Khi những cuộc săn bắt thú rừng ban ngày trở nên khó khăn, các nhóm thợ săn chuyển sang "hành nghề" vào ban đêm. Họ săn bắt bất cứ con gì, miễn sao loài vật đó có thể ăn thịt hoặc bán.
Chiều muộn, nhóm thợ săn đêm tại một xã vùng xa huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) bắt đầu tập trung. Tối nay, họ sẽ đi săn dọc theo một con suối nhỏ trong rừng sâu. K'Nai quả quyết, chắc chắn chuyến đi săn này cả nhóm sẽ nặng túi với những con thú rừng.
Bởi suốt mấy tuần qua, vùng rừng núi Đạ Huoai vẫn chưa có mưa, nắng nóng đầu mùa sẽ khiến đàn thú khát nước tụ tập về khe suối uống nước và săn mồi. Đây là cơ hội để nhóm thợ săn thể hiện tay nghề. Nhưng, trước khi lên đường, gần 2 lít rượu trắng đã được 5 thành viên trong nhóm đánh bay chỉ trong khoảng 30 phút. Món nhậu là 2 con rắn săn được cách đây mấy ngày ướp muối phơi khô còn giữ lại trên gác bếp nhà K'Nai. Ăn mặn chát!...
Họ săn bắn bất cứ loài động vật nào bắt gặp trong chuyến săn đêm. |
Chuyến săn đêm bắt đầu từ gần 5 giờ chiều, cả nhóm chạy trên 3 xe gắn máy rời buôn nghèo hướng thẳng về phía rừng xa. Sau gần 1 tiếng, chúng tôi đến được bìa rừng.
Ánh nắng cuối ngày yếu ớt hắt qua dãy núi, gió thổi tới cánh rừng nghe xào xạc, buồn hiu hắt. Những chiếc xe gắn máy chỉ còn lại bộ khung được chúng tôi để lại bên nương bắp cháy khô vì nắng. Cả nhóm men theo đường mòn dẫn vào rừng sâu.
Theo K'Nai, cách đây chỉ hơn chục năm, nơi chúng tôi đang đi qua là rừng nguyên sinh, thú còn nhiều. Chỉ cần vào rừng khoảng 30 phút kiểu gì cũng có được những con vật đem về làm bữa tối. Lúc bấy giờ, "cơn lốc" đi săn chưa tràn qua cộng đồng người Mạ nơi đây.
Những "thương lái" chưa đến tận buôn đặt nhóm thợ đi săn thú về bán lại cho họ như bây giờ. Cùng với thời gian, những cây gỗ cổ thụ bị cưa hạ, chim muông, thú rừng phần bị săn bắn, phần lo sợ, rừng nơi đây không còn an toàn nên chúng đã rủ nhau "tản cư" đến vùng đất khác.
Bây giờ có những lần, cả đêm nhóm thợ săn như K'Nai có khi chỉ kiếm được vài con rắn, kỳ tôm. Các loại thú lớn hơn ngày càng khan hiếm. Mỗi khi săn được con cầy, chồn, cheo cheo, hoẵng… cả nhóm đều xem đó là một chiến tích hiếm có.
Bóng tối bao trùm vùng rừng rú thật nhanh, chẳng mấy chốc đã đen ngòm nhìn không rõ mặt người. Những chiếc đèn pin gắn trên đầu của từng thành viên trong nhóm được bật sáng quắc giữa bóng đen.
Vượt qua đỉnh một cánh rừng, rồi lại xuống một thung lũng dựng đứng, chúng tôi đã đến với dòng suối nhỏ mà đêm nay sẽ hứa hẹn những màn săn bắn thú đêm kịch tính. Những con thú xấu số ắt hẳn sẽ phải chết dưới những viên đạn của nhóm thợ đi rừng lành nghề. Nhưng trước khi vào cuộc săn tìm thú rừng, chúng tôi ngồi nghỉ ở một mỏm đá, ai nấy nhễ nhại mồ hôi.
Giữa rừng, chỉ có những tiếng côn trùng gọi nhau trong đêm. Trong số những tiếng kêu hỗn tạp đó, tối nay sẽ có những con trở thành nạn nhân của nhóm đi săn. Anh K'Nai, năm nay hơn 40 tuổi nhưng có tới 30 năm kinh nghiệm đi rừng.
