Người đàn bà ấy tên Điệu. Cái tên mà hẳn lúc sinh ra, cha mẹ Điệu đã gửi gắm vào những mong muốn, những hy vọng của một cuộc đời người phụ nữ yên ả, bình lặng.
Tiếc thay, cái tên không thể nữ tính hơn được nữa ấy đã không vận vào cuộc đời chị như vốn dĩ mong ước ban đầu của bậc sinh thành. Sóng gió đoạn trường liên tiếp ập đến, dồn nén lên đôi vai gầy guộc của người đàn bà nông thôn lầm lũi.
Đã từng viết nhiều về những vụ án vợ sát hại chồng, tôi vẫn luôn tự hỏi, hình như những người phụ nữ nông thôn ít được học hành, họ bị lỗi ở một đoạn nào đó mà chính họ cũng không giải thích được.
Không ai giúp đỡ được họ, cũng không ai cho họ một câu trả lời xác đáng về bi kịch của mình, thế nên khi gặp chuyện, một mình họ loay hoay không có đường thoát, tình nghĩa vợ chồng mấy chục năm cuối cùng trở thành thù hận. Mối hận thiên thu, dễ gì sang thế giới bên kia đã có thể tha thứ cho nhau.
1. Những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh mẹ mình sát hại cha hoặc cha sát hại mẹ có lẽ sẽ bị ám ảnh cả đời. Con trai Điệu, một cậu bé vừa tròn 17 tuổi, trong một đêm u uất, cậu chợt tỉnh giấc vì nghe tiếng động mạnh phát ra từ trong buồng ngủ của người cha.
Khi cậu chạy vào thì thấy mẹ mình đang giơ cây gậy lim, dùng hết sức bình sinh vụt những đòn chí mạng vào thân thể của bố cậu là ông Phạm Văn Giới, 50 tuổi. Mẹ ruột của cậu bé gào thét những tiếng điên loạn trong đêm. Cậu bé lao vào ôm chặt ngang người mẹ, nhưng mẹ vùng vẫy thoát ra. Đứa con trai khốn khổ van xin mẹ đừng đánh bố nữa, bố chảy nhiều máu lắm rồi. Cậu bé cuống cuồng gọi cho người bác sống gần đó sang đưa bố đi cấp cứu.
Khi mọi người chạy đến nơi thì ông Giới chỉ còn thoi thóp thở, với những thương tích trên mặt, trên cơ thể vô cùng khủng khiếp. Điệu chạy đi lấy chiếc khăn lau mặt cho chồng, một khoảnh khắc duy nhất chị ta muốn cứu lấy sự sống của chồng mình. Ông Giới được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong sau đó mười lăm phút.
Khi câu chuyện buồn bã ấy chưa xảy ra, Nguyễn Thị Điệu cũng như bao nhiêu người phụ nữ nông thôn khác, hay lam hay làm nuôi chồng nuôi con, thuần tính như bất cứ bà nông dân nào, chứ gương mặt không sắt lại, ủ mưu nghĩ cách đối phó cho tội ác của mình.
Điệu giục mọi người làm đám ma thật nhanh và loan tin chồng mình bị ngã tại chuồng bò dẫn đến tử vong. Điệu còn nghĩ ra một câu chuyện, nửa đêm nghe thấy tiếng động ở chuồng bò, nghĩ là có trộm nên Điệu đi ra thì thấy ông Giới đã bị kẻ nào đánh ngã gục.
Nguyễn Thị Điệu khóc nức nở tại cơ quan điều tra. |
Nhưng câu chuyện của Điệu chỉ có những người cả tin mới nghe theo, còn đối với các điều tra viên Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hưng Yên thì đó là một kịch bản vụng về. Năm nào đó, tôi cũng từng tiếp xúc với người đàn bà cùng tình nhân giết chồng ở Khoái Châu, Hưng Yên.
Người đàn bà này cũng khóc lóc bù lu bù loa bên quan tài của chồng, nhưng hàng xóm chỉ thấy chị ta gào khóc khản cổ mà tịnh không có một giọt nước mắt nào nhỏ ra. Điệu cũng vậy, gương mặt xương, khắc khổ càng như đanh lại, chị ta nôn nóng như muốn đám ma kết thúc thật nhanh. Thái độ ấy khiến nhiều người bắt đầu nghi ngờ.
Và, câu chuyện vỡ lở, sự thực được Công an làm rõ đúng như bản chất vụ án. Làm sao mà che giấu được tội lỗi khi chứng kiến sự việc còn có một người khác, đó chính là cậu con trai. Dù có bênh vực mẹ thế nào thì người con trai ấy cũng không thể nào nói sai sự thật, nhất là khi nạn nhân lại là cha của cậu bé.
