Phóng sự
Băng rừng, lội suối truy bắt tội phạm trốn nã
09:28, 07/03/2017 (GMT+7)
Bản lĩnh, vững vàng nghiệp vụ, nhạy bén trong phán đoán tình huống, am hiểu luật pháp và nhiều lúc phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư để tập trung cho công tác, đó là những ghi nhận của chúng tôi khi cùng một tổ trinh sát đi bắt tội phạm trốn nã trong rừng sâu vào đêm mùng 2 Tết Đinh Dậu vừa qua.
Chúng tôi đến Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Bình Phước vào đầu giờ sáng mùng 2 Tết Đinh Dậu. Mặc dù trong lúc nhà nhà quây quần bên những người thân trong gia đình cùng hưởng một cái Tết đầm ấm, yên vui thì hơn chục cán bộ chiến sỹ nơi đây, phải tạm giao chuyện thờ cúng tổ tiên cho vợ con để tập trung tại đơn vị chuẩn bị cho chuyến đi truy bắt tội phạm trốn nã.
Thấy tôi đến, Trung tá Nguyễn Phước Chí ra tận chân cầu thang tiếp đón rồi đưa lên thẳng phòng trực chiến để gặp anh em trinh sát. Chỉ vào hơn chục cán bộ chiến sỹ đang khoác trên mình những chiếc ba lô căng phồng, anh Chí cho biết: "Hai tổ trinh sát đặc biệt đấy.
Cơ quan điều tra lấy lời khai một đối tượng truy nã |
Anh em vừa nhận lệnh công tác là lập tức chuẩn bị sẵn tư trang, áo ấm và cả lương khô (mì tôm) để lên đường làm nhiệm vụ. Tổ thứ nhất sẽ di chuyển bằng xe khách đi thẳng ra phía Bắc đến vùng núi tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Công an địa phương truy bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm, tổ thứ hai nằm rừng dài ngày dọc theo tuyến từ Phước Long cho đến tận khu vực cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh (tiếp giáp với nước bạn Campuchia) để truy bắt tội phạm đặc biệt nguy hiểm theo lệnh truy nã của một đơn vị Công an phía Bắc gửi vào.
Sau khi truyền đạt lại những phương án tác chiến cho hai tổ trinh sát, Trung tá Nguyễn Phước Chí quay sang tôi bảo:
"Lính truy nã tội phạm là vậy đó, làm việc không có giờ giấc cụ thể. Bình thường thì hàng ngày đến cơ quan theo giờ hành chính để nghiên cứu hồ sơ, nhưng khi có yêu cầu truy nã thì bất kể là ngày hay đêm, ngày lễ hay Tết, kể cả vợ ốm con đau cũng phải lập tức nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Nếu đi trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận thì cũng mất năm bảy ngày, nhưng nếu đến các tỉnh xa, vùng rừng núi có khi phải mất hàng tháng trời.
Nhiều khi anh em trinh sát đi công tác đột xuất, song do yêu cầu bí mật của công việc nên phải tắt cả điện thoại di động, chỉ sử dụng điện thoại của đơn vị cung cấp để báo cáo tình hình khiến cho vợ con và những người thân (hậu phương) của các trinh sát nghi ngờ, thậm chí tìm gặp chỉ huy đơn vị để tham phiền.
Để cho hậu phương hiểu hơn về công việc của chồng, cha mình, Ban chỉ huy phòng đã cử người xuống tận gia đình để động viên giải thích và khi những gút mắc đã được tháo gỡ thì những người vợ, người con của trinh sát không những tình nguyện gánh vác công việc gia đình mà còn thường xuyên chia sẻ với những khó khăn vất vả của chồng, cha để các anh yên tâm làm nhiệm vụ...".
Khi được hỏi về chuyện bắt phạm, anh Chí cười hiền rồi bảo: Nhiều lắm, mỗi năm bắt trên dưới 60 đối tượng tội phạm các loại nên không thể nhớ hết được, chỉ ấn tượng với hai đối tượng trốn nã trên 20 năm được các trinh sát truy bắt, sau đó đưa ra xét xử trong dịp trước Tết Nguyên đán vừa qua.
Vụ việc thứ nhất xảy ra vào ngày 2-12-1992, ông Lê Xuân Hành đang ở xưởng mộc thuộc ấp Tân Trà, xã Đồng Xoài, huyện Đồng Phú thì phát hiện ông Nguyễn Hồng Dân dùng rựa chém em ruột là Lê Xuân Đại một nhát vào cằm.
Một số đối tượng trốn nã bị bắt. |
Thấy em bị chém, ông Hành cầm khúc gỗ chạy ra để đánh ông Dân nhưng bị ông này tấn công ngược lại cho đến ngất xỉu. Tức tối do bị đánh, Đại chạy về phòng bảo vệ lâm trường Suối Nhung lấy khẩu AK báng xếp rồi tìm tới nhà ông Dân bắn hai phát đạn khiến ông này gục ngay tại chỗ.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Lê Xuân Đại về hành vi giết người, nhưng do Đại đã bỏ trốn khỏi địa phương nên Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.
Hơn 20 năm tổ chức nhiều chuyến công tác đi đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước mà không thấy tăm hơi của Đại. Không thể để cho Đại cứ mãi lẩn trốn ngoài vòng pháp luật, cuối năm 2015, Ban chuyên án quyết định họp toàn bộ đơn vị, lấy ý kiến đánh giá của tất cả các trinh sát và rút ra kết luận có thể Đại đã thay tên đổi họ để trà trộn vào một địa phương nào đó sinh sống.
