Phóng sự
Đám đông loay hoay
Hệt như con kiến leo cành đa, va phải cành cụt leo ra leo vào. Đám đông ở thời điểm này tuần nào cũng ngất trên cành quất với những thông tin gây sóng gió trên mạng xã hội. Ảo ảo thật thật, chẳng biết đường nào mà lần.
Mới tuần trước là mẹ con sản phụ tử vong tại nhà vì sinh con thuận theo tự nhiên, tuần trước nữa là bé bốn tuổi bị chặt đầu ở Bến Tre… Tuần này thì Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Thanh Hóa lộ tin nhắn chuyện nội bộ bầu bán đánh nhau với đồng liêu, lộ luôn ảnh iệc của bồ nhí phòng nhì…
Mà mấy ông Thanh Hóa, Ngô thật không hiểu ăn ở thế nào mà suốt ngày vướng vào tin đồn bồ nhí mãi thế nhỉ?
1. Mạng xã hội (facebook) hùng hục xông vào đời sống nước ta nhanh như tốc độ của ánh sáng, hệt một anh vừa giàu có vừa đa tài vừa hào hoa lãng tử, không cần tán gái chỉ mới đi ngang là mấy em thi nhau đổ luôn. Đã đổ, đã như say như ngây, đã mắt chữ a miệng chữ u thì lấy gì mà không đắm đuối, đã đắm đuối thì lấy gì mà không nhiều sơ hở.
Kiểu như anh nào xin được số điện thoại lại không hiểu đó là tín hiệu cho làm quen, đã cho làm quen thì thể nào không được ngồi cạnh nắm tay, đã ngồi cạnh nắm tay thì thể nào không được nắm cái khác. Tất nhiên, là tùy vào thời điểm hoàn cảnh mà nắm, nắm lung tung thì phạm tội xâm hại ngay.
Tin giả trên mạng xã hội ngày càng nhiều, song song với tin giả là tin khai quật. Nghĩa là tin từ nhiều năm trước, mông má lại một chút biến thành tin mới.
Có lần Ngô lang thang trong thế giới mạng, thấy nhiều anh chị mắng hơn hát hay vụ có cái tỉnh miền Tây Nam Bộ đòi xây dựng tượng thần thánh này kia cao chót vót ấy, Ngô khẽ khàng bình luận, "Hay giờ mình thống nhất vậy đi, chuyện gì mắng mấy năm trước rồi năm nay không mắng nữa có được không?", chỉ vậy thôi, mà mấy anh mấy chị lao vào tẩn Ngô muốn chết. Nhưng biết làm sao, mạng xã hội vốn vậy mà.
Mạng xã hội hệt như cái chợ, là chợ chứ không phải là siêu thị. Cũng có chỗ buôn bán đàng hoàng, cũng có chỗ buôn bán bất lương. Cũng có chỗ thực phẩm rõ nguồn gốc, cũng có chỗ thực phẩm kém tươi đầy hóa chất. Vấn đề là mỗi người đi chợ tự trang bị cho mình một khả năng thẩm định mà thôi.
Minh họa: Lê Phương. |
Sòng phẳng mà thừa nhận, mạng xã hội song song với cái chưa được là nhiều cái rất được. Những đợt phát động từ thiện, những chia sẻ thông tin cưu mang đùm bọc, những khuất tất sai phạm, những tiêu cực xã hội...
Thậm chí, một vụ việc ầm ĩ như vụ ông Trịnh Xuân Thanh cũng bắt nguồn từ cái ảnh đăng chiếc Lexus 570 mang biển kiểm soát công vụ trên mạng xã hội. Rồi nhiều lắm, cả họ làm quan, cha bổ nhiệm con, biệt phủ tỉnh nghèo….
Tuy nhiên, có một thực tế là thông tin nửa ảo nửa thật, hắc bạch bất phân xuất hiện trên mạng xã hội thường thu hút sự quan tâm nhiều hơn cả. Để dễ hình dung, cứ lấy dẫn chứng từ vụ việc đang rất nóng ở Thanh Hóa.
