Nếu chúng ta gõ một địa chỉ một trang tin điện tử, hay một tờ báo điện tử bất kỳ, điều dễ dàng nhận thấy là có thể đập vào mắt chúng ta ngay lập tức sẽ là những thông tin về những vụ việc vi phạm pháp luật đây đó trên cả nước.
Tung hình ảnh sex của khách trong rạp chiếu phim lên mạng; post đoạn clip sex của khách hàng uống trà sữa lên facebook; bắt được đối tượng trộm chó, đánh, rồi cột con chó vào cổ của đối tượng để chụp ảnh loan truyền trên Internet… Có rất nhiều câu chuyện vi phạm pháp luật được (hoặc bị) cho trôi qua một cách vô thanh vô ảnh, mặc dù nền tảng của xã hội văn minh chính là thượng tôn pháp luật. |
Tất nhiên, sẽ có những người cho rằng “tại báo chí thích đưa tin tiêu cực nên nhìn đâu cũng ra tiêu cực” song khó có thể phủ nhận rằng việc vi phạm pháp luật đang ngày một phổ biến đến mức độ nó như chuyện thường tình.
Và chỉ cần kiểm chứng bằng những quan sát xung quanh mình, ở ngay nơi mình sống, chúng ta sẽ chắc chắn không thể phủ nhận thực trạng đáng buồn ấy.
Hôm đầu tháng 8, có một video được đăng tải trên một số trang tin và được chia sẻ lại trên mạng xã hội với nhiều tranh cãi trái chiều. Đó là video ghi lại cảnh một cậu học sinh phổ thông trung học ở Đà Nẵng băng qua đường và khiến một “ông Tây” đi xe máy té ngã.
Lập tức, cậu bé quay lại có ý xin lỗi nạn nhân nhưng nạn nhân thì lại thể hiện thái độ tức giận và xô đẩy chú bé. Không thể bênh vực sự phản ứng của nạn nhân song chúng ta có thể thông cảm.
Người phương Tây vốn dĩ sống trong một xã hội an toàn hơn Việt Nam khá nhiều nên trước một cú ngã xe máy như thế, sự hoảng hốt, nỗi lo sợ có thể khiến “ông Tây” phản ứng thái quá, gay gắt và đáng trách.
Nhưng cơ bản nhất là việc cậu bé học sinh phổ thông trung học kia băng ngang qua đường không đúng vạch dành cho người đi bộ, không đúng lúc có đèn xanh cho người đi bộ vốn dĩ đã là một hành vi phạm luật.
Minh họa: Hùng Dingo. |
Hành vi đó gần như không tồn tại ở những nước văn minh và nếu có tồn tại, trước sự phán xử của luật pháp, cái sai của nó sẽ được vạch rõ ra chứ không phải theo kiểu suy luận rất tréo ngoe của đa số người Việt hiện nay là cứ có va chạm giao thông, xe cơ giới càng tân tiến hơn thì càng có xu hướng bị bắt lỗi hơn.
Quay trở lại với cậu bé học sinh kể trên, chúng ta sẽ giật mình nếu nhìn vào một thực tế rằng cậu không phải là trường hợp hiếm hoi có hành vi băng qua đường tùy tiện như thế. Ở độ tuổi của học sinh cấp 3, việc hành xử tùy tiện bất chấp pháp luật mà trở thành thói quen, nó sẽ dung túng cho thói quen vi phạm pháp luật khi trưởng thành.
Và chính chúng ta, những người lớn, nếu nhìn lại chính mình cũng sẽ thấy mình đã từng vi phạm pháp luật như thế nào, với mật độ ra sao trong đời sống của mình.
Nguy hiểm hơn, thói quen ấy sẽ tạo ảnh hưởng trực tiếp đến những người thân trong gia đình chúng ta, mà cụ thể là con cháu của mình, để từ đó tạo ra những thế hệ kế tiếp nghiễm nhiên phạm luật.