Từ nhận định đó, Ban chuyên án quyết định cử một tổ trinh sát lên đường đến các tỉnh, thành phối hợp với Công an địa phương rà soát toàn bộ các đối tượng nghi vấn xem có ai giống với hình ảnh của Đại hay không.
Sau hơn một tháng miệt mài truy xét, đến đầu tháng 12-2015 các trinh sát phát hiện một người tên Lê Xuân Hòa, 53 tuổi tại tỉnh Thanh Hóa đang làm Tổ trưởng tổ máy Công ty cổ phần xây dựng và sản xuất vật liệu có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình là có nhiều điểm rất giống với Lê Xuân Đại nên đã bí mật tiếp cận.
Tuy nhiên do luôn chuẩn bị cho mình tư thế cảnh giác cao nên ít ngày sau đó Đại nghi ngờ mình bị theo dõi nên giả vờ bị ốm xin nghỉ làm để đi chữa bệnh.
Không thể để đối tượng này có thời gian trốn thoát, ngày 12-12-2015, các trinh sát quyết định mời Lê Xuân Đại lên trụ sở Công an huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tiến hành đấu tranh trực diện. Lúc đầu hắn khăng khăng rằng mình là Lê Xuân Hòa và không quen biết ai tên Đại.
Chỉ đến khi các trinh sát chứng minh những dấu vết ghi lại trong giấy chứng minh nhân dân không trùng khớp với những dấu vết riêng và dị hình trên khuôn mặt, đồng thời cũng xác định ông Lê Xuân Hòa hiện đang buôn bán ở tỉnh Thanh Hóa chứ không hề làm nghề xây dựng thì Đại mới cúi đầu nhận tội.
Một vụ truy bắt tội phạm trốn nã khác cũng khiến cho các trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Phước mất đến 21 năm truy tìm và phải đến ngày 21-4-2013 mới tóm được đối tượng.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 23 giờ, ngày 14-4-1992, tại xã Nha Bích, huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (nay là xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Thời điểm ấy, gia đình Đào Văn Hải, 52 tuổi và người thân đang "chén chú chén anh" trong nhà thì phía sau có ánh đèn pin rọi vào. Thấy vậy Hải và một vài người thân cầm dao chạy ra xem. Tới nơi, Hải gặp anh Phan Đình Duyến (51 tuổi) ngụ cùng địa phương với một người không rõ họ tên đang dò tìm đường đi.
Nghĩ anh Duyến đang theo dõi mình, Hải chạy vào nhà lấy rựa chém 2 nhát vào đầu đối phương rồi cùng những người bạn nhậu chạy trốn.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Long đã lập tức có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường, ghi nhận lời khai của những người xung quanh và đến sáng 15-4-1992 thì ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội giết người, nhưng do Hải đã trốn khỏi địa phương nên sau đó Cơ quan điều tra tiếp tục ra quyết định truy nã trên toàn quốc đối với Đào Văn Hải.
Trải qua gần 21 năm truy tìm nhưng những thông tin về Hải vẫn như bóng chim tăm cá. Vụ việc tưởng chừng chìm vào quên lãng thì đầu năm 2013, Ban chỉ huy Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Phước nhận được thông tin đối tượng hiện đang làm nghề chạy xe ôm ở chợ Thanh Hải hoặc chợ Tân Hải, tỉnh Bình Thuận.
Từ thông tin này, một tổ trinh sát lập tức được cử lên đường phối hợp với Phòng PC52 và các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh Bình Thuận tiến hành xác minh đối tượng.
Gần nửa tháng trôi qua mà vẫn không xác định được nơi lẩn trốn của Hải bởi đối tượng này cứ thấy động là chuyển ngay đi địa phương khác thuê nhà ở tạm. Quyết không để đối tượng Đào Văn Hải nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, các trinh sát quyết định chia quân thành nhiều nhóm nhỏ đến các tỉnh, thành lân cận tiếp tục truy tìm, riêng nhóm do Trung tá Nguyễn Phước Chí dẫn đầu thì lên đường đến tỉnh Thái Bình (quê quán của Hải) và từ những thông tin thu thập được, các trinh sát xác định Hải đang thuê nhà ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên đã tổ chức truy bắt.
Ngày 19-4-2013, các trinh sát phát hiện một người đàn ông có hình dáng khá giống Đào Văn Hải, nhưng qua xác minh thì hắn lại mang tên Đào Văn Cường nên lực lượng truy bắt lại phải một lần nữa tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác định tính xác thực của những giấy tờ tùy thân mà người đàn ông này sử dụng.
Đến ngày 21-4-2013, sau khi xác định chính xác Cường chính là Hải nên đã thực hiện ngay lệnh bắt. Sau khi bị bắt, Đào Văn Hải đã khai nhận toàn bộ hành vi giết người và hành trình 21 năm chạy trốn, từ việc trở thành người đánh cá trên biển đến làm tài xế xe tải chuyên chở cá thuê rồi quá trình thay tên đổi họ và trở thành Tổ trưởng một tổ dân phố ở Bà Rịa-Vũng Tàu.
Câu chuyện về những lần băng rừng, lội suối truy bắt tội phạm trốn nã vẫn còn dài nhưng đồng hồ trên tường đã chỉ sang 13 giờ chiều nên tôi đành xin phép tạm dừng để trả Trung tá Nguyễn Phước Chí về ăn Tết cùng gia đình.
Với tất cả những gì tôi được nghe và nhìn thấy, trên đường về, tôi thầm nghĩ với sự mưu trí, dũng cảm và lòng quyết tâm của tập thể cán bộ Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Phước, chắc chắn trong những ngày tới sẽ có nhiều tên tội phạm trốn nã phải tra tay vào còng.
Nguồn: Đức Cương/Báo CAND