Phóng sự
Tình tiết khó tin vụ hàng nghìn người 'sập bẫy' của Thiếu tướng Quân đội rởm
09:32, 03/07/2018 (GMT+7)
Tạo cho mình một vỏ bọc "hoành tráng" là "Tướng quân đội", Hoa Hữu Long cùng với đồng phạm dùng những lời ngon ngọt và giấy tờ giả rồi gạ gẫm hàng nghìn người đưa tiền cho hắn để chạy việc.
Tùy vào số tiền nộp vào, Long sẽ bố trí bậc hàm, chức vụ sau này ở Tập đoàn Đông Dương, thuộc Bộ Quốc phòng (có phiên hiệu S10). Chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, nhiều người mới ngã ngửa ra không hề có Tập đoàn Đông Dương, cũng không có vị tướng Quân đội nào có tên Hoa Hữu Long.
Hoa Hữu Long trong bộ quân phục Quân đội. |
Từ năm 2015, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội - Bộ Quốc phòng đã phát hiện một số đối tượng ở Hà Nội có dấu hiệu giả danh Quân đội để lừa đảo. Phải đến khoảng 3 năm sau, tức năm 2018, một số bị hại mới đến trình báo là bị Hoa Hữu Long - Thiếu tướng Quân đội lừa đảo cả trăm tỷ đồng.
Đối tượng Long đã giả danh là cán bộ Quân đội đang chuẩn bị thành lập Tập đoàn Đông Dương (phiên hiệu S10) để lừa đảo, chiếm đoạt cả trăm tỷ đồng của những người có nhu cầu xin việc. Cơ quan chức năng đã xác định trong ngành Quân đội không có ai là Thiếu tướng Hoa Hữu Long, cũng không có Tập đoàn Đông Dương nào thuộc Bộ Quốc phòng phiên hiệu S10.
Sau khi thấy có dấu hiệu lừa đảo, hồ sơ đã được chuyển sang Công an TP Hà Nội để điều tra theo thẩm quyền. Giám đốc Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo Phòng An ninh kinh tế và Cơ quan ANĐT tổ chức lập án đấu tranh. Ngày 14-4 -2018, Cơ quan An ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam: Hoa Hữu Long, 54 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm; Nguyễn Minh Sơn 47 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy; Mạc Phúc Hải, 54 tuổi, trú tại quận Ba Đình; Cao Thị Kim Loan, 48 tuổi (vợ Long); Phùng Thị Thanh Huế, 40 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Hoa Hữu Long đã giả danh Thiếu tướng Quân đội và cùng các đối tượng khác sử dụng các quyết định mạo danh thuộc nhiều đơn vị Bộ Quốc Phòng để tạo niềm tin về việc họ đang chuẩn bị thành lập Tập đoàn Đông Dương (phiên hiệu S10).
Các đối tượng này tổ chức thu tiền, hồ sơ của người có nhu cầu xin vào làm trong tập đoàn. Mỗi người nộp từ 50 đến 150 triệu đồng tùy theo vị trí được bố trí cấp bậc, chức vụ sau này. Các đối tượng này thu tiền của bị hại đều không có biên nhận, đồng thời không quên dặn dò vì đây là đơn vị bí mật nên không được công khai, không nói cho bất kỳ ai.
Các đối tượng này không chỉ thu tiền, nhận hồ sơ của cá nhân mà còn của các các doanh nghiệp đã tham gia ký hợp đồng. Khám xét nơi ở của các đối tượng, Cơ quan điều tra đã thu giữ gần 1.000 bộ hồ sơ của bị hại, cấp hàm, phù hiệu và trang phục Quân đội; nhiều quyết định giả thuộc nhiều cấp, ngành trong Bộ Quốc phòng.
Sau khi vụ án Hoa Hữu Long cùng đồng phạm giả danh Thiếu tướng Quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thông tin rộng rãi, đã có rất nhiều bị hại trong cả nước đến Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội trình báo. Chỉ trong sáng ngày 25 -6, chúng tôi đã ghi nhận có tới hơn 20 bị hại đến Cơ quan ANĐT - Công an TP Hà Nội để trình báo.
