Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201806/nhung-nguoi-thao-thuc-cung-bien-801122/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201806/nhung-nguoi-thao-thuc-cung-bien-801122/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những người thao thức cùng biển - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 25/06/2018, 15:06 [GMT+7]

Những người thao thức cùng biển

Mùa hè đến, nhu cầu đi tham quan, nghỉ mát của người dân rất đông. Một trong những điểm đến được đông đảo du khách lựa chọn là bãi biển Cửa Lò (Nghệ An). Trong nỗ lực chung để đảm bảo an toàn, giúp du khách thoải mái và yên tâm mỗi khi đến nơi này có sự đóng góp không hề nhỏ của những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
 
Bãi biển Cửa Lò chiều cuối tuần những ngày đầu tháng 6 lượng khách đổ về đây tăng đột biến. Hòa chung dòng người tấp nập cùng thưởng thức không khí mát lành của biển, tôi thật ấn tượng với các bạn thanh niên, sinh viên có mặt nơi đây, họ tập chung thành từng nhóm tổ chức những trò chơi vui nhộn như: Kéo co, nhảy babô hay đập bóng bằng vòng 3… vui chơi thỏa thích, rồi từng nhóm lại chạy ào lao ra biển vui cùng những con sóng bạc đầu. 
 
Nhiều bạn trẻ mải mê bơi vượt ra cả khu vực cắm phao cảnh báo nguy hiểm. Ngay tức khắc, có người phi môtô nước tới nhắc nhở các bạn bơi vào bờ. Người phi môtô nước là những cán bộ, nhân viên của Trung tâm Cứu hộ, cứu nạn (CHCN) và phòng chống thiên tai (PCTT) Cửa Lò.
Luôn đoàn kết một lòng vì sự an toàn của du khách.
Luôn đoàn kết một lòng vì sự an toàn của du khách.
Ông Nguyễn Doãn Phụng, Giám đốc Trung tâm CHCN và PCTT Cửa Lò chia sẻ: Hằng năm, vào dịp chuẩn bị khai trương mùa du lịch biển, bên cạnh việc tu sửa, nâng cấp các phương tiện cấp cứu biển hiện có như tàu cao tốc, canô, môtô nước… 
 
Trung  tâm còn tuyển chọn lực lượng tham gia cảnh báo, cấp cứu biển. Ngoài kiểm tra khả năng bơi lội, sức khỏe, những người làm công tác CHCN còn được tập huấn về công tác sơ cấp cứu y tế, kỹ năng phản ứng nhanh, văn hóa ứng xử với khách du lịch. 
 
Công tác CHCN, cấp cứu đuối nước, đảm bảo an toàn cho khách tắm biển luôn được lãnh đạo thị xã Cửa Lò cũng như trung tâm xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với hoạt động du lịch của địa phương. Là công việc lặng thầm, đòi hỏi sự tập trung kiên trì nếu như không có tâm thì không thể làm được. 
Vận chuyển phương tiện cứu hộ xuống biển để bắt đầu một ngày mới.
Vận chuyển phương tiện cứu hộ xuống biển để bắt đầu một ngày mới.
 
Trừ 12 cán bộ, nhân viên của trung tâm, lực lượng làm CHCN chủ yếu là nhân viên hợp đồng thời vụ trong 5 tháng du lịch. Có những thời điểm quân số của trung tâm lên tới 60 người, làm nhiệm vụ rải đều trên 10km biển. Năm 2017, tổng số người được trung tâm trợ giúp, cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn là 696 người.
 
Đã hơn 14 năm công tác tại Trung tâm CHCN và PCTT, anh Trần Tuấn Anh hiện đang giữ chức vụ Phó Giám đốc chia sẻ: "Tôi vốn không phải là dân miền biển nhưng nhờ những năm tháng được rèn luyện trong quân ngũ khi đi nghĩa vụ quân sự tại huyện đảo Trường Sa đã rèn cho tôi nghị lực và quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. 
 
Luôn học hỏi kinh nghiệm của các anh, các chú đi trước, từ cách đoán thời tiết, hướng gió, thủy triều đến cách sơ cứu, cứu hộ khi có trường hợp cấp thiết xảy ra. 
 
Công việc nghe thì đơn giản nhưng áp lực thì cực kì lớn. Hễ có sự cố xảy ra là chúng tôi phải có mặt kịp thời để CHCN. Đặc biệt, khối lượng công việc lại càng nhiều khi có bão lớn, biển động, sóng to hoặc thời tiết thay đổi bất thường".
 
