Tội phạm có sử dụng bạo lực đều mang một đặc tính chung là dùng bạo lực và lấy con người làm mục tiêu tấn công. Trong đó, sử dụng bạo lực để thực hiện hành vi giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản luôn có tỷ lệ cao nhất.
Thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy, tội phạm có sử dụng bạo lực là một trong những loại tội phạm nguy hiểm nhất cho cộng đồng và xã hội, đã xâm phạm đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tác động tiêu cực tới hoạt động của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; xâm phạm trực tiếp tới quyền bảo đảm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của con người, gây hoang mang trong dư luận…
Tội phạm có tính bạo lực với nỗi lo cộng đồng
Theo Đại tá, Tiến sĩ Đặng Văn Tám, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, bạo lực là một hiện tượng xã hội, hành vi gây hấn thể chất một cách cố ý với mục đích gây thương vong, tổn hại một ai đó…
Tội phạm có sử dụng bạo lực đều mang một đặc tính chung là dùng bạo lực và lấy con người làm mục tiêu tấn công.
Bạo lực mà tội phạm sử dụng bao gồm bằng sức mạnh thể chất như đấm, đá, tát…; sử dụng bạo lực bằng các công cụ như chất nổ, chất cháy, vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ như dao, kiếm, mã tấu, côn, gậy… để tấn công người bị hại.
Hội thảo khoa học với chủ đề "Thực trạng công tác phòng chống tội phạm sử dụng bạo lực ở Việt Nam - Tình hình, nguyên nhân và giải pháp nêu cao hiệu quả phòng, chống" mới được Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. |
Từ những khái niệm trên, trong thực tế, tội phạm có sử dụng bạo lực thường xảy ra dưới các tội danh như giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, hành hạ người khác và một số tội phạm khác...
Trong đó, sử dụng bạo lực để thực hiện hành vi giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản luôn có tỷ lệ cao nhất.
Vụ án gây phẫn nộ của dư luận gần đây nhất trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là vụ cháu Lâm Tiên Hoàng (13 tuổi, ngụ quận 5) đã bị đối tượng Châu Đức Thanh (23 tuổi, ngụ quận 8) dùng mã tấu chém chết vào đêm 30-5-2017 ở quận 5. Gần như toàn bộ diễn tiến vụ án này đã được camera an ninh ghi lại.
Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ Vũ Trần Quốc Long (29 tuổi, ngụ quận 8) do có hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo lời khai của Thanh và những người liên quan, tối 30-5, Vũ Trần Quốc Long thỏa thuận với chị K.C. (40 tuổi) mua bán dâm dưới chân cầu Chà Và (quận 5). Chị C. đồng ý và cùng Long xuống chân cầu "vui vẻ" nhưng yêu cầu Long trả tiền trước. Do Long không chịu nên chị C. bỏ lên cầu Chà Và đi bộ về hướng quận 5 thì bị Long đuổi theo. Sợ bị tấn công, chị C. đã đến cầu cứu ông Lâm Quốc (43 tuổi), Kha Bỉnh Long (45 tuổi) đang ngồi uống bia cùng nhóm bạn.
Thấy vậy, ông Quốc can ngăn và sau đó đánh vào mặt khiến Quốc Long chảy máu mũi. Lúc này cháu Hoàng từ nhà xuống kêu ba mình là ông Quốc về nhưng ông chưa chịu về nên cháu ngồi đợi.
Sau khi bị đánh, Quốc Long về kể cho anh trai nghe và kéo cả nhóm gồm 6 người trong đó có Châu Đức Thanh cầm mã tấu ra cầu Chà Và xử nhóm ông Quốc. Hậu quả khiến ông Quốc bị thương, đứt một ngón tay. Thấy cha bị chém, cháu Hoàng dùng ghế đánh vào lưng Thanh thì bị Thanh rượt đuổi chém nhiều nhát khiến cháu tử vong tại chỗ. Sau nhiều ngày lẩn trốn, Thanh và Long ra đầu thú. Hiện cơ quan Công an đang tiếp tục truy bắt những đối tượng liên quan.
Vụ án này cho thấy chỉ từ một mâu thuẫn bình thường rồi những người liên quan có những hành động hành hung bộc phát, sau đó đã dẫn tới những hành động tàn bạo.
Hay trên địa bàn tỉnh Bình Dương, một vụ cướp taxi táo tợn xảy ra đêm khuya 8-6 tại thị xã Dĩ An khiến người dân địa phương bàng hoàng, bởi nạn nhân là tài xế đã bị đâm gần 10 nhát dao khắp người.
Theo điều tra, tài xế taxi Đỗ Hoàng Tuấn (35 tuổi, ngụ Bình Dương) đậu xe taxi loại 4 chỗ BKS: 60A-212.57 tại khu vực ngã 6 An Phú, phường An Phú, thị xã Thuận An thì có một nam thanh niên khoảng trên 25 tuổi gõ cửa và yêu cầu chở vào nhiều địa điểm trên địa bàn thị xã Dĩ An.