Nhưng không hề dễ dàng để cơ quan điều tra cậy được miệng cậu bé, sau rất nhiều lời lẽ động viên, tình mẫu tử được khơi lên, Nguyễn Thị Điệu trở về đúng với bản ngã của mình, vẫn là người đàn bà nông thôn chất phác, có điều, người đàn bà ấy đã phải chịu đựng một bi kịch cuộc đời hàng chục năm nay, khi có một người chồng ghen tuông vô cớ, hẹp hòi ích kỷ và vô cùng thô lỗ.
Hôn nhân là một thử thách nghiệt ngã đối với bất cứ đôi vợ chồng nào. Cơm áo, gạo tiền và hàng trăm lý do khác sẵn sàng nhấn chìm sự ngọt ngào của thời gian đầu chung sống. Hạnh phúc thực sự ngắn ngủi đối với Điệu, nhưng ba đứa con vẫn lần lượt ra đời, cùng với những rấm rứt nhí nhách không lối thoát của cuộc hôn nhân nghèo khó.
2. Năm 2004, vì nghèo quá và không thể làm gì ăn ở cái vùng quê thuần nông, nhưng nguyên nhân chính là vợ chồng ở với nhau liên tục cãi vã, Nguyễn Thị Điệu đã mang con vào miền Nam làm thuê, chỉ là chưa ly hôn nhưng việc rời xa người chồng cũng là một cách Điệu mong muốn hôn nhân sẽ không đổ vỡ, hòng sau này cho con cái lấy chồng lấy vợ đỡ mang tiếng là bố mẹ bỏ nhau.
Giống như muôn vàn người đàn ông nông thôn khác, tài năng vừa phải nhưng luôn tỏ ra sĩ diện, trước mặt vợ hoặc có người thứ ba, phải luôn tỏ ra oai phong, vậy mà khi vợ vắng nhà chỉ vài hôm đã cuống lên vì thiếu vắng bàn tay vợ chăm sóc.
Ông Giới vào Nam theo vợ, để lại cậu con trai út mới được vài tuổi nơi quê nhà. Xa nhau thì muốn gần nhưng gần nhau lại tiếp tục cãi vã, ghen tuông. Ông Giới ghen với bất cứ người đàn ông nào ngồi gần vợ mình, dù Điệu không phải là người phụ nữ đẹp. Điệu phục vụ ở quán phở nhưng chỉ cần tiếp xúc với khách nam là đã bị chồng tỏ thái độ khó chịu.
Cứ mâu thuẫn liên miên như thế, cho đến năm 2012, vợ chồng con cái lại dắt díu quay về quê. Và từ đây, bi kịch càng lúc càng đẩy lên cao khi ông Giới không bỏ được thói đánh đập chửi bới vợ con, mà nguyên nhân đầu tiên là do kinh tế khó khăn, người đàn ông ấy luôn cảm thấy bất lực đâm ra cáu bẳn.
Nguyễn Thị Điệu cũng có thời gian tham gia công tác xã hội, tham gia hội phụ nữ xã nhưng chị này phải cố gắng không ngồi gần, đứng gần một người đàn ông nào bởi nếu chỉ cần nhìn thấy, ông Giới không cần tìm hiểu lý do đã đánh vợ ngay.
"Các cô là phụ nữ, tôi cũng là phụ nữ, tôi nói chuyện tế nhị chắc các cô hiểu và thông cảm cho tôi. Ở tuổi này lại lao động vất vả, tôi chẳng có nhu cầu gì khác là gia đình yên ấm, hằng ngày chăm cháu, chăm con cho bố mẹ chúng nó yên tâm lao động. Thế nhưng nào có được yên thân, nhiều lúc nghĩ cũng thông cảm ông ấy là đàn ông, cũng có nhu cầu nhưng nói thật là mỗi lần như thế như tra tấn" - Điệu nói và giơ tay đấm ngực thùm thụp, như thể nỗi uất nghẹn bấy lâu nay được dịp tuôn trào.
Vay mượn mãi thì vợ chồng Điệu cũng lo được cho hai đứa con lớn ra nước ngoài lao động. Hằng tháng, vợ chồng người con gái vẫn gửi tiền về để bố mẹ nuôi đứa cháu. Từ khi các con đi lao động, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả hơn nhưng vẫn còn nợ tiền một số người.
Hôm người con rể gửi 650 USD về, Điệu mang đi trả nợ hết, chỉ giữ lại 1.000.000 đồng để cho chồng mua cám cho bò ăn. Ông Giới không đồng ý điều đó vì cho rằng chính ông là người vay tiền con rể và nó gửi về là gửi cho ông chứ không phải gửi cho Điệu.
