm lý chung của tội phạm là tìm mọi cách để trốn càng xa, càng kỹ càng tốt, nếu không sớm phán đoán, nhận định và tổ chức vây bắt thì sẽ rất khó khăn cho công tác tố tụng.

Và để đảm bảo thành công cho mỗi vụ án, bên cạnh công tác xác minh, làm rõ và truy bắt đối tượng phạm tội, công tác vận động đầu thú luôn được ưu tiên hàng đầu. Thời gian qua, Công an Hải Phòng đã vận động, thuyết phục được nhiều đối tượng phạm tội gạt bỏ ý định trốn chạy…

Kiên trì vận động

Vụ án mạng xảy ra vào cuối tháng 11 vừa qua trên đường Trần Nhân Tông, quận Kiến An, Hải Phòng, nạn nhân là anh Lê Trung H., ở xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, do thương tích quá nặng đã tử vong ngay sau khi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hung thủ được xác định là Nguyễn Khánh Toàn (48 tuổi, ở tổ Trữ Khê 1, phường Quán Trữ, quận Kiến An), do mâu thuẫn cá nhân đã dùng dao sát hại anh H.

Thượng tá Vũ Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận Kiến An cho biết, sau khi gây án, đối tượng Nguyễn Khánh Toàn nhanh chóng bỏ trốn khỏi địa phương. Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Công an quận Kiến An đã tập trung lực lượng truy bắt, không để đối tượng có thời gian bỏ trốn đi quá xa và có thể tiếp tục gây án.

Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hải Phòng trong cuộc họp bàn biện pháp phòng ngừa, tấn công tội phạm.
Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hải Phòng trong cuộc họp bàn biện pháp phòng ngừa, tấn công tội phạm.

"Thường với các vụ trọng án, thông tin về đối tượng phải bí mật để tổ chức truy bắt nhưng riêng vụ án này thì khác. Không giấu giếm thông tin, gặp người thân đối tượng ở đâu thì tuyên truyền, vận động họ đưa đối tượng ra đầu thú" - Thượng tá Vũ Văn Thắng chia sẻ. Cơ quan điều tra nhận định, hung thủ Nguyễn Khánh Toàn là đối tượng nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh không thể dư giả về tài chính nên chắc chắn phải liên hệ với gia đình để cung cấp tiền bạc làm lộ phí trong quá trình bỏ trốn.

Từ đó, Công an quận đã có phương án tập trung vào người thân trong gia đình Toàn, đồng thời thông qua bạn bè và người thân để tìm cách liên lạc, kêu gọi Toàn sớm ra đầu thú...

Trước tinh thần trách nhiệm của lực lượng công an kiên trì động viên, thuyết phục, gia đình đối tượng Nguyễn Khánh Toàn đã tìm cách liên lạc, khuyên giải Toàn quay trở về nhận tội để được sự khoan hồng của pháp luật, sớm có cơ hội làm lại cuộc đời. Sau 4 ngày bỏ trốn, được sự động viên của gia đình và Cơ quan công an, Toàn đã trở về nhờ người thân đưa ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Trước đó, vào giữa tháng 5-2018, trên địa bàn phường Đông Hải, quận Hải An, do mâu thuẫn trong làm ăn, Đồng Quốc Cường (26 tuổi, ở phường Đồng Hòa, quận Kiến An, là lái xe) đã dùng hung khí sát hại giám đốc của mình. Sau khi gây án, Cường bắt xe khách ra Quảng Ninh mục đích tìm cách trốn qua bên kia biên giới hòng thoát lưới pháp luật. Tuy nhiên, khi được động viên, thuyết phục của gia đình và lực lượng công an, Cường đã quay về nhận tội.

Các cán bộ Công an TP Hải Phòng bắt đối tượng truy nã (đội mũ len)....
Các cán bộ Công an TP Hải Phòng bắt đối tượng truy nã (đội mũ len)....

