Phóng sự
Di ảnh trong lòng dân
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải mất vào ngày 17-3-2018. Cố Thủ tướng mất đi trong niềm thương tiếc vô hạn của nhân dân.
Mấy lâu trước, nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang có bài viết rất hay đại ý, lấy lòng dân mà đo vận nước. Bài viết cực uyên bác với những dẫn chứng lịch sử, với những minh quân, với những khoảnh khắc thế nước thịnh suy… Nhưng chung quy lại thì vẫn toát lên ý chính, “Dân dĩ vi bản”, dân vĩnh viễn làm gốc, thế nước mạnh cũng nhờ dân mà thế nước yếu cũng do dân. Nếu nhân dân là thành trì của một quốc gia thì lòng tin của nhân dân, cảm xúc của nhân dân chính là hành trang để quốc gia đó thịnh vượng và phát triển bền vững. |
Di sản của cố Thủ tướng để lại cho quốc gia, cho nhân dân là điều không bàn cãi, từ sự thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển cho đến thị trường chứng khoán, rồi nhiều chính sách an sinh xã hội khác, phong cách bình dị không khoảng cách với nhân dân, người một lòng vì cái chung mà phụng sự.
Tôi vẫn nghĩ rằng, một quốc gia khi mà một nguyên thủ mất đi, nhân dân vẫn tiếc thương tưởng nhớ thì vận khí của quốc gia đó vẫn còn, thì hy vọng vào tương lai tốt đẹp của quốc gia đó vẫn rộng mở…
Tất nhiên, rộng mở từ chính hành động của những người đang còn sống, nếu nhìn vào nỗi niềm của nhân dân dành cho người nằm xuống mà gắng sức, mà phấn đấu, mà giữ mình.
1. Những câu chuyện về cố Thủ tướng Phan Văn Khải tràn ngập các trang báo, những câu chuyện rất xúc động. Hình ảnh các lãnh đạo cao cấp đến viếng cố Thủ tướng tại nhà riêng ở huyện Củ Chi, TP HCM hay tại Hội trường Dinh Thống Nhất, những cảm xúc chia sẻ trong sổ tang cũng vậy… Tôi đọc lúc nào cũng bùi ngùi, thương cảm.
Tôi có vài người anh thân thiết với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, được nghe các anh kể nhiều những mẩu chuyện về ông, những mẩu chuyện chưa xuất hiện trên báo bao giờ, càng kính trọng hơn về một người vừa nằm xuống.
Minh họa: Lê Phương. |
Có vị lãnh đạo cao cấp nào lại thanh thản viết hai câu đối trên mái đình xưa chốn quê nhà, “Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ/ Yêu làng quê xin cống hiến lúc tuổi già”.
Mà đúng thật, viết sao làm y như vậy. Ngày trẻ thì xông pha trận mạc rồi cống hiến cho đất nước, đến lúc về hưu thì về lại quê nhà, chơi với bè bạn ấu thơ, kêu gọi chỗ này giúp đỡ tu sửa lại mái đình, kêu gọi chỗ kia giúp đỡ cho một mảnh đời bất hạnh khó khăn mà mình biết.
Rồi đến hẹn đến kỳ xuống đình ngồi uống trà với bạn già, rồi đến hẹn đến kỳ lang thang ra tiệm cắt tóc bình dân giá 30 nghìn một lần để hớt tóc, rồi đến lúc về với nơi nguyên sơ, bà con khóc thương, người dân dắt díu nhau đến viếng, nửa khuya vẫn có người bái vọng trước di ảnh khói hương.
Cái chi tiết chuẩn bị phần huyệt mộ ngay cạnh người vợ đã khuất thật sự vô cùng xúc động, một người thủy chung chắc chắn không thể nào làm chuyện xấu được, tôi vẫn tin như vậy.
2. Doanh nhân Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) viết trên facebook cá nhân về những kỷ niệm cũng như đánh giá về di sản của cố Thủ tướng Phan Văn Khải rất xác đáng, bằng những gì tôi biết tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết này:
“Hai mươi năm kể từ ngày ông lên làm Thủ tướng, những nền tảng mà Chính phủ của ông đã tạo ra một thế hệ doanh nhân của hệ thống doanh nghiệp tư nhân hiện đang đóng góp 42,9% tổng GDP của cả nước, những doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá như Vinamilk, Gemadept, Công ty cơ điện lạnh, các nhà máy điện... phát triển mạnh mẽ và hiệu quả vượt bậc mang lại nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp đáng kể thuế cho ngân sách nhà nước.
Thị trường chứng khoán nay đã trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế ngày hôm nay đã có thể huy động nhiều tỷ đô la cho các doanh nghiệp cũng như trái phiếu chính phủ...
Ngày hôm nay giới doanh nhân của một nước Việt Nam hội nhập có thể đi bất cứ đâu trên thế giới để tìm cơ hội phát triển, thế giới nhỏ bé và hội nhập trong con mắt của các doanh nhân Việt Nam, tự tin có thể làm được những việc lớn lao như những doanh nhân của các quốc gia khác trên thế giới, một phần rất lớn nhờ vào việc mở cửa của đất nước mình lúc ấy mà cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người đã đứng mũi chịu sào đặt nền tảng cho đất nước đang trong quá trình Đổi mới, thoát khỏi sự bao vây cấm vận và đói nghèo.
Là người kế tục xuất sắc con đường của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông là nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đổi mới đất nước.
Với phong cách nói ít làm nhiều của mình, ông đã để lại dấu ấn rất quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng cho kinh tế thị trường ở Việt Nam, cùng với công cuộc cải cách hành chính, kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả rất tốt đẹp. Ông cũng là người đóng góp to lớn, có phần quyết định trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1997 – 2006.
Giai đoạn ông làm Thủ tướng, Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1999 và sau đó sửa đổi năm 2005, cũng như thị trường chứng khoán ra đời năm 2000 là những minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông. Cho dù không có một bức ảnh nào của ông trong google nhưng chúng tôi luôn nhìn thấy hình ảnh ông ở mọi lúc, mọi nơi trong cuộc đời này”.
3. Tôi mạo muội viết đoạn kết này từ những gì mình nghĩ, những cá nhân đã nằm xuống như cố Thủ tướng Phan Văn Khải, trước đó là nhiều lãnh đạo cao cấp khác, họ chính là những người cộng sản chân chính. Họ đã sống, đã làm việc rất chân thành.
Đúng như lời ghi trên sổ tang của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, “Anh là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta, là người đứng đầu Chính phủ từ năm 1997-2006, giai đoạn quan trọng trong quá trình đổi mới và hội nhập của đất nước.
Anh là người luôn tận tuỵ, liêm chính, chí công vô tư, hết lòng vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, luôn quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân và chú trọng lãnh đạo đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng”.
Chỉ mong những di ảnh trong lòng dân như cố Thủ tướng Phan Văn Khải là tấm gương để những người đang lèo lái đất nước soi mình.
Nguồn: ANTG/Báo CAND