Mấy lâu trước, mạng xã hội cũng loạn lên thông tin em hot girl Thanh Hóa là bồ nhí của ông quan cỡ bự của tỉnh này, phải là bồ nhí thì mới từ tạp vụ lên lãnh đạo rồi siêu xe rồi biệt thự rồi cử nhân rồi thạc sĩ… Lúc ấy, các ban ngành tỉnh Thanh Hóa cũng phản ứng dữ dội lắm, cũng điều tra, cũng bác bỏ, cũng đủ thứ hầm bà lằng khác.
Không ai ngờ công cuộc chỉnh đốn Đảng lời nói đi liền với hành động, tưởng là mềm mỏng nhưng lại cứng rắn vô cùng. Kết cục, lòi ra một ông phó chủ tịch UBND tỉnh có sai phạm trong việc đề bạt em hot girl một cách "không trong sáng" nên mất chức.
Anh này vì sao đề bạt em kia "không trong sáng", hẳn nhiên đám đông đều biết cả. Nhưng mà thôi, Ngô không có quyền kết luận nên cứ lạm bàn theo kết quả của các cơ quan chức năng vậy.
Đó là lý do chính khiến thông tin về em bồ nhí của ông Phó Bí thư tỉnh Thanh Hóa chiếm sóng thống lĩnh tuyệt đối mạng xã hội mấy hôm nay. Và kịch bản vẫn như cũ, cơ quan chức năng vẫn bác bỏ, người sử dụng mạng xã hội vẫn cứ tin.
Dĩ nhiên những thông tin bịa đặt, thông tin thật giả, thông tin khai quật trên mạng xã hội luôn để lại các hệ lụy, nói vĩ mô thì là niềm tin, nói vi mô là trạng thái cảm xúc tiêu cực của đám đông, từ cảm xúc tiêu cực này dẫn đến thái độ tư duy không đúng về nhiều thứ cũng là điều dễ hiểu.
2. Ngô tôi vốn dĩ thích sự náo nhiệt, không cuộc nhiều chuyện nào lại muốn vắng mặt mình, nên những luận điểm về mạng xã hội, Ngô đều tìm đọc rất kỹ.
Từ thủ thuật tạo tương tác nhằm bán hàng online, cho đến giờ đẹp nhất đề post thông tin nhằm có thêm điều kiện để lan tỏa, rồi nhiều thứ khác như thông tin nào được quan tâm nhiều, thông tin nào được quan tâm ít, làm sao trở thành người chơi mạng xã hội có ý thức…
Có cái Ngô thấy người ta nói đúng, có cái Ngô thấy người ta nói chưa đúng, có cái Ngô thấy người ta nói không đúng gì cả. Có người Ngô thấy am tường mạng xã hội, có người Ngô thấy ít am tường mạng xã hội, có người Ngô thấy hoàn toàn không hiểu gì về mạng xã hội. Những người hay cáu gắt với mạng xã hội nhất chính là những những không biết gì về mạng xã hội vậy.
Thời gian gần đây, mạng xã hội đã được chấn chỉnh nhiều từ những hợp tác với đơn vị cung cấp mạng xã hội và nhà quản lý. Ý thức của người sử dụng mạng xã hội đang tốt dần lên, kiểu như mới yêu thì choáng váng, yêu lâu cũng dần dà phai nhạt vậy.
Tuy nhiên, có một điều mà ít người nhận ra, mạng xã hội chính là tấm gương phản chiếu của xã hội thực.
Ngô viết điều này, mấy bác mấy chú mấy anh mấy chị đọc được không hài lòng thì bỏ quá cho Ngô, chứ ngoại trừ tin giả, tin bịa đặt ra. Còn lại, những tin đồn trên mạng xã hội đều gần như không có sai gì mấy. Từ chuyện lớn cho đến chuyện nhỏ, từ chuyện nhân sự cấp cao cho đến nhân sự cấp thấp, từ xử lý vụ việc này cho đến dứt điểm xử lý vụ việc kia.
Thậm chí, việc luân chuẩn cán bộ là Bí thư địa phương này, chủ tịch địa phương kia trên mạng xã hội cũng có trước cả. Hồi chưa có mạng xã hội thì nghe người ngoài quán nước kháo nhau, không có thời gian ra quán ngồi thì không nghe người ta bàn tán. Còn giờ có mạng xã hội rồi thì chỉ cần có wi-fi hay 3G, 4G là có thể đọc thấy người ta viết gì.
