Phóng sự
Tổ quốc nơi đầu sóng (Kỳ cuối)
(Congannghean.vn)-Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Để giữ vững chủ quyền, nhiều thế hệ ông cha đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu, nước mắt. Trường Sa hôm nay đang trỗi mình mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng giữa trùng khơi nơi đầu sóng ngọn gió.
Kỳ cuối: Trường Sa ngày mới
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói rằng: “Có ra Trường Sa mới thấy chí cả của cha ông ta từ nhiều thế kỷ trước, đã vượt sóng dữ để vun vén cho giang sơn. Nay ra Trường Sa đã thấy nhiều đổi thay về cảnh vật, duy chỉ có những con người Việt Nam là vẫn giữ cốt cách gan góc của cha anh. Xưa có Trường Sơn, nay có Trường Sa để thử thách bản lĩnh Việt Nam”.
Đảo nổi Phan Vinh nhìn từ biển |
Sức sống Trường Sa
Quả thật, có đặt chân đến Trường Sa hôm nay, mới tận thấy biển đảo quê hương đang vươn mình mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền trên biển Đông. Trong suốt hơn 40 năm qua, cùng với nhân dân cả nước, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã chung sức xây dựng các đảo ngày một kiên cố, vững chãi, góp phần bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trên các đảo chìm, cán bộ chiến sỹ đã mang đất từ đất liền ra, chắn sóng che gió để trồng nên những vườn rau thanh niên, xây dựng các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống.
Từ năm 2015, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ NN&PTNT) đã đầu tư Dự án Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi tại Trường Sa. Dự án đã đầu tư 2 nhà lưới trồng rau sạch tại đảo Song Tử Tây, giúp chống mặn, chống gió, cung cấp rau sạch cho đảo quanh năm, kể cả mùa mưa bão.
Ngoài ra, tại các đảo đến nay đã được đầu tư nhiều công trình kiên cố, xây dựng hệ thống bể chứa nước ngọt, phục vụ tốt hơn nhu cầu của cán bộ chiến sỹ, nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần trên đảo đã ngày càng tốt hơn. Thậm chí, trên đảo Cô Lin hiện nay đã có hệ thống lọc nước mặn thành nước ngọt, dù công suất mỗi ngày chỉ khoảng 30 lít nước được chắt lọc, song đó là cả một sự nỗ lực, sáng tạo tuyệt vời, khẳng định ý chí con người Việt Nam.
Vì một “Trường Sa xanh”, trên các điểm đảo ngày nay, không chỉ các đảo nổi với truyền thống là cây bàng vuông, phong ba và bão táp và hiện nay hệ thống các đảo chìm, ngoài những vườn rau, vườn hoa, đặc sản bàng vuông cũng đã khẳng định sức sống, tạo nên màu xanh chủ quyền giữa trời nước mênh mông.
Vườn rau di động được ví như "vàng xanh" đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu rau xanh trên các đảo ở Trường Sa |
Một trong những “nỗi khát” lớn nhất từ trước đến nay ở trên đảo, ấy là hệ thống thông tin liên lạc thì đến nay, với sự đầu tư của tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel), sóng 2G đã phủ kín tất cả các đảo ở Trường Sa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho quân và dân huyện đảo. Ngoài ra, Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng đã đầu tư các hệ thống điện gió và pin năng lượng mặt trời, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện ở trên đảo.
Cùng với đó, cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt của cán bộ chiến sỹ trên đảo ngày càng được cải thiện. Nếu như ở các đảo chìm, các công trình nhà văn hóa đa năng thi nhau ngăn sóng mọc lên, thì trên các đảo nổi, nhiều công trình tiếp nối công trình ra đời đã khẳng định chủ quyền dân tộc giữa trùng dương. Đơn cử, Phan Vinh là đảo nhỏ nhất trong những đảo nổi ở quần đảo Trường Sa và điều kiện sinh hoạt khó khăn nhất.
Trước đây, đảo chỉ có cát san hô trắng trơ trọi, không có nước ngọt, không có cây xanh. Thế nhưng, giờ đây Phan Vinh đã và đang ngày càng thay da đổi thịt, những công trình xây dựng bề thế đang mọc lên. Đứng bên cột mốc chủ quyền, Thượng tá Ngô Đình Xuyên, Đảo trưởng đảo Phan Vinh phấn khởi chia sẻ: Sau chùa Vinh Phúc, Nhà văn hóa Đa năng và Trạm Rađa 44, dự án xây dựng nhà làm việc và trung tâm chỉ huy trên đảo đang gấp rút thực hiện, nỗ lực xây dựng Phan Vinh trở thành đảo cấp 3 vững mạnh về mọi mặt, đặc biệt là ở tuyến giữa Trường Sa.
