Phóng sự
Tổ quốc nơi đầu sóng (Kỳ 3)
(Congannghean.vn)-Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Để giữ vững chủ quyền, nhiều thế hệ ông cha đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu, nước mắt. Trường Sa hôm nay đang trỗi mình mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng giữa trùng khơi nơi đầu sóng ngọn gió.
Kỳ 3: Người xứ Nghệ ở Trường Sa
Cùng với quân và dân cả nước, trong nỗ lực bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng Trường Sa, có rất nhiều người quê ở Nghệ An. Trên từng hải trình và ở mỗi hòn đảo mà chúng tôi đặt chân đến, nơi đâu cũng có dấu ấn rất lớn của mỗi người con xứ Nghệ, từ những công trình xây dựng đến những chiến sỹ ngày đêm chắc tay súng bảo vệ cột mốc, tấm bia chủ quyền.
Vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm ra đảo cho cán bộ, chiến sỹ |
Chuyện ghi ở đảo chìm
Ở tuyến giữa của quần đảo Trường Sa, trong số 14 điểm đảo mà chúng tôi đã đặt chân đến, chỉ có 2 đảo nổi là Sinh Tồn Đông và đảo cấp 1 Phan Vinh, còn lại là đảo chìm. Trong đó, ở điểm B Phan Vinh lại là điểm đảo chìm, nên các yếu tố “chìm, nổi” của quần đảo Trường Sa, ở hòn đảo mang tên người anh hùng lực lượng vũ trang, thuyền trưởng tàu không số 235 những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, hội tụ tất cả.
Đảo chìm, thực chất chỉ là những bãi đá ngầm san hô, để bảo vệ chủ quyền, công binh đã phải canh sóng, đo gió để đặt những viên đá làm móng, xây nên những tòa nhà kiên cố. So với đảo nổi hay các nhà giàn, thì cuộc sống ở đảo chìm khó khăn gian khổ gấp bội phần. Gần 30 năm qua kể từ khi chúng ta đưa người ra cắm lá cờ đỏ sao vàng khẳng định chủ quyền ở các đảo chìm, bằng nỗ lực của quân dân cả nước, nhiều công trình đã ngăn sóng mọc lên, sừng sững giữa biển trời. Công sức đó, cùng với nhiệm vụ canh gác và bảo vệ Tổ quốc, có sự góp sức không nhỏ của những người con xứ Nghệ.
Trên đảo Cô Lin, chúng tôi bắt gặp đội xây dựng của Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng Sài Gòn, với đặc thù đa phần là người Nghệ An, đang làm nhiệm vụ xây dựng công trình nhà văn hóa đa năng đảo Cô Lin, đã khởi công được hơn một tháng nay. Thời điểm chúng tôi có mặt, những công nhân đang miệt mài vật lộn với sóng nước, bỏ những viên đá đầu tiên để đặt móng cho công trình.
Đại úy Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin cho biết, công trình này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ giúp cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại đây có thêm cơ sở khang trang để sinh hoạt, giải trí mà còn là địa điểm để ngư dân có thể yên tâm tránh, trú bão khi đánh bắt ngoài khơi xa những lúc biển động. Nhà văn hóa đa năng đảo Cô Lin trị giá khoảng 40 tỉ đồng, do UBND TP Hà Nội trao tặng. Đây cũng là công trình thứ 3 mà chính quyền Thủ đô tài trợ cho hệ thống các đảo trên quần đảo Trường Sa trong những năm trở lại đây.
Anh Hồ Văn Thùy (SN 1973) trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Chỉ huy đội thi công công trình này cho biết: Xây dựng ở Trường Sa khó gấp vạn lần so với thi công công trình ở trên đất liền hay ở bất kỳ một nơi nào khác. Các anh làm việc không tuân thủ theo bất cứ khung thời gian nào, mà ước lượng thời gian lên xuống của thủy triều để chạy đua theo từng con sóng. Có nhiều hôm, một hai giờ sáng, anh em công nhân đang ngủ ngon giấc nhưng nước rút, buộc phải gọi dậy để hối hả lên công trường. So với nhiều công trình khác mà Công ty đã triển khai xây dựng như nhà văn hóa đa năng ở các đảo Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca hay Đá Tây, quá trình xây nhà văn hóa ở Cô Lin còn có một áp lực không hề nhỏ khác, ấy là việc nơi đây chỉ cách đảo Gạc Ma hơn 4 hải lý (khoảng 7 km).
Dù vậy, vì biển đảo quê hương, vì đời sống của anh em chiến sỹ và cả sự an toàn cho tính mạng ngư dân và hơn bao giờ hết là mỗi lần nhìn sang phía Gạc Ma, không ai bảo ai, hơn một trăm anh em công nhân đều như có thêm động lực, sức mạnh để cố gắng. Với sự tài trợ của ngành ngân hàng, tập đoàn điện lực và các địa phương trong cả nước, cuộc sống ở các đảo chìm đã bớt phần khó khăn khi các nhà văn hóa đa năng được xây dựng thêm, cải thiện được nơi ở và sinh hoạt cũng như địa điểm canh giữ vùng trời của cán bộ, chiến sỹ.