Cường thú nhận chỉ trong vài ngày trốn chạy nhưng với anh ta là quãng thời gian vô cùng khủng khiếp. Đó là nỗi ám ảnh của tội ác, là sự sợ hãi khi lúc nào cảm giác có người đang truy đuổi mình, là sự cô đơn, thậm chí là sự tuyệt vọng. Nhưng, đến khi nghe được điện thoại của người thân, hơn cả là trực tiếp lời phân tích, thuyết phục của cán bộ công an thì Cường lấy lại được bình tĩnh, yên tâm quay trở về bởi anh ta hiểu rằng khi đã gây tội ác thì sớm muộn cũng sẽ phải trả giá trước pháp luật...

Nhớ lại vụ án xảy ra cách đây chưa lâu trên đường Tôn Đức Thắng, phường An Dương, quận Lê Chân, nạn nhân là Đỗ Đức H. (sinh 1987, ở Hạ Lý, Hồng Bàng) tử vong do bị nhiều thương tích trên người. Nhóm đối tượng sau khi gây án mặc dù nhanh chóng bỏ trốn biệt tích nhưng tất cả đều bị lực lượng công an "điểm mặt" và "gọi tên".

Đại tá Trần Văn Bé, Trưởng Công an quận Lê Chân cho biết, khi xác định đối tượng cầm đầu là Trần Thanh Lâm (28 tuổi, ở phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng) là đối tượng nghiện ma túy đá nên chắc chắn phải liên hệ với gia đình để xin cung cấp tiền mua ma túy sử dụng trong thời gian bỏ trốn. Cơ quan công an đã có phương án tập trung vào người thân trong gia đình và bạn bè của Lâm để tìm cách liên lạc, kêu gọi Lâm và đồng bọn sớm đầu thú...

"Nói là vậy nhưng thực tế khi triển khai phương án vận động đầu thú thì lực lượng công an đã gặp phải vô vàn khó khăn. Các trinh sát, thậm chí cả lãnh đạo đơn vị cũng bố trí chia nhau tìm đến từng gia đình các đối tượng để vận động. Có gia đình khi nghe cán bộ công an phân tích đã đồng ý kêu gọi con em về đầu thú nhưng cũng không ít gia đình tỏ ý nghi ngờ, thậm chí còn có thái độ bất hợp tác" -  Đại tá Trần Văn Bé kể lại.

Tuy nhiên, với phương châm một lần không thuyết phục được thì nhiều lần ắt có tác dụng. Kết quả khi Trần Thanh Lâm cùng đồng bọn đang trên đường định bỏ trốn ra khu vực biên giới Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đã được gia đình gọi quay về, đưa đến Cơ quan công an đầu thú.

Quay đầu để được hưởng khoan hồng

Cần mẫn rót từng cốc bia hơi, rồi tận tay bưng bê mời khách, anh Hoàng Văn K. (ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) đã mấy năm nay sống "đàng hoàng" cùng với gia đình bằng việc mở quán bán bia hơi... Anh K. kể lại, cách đây hơn 10 năm, trong một lần cãi vã, anh đã không kiềm chế được cơn nóng giận, dùng hung khí gây thương tích cho người hàng xóm. Gây án xong, K bắt xe ô tô đi thẳng vào khu vực phía Nam.

Để có tiền nuôi thân, anh K. xin đi làm thuê, làm mướn, nay đây mai đó trốn tránh sự truy bắt của Cơ quan công an. Anh K. tâm sự, trong khoảng thời gian chạy trốn, anh chưa một lúc nào được sống thanh thản mà chỉ nơm nớp như có ai đó đang... theo dõi mình.

Cũng đã có không ít lần gia đình và Cơ quan công an động viên K. trở về ra đầu thú nhưng nghĩ đến bản án treo lơ lửng trên đầu, anh lại không dám quay về. Sau nhiều lần được cán bộ công an quận Lê Chân đến thuyết phục, giải thích thông qua gia đình cho K. biết chính sách khoan hồng của nhà nước đối với những người phạm tội biết ăn năn hối cải, lúc đó K. mới yên tâm quay về... chịu tội. Chấp hành án xong, anh K. trở về mở quán bán bia hơi ngay trước cửa nhà mưu sinh và tìm được hạnh phúc với cuộc sống thanh thản bên vợ con...

