Phóng sự
'Làm việc thiện thì sợ gì nguy hiểm'
Chúng tôi có mặt tại Phòng Cứu nạn cứu hộ (CNCH), Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội vào một buổi trưa hè. Mặc dù ngoài trời nhiệt độ nóng như đổ lửa nhưng những chiến sĩ nơi đây vẫn hăng say tập luyện. Những cú đu dây qua khoảng không gian cao và dài, hay chạy lên nóc nhà cao tầng, trên mặt tường thẳng đứng rồi lại đu dây trườn xuống mặt đất khiến chúng tôi thật mãn nhãn.
Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng CNCH, Cảnh sát PCCC Hà Nội. |
Đưa cánh tay gạt mồ hôi với nụ cười thân thiện, Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó Trưởng phòng CNCH chia sẻ:
“Chúng tôi luôn quan niệm, giọt mồ hôi khi luyện tập có thể được đổi bằng giọt máu và tính mạng nơi chiến trận. Chính phủ đã giao cho lực lượng PCCC là cơ quan thường trực thực hiện nhiệm vụ CNCH hằng ngày như: cứu người bị nạn trong các vụ cháy nổ; cứu người bị nạn trong tai nạn giao thông, trong sự cố sập đổ công trình, sạt lở đất đá; cứu người bị mắc kẹt ở trên cao, dưới sâu, trong thang máy; người bị đuối nước. Đây là một công việc đòi hỏi tính cấp bách và không ít hiểm nguy.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao là phải cứu được người bị nạn trong các sự cố, tai nạn nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho CBCS tham gia CNCH thì CBCS Cảnh sát PCCC Hà Nội phải đảm bảo thể lực và thành thạo các kỹ năng CNCH. Muốn làm được điều này, chúng tôi phải tổ chức luyện tập hằng ngày với các tình huống giả định phức tạp hơn so với thực tế và cường độ tập luyện rất cao”.
Trong phút giải lao, tôi thật bất ngờ khi các chiến sĩ bỏ mũ bảo hiểm ra để uống nước. Tôi đếm, 1, 2… 5 cô gái, 5 người đẹp! Thấy tôi lóng ngóng, Thượng tá Dũng cười tươi:
“Đây là “biệt đội nữ” CNCH thuộc Phòng CNCH Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, là đội nữ duy nhất trong cả nước được thành lập thí điểm đầu tiên để làm nhiệm vụ CNCH trên cạn cũng như dưới nước. Năm nữ chiến sĩ được mệnh danh là 5 "Bông hoa thép" của Phòng CNCH. Chính vì là “biệt đội” đầu tiên nên 5 chiến sĩ nữ nhận được sự quan tâm đặc biệt của bạn bè, đồng nghiệp. Thế nhưng, có chứng kiến buổi luyện tập gian khổ của các chị mới thấy hết được niềm đam mê với nghề và tinh thần thép của những người phụ nữ tưởng chừng như chân yếu tay mềm”.
Giữa trời nắng nóng như đổ lửa, mang trên mình bộ quần áo bảo hộ vừa nặng, vừa nóng nhưng các chị đều nhanh nhẹn, thoăn thoắt thực hiện những động tác khó như các đồng nghiệp nam. Một màn đu dây cheo leo cực kỳ ngoạn mục trên toà nhà cao tầng chính là nơi làm việc thường ngày của cả Phòng.
Các CBCS nữ tại Phòng CNCH cũng phải tham gia luyện tập và tham gia CNCH cùng các đồng chí nam. Do yếu tố thể chất cũng như tâm lý của phụ nữ có phần khác so với nam giới nên để đạt được yêu cầu về huấn luyện và chiến đấu, các chị đã phải cố gắng rất nhiều và tất cả đều đảm bảo được giáo án theo yêu cầu của ban huấn luyện.
Ở Phòng CNCH, Đại uý Nguyễn Thị Ngọc Lan là nữ chiến sĩ duy nhất tham gia Đội CNCH dưới nước chia sẻ:
“Nếu như ở trên cạn, người lính CNCH còn có thể quan sát được hiện trường thì ở môi trường dưới nước như sông, hồ gần như không thể nhìn thấy gì. Những người lính cứu hộ phải dùng dây để định hướng và liên lạc với nhau. Chỉ cần một sơ suất nhỏ để tuột tay khỏi dây thì có thể bị trôi đi hàng chục mét. Đã có trường hợp một người lính CNCH dưới nước khu vực phía Nam, khi xuống cứu người ở khu vực nước xiết, bị tuột khỏi sợi dây này đã bị nước cuốn đi và anh dũng hy sinh”.