Phát triển kinh tế ở Trường Sa
Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của Hải đoàn 12/9 Hải quân, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và đội dịch vụ hậu cần nghề cá được xây dựng đã trở thành điểm tựa cho bà con ngư dân đang đánh bắt trên ngư trường truyền thống vùng biển Trường Sa.
Theo đánh giá của Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Bùi Đình Dương thì, các âu tránh bão và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ra đời là một việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện trách nhiệm của quân và dân Trường Sa đối với ngư dân Việt Nam, những công dân chân chính, ngày đêm bám biển, góp phần cho phát triển nghề cá, làm giàu cho quê hương đất nước.
Trung úy Đậu Bá Quý (SN 1983), Đội trưởng Phân đội xây dựng làng chài đảo Núi Le cho biết: Đây là dự án cấp Nhà nước, do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Mục đích là để phục vụ bà con đánh bắt lâu dài, tránh trú bão, sửa chữa, cung cấp nhu yếu phẩm cho bà con ngư dân trong quá trình đi biển dài ngày, góp phần gắn kết tình cảm quân dân nơi đầu sóng thêm sâu nặng.
Đến nay, ở quần đảo Trường Sa, ngoài các âu tàu Song Tử Tây và Khu dịch vụ Hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, Trường Sa Lớn đã hoạt động, việc đưa Trung tâm Dịch vụ Hậu cần - Kỹ thuật đảo Sinh Tồn vào sử dụng thật sự là những chỗ dựa, địa chỉ tin cậy để các tàu ngư dân yên tâm khai thác hải sản dài ngày trên biển. Bên cạnh đó, hai phân hội làng chài ở đảo Núi Le và Tốc Tan đang được gấp rút xây dựng cũng góp phần tạo nên diện mạo mới về một huyện đảo Trường Sa anh hùng.
Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân sinh sống, làm nhiệm vụ trên đảo, Đảng và Nhà nước cũng đã quan tâm sâu sát đến đời sống tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Đến nay, ngoài Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm liệt sỹ trên đảo Trường Sa lớn, ở quần đảo Trường Sa còn có hệ thống các ngôi chùa được xây dựng theo phong cách truyền thống, có mái cong với những đầu đao bằng các loại gỗ quý xưa cha ông ta dùng đóng thuyền vượt biển.
Với quan niệm, nơi đâu có cư dân sinh sống, nơi đó có ngôi chùa, mái đền, trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, từ đảo Đá Tây đến xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa Lớn, những ngôi chùa hiện hữu, thể hiện tâm nguyện và khát vọng cuộc sống yên lành, hòa bình, hữu nghị giữa biển Đông.
Sư thầy Thích Tuệ Nhân, trụ trì chùa Vinh Phúc ở đảo Phan Vinh cho biết: Không chỉ là những cột mốc khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, những ngôi chùa tại đây còn là địa chỉ không thể thiếu của ngư dân trong những chuyến đánh bắt ngoài khơi xa, cũng như quân và dân trên các hòn đảo này.
Bên cạnh đó, cùng với những điều kiện về vật chất, tinh thần được đáp ứng và cải thiện, việc chăm lo sức khỏe cũng đã được khẳng định. Với sự giúp đỡ và hậu thuẫn về nhân lực, phương tiện kỹ thuật từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Trường Sa đã có những bác sĩ trình độ chuyên môn cao, được đào tạo cơ bản, có thể thực hiện được những ca phẫu thuật khó. Tại các bệnh xá trên đảo đã kết nối hệ thống chữa bệnh từ xa (Telemedicine), giúp chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời nhiều ca bệnh hiểm nghèo trên biển.
Đại tá Bùi Đình Dương, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa cho biết: 40 năm qua, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài đã chung tay góp sức xây dựng, quần đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh và thay đổi toàn diện. Những đổi thay trên quần đảo Trường Sa không chỉ giúp quân và dân huyện đảo Trường Sa vững lòng, mà đó còn là thông điệp từ thành đồng phía Đông của Tổ quốc muốn gửi về đất liền. Rằng, hãy đặt trọn niềm tin vào quân và dân đang làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa cũng sẽ nguyện hết mình vì cả nước.
Thiên Thảo