...và vận động đối tượng (đánh dấu X) ra đầu thú.
...và vận động đối tượng (đánh dấu X) ra đầu thú.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác truy bắt và vận động đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã ra đầu thú, Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng CSHS - CATP Hải Phòng cho biết, đầu tiên là biện pháp thuyết phục người phạm tội ra đầu thú, sau nữa mới tính đến các biện pháp truy bắt. Việc vận động đối tượng truy nã đầu thú sẽ giảm bớt thời gian, chi phí, đảm bảo an toàn tính mạng và trên hết là thể hiện tính nhân văn của pháp luật. Do vậy để vận động thành công các đối tượng thì phải đòi hỏi người cán bộ công an phải biết kiên nhẫn và hơn cả là cái tâm.

Đại tá Lê Hồng Thắng kể lại, đã có lần khi lực lượng công an phát hiện dấu vết của một đối tượng phạm tội bỏ trốn đã tổ chức truy bắt và vấp phải sự chống đối quyết liệt của một số đối tượng khác. Không nản chí, các anh đã nhiều lần đến gia đình đối tượng thuyết phục. Thậm chí tìm cả đến nơi nghi vấn có đối tượng đang lẩn trốn để động viên, giảng giải, phân tích điều hay, lẽ phải cho những người thân của đối tượng hiểu được việc che giấu tội phạm là vi phạm pháp luật. Nếu đối tượng đầu thú sớm một ngày sẽ càng gần hơn với ngày trở về đoàn tụ với gia đình. Cảm nhận được sự chân tình trong những lý lẽ của các chiến sỹ công an đưa ra, người thân của đối tượng đã hợp tác vận động con em mình trở về ra đầu thú...

Ngày trở về của Phạm Văn P. (36 tuổi, ở phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân), sau khi gây án bỏ trốn vào Thanh Hóa đã được cán bộ công an đến tận nơi lẩn trốn "đón" ra mà không phải chịu một sự khống chế nào. Thậm chí, P. còn được cán bộ công an cho ăn uống, nghỉ ngơi... Cảm nhận được sự ân cần, chu đáo của cán bộ công an, tại cơ quan điều tra, P. đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình và cả nơi cất giấu tang vật vụ án.

Kết quả trong thời gian qua, các lực lượng Công an thành phố Hải Phòng đã vận động, bắt hàng trăm trường hợp phạm tội hoặc có lệnh truy nã bỏ trốn, trong đó có nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm... Thực tế cho thấy, những trường hợp phạm phải những sai lầm nghiêm trọng đối với xã hội đều có tâm lý lo sợ vì không biết hành vi phạm tội do mình gây ra sẽ bị trừng phạt ra sao nên họ đều tìm cách lẩn trốn. Nếu để đối tượng phạm tội trốn ở bên ngoài xã hội vô cùng nguy hiểm. Họ có nguy cơ phạm những tội khác... Do đó, nếu vận động được đối tượng sớm ra đầu thú, vừa đỡ tốn công sức của lực lượng công an khi tổ chức truy bắt, vừa phòng ngừa được hành vi phạm tội của đối tượng.

Từ những kinh nghiệm của mình, Đại tá Lê Hồng Thắng cũng cho rằng, việc bắt và vận động đối tượng phạm tội ra đầu thú là một biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm hữu hiệu. Hơn nữa, nếu biết cách vận động thì gia đình, người thân người phạm tội sẽ sẵn sàng vận động đưa con em mình trở về với cộng đồng. Mà khi người phạm tội đã tự nguyện ra đầu thú cũng có nghĩa là họ đã hiểu rõ những việc làm sai trái của mình và tự nguyện hướng thiện.

.

Nguồn: V.Huy/Báo CAND

.