Phóng sự
Lính hình sự vùng cao và những hành trình gian khổ
Với lính, không gì thú bằng ngày xuân thong thả, khề khà cùng bạn hiền bên chén rượu Tết, ôn lại những tháng ngày nhọc nhằn "trận mạc" đã qua. Gặp bạn "cố tri" tại miền biên viễn, được nghe những chuyện "bếp núc" sau mỗi trận đánh mới hiểu thấu nỗi vất vả, truân chuyên của nghề gìn giữ trật tự bình yên cho xã hội. Câu chuyện của lính hình sự Lào Cai đưa tôi trở lại những giờ phút "nghẹt thở" khi điều tra các vụ trọng án, hay đấu tranh triệt phá các ổ nhóm tội phạm hình sự nơi địa đầu Tổ quốc trong năm qua.
1. Thượng tá Nguyễn Minh Thắng (Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Lào Cai) có phong thái chín chắn, chừng mực trong trò chuyện. Nhưng khi vào trận, anh là con người khác, đầy máu lửa và mưu lược khi đối mặt với tội phạm.
Thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Phó trưởng Phòng CSHS Công an Lào Cai. |
Trong cuộc điều tra truy bắt tên Tẩn Láo Lở, thủ phạm gây ra vụ thảm án giết chết 4 người trong một gia đình tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, Bát Xát, anh là thành viên Ban chuyên án, trực tiếp phụ trách những mũi trinh sát hình sự bám rừng gần 1 tháng ròng để "săn" tên "ác thú".
Những chuyện "bếp núc" chưa kể trong hành trình nhọc nhằn ấy đã khiến thời gian đảo chiều chuyển động, ngược trở lại những tháng ngày tận cùng của nỗi vất vả, hiểm nguy. Tôi chắc không có một tình tiết nào có thể bị anh lãng quên. Bởi với lính, những kỷ niệm nghề nghiệp là thứ luôn hằn sâu trong ký ức theo suốt cuộc đời.
Chuyện bắt được tên Lở thế nào, báo chí viết cũng đã nhiều, nhưng những gì xảy ra ở đáy sâu nội tâm người lính khi vào trận đánh thì chưa ai đề cập. Đã là lính, nhiệm vụ là trên hết, vì nó mà họ lăn xả vào nơi "hòn tên, mũi đạn", bất chấp hiểm nguy.
Nhưng cũng là con người, tâm lý ai cũng chứa đựng bên trong một nỗi sợ bản năng. Bởi hành trình truy lùng kẻ thủ ác, họ không chỉ đối diện với rắn độc, thú dữ, mà có thể từ những viên đạn, mũi tên bắn lén của hung thủ, vì y vốn là một thợ săn lành nghề. Điều quan trọng là họ đã không chùn bước trước những hiểm họa rình rập, mà đã vượt lên nỗi lo lắng để tận lực cho công việc và giành chiến thắng.
Anh kể: "Tên Tẩn Láo Lở sở hữu những "kỹ năng rừng rú" ít người có được. Y có tiếng đã bắn là trúng, thường đơn độc vào rừng săn thú ban đêm. Đặc biệt là rất tinh quái, rất giỏi ngụy trang và leo trèo. Có lần tổ truy bắt đi ngang qua trước mặt mà không phát hiện ra, vì y chui sâu trong bụi dong.
Để đối phó với chó nghiệp vụ đang lùng sục, y giấu nguồn hơi bằng cách ẩn mình trên những tán cây cao vút. Với "bản lĩnh" như vậy, nếu y có ý định tấn công lại lực lượng truy bắt, thì hậu quả chưa biết sẽ thế nào. Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, vì trước đây tại Bát Xát cũng đã có tên Phàn A Gát giết người rồi bỏ trốn vào rừng, mang theo súng kíp và tiếp tục bắn chết 1 người, bắn bị thương 2 người, trong đó có một Thiếu úy Công an, trước khi bị tiêu diệt vào cuối năm 2005.
Trong hơn 3 tuần truy lùng tên Lở, chúng tôi chia 200 CBCS thành 5 tổ, "càn quét" trong phạm vi hơn 20km2 rừng rậm, đèo cao vực sâu hiểm trở. Đận đó do ảnh hưởng của bão, lũ quét cũng vừa tràn qua địa bàn huyện Bát Xát, nên hành trình truy bắt vô cùng gian khổ.
Đi từ huyện lỵ lên xã Trịnh Tường mất 40km, sau đó từ trung tâm xã vào bản Phìn Ngan phải đi bộ chừng 1 giờ đồng hồ nữa. Hành quân lên rừng, truy lùng thông ngày, thông đêm trong điều kiện trời mưa đường trơn trượt, sểnh chân là lăn xuống vực. Có hôm trời nắng thì cơ man nào là vắt.
Mỗi hôm đi về, giật trong người ra cả đống vắt mọng máu. Cũng có 2-3 lần giữa rừng chạm trán với Lở. Vì yêu cầu bắt sống, nên ta cũng chỉ dám nổ súng cảnh cáo, y liền "phi thân" vào bụi trốn thoát.
Bữa ăn giữa rừng của lính trong hành trình truy lùng tên Tẩn Láo Lở. |
Nhiều khi trong đêm anh em phải men theo các vách đá dựng đứng, hay mò vào các hang tối, bụi rậm um tùm để kiểm tra… khả năng chạm mặt với rắn hay thú dữ rất cao. Lính ta không khỏi hãi, nhưng tuyệt không có chuyện đùn đẩy nhau. Mọi người đều ý thức được nhiệm vụ của mình và làm với thái độ nghiêm túc. Có điều những bước chân thận trọng hơn, những cặp mắt, đôi tai như căng ra để kịp thời phát hiện những nguy cơ rình rập.
Ròng rã gần tháng trời trên rừng, thỉnh thoảng mới được tiếp tế đồ ăn, chúng tôi qua bữa bằng mọi thứ kiếm được. Trong đó, món cua suối nướng là "sang" nhất, còn đâu chủ yếu là nhai mì tôm sống và uống nước suối. Hôm nào bắt được cua, anh em nướng mọi rồi trải lá rừng làm mâm, vót que tre thành đũa. Dầm mưa dãi nắng chừng ấy ngày, đến chó nghiệp vụ cũng kiệt sức, nôn khan, nhưng tuyệt không ai nản chí, bởi với chúng tôi để trả món nợ máu cho dân, dẫu gian khổ hy sinh đến mấy, cũng sẽ vượt qua bằng tất cả nghị lực người lính".
2. Với Đại tá Lương Cao Huỳnh (Trưởng phòng CSHS, Công an tỉnh Lào Cai) thì cuộc đột kích sới bạc hoạt động ngày đêm trên nhà nổi Thùy Linh neo đậu trên sông Hồng, đoạn qua thôn Bảo Vinh, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, đã để lại trong ông những kỷ niệm khó phai.
Ông kể, sới bạc này bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2015 với quy mô lớn. Hàng ngày, "nhà cái" tổ chức 3 ca sát phạt, thu 200.000 đồng "tiền hồ" mỗi người khi vào cửa.
Chủ sới là Lự Hồng Quảng vốn là kẻ tinh quái, có nhiều thủ đoạn xảo quyệt nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Để phát hiện từ xa bóng dáng Cảnh sát, Lự rải đệ tử canh gác từ xa, lắp đặt hệ thống camera giám sát cảnh báo.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai, một chuyên án trinh sát đã được xác lập. Từ đây bắt đầu những tháng ngày dày công khảo sát, nắm tình hình hoạt động của bọn tội phạm.
Những phương án đánh bắt công phu được phác thảo và bàn đi tính lại đến "nát nước", để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng bắt và các con bạc khi tấn công vào. Bởi