Phóng sự
Niềm tin cần phải tinh tuyền
Kỳ lạ cho đến hốt hoảng, hoang mang cho đến kinh ngạc, là những cụm từ để diễn tả niềm tin tâm linh thái quá của nhiều người khi quỳ lạy con cá chép trồi lên lặn xuống ở Nghệ An, hay dựng rạp hương hoa cúng tế hai con rắn nước bò lên ngôi mộ vô danh ở Quảng Bình… Song song chính là hình ảnh quan chức bỏ giờ làm đi xin ấn với hy vọng thăng quan tiến chức, với kỳ vọng hoạn lộ thênh thang. |
Chuyện đó đã trở thành vấn đề nhức nhối, đáng lo ngại và Chính phủ đã phải có những chỉ thị cụ thể, có những quy định nghiêm ngặt cũng như đề ra biện pháp xử lý, răn đe nghiêm khắc. Ấy vậy mà vấn nạn ấy vẫn không chấm dứt và mới chỉ vừa bước vào mùa lễ hội đầu năm thôi, chúng ta đã có thể nhận được thông tin về vài trường hợp điển hình đây đó ở Nam Định, Hải Phòng, Thái Bình…
Để ngụy biện cho hành vi ấy của những cán bộ, công chức đã vi phạm, nhiều người nhắc đến hai chữ niềm tin, hay đậm nét hơn là tín ngưỡng, một lý giải mà có thể nhiều người sẽ thỏa hiệp với nó một cách dễ dàng.
Tôi thì không thể thỏa hiệp với những lý giải mơ hồ như vậy dù bản thân, sâu thẳm, tôi không phải là một kẻ vô thần. Nhưng tôi có lý do để không thỏa hiệp, bởi trong trường hợp rất chung này, tôi luôn phân tích lý tính trước nhất. Những cán bộ, công chức, thậm chí là quan chức, vi phạm quy định bằng hành động đi lễ đền, chùa… vào giờ hành chính hoặc sử dụng xe công vốn dĩ là ai?
Trước nhất, vì họ nắm giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan của mình, nên chắc chắn họ phải là những Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Và người Đảng viên Đảng cộng sản, người đã phải tuyên thệ khi được kết nạp, người được bồi dưỡng lý luận trước khi được kết nạp, không lẽ lại có một niềm tin đa tạp đến thế trong trí não của mình?
Không lẽ, họ đã vội quên rằng chính họ đã trau dồi Chủ nghĩa duy vật biện chứng của Karl Marx, cơ sở triết học của hệ tư tưởng của những người Cộng sản?
Minh họa: Lê Phương. |
Đất nước chúng ta là một đất nước gắn liền với Đảng Cộng sản suốt nhiều thập niên qua nhưng cũng là một quốc gia tự do tín ngưỡng. Và việc một người đặt niềm tin của mình vào đâu, đó là quyền tự do lựa chọn của họ song suy cho cùng, niềm tin nào cũng rất cần người tin tưởng vào đó phải tin một cách trọn vẹn.
Trong các tôn giáo khởi từ Abraham, đều có một lời răn chung đại ý rằng “Ta là Chúa của các ngươi, Chúa duy nhất”. Đó là lời răn đòi hỏi tín đồ phải tránh xa những niềm tin đa tạp, không thuần khiết.
Còn trong Phật giáo, dù Đức Phật không rao giảng cụ thể như thế, nhưng câu “thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” cũng có thể toát lên phần nào cái đòi hỏi niềm tin thuần khiết ở tín đồ của mình. Nói chung, một khi đã lựa chọn một niềm tin cho mình, đó cần phải là một niềm tin tinh tuyền.
Câu chuyện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang kêu gọi Phật tử không đốt vàng mã khi đi lễ chùa đang dấy trở lại cái đòi hỏi tinh tuyền về niềm tin kể trên.
Cách đây gần một thế kỷ, ở Việt Nam ta cũng từng có một lần kêu gọi một phong trào tương tự trong nội bộ Phật giáo. Vậy mà cho tới hôm nay, ở vào thế kỷ thứ 21 này, khi thế giới đang nói tới trí tuệ nhân tạo, nói tới công nghiệp 4.0, nói tới vũ trụ, không gian và những khám phá không tưởng, chúng ta lại đang sống trong một không khí xã hội với niềm tin đa tạp đến khó hiểu.
Phải chăng, chúng ta cần phải đau lòng nhận ra với nhau rằng tiến triển tín ngưỡng của xã hội Việt Nam đang tụt lùi lại so với lịch sử phát triển các tín ngưỡng của loài người?
Trong cuốn History of Religion (Lịch sử tín ngưỡng) kinh điển của Giáo sư Allan Menzies (1845-1916) đã từng chỉ ra rất rõ ràng tiến trình phát triển tín ngưỡng và tâm linh của xã hội loài người từ thời còn mông muội cho đến thời hiện đại. Đầu tiên, sơ khởi là sự thờ phượng (thờ phượng những hiện tượng tự nhiên, những vật được coi là linh thiêng, tổ tông và siêu nhiên).
Kế đến là sự hình thành niềm tin (tín ngưỡng), sự thực hành tín ngưỡng, sự hình thành những quốc giáo và cuối cùng là sự tập hợp tạo thành những tôn giáo hoàn vũ. Cuốn sách này được coi là một tư liệu tham khảo, nghiên cứu gối đầu giường của những người theo đuổi ngành thần học và đã được tái bản, ấn hành lại hàng chục lần kể từ năm 1895 cho tới nay.
Và theo công trình nghiên cứu ấy, rõ ràng, khi chúng ta quy chiếu lại với những gì đang diễn ra ở xã hội Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ cảm thấy băn khoăn vô cùng. Tại sao lại có sự biến tướng của cái gọi là thờ phượng đa tạp dưới tấm áo khoác tưởng mỹ miều mà hổ lốn không tưởng với cái tên gọi là tín ngưỡng?
Không còn là tín ngưỡng nữa, không còn là niềm tin nữa, cái “nhu cầu tâm thần” (như cách gọi của Allan Menzies trong cuốn sách của mình) của người Việt hôm nay đã méo mó hơn bao giờ hết khi họ có thể phục trang cho mình bằng một niềm tin này nhưng lại thực hành tín ngưỡng theo nhiều phương cách phối hợp hỗn loạn của các loại tín ngưỡng khác nhau.
Họ đã rời xa cái cốt lõi ban đầu mà mỗi niềm tin mình theo đuổi vẫn đặt ra là “đòi hỏi sự tinh tuyền” đồng thời vọng động đến sợ hãi trước bất kỳ thế lực tâm linh mơ hồ nào được vẽ ra, đồn thổi, huyền học hoá trước mắt họ.
Có lẽ, đã đến lúc phải cầu xin họ một ý nghĩa khác cho chữ ngưỡng trong hai tiếng “tín ngưỡng”, chữ ngưỡng với hàm ý “một giới hạn cụ thể”. Đúng, chúng ta cần phải có cái ngưỡng tin tưởng ở một giới hạn nào đó, để cái tin tưởng ấy không là mù quáng, không là mê muội, và không là mông muội như thuở con người còn “hoang dã” như cách mà Allan Menzies đã miêu tả buổi hồng hoang của tín ngưỡng loài người.
Nguồn: ANTG/Báo CAND