Đồng phạm Cao Thị Loan (vợ Long). |
Không giấu được sự mệt mỏi, căng thẳng chị Nguyễn Thanh Hiền, 30 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội (tên các nhân vật đã được thay đổi) cho hay, sau khi biết cơ quan Công an đã vào cuộc chị đã quyết định lên trình báo về vụ việc.
Chị Hiền cho biết: "Vào khoảng tháng 7-2017, qua một số mối quan hệ tôi có biết một người đàn ông tên Mão. Người đàn ông này cho biết có một đơn vị S10 thuộc Bộ Quốc phòng đang tuyển dụng người vào làm kinh tế và sẽ được phong cấp hàm, nếu muốn vào làm thì sẽ phải nộp 150 triệu đồng. Sau khi nộp tiền, tôi đã chờ đợi nhưng chẳng có thông tin gì cả, gọi điện thì được người này hứa hẹn mãi. Sau này tôi có đọc báo, xem truyền hình mới biết mình đã bị lừa. Tôi đến cơ quan điều tra để trình báo và mong lấy lại được số tiền mà chân rết của Long đã cầm của gia đình tôi".
Cùng chung nỗi niềm với chị Hiền, là anh Trần Văn Thao, SN 1986 cũng lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội để trình báo sự việc mình bị lừa. Qua tìm hiểu, anh Thao đang có một công việc thu nhập khá tốt, tuy nhiên anh và gia đình luôn muốn có một công việc ổn định hơn, biên chế nhà nước.
Đang trong lúc cần tìm việc ổn định hơn thì anh Thao được một người quen giới thiệu đến Phùng Thị Thanh Huế. Người này giới thiệu Huế là một sỹ quan cao cấp của lực lượng Quân đội, có thể lo một công việc ổn định cho Thao.
Huế vẽ ra một tập đoàn mang tên S10 thuộc Bộ Quốc phòng, có công việc, thu nhập ổn định, đồng thời còn được cấp bậc hàm. "Người đó hứa hẹn ngon ngọt, muốn vào đó thì nộp tiền. Tùy theo số tiền và tay nghề của tôi họ sẽ tuyển dụng vào các vị trí khác nhau, cấp hàm sẽ được phong từ Đại úy đến Trung tá".
Anh Thao đã quá tin vào lời mời chào ngọt như mía lùi của Huế, anh đã về bàn bạc với gia đình, vay mượn khắp nơi được số tiền là 165 triệu đồng. Anh cùng người thân lặn lội từ Hải Phòng lên Hà Nội để đưa tiền cho Huế. Huế cùng một số đối tượng mang số tiền của anh Thao vào nhà của Long với lý do nộp tiền "tuyển dụng phong sỹ quan quân đội".
Khi chúng tôi trao đổi với cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội thì được biết đã có hàng chục bị hại đến trụ sở để trình báo về việc đã từng nộp tiền cho đường dây chạy việc của Long. Các bị hại ở khắp nơi, từ khu vực ngoại thành Hà Nội đến các tỉnh như: Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Tĩnh.
Điều đặc biệt, những người đến trình báo đều không xuất trình được bất kỳ giấy tờ giao, nhận tiền nào từ "chân rết" của Hoa Hữu Long. Để củng cố niềm tin với các "con mồi" bọn chúng đưa ra những công văn, điện mật giả của Bộ Quốc phòng về chủ trương thành lập Tập đoàn Đông Dương.
Thậm chí các đối tượng còn có quyết định giả mạo việc "phong hàm cấp tướng của Chủ tịch nước cho Thiếu tướng Hoa Hữu Long". Quyết định này được chụp lại bằng điện thoại, khi cần sẽ mở ra cho các bị hại xem để lấy niềm tin. Chính vì thế những người bị lừa hoàn toàn tin tưởng, và đều đặt hy vọng vào vị "tưởng giả" này.
Khi các "con mồi" đã sập bẫy, các đối tượng này còn không quên dặn dò, có phần dọa nạt rằng "đây là một đơn vị bí mật của quân đội, đang tuyển dụng nên không được công khai cho ai biết". Vì thế, vẫn còn rất nhiều người bị lừa đang còn tin rằng S10 vẫn tồn tại, vì đó là một đơn vị bí mật chứ không phải đơn vị được ông "tướng giả" dựng lên để lừa đảo.