Khi chạy tới khu vực đường Nguyễn Hiển, nam thanh niên yêu cầu tài xế dừng lại rồi bất ngờ dùng dao nhọn dí vào cổ tài xế uy hiếp để cướp tài sản. Bị kháng cự, tên cướp đâm liên tiếp nhiều nhát vào đầu, tay, cổ anh Tuấn. Sau khi biết không thể cướp được tài sản nên tên cướp đạp cửa bỏ chạy...
Tang vật là dao, kiếm, mã tấu… mà Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ trong một số vụ án. |
Đại tá, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho biết, tội phạm có sử dụng bạo lực là loại tội phạm nguy hiểm nhất cho cộng đồng, vì nó gây ra những thiệt hại rất nghiêm trọng cho các quan hệ tồn tại trong xã hội, nhất là mối quan hệ giữa con người với con người về quyền được sống và sự đảm bảo tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, tài sản của họ; xâm hại đến các giá trị, các truyền thống trong cuộc sống mà xã hội có được và cần được bảo vệ.
Cần tăng cường biện pháp phòng ngừa xã hội
Theo thống kê của ngành chức năng, trong thời gian từ năm 2006 đến 2016, Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra 79.000 vụ, 99.000 đối tượng phạm tội thuộc nhóm hành vi có sử dụng bạo lực; trung bình mỗi năm cả nước xảy ra 1.400 vụ giết người và 6.500 vụ cố ý gây thương tích...
Đặc biệt, thời gian qua, tình hình tội phạm giết người có tính chất manh động, khó dự đoán, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã tác động rất tiêu cực tới hình hình trật tự an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận, là mối quan tâm lớn của toàn xã hội.
Liên tục trong tháng 7 và 8-2015 đã xảy ra 4 vụ giết người đặc biệt nghiêm trọng (vụ giết 6 người ở Bình Phước, vụ giết 4 người ở Nghệ An, vụ giết 4 người ở Yên Bái, vụ giết 6 người ở Gia Lai).
Theo Đại tá Lê Ngọc Phương, Trưởng phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh, trong những năm qua, trên địa bàn thành phố tình hình tội phạm có sử dụng bạo lực tuy giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, bạo lực không những được sử dụng nơi công cộng, trên đường phố, quán nhậu, quán karaoke, điểm kinh doanh internet mà còn xảy ra trong gia đình, khu nhà trọ, trường học gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và mất an ninh trật tự trên địa bàn…
Nguyên nhân dẫn đến tội phạm do mâu thuẫn với nhau về tình cảm, tiền bạc, quan hệ giao tiếp, lưu thông nơi công cộng, thậm chí xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, do một phần lỗi của người bị xâm hại tính mạng, sức khỏe.
Số liệu của lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh cho thấy tình hình tội phạm có sử dụng bạo lực trên địa bàn chỉ trong hai năm 2015-2016 là khá cao, xảy ra tổng cộng 1.804 vụ phạm pháp hình sự có sử dụng bạo lực…
Trong khi đó, theo Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trong 7 năm qua (2010 - 2016), tổng số vụ phạm pháp hình sự (PPHS) xảy ra trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là 12.216 vụ (trung bình mỗi năm 1.745 vụ), trong đó tội phạm giết người có 448 vụ; cố ý gây thương tích có 1.547 vụ; hiếp dâm có 256 vụ; cướp tài sản có 662 vụ; cưỡng đoạt tài sản có 146 vụ; cướp giật tài sản có 605 vụ; chống người thi hành công vụ có 162 vụ. Như vậy chỉ tính 7 loại tội phạm có sử dụng bạo lực kể trên cũng đã chiếm đến 31,1% tổng số vụ PPHS…
Nguyên nhân của sự gia tăng tính chất bạo lực trong hành vi phạm tội ở những đối tượng còn trẻ tuổi (nhất là đối tượng chưa thành niên) là do một bộ phận trong số họ phải sống trong môi trường không lành mạnh, thường xuyên tiếp xúc và bị tiêm nhiễm lối hành xử bạo lực ngay từ gia đình, bạn bè, phim ảnh, mạng internet, ma túy…
Với tình hình tội phạm sử dụng bạo lực xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người như hiện nay, công tác phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống tội hình sự, tội phạm có sử dụng bạo lực nói riêng tại địa bàn Đồng Nai trong thời gian qua cho thấy nhiệm vụ đặt ra đối với công tác phòng ngừa là rất khó khăn, không chỉ riêng lực lượng Công an mà cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội cùng tham gia, trong đó lực lượng Công an giữ vai trò chủ công thì mới giải quyết được.
Đại tá, TS. Nguyễn Văn Thuận, Phó Giám đốc Công an TP Cần Thơ cũng cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có sử dụng bạo lực là một quá trình lâu dài, xuyên suốt đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể và sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp thì mới mang lại hiệu quả cao, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Trong nhiều giải pháp thì giải pháp quan trọng là tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa xã hội. Coi trọng phòng ngừa tội phạm từ gia đình, và ngay tại cơ sở… Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục, nhất là truyền thông giáo dục về đạo đức, lối sống, chính sách, pháp luật nhằm chống suy thoái đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm đối với các tổ chức, cá nhân và gia đình…
.