Trong những năm gần đây, hiện tượng nhà bị sập không chỉ do cháy nổ mà còn một nguyên nhân nữa là do các khu nhà tập thể cũ và xuống cấp do thời tiết mưa nhiều dẫn đến sụt lún, các kết cấu bị tách rời gây sập làm ảnh hưởng tới tính mạng cũng như tài sản của nhân dân.
Khổ luyện thường ngày, thành công trong chiến trận. |
Trung tá Nguyễn Đình Dương, Đội trưởng Đội CNCH nhớ lại: “Vụ sập Trụ sở Ban Quản lý Dự án đường sắt Khu vực 1 - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, địa chỉ 107 phố Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Nhà được xây dựng vào năm 1905 và đã được sửa chữa, tu tạo vào những năm 1990. Toàn bộ khu vực hội trường nằm ở giữa tầng 2 của tòa nhà Ban Quản lý Dự án đường sắt Khu vực 1 (rộng khoảng 300m²) đổ sập xuống theo phương thẳng đứng và làm rơi một số lượng lớn bê tông, gạch, đá, sắt, vôi vữa … xuống 2 ngõ giữa các khối nhà.
Đơn vị tổ chức công tác trinh sát toàn bộ hiện trường, phân tích, đánh giá tình hình và báo cáo Ban chỉ huy CNCH để đưa ra các biện pháp, chiến thuật, kỹ thuật CNCH phù hợp, tìm kiếm nạn nhân, tiến hành đào bới, phá dỡ cấu kiện xây dựng để đưa các thi thể nạn nhân ra ngoài, sơ tán các bình gas và dập tắt các bếp than tổ ong.
Sau 8 giờ chiến đấu liên tục trong điều kiện rất nguy hiểm bởi diện tích sập đổ rộng với khối lượng rất lớn bê tông, gạch, đá đặc biệt là các công trình lân cận mất khả năng bền vững, có nguy cơ sập đổ thứ cấp, lực lượng CNCH đã giải cứu được 15 người bị mắc kẹt trong các căn hộ tại các dãy nhà ra nơi an toàn, cứu được 5 người bị thương và đưa đến bệnh viện, tìm thấy 2 thi thể nạn nhân, bàn giao cho các cơ quan chức năng, di chuyển 17 xe máy và nhiều tài sản ra ngoài...”.
Hiện tượng đào móng xây, sửa nhà cửa cũng rất dễ gây sập nhà bên cạnh. Vụ sập nhà tại 43 Cửa Bắc, quận Ba Đình (Hà Nội) là một ví dụ. Nguyên nhân ban đầu của vụ sập nhà được cho là do ngôi nhà số 41 phố Cửa Bắc (sát vách nhà số 43) thi công đào móng cho máy xúc vào đào sâu xuống hơn 1m khiến ngôi nhà bên cạnh bị đổ sập…
Tại hiện trường, Đội CNCH phát hiện một phụ nữ bị mắc kẹt trong sàn nhà tầng 2, qua tiếng rên nhẹ và hơi thở yếu ớt, các CBCS đội CNCH đã dùng kích và chèn rồi vừa truyền nước xuống cho nạn nhân uống vừa động viên… sau 30 phút các chiến sĩ CNCH đã đưa được nạn nhân ra ngoài an toàn. Trong bức thư cảm ơn nạn nhân viết có đoạn thật xúc động: “Cảm ơn các chiến sĩ Cảnh sát CNCH, những người đã sinh ra tôi một lần nữa!”.
Nhớ lại vụ sạt lở đất đá xảy ra tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chôn vùi 18 người, phá hủy 4 nhà và làm 7 nhà khác bị hư hại, Thượng tá Trương Đức Dũng đượm buồn: “Chúng tôi sử dụng camera, cảm biến âm thanh và thiết bị khoan phá bê tông bằng khí nén phá các tảng đá lớn để tìm kiếm người bị nạn. Trong số những thi thể được tìm thấy có những người mất tay, mất chân, đặc biệt là khi tìm thấy thi thể 3 mẹ con, hình ảnh người mẹ khi chết vẫn còn ôm những đứa con khiến chúng tôi không cầm nổi nước mắt”.
Trong các vụ cháy tại các chung cư cao tầng gần đây, CBCS Phòng CNCH đã trực tiếp giải cứu được hàng trăm người, trong đó có trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và tham gia đưa gần 100 người trên sân thượng xuống đất an toàn.
“Chữa cháy và CNCH là nhiệm vụ cao cả đòi hỏi phải dấn thân để tìm lại cái còn trong cái mất, nên chiến sĩ PCCC không chỉ tuân theo tính chất khắc nghiệt của nghề mà còn chủ động dập lửa, cứu người cứu tài sản của nhân dân từ trái tim quả cảm của chính mình. Thượng tá Dũng chia sẻ.
Nguồn: CSTC/Báo CAND