Anh Đinh Anh Thứ (Hà Nội) cũng là một trường hợp rất đặc biệt bị Long và đồng bọn lừa đảo. Khoảng cuối năm 2015 anh Thắng có biết Hoa Hữu Long qua một số bạn bè đồng nghiệp. Khi ấy, Long giới thiệu mình là một Thiếu tướng Quân đội với mọi người, đồng thời hắn cũng không quên bỏ điện thoại ra khoe quyết định "thăng cấp hàm Thiếu tướng" của mình.
Cơ quan chức năng đang tích cực điều tra mở rộng vụ án. |
Trong suốt buổi trò chuyện ban đầu, Long liên tục khoe mối quan hệ với các quan chức cao cấp trong Bộ Quốc phòng. Khi nhận thấy anh Thứ đã có lòng tin với mình, Long bắt đầu "to nhỏ" rằng Bộ Quốc phòng đang có chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị, thành lập mô hình hiệp quân. Long chính là người được giao nhiệm vụ tổ chức thành lập một đơn vị kinh tế có tên Tập đoàn Đông Dương.
Long có nói với anh Thứ là tổ chức mới thành lập nên rất cần người, khi tuyển được người sẽ phong quân hàm luôn; hưởng chế độ ngành Quân đội. Sau khi được Long mời tham gia anh Thứ đã nhận lời và không một chút nghi ngờ. Đầu năm 2016, Long có nói với anh Thứ phải đi học lớp Bồi dưỡng chính trị thì mới được vào biên chế quân đội.
Để được đi học, anh Thứ đã nộp 3 lần tiền cho Long. Hơn 1 năm sau khi nộp tiền, anh Thứ vẫn không được đi học như lời hứa hẹn của Long. Lúc này anh Thứ mới bắt đầu hồ nghi về vị "tướng" này và quyết định tìm cho ra ngọn ngành. Từ các mối quan hệ của mình anh Thứ đã nhận ra Long không phải là một Thiếu tướng Quân đội, cũng không có Tập đoàn Đông Dương nào đang chuẩn bị thành lập. Số tiền anh Thứ đã mất cho Hoa Hữu Long và đồng bọn là 110 triệu đồng.
Qua tìm hiểu, đường dây của Long đã vươn tới các tỉnh miền Trung, cụ thể là huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh).
Theo đó, vào khoảng tháng 10-2017, Công an huyện Nghi Xuân đã phát đi một thông báo cảnh báo toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện với nội dung: Hiện đang có một nhóm đối tượng cấu kết với nhau đưa ra các thông tin Bộ Quốc phòng có chủ trương "thay máu" cho các doanh nghiệp của Quân đội trên toàn quốc, sáp nhập một số công ty, ngân hàng của Quân đội thành Tập đoàn Đông Dương (gọi tắt S10).
Tập đoàn này có 9 tổng công ty, hiện nay tổng công ty đang có nhu cầu tuyển hàng nghìn người để bổ sung nhân lực, nếu người nào có nhu cầu thì đăng ký và phải bỏ ra từ 150 - 600 triệu đồng, sau đó sẽ được phong quân hàm sỹ quan, thấp nhất là Thượng úy, cao nhất là Đại tá, được bổ nhiệm chức vụ tương xứng.
Những người được tuyển vào phải khám sức khỏe tại Bệnh viện 108, được kết nạp Đảng. Riêng bảo hiểm xã hội thì không được chuyển từ ngành ngoài vào nên mỗi người phải nộp từ 7 - 10 triệu đồng để tập đoàn hợp thức hóa và sẽ được đi tập huấn tại Miếu Môn.
Sau khi nhận được đơn trình báo của một số bị hại, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng xác minh, khẳng định Bộ Quốc phòng không có doanh nghiệp nào mang tên Tập đoàn Đông Dương hoặc S10.
Tiến hành điều tra, xác minh ban đầu, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã xác định có đối tượng Phạm Quang Thắng (42 tuổi), quê quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay đang trú tại khu tập thể Bưu điện ở ngõ Đỗ Quan, Khâm Thiên (Hà Nội) là người có liên quan đến nhóm đối tượng này. Ngay cả anh em họ hàng của Thắng cũng đã có người tin lời đối tượng, đem tiền ra Hà Nội để xin cho con em vào Tập đoàn Đông Dương.
Nguồn: Phong Anh/CAND