Kể cho chúng tôi nghe về một kỷ niệm khi cứu một cô gái có ý định tự tử, gương mặt anh Trần Tuấn Anh thoáng buồn: "Lúc đó tôi đang đi trực trên biển, quan sát thấy một cô gái có ý định làm chuyện chẳng lành liền âm thầm theo dõi. Và đúng như tôi dự đoán, cô gái xuống biển để tự tử. 
 
Sau khi hô hấp và cứu sống cô gái, vì không yên tâm, tôi dùng phương tiện cá nhân để chở cô ấy vào bệnh viện. Tại đây, tâm lí cô gái vẫn chưa thực sự ổn định nên tôi phân công anh em túc trực, phòng khi cô gái có ý định tiêu cực, anh em còn có thể ngăn cản. 
Lực lượng CHCN luôn sẵn sàng ứng cứu những người gặp nạn.
Lực lượng CHCN luôn sẵn sàng ứng cứu những người gặp nạn.
Kiên nhẫn lựa lời khuyên nhủ, cô gái mới cho tôi biết mình tên là Dung, quê ở Nghĩa Đàn, vừa chia tay người yêu, cộng thêm gặp chuyện buồn trong gia đình. Hết tiền, chán nản, cô bắt taxi xuống Cửa Lò, rồi ý định quyên sinh. Sau một hồi an ủi, thấy tâm lý đã vững vàng, tôi cho tiền và bắt xe cho Dung về quê".
 
Luôn được nhắc đến như một tấm gương về tinh thần trách nhiệm trong công việc, nghĩa cử cao đẹp của anh Nguyễn Văn Tùng là thành viên của Trung tâm sau khi cứu một cậu bé 9 tuổi bị đuối nước khi cùng ông nội đi tắm biển ở Cửa Lò, gia đình của cậu bé ở Hà Nội đã mang phong bì trị giá 35 triệu đồng đến cảm ơn nhưng anh Tùng đã từ chối. 
 
Nài nỉ mãi anh mới nhận một triệu đồng rồi mời anh em trong ca trực đi uống nước, số tiền còn lại anh mua 1kg mực khô làm quà biếu lại gia đình. Nghĩa cử của anh khiến gia đình cậu bé rất cảm kích.
 
Do sơ suất bị nước chảy đẩy trôi ra xa, đang trong tình huống nguy kịch thì anh Nguyễn Trung Thành, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) được các anh CHCN phát hiện kịp thời dùng phương tiện môtô nước đưa vào bờ làm các biện pháp sơ cấp cứu. Sau khi tỉnh lại, các anh CHCN đã dùng ôtô đưa anh  Thành vào Bệnh viện Đa khoa thị xã để tiếp tục hồi sức… 
 
Xúc động trước tấm lòng và sự nhiệt huyết, anh Thành đã viết thư cảm ơn gửi UBND và  Trung tâm CHCN thị xã Cửa Lò: "Tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo thị xã đã bố trí đội ngũ cán bộ, nhân viên trung tâm có trách nhiệm cao, giầu lòng vì sự an toàn của du khách và cũng xin cảm ơn anh em trong Trung tâm CHCN. Muôn lần xin cảm ơn các anh".
 
Sinh ra và lớn lên trên vùng quê biển Nghi Hải - Cửa Lò, năm 2004, chàng trai trẻ Trương Đăng Tiến được nhận vào làm việc tại Trung tâm CHCN và PCTT thị xã Cửa Lò. 
 
Với ý chí cầu tiến, năng động, chịu khó học hỏi, anh luôn phấn đấu vươn lên trong công việc và hiện là một Tổ trưởng tiêu biểu của Tổ Kỹ thuật - Cứu hộ. 
 
Từ một công nhân bình thường, bằng sự chịu khó mày mò học hỏi, anh Tiến đã tự tìm tòi các phương pháp trong việc sửa chữa những loại máy móc hiện đại. Điều này đã giúp cho cơ quan tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng và đảm bảo được an toàn trong việc cứu hộ đuối nước cho du khách khi tắm biển Cửa Lò. 
 
Anh Tiến tâm sự: "Ngoài công việc sửa chữa các thiết bị, tìm kiếm CHCN dưới nước, anh em chúng tôi còn phải tìm kiếm trên bờ nữa! Hiện tượng trẻ con bị lạc tại bãi biển xảy ra thường xuyên, nguyên nhân là do người lớn, những người thân trong gia đình cũng mải mê vui chơi, "seo phì" mà quên đi một nhiệm vụ hết sức quan trọng là trông trẻ. 
 