Theo anh, trước đây, tổ tiên cộng đồng người Mạ dưới chân núi này cũng đi săn và sống nhờ vào rừng, sau bao nhiêu thế hệ bây giờ vẫn vậy, nhưng tính chất đã khác xưa rất nhiều.
Anh K'Nai cho biết, xưa kia rừng không bị xâm lấn, tàn phá để lấy gỗ và làm nương rẫy nhiều như bây giờ. Cuộc sống của cộng đồng người Mạ ở Đạ Huoai dù còn bộn bề khó khăn nhưng chẳng bao giờ đói kém.
Hết bắp, cạn gạo, họ rủ nhau vào rừng đào củ mài, hái rau rừng, lấy đọt mây, săn bắn vài con thú về làm thức ăn cả tuần cho cả nhà. Lúc bấy giờ không có chuyện mua bán, "đám thương lái" chưa xuất hiện và tới tận từng buôn cho ứng tiền mặt, đặt hàng thú rừng trước như bây giờ.
Trăng đêm ló qua đám cây rừng ban phát sự bình yên giữa chốn đất này. Nhưng, với những con thú dọc hai bên bờ suối, vỏ bọc bình yên đêm nay là sự hãi hùng tột cùng.
Những động vật thuộc họ bò sát như rắn, kỳ tôm, trăn… là đích hướng tới của nhóm đi săn. Chính vì thế, trong lúc chúng tôi ngồi nói chuyện, K'Phút đã ra bụi lồ ô chặt sẵn một cây dài khoảng 3m để phục vụ việc săn bắt họ bò sát. Bây giờ, rất hiếm khi nhóm đi săn đêm này bắt được hoẵng, chồn, cheo cheo…
Đêm nay họ cũng không kỳ vọng vào việc sẽ bắt được những con thú này. Cả nhóm "dàn thế" đi dọc hai bên bờ suối, họ cố gắng hạn chế tối đa việc phát ra âm thanh. Những con vật đi ăn đêm thường rất tinh và nhạy cảm.
Chỉ một tiếng động nhỏ cũng sẽ là mối đe dọa nên chúng thường chạy trốn hoặc nằm bất động tại một bụi rậm và khe đá. Mọi ngôn ngữ báo hiệu của nhóm thợ săn được thông qua bằng tiếng huýt sáo khe khẽ. Thế rồi, tiếng huýt sáo của một thành viên trong nhóm cất lên.
Tốp thợ săn nhanh chân dồn cả về vây quanh một con kỳ tôm khoảng nửa ký đang bám vào cành cây, cách mặt đất khoảng 3m. Ánh đèn pin sáng quắc rọi thẳng vào mắt khiến con vật bị chói, không biết đâu là đường để lẩn trốn. Con vật xấu số đầu tiền ngơ ngác giữa đám thợ săn vây quanh.
Bằng kinh nghiệm, anh K'Phút dùng cây lồ ô và dây cước để kẹp chặt lấy con kỳ tôm. Con vật bị kẹp, vẫy vùng đuối sức trong sự tuyệt vọng. Không mấy khó khăn, nhóm thợ săn đã bắt được con kỳ tôm cho vào túi.
Chuyến săn đêm thật sự kịch tính khi cả nhóm phát hiện một con nhím đang mò xuống suối uống nước. Đây là loại thú rất nhạy cảm với con người và những tiếng động lạ.
Chính vì thế, nhóm thợ săn nhanh chóng triển khai "thế trận", bao vây xung quanh khu vực. Để chắc ăn, K'Nai nhồi đạn vào cây súng cồn, K'Phút gí kẹp sắt nối với sợi dây điện vào bình ắc quy, K'Nghĩa lăm lăm cây xăm mũi làm bằng những nan hoa xe máy nhọt hoắt trên tay…
Khi cả nhóm đã bao vây con thú xấu số cũng là lúc con nhím phát hiện ra mối đe dọa. Nó thôi uống nước, ngóc cao đầu để nghe ngóng với đôi mắt hiện rõ sự cảnh giác cao độ. Tiếng sáo lại huýt lên, nhóm thợ săn từ từ siết chặt vòng vây. Từ bốn phía, đèn pin rọi thẳng vào mắt con vật.
Trong lúc vẫn còn phân vân chưa biết bỏ chạy hướng nào thì tiếng súng cồn đã nổ. Con nhím ngã nhào, giãy đành đạch, một mảng thịt đỏ ửng cùng máu trào ra. Sau giây lát giãy giụa, con nhím xấu số trúng đạn nằm bất động, K'Nai tiến lại toan nhặt, bỗng con vật vùng dậy cố lết bỏ chạy lảo đảo vào hướng một bụi rậm, kéo theo chân sau bị bắn gẫy sắp đứt lìa.
Trước nguy cơ con nhím có thể "biến mất", K'Phút dùng cây gậy có sẵn sợi dây điện gí thẳng vào con nhím đang cố vùng vẫy bỏ chạy. Dòng điện được kích lên tới 220V, con nhím nhanh chóng bị khuất phục, giãy đành đạch thêm vài cái, mắt trợn ngược...
Chỉ trong nháy mắt con nhím nặng khoảng 1kg chết tức tưởi trong lúc mò xuống suối để giải tỏa cơn khát. Rồi cả nhóm lại phát hiện một con trăn đang nằm trong bụi rậm, nặng khoảng 2kg, cuốn mình thành một vòng tròn. Biết được trăn sẽ nhảy xuống suối khi nghe tiếng động, nhóm thợ săn "dàn trận” tạo thành thế bao vây bốn phía. Một người trong nhóm nhẹ nhàng đẩy chiếc kẹp hướng thẳng vào đầu con trăn để bắt.
Tuy nhiên, do trăn rất khỏe nên chiếc kẹp đã không giữ được, con vật lao nhanh xuống bờ suối. Nhưng chỗ này đã có sẵn một người mai phục, con trăn nhanh chóng bị bắt sống bằng đôi tay điêu luyện của K'Nai.
Chuyến đi săn đêm hôm nay, nhóm thợ săn đã bắt được gần 5kg rắn đủ các loại, hơn 3kg kỳ tôm và một số con ếch, nhái, chảo chuộc, cá… Nếu đem hết số "chiến lợi phẩm" này đi bán, mỗi người trong nhóm sẽ có được hơn 100.000 đồng.
Tưởng rằng nhóm thợ săn vô cảm, nhưng có những lúc họ chạnh lòng, hối lỗi. K'Nai kể, đã có lần anh mổ con nhím vừa bẫy được trong bụng có một bầy con chưa kịp sinh. Hay có lần nhóm của anh bắn trúng con cheo cheo mẹ cạnh đó là một con mới sinh.
Trước khi chết, con mẹ vẫn cố lết thêm mấy mét nữa, bò về một gốc cây lớn với con nhỏ vừa sinh nằm cho bú rồi chết.
Những lúc như thế, K'Nai thấy có tội lỗi và tàn ác ghê gớm!.. Nhưng, để lo cho các thành viên trong gia đình, buộc anh phải chọn cái ác và tội lỗi với những con thú rừng. Gia đình K'Nai gồm 7 người, đất đai rộng mấy hécta nhưng cằn cỗi, không trồng được gì vào mùa khô.
Hằng năm gia đình anh nhờ cậy tất cả vào hơn 1ha cây điều nhưng năm nay cây trồng này bị dịch bệnh, gần như không thu hoạch được gì. Cái đói lại càng khiến những người như K'Nai, K'Phút, K'Nghĩa… sống tàn nhẫn hơn với các loài thú rừng.
Trong câu chuyện với nhóm thợ săn đêm, tôi nhận ra sự hối lỗi của họ trong mỗi hành vi tận diệt muôn thú. Có lẽ, nếu cuộc sống của những người bạn tôi khấm khá hơn, họ sẽ không phải thường xuyên vào rừng săn bẫy thú đêm. Và, số phận những con thú sẽ không còn bị đe dọa. Khi nào còn sự nghèo khó của con người, thú rừng nơi đây chẳng mấy đêm có được bình yên.
.