Từ thói quen phạm luật một cách thản nhiên của đa số người Việt hôm nay, chúng ta có thể nói với nhau rằng pháp luật dường như không có một “đời sống” thực sự với một bộ phận người Việt Nam khi những đối tượng trong phạm vi điều chỉnh của luật pháp gần như không nắm bắt, không hiểu biết, không tìm hiểu về luật.
Chính việc không nắm luật mới là nguyên nhân dẫn tới chuyện không tuân thủ pháp luật để rồi vi phạm pháp luật trở thành chuyện thường ngày.
Người Việt chỉ có thói quen đọc và tìm hiểu luật mỗi khi có chuyện, có việc liên quan trực tiếp tới quyền lợi cá nhân của mình mà thôi. Còn lại, với họ pháp luật là một khái niệm xa vời và xa xỉ.
Cái đáng buồn chính là trong một môi trường như thế, lại có những con người lợi dụng quyền hạn để biến việc xem thường pháp luật trở thành chuyện đơn giản. Đơn cử như việc thi cấp bằng lái xe. Có ai trong chúng ta dám khẳng định rằng hoàn toàn không có tiêu cực ở khâu chấm thi hay không?
Chắc chắn là không ai dám khẳng định điều đó bởi đây đó, chúng ta từng nghe, thậm chí chứng kiến và trải qua việc người đi thi cấp bằng được chính người trông thi chỉ cho đáp án ở phần thi về luật giao thông. Khi những con người không coi trọng luật giao thông và không tìm hiểu kỹ về nó được cấp tấm bằng lái xe, tai nạn xảy ra có lẽ cũng chẳng phải chuyện lạ lẫm gì.
Có một câu chuyện mà nhiều người quan tâm đến pháp luật đều biết tới, và tâm đắc với nó. Đó là vụ xử liên quan đến chiếc tàu buôn nô lệ có tên Zong hồi thế kỷ 18 ở Anh mà người phán xử là William Murray, tức Bá tước Mansfields, chánh án tối cao pháp viện Anh.
Trước áp lực của nhiều người có quyền thế, có tiền, ông vẫn đứng về phía lẽ phải với tuyên bố nổi tiếng: “Pháp luật phải được thực thi dù cho thiên đường có sụp đổ”. Nhưng cũng chính ông là người nói một câu khác rất đáng suy ngẫm rằng: “Pháp luật còn để diễn giải chứ không chỉ để xét xử đơn thuần”.
Đúng, pháp luật là phải để diễn giải, để được hiểu bởi một cộng đồng mà nó đang điều chỉnh chứ không phải chỉ để xét xử những trường hợp thiểu số vi phạm nào đó. Pháp luật được đề ra là để người dân nắm bắt và hiểu được giới hạn hành vi của mình, hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Chỉ khi nào cộng đồng có ý thức nắm bắt, tìm hiểu pháp luật thì khi ấy, việc phạm luật mới được hạn chế lại. Và cũng chỉ khi ấy, pháp luật mới có cơ hội có một “đời sống” thực sự trong xã hội. Đời sống ấy hiện nay của pháp luật Việt Nam là rất yếu ớt và chúng ta phải là những con người đầu tiên tạo ra cơ hội cho luật pháp được “sống” đúng nghĩa.
Những năm gần đây, nhiều người nói về dân chủ nhưng lại quá ít người nói về pháp luật. Thực sự, chúng ta cần phải hiểu rõ với nhau rằng, một xã hội, một quốc gia càng dân chủ bao nhiêu thì dân chúng trong xã hội, quốc gia ấy lại càng phải biết thượng tôn pháp luật bấy nhiêu để chính việc nắm bắt và hiểu biết pháp luật của từng con người sẽ giúp họ hiểu giới hạn của quyền tự do, dân chủ là thế nào để không trở nên quá trớn.
Và nên nhớ, không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai trong chuyện ta chưa nắm luật bởi ở thời đại thông tin hiện nay, việc kiếm tìm một văn bản luật, một bộ luật thực sự rất dễ dàng và có thể được thực hiện chỉ trong một thời gian rất ngắn.