Thêm một điều nữa mà Ngô mong các nhà quản lý hết sức lưu tâm, nói có thể đúng có thể sai, nhưng vì cái chung không thể không nói, nói hoàn toàn vì cái chung chứ tuyệt đối không động cơ gì cả. Đó chính là thông tin trên mạng xã hội đã chiến thắng thông tin trên báo chính thống mất rồi, chiến thắng từ lâu lắm rồi.
Nhiều khi cứ tưởng thông tin trên báo mới sang trọng, mới đường hoàng. Đó là mình tưởng vậy thôi, chứ thật ra bản chất của thông tin vĩnh viễn chỉ là thông tin, là tác động đến đời sống. Báo giới chỉ là phương tiện chuyển tải thông tin, khơi gợi thông tin.
Bản thân báo giới không hề có chút xíu quyền lực nào, quyền lực chính là do thông tin mang lại. Mạng xã hội đích thực là phương tiện chuyển tải thông tin mất rồi, ngoại trừ không có tên gọi chính quy như các tờ báo, các phương tiện truyền thông thôi, chứ xét đến tận cùng thì không có gì khác biệt.
Đám đông theo truyền thống tin tưởng vào thông tin trên báo, thì hiện tại họ cũng tin vào những người sử dụng mạng xã hội có uy tín không thua gì niềm tin trên báo chính thống cả.
Nên vấn đề làm sao để báo giới chính thống có thể cạnh tranh thông tin với mạng xã hội là vấn đề hết sức nghiêm túc và cấp bách phải được đặt ra để phù hợp với đời sống thực tiễn.
Tưởng điều này là khó, nhưng có lẽ là không khó nếu như các bác các chú các anh các chị đừng định kiến với mạng xã hội, đừng cáu gắt với mạng xã hội. Tưởng điều này là dễ, nhưng có lẽ cũng không dễ gì. Mặc dù, khó hay dễ là do lòng mình mà ra cả thôi chứ đánh giặc còn đánh được huống hồ trong thời điểm hiện nay.
3. Suy cho cùng, nói gần nói xa thì phải thiệt thà mà thừa nhận, muốn đám đông không hoang mang thì đời sống xã hội phải minh bạch, phải kỷ cương, phải trên làm điều đúng, dưới làm điều phải, lấy pháp luật điều chỉnh toàn bộ hành vi của công dân, người làm cán bộ cũng như nhân dân, đều như nhau cả.
Quyết tâm của Tổng Bí thư, của Ban Bí thư trong công cuộc chống tiêu cực, chống cán bộ thoái hóa biến chất. Công cuộc xây dựng chính phủ kiến tạo không mỏi mệt, những khởi sắc về kinh tế… đang là động lực rất tốt để khôi phục niềm tin trong nhân dân.
Chỉ cần nhìn vào lòng dân đang ủng hộ công cuộc chống tiêu cực, nhìn nhân dân ngưỡng mộ quyết tâm và hành động của Tổng Bí thư là ngay lập tức nhận thấy điều này.
Thế nhưng, chỉ quyết tâm ở Trung ương thôi là chưa đủ cho tất cả. Ở nhiều địa phương vẫn đang tồn tại những vấn đề gây bức xúc trong dư luận, trong lúc công tác thanh kiểm tra xử lý ở địa phương gần như rơi vào tình trạng cha chung không ai khóc, chuyện gì cũng chờ đến Trung ương có chỉ đạo giải quyết.
Thậm chí, Trung ương có chỉ đạo rồi nhưng địa phương vẫn cứ ngâm dần để đó. Kiểu như mấy ông mấy bà địa phương khi chưa có sự giải quyết của Trung ương luôn khẳng định đúng quy trình cho đến lúc Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố kết luận sai phạm thì mới chịu, "dù đúng quy trình nhưng vẫn còn thiếu sót" vậy.
Lấy chuyện thông tin trên mạng xã hội luận về đời sống, chung quy cũng chỉ gói gọn trong mấy chữ mà thôi, nhân dân đã tin rồi thì không ai có thể bịa đặt hay tung tin đồn nhảm được. Quan trọng hơn, cứ tưởng vậy thôi chứ nhân dân biết cả đấy.
Nguồn: CSTC/Báo CAND