Nhà văn hóa đa năng, công trình làm thay đổi diện mạo ở các đảo chìm |
Dấu ấn người xứ Nghệ ở Trường Sa
Trung tá Phạm Thanh Tân, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) cho biết, ở Trường Sa nói chung và các điểm đảo tuyến giữa, có rất nhiều cán bộ, chiến sỹ là người miền Trung đang làm nhiệm vụ canh trời, giữ biển tại đây, trong đó không ít người Nghệ An, Hà Tĩnh.
Trên đảo chìm Núi Le, chúng tôi được Thiếu tá Trần Bá Việt (SN 1977) quê huyện Đô Lương, Đảo trưởng đảo Núi Le chia sẻ: Bản thân anh đã nhiều lần nhận công tác ở Trường Sa, nhưng mỗi lần đến với Núi Le là thêm một lần bồi hồi. Bởi ở bãi cạn Núi Le đến nay vẫn còn dấu vết con tàu mà cách đây 29 năm về trước, ông cha ta trong nỗ lực giữ đảo đã lao thẳng con thuyền lên bãi cạn để khẳng định chủ quyền.
Cũng trên hòn đảo này, phân đội xây dựng làng chài do Trung úy Đậu Bá Quý (SN 1983) quê huyện Diễn Châu (Nghệ An) làm Đội trưởng, đã trồng được những cây xanh đầu tiên để chuẩn bị xây dựng nhà đa năng, phục vụ bà con ngư dân tránh, trú bão và nghỉ dưỡng sau những ngày dài nhọc nhằn mưu sinh trên biển.
Dấu ấn người Nghệ ở tuyến giữa Trường Sa có lẽ phải kể đến các đảo Sinh Tồn Đông và Phan Vinh. Nếu như ở Sinh Tồn Đông có tới 12 chiến sỹ là người xứ Nghệ, cũng là hòn đảo có số lượng người Nghệ nhiều nhất trong tất cả 33 điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, thì ở đảo chìm Phan Vinh, chính trị viên lẫn đảo trưởng đều là người Nghệ An.
Thượng tá Đặng Văn Tám, quê xã Liên Thành, huyện Yên Thành, Phó đảo trưởng đảo nổi Phan Vinh chia sẻ: Ở nơi chỉ có sóng gió và mây trời, gặp được đồng hương là điều rất quý, anh em người Nghệ cùng sát cánh bên nhau nhưng không vì thế mà cục bộ. Ở Trường Sa, từ công trình xây dựng đến canh giữ cột mốc, bia chủ quyền, gần như điểm đảo nào cũng mang đậm dấu ấn của người xứ Nghệ. Trong đó, có những người đã rất nhiều năm gắn bó với biển đảo như Thượng úy Lê Văn Sửu (SN 1973) quê huyện Thanh Chương, lái tàu trực chiến Trường Sa 12, thường xuyên làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác trên biển; Trung tá Hoàng Đình Bảy (SN 1973) quê huyện Đô Lương, hiện đang công tác tại đảo Tiên Nữ, cũng nhiều năm “ăn sóng, nằm gió” với huyện đảo Trường Sa.
Đại úy Nguyễn Cảnh Phố (SN 1974) quê ở xã Hưng Chính, TP Vinh, y sỹ chuyên nghiệp, đã có nhiều năm làm công tác chữa bệnh, cứu người trên nhiều tuyến đảo ở Trường Sa. Với nhiệm vụ chuyên môn của một y sỹ, anh đã tình nguyện ra đảo, chăm sóc sức khỏe cho anh em chiến sỹ và cấp cứu bà con ngư dân.
Từ năm 2013 đến nay, Đại úy Nguyễn Cảnh Phố đã công tác qua các đảo Tốc Tan C, Tốc Tan B và đảo Thuyền Chài. Anh bảo, đi biền biệt, cũng thương vợ, nhớ con, nhưng nghĩ đến chiến sỹ đau ốm, ngư dân cần cứu chữa, anh đành hy sinh hạnh phúc riêng tư để tiếp tục gắn bó với sóng gió trùng khơi.
Trên hải trình đến với biển đảo, chúng tôi còn được nghe Thượng úy Nguyễn Văn Long (SN 1972) quê huyện Yên Thành, biên chế tàu HQ936 kể: Bản thân anh làm nhiệm vụ trên tàu nên mỗi năm, có từ 3 - 4 chuyến ra đảo, chở các đoàn công tác hoặc cung cấp thực phẩm, nước ngọt cho các đảo ở Trường Sa. Nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là vào mùa sóng lớn. “Nỗi khiếp” lớn nhất của anh cũng như anh em sỹ quan trên tàu là mỗi lần cập đảo Phan Vinh hoặc đảo An Bang. Do đặc thù cấu trúc các vách thềm san hô bao quanh gần như dựng đứng, dưới chân tạo nhiều rãnh sâu nên sóng ở đây rất lớn, có những lần hạ xuồng xong đành phải cẩu lên, neo lại chờ lặng sóng trong suốt nhiều ngày mới cập đảo được. Thế nên, dù có hàng chục năm kinh nghiệm “cưỡi sóng”, song cũng có những chuyến dong hàng từ tàu lên đảo bị sóng đánh úp, lật xuồng, gần như là chuyện thường ngày.
(Còn nữa)
Thiên Thảo