Lý do làm giọt nước tràn ly chỉ như thế thôi chứ không có gì to tát, nhưng nó là kết quả của một chuỗi những mâu thuẫn liên miên không được giải quyết hàng chục năm nay, khiến cả hai lúc nào nhìn thấy nhau cũng như kẻ thù. Mọi yêu thương, chia sẻ đã từ lâu rồi đã không tồn tại trong ngôi nhà của vợ chồng Điệu.
Khi ông Giới hỏi về số tiền thì Điệu nói, chị ta đã dùng để trang trải nợ nần. Người đàn ông vốn phũ mồm đã chửi vợ không tiếc lời. Uất ức vì nghĩ hành động của mình là đúng đắn, Điệu chỉ nói tiền mình đã mang đi trả nợ chứ không mua sắm gì cho riêng mình, nhưng ông Giới không chấp nhận, ông này cầm chiếc khăn tắm vụt nhiều nhát vào mặt vợ và lôi tên bố vợ ra chửi, người đã mất cách đây vài chục năm, từ khi Điệu còn bé tí, như thói thường mỗi lần lên cơn bực dọc.
Quá quen với những hành động tương tự, Điệu cắn răng không nói gì. Tối hôm đó, sau khi ăn cơm tối xong và tắt điện đi ngủ,ông Giới tiếp tục chửi vợ, đồng thời có nhiều lời lẽ đe dọa, xúc phạm, dọa sẽ "đập chết" vợ.
Nằm trên giường rồi, bên đứa cháu đang ngủ say sưa nhưng Điệu không thể nào chợp mắt nổi, những lời lẽ đe dọa của chồng, hành động tục tằn của người đàn ông được gọi là chồng cứ nhảy múa trong đầu. Thoáng chốc mấy chục năm ở cạnh nhau như thước phim hiện về, nghĩ đi nghĩ lại chị ta không thấy ngày vui được bao nhiêu mà chỉ thấy lo lắng, đau khổ, uất hận nghẹn ngào.
Cha Điệu đã mất lâu lắm rồi, phận con gái côi cút vất vả, đau đớn suốt một tuổi thơ không có cha, những tưởng khi có chồng sẽ được bù đắp bởi những tình cảm mất mát nhưng ông Giới lại càng khoét sâu nỗi đau của Điệu.
Chiều nay, sau khi bị chồng chửi, Điệu ra mộ bố chồng và bố đẻ của mình ngồi khóc, ngửa mặt đấm ngực hỏi hai người cha, tại sao chồng của mình lại không thể yêu thương mình. Đời người đàn bà như Điệu có mong muốn gì đâu ngoài tình thương yêu của chồng và một nếp nhà êm ấm, hơn nửa cuộc đời đã lao động vất vả, vậy mà khi đã từ đỉnh dốc bên kia đi xuống cũng không được yên thân.
Đúng lúc không ngủ được và nằm nghĩ quẩn ấy thì ông Giới mò vào buồng, nhưng bị Điệu phản ứng vì sợ đứa cháu tỉnh giấc, ông này làu bàu chửi rồi đi ra, Điệu càng căm tức. Chị ta không hiểu làm sao mà chồng mình coi luôn đứa cháu là cái gai, có lúc ông Giới còn bảo vợ "rước voi về giày mả tổ" khi nhận chăm sóc đứa cháu ngoại cho bố mẹ nó yên tâm làm ăn. Càng nghĩ càng uất, Điệu chợt nảy sinh ý định phải giết chồng, cũng vì một phần chị ta lo sợ sẽ bị chồng đuổi ra ngoài và đập chết như lời đe dọa lúc chiều.
Đến nửa đêm, Điệu đi vào trong gian buồng ngủ kiểm tra xem chồng đã ngủ rồi hay chưa thì thấy ông Giới đã ngủ say. Thấy vậy, Điệu đi ra nhà ngoài, đầu óc u mê của người đàn bà này cũng có lúc hoang mang nghĩ lại xem có nên tiếp tục thực hiện hành vi sát hại chồng hay không. Nhưng thật đau đớn là chị ta không tìm ra lý do gì để tha thứ cho chồng. Điệu quyết định sẽ sử dụng đoạn gậy gỗ mà anh Giới thường để dưới gầm giường làm hung khí.
3. Đêm ấy, Điệu đã trở thành một con ma mà chính chị ta sau này tỉnh ngộ cũng không hiểu vì sao, lý do nào đã thôi thúc khiến chị ta phải hành động quyết liệt như vậy. Cho đến khi cậu con trai nghe tiếng động chạy đến...
Người chồng, người cha ấy đã vĩnh viễn không còn có cơ hội chửi vợ đánh con thêm một lần nào nữa. Món nợ dương gian đã trả xong, nhưng dễ gì ở thế giới bên kia, ông bằng lòng tha thứ cho vợ?