Mải tạo dáng chụp cho nhau những tấm hình để lưu lại kỷ niệm đẹp trước biển, đôi vợ chồng trẻ đến từ tỉnh Thái Bình quên luôn đứa con trai 3 tuổi tự chơi với quả bóng bay trên bãi cát. Gió cứ thổi, quả bóng lại bay và đứa trẻ cứ mải mê đuổi theo quả bóng. 
 
Một lúc sau, cặp vợ chồng trẻ giật mình quay lại, không nhìn thấy con đâu, họ tá hỏa đi tìm, nhưng khốn nỗi biển rộng, người đông. Sau gần 1 tiếng đồng hồ mà vẫn không tìm thấy con. Hai vợ chồng mếu máo vào cầu cứu chúng tôi. 
 
Nhận được tin, anh em chúng tôi chia nhau đi tìm theo các hướng đồng thời thông báo trên loa thông tin về cháu bé. Thật may, đúng 10 phút sau thì tìm thấy cháu bé cách địa điểm ban đầu cháu chơi gần 2km khi cu cậu đang khóc "lặng người" vì sợ. Nhận lại đứa con bé bỏng, người mẹ sung sướng cứ ôm chặt đứa con vừa khóc, vừa xin lỗi con yêu khiến chúng tôi cũng chạnh lòng"!
 
Ông Nguyễn Doãn Phụng, Giám đốc Trung tâm CHCN và PCTT Cửa Lò cho biết thêm: "Để đảm bảo an toàn cho du khách, quan trọng nhất vẫn là  công tác nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa từ xa. 
 
Bởi vậy, ngay từ đầu mùa du lịch, công tác tuyên truyền đảm bảo thực hiện các quy định an toàn khi tắm biển đã được chính quyền Thị xã cũng như trung tâm hết sức chú trọng. 
 
Ngoài các công văn, chỉ thị của tỉnh cũng như của thị xã  gửi đến từng cơ sở lưu trú về việc khuyến cáo khách du lịch đảm bảo các quy định an toàn khi xuống tắm. Nghiêm cấm  các kiốt kinh doanh dịch vụ du lịch cho du khách thuê phao xăm và các  thiết bị cứu sinh không an toàn để tắm biển. 
 
Trung tâm còn ban hành nội qui cảnh báo tắm biển, hoàn thiện hệ thống các phao chỉ giới, chỉ dẫn và phao ngăn cách dọc khu vực các bãi tắm; bố trí các biển báo và thiết bị cảnh báo khu vực tắm không an toàn tại những nơi xác định vũng sâu, nước xoáy, đá ngầm có nguy cơ cao; phân công lực lượng phụ trách ở 3 vòng. 
 
Vòng thứ nhất trực cảnh báo từ xa bằng phương tiện tàu thuyền hoặc đài quan sát; Vòng thứ 2 là áp sát khu vực có du khách đang tắm biển và vòng 3 là ở trên bờ biển với nhiệm vụ tuyên truyền du khách tắm đúng nơi quy định và cảnh báo các nguy cơ đuối nước.
 
Anh Trần Huy, du khách đến từ quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận xét: "Cửa Lò có bãi tắm đẹp, bằng phẳng, đội ngũ cán bộ, nhân viên cứu hộ làm việc nhiệt tình, trách nhiệm nên chúng tôi cảm thấy rất yên tâm khi cùng gia đình tắm biển và nghỉ ngơi ở nơi này".
 
Do bờ biển dài, các điểm trực cách xa nhau, mật độ du khách đông, vào những ngày biển động, tầm nhìn bị hạn chế đã khiến cho những người làm công tác CHCN gặp rất nhiều khó khăn trong việc quan sát, nắm bắt tình hình và điều hành phối hợp. 
 
Bởi vậy, vào những ngày cao điểm phải huy động thêm lực lượng túc trực thường xuyên và trải đều trên các bãi tắm, sẵn sàng cứu hộ khi cần thiết. Bên cạnh đó, ý thức của một số du khách chưa cao, chủ quan, thích nhảy sóng, bơi xa không lường được nguy cơ tiềm ẩn của sóng khi biển động, phớt lờ cảnh báo của lực lượng cứu hộ. Nhiều du khách uống nhiều rượu, bia còn tỏ ra khó chịu, thiếu hợp tác, thậm chí đòi đánh cả nhân viên cứu hộ khi được cảnh báo về sự an toàn khi tắm biển.
 
Thiết nghĩ, công tác CHCN có được chuẩn bị chu đáo đến mấy cũng chỉ hạn chế chứ không thể ngăn được tai nạn nếu như những người tắm biển không ý thức được việc tự bảo vệ mình. 
.

Nguồn: Tuấn Trình/CAND

.