Phóng sự
Lại chọn chuyện dễ!
Trong bối cảnh mà Bộ Tài chính kiên quyết tăng kịch trần thuế môi trường trên mỗi lít xăng dầu. Nhiều Bộ khác đã phản ứng với sự kiên quyết này của Bộ Tài chính vì những lo ngại việc tăng thuế kịch trần sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác về kinh tế, đời sống. |
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ mức 3.000 đồng/lít lên kịch khung 4.000 đồng/lít; các mặt hàng dầu tăng kịch khung lên mức 2.000 đồng/lít, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm. Nghĩa là mỗi năm ngân sách sẽ có thêm gần 14,5 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong rất nhiều nhận định của Bộ Tài chính, cho đến giờ vẫn chưa cho thấy rõ ngoài chuyện ngân sách thu được thêm gần 14,5 nghìn tỷ/năm thì bức tranh kinh tế tổng thể sẽ chịu tác động như thế nào từ việc tăng thuế này.
1. Hiện tại, một lít xăng dầu đã cõng rất nhiều loại thuế phí. Đơn cử, mỗi lít xăng hiện nay chịu thuế nhập khẩu là 1.944 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 1.555 đồng, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.944 đồng…
Từ năm 2002 đến năm 2015, thuế môi trường trên một lít xăng là 1.000 đồng, tháng 5-2015 cho đến nay thuế môi trường trên mỗi lít xăng tăng lên 300% thành 3.000 đồng/lít.
Minh họa: Lê Phương. |
Nếu đề xuất tăng kịch trần thuế môi trường trên mỗi lít xăng là 4.000 đồng được thông qua thì nghĩa là từ năm 2015 đến năm 2018, thuế môi trường trên mỗi lít xăng đã tăng 400%. Một con số vô cùng khủng khiếp.
Góp ý với sự cương quyết này của Bộ Tài chính, Bộ Công an cho rằng khi tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng như xăng, dầu, nhiên liệu bay, sẽ tác động đến giá bán của hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, xã hội và nền kinh tế đất nước.
Bộ Công thương nêu quan điểm phải xem xét, tính toán cẩn trọng khi tăng thuế, do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bộ Giao thông Vận tải thì cho rằng các mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến chi phí vận tải. Điều này ảnh hưởng đến các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là các giải pháp nhằm giảm chi phí vận tải logistics.
Bộ này đề xuất nếu tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì phải làm có lộ trình, điều chỉnh một cách hợp lý…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẳng thắn, hồ sơ (tăng thuế môi trường trên mỗi lít xăng dầu của Bộ Tài chính) chưa làm rõ được cơ sở khoa học của chính sách điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường, các lý do đưa ra cũng chưa thống nhất và thuyết phục, đặc biệt là so sánh giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam với một số nước trên thế giới.
Trên thực tế ai cũng biết, việc tăng thuế môi trường cho mỗi lít xăng dầu lên kịch trần thì mười mấy nghìn tỷ thu được mỗi năm đó không dành cho môi trường mà dành cho ngân sách, có thể gọi đây là một hình thức thu thuế núp bóng danh nghĩa.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của cuộc sống, gần như toàn xã hội, toàn ngành nghề, lĩnh vực đều không có một lựa chọn khác để thay thế nguồn nhiên liệu này.
Trước đây, những lần tăng giá xăng dầu vô lối và thiếu minh bạch bị dư luận phản ứng gay gắt nhưng rồi đâu cũng lại vào đấy, kiểu như không khí có đắt cách mấy thì cũng phải mua để sử dụng chứ không lẽ ngưng thở.
2. Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, khi ngân sách một quốc gia đang hụt hơi thì câu chuyện tính thuế để tăng nguồn thu không giải quyết được vấn đề, nếu không muốn nói lợi chưa thấy chỉ toàn thấy hại.
Bởi nguồn thu từ thuế phí là nguồn thu phải được nuôi dưỡng (các bậc hiền nhân xưa gọi là khoan sức dân) chứ không phải là bị khai thác triệt để. Không thể nào xem thuế phí là nguồn thu vô tận nhằm bổ sung cho sự buông lơi, sự thiếu giám sát cũng như giám sát không hiệu quả các khoản đầu tư công, thu chi ngân sách được.
Càng đề xuất tăng nhiều loại thuế phí thay vì tham mưu có hiệu quả những biện pháp thắt chặt ngân sách, giảm chi tiêu chống thất thoát ngân cách, càng cho thấy Bộ Tài chính đang chọn con đường dễ đi nhất để thực hiện nhiệm vụ của mình.
Tưởng con đường ấy dễ đi nhưng thực ra con đường ấy lại tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho tương lai, đặc biệt là về mặt cảm xúc của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói rất rõ ràng, “Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân”. Tuy nhiên, trong đề xuất quyết liệt tăng thuế môi trường kịch trần này, Bộ Tài chính đã bỏ qua hoàn toàn ý kiến của nhân dân, mặc dù đối tượng bị ảnh hưởng chính trong việc tăng thuế này hẳn nhiên là nhân dân.
3. Khi mà bức tranh hiện thực vừa có điểm sáng với sự quyết liệt chống tham nhũng, loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa biến chất của Tổng Bí thư, xây dựng một Chính phủ kiến tạo vì dân phục vụ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc…. thì những đề xuất tăng thuế phí liên tục của Bộ Tài chính phần nào đó đang kìm nén những cảm xúc tích cực của nhân dân, hoàn toàn bất lợi so với cái chung ngoại trừ lời nói quen thuộc “tăng ngân sách”.
Tăng ngân sách phải bền vững với nhiều yếu tố, giải pháp và biện pháp, từ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sinh lợi, tạo cơ chế thông thương kinh doanh cho người dân, tạo môi trường đầu tư thông thoáng ưu đãi… Chứ làm sao có kiểu tăng ngân sách ăn xổi ở thì và đầy rủi ro theo cách cứ tăng thuế phí.
Nhất là trong bối cảnh còn quá nhiều điều vô lý từ tình trạng kinh doanh thiếu hiệu quả gây thiệt hại nghìn tỷ của các tập đoàn tổng công ty nhà nước cho đến công sản bị mang ra phân phát gây tổn thất nghiêm trọng cho ngân sách quốc gia, khiến nhân dân hết lần này đến lần khác hoảng hốt vì “đột phá” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo.
Cuối cùng, tôi vẫn bảo lưu quan điểm, tăng thuế phí trong thời điểm này là hành động khiến quốc gia bất lợi nhiều hơn là có lợi.
Nguồn: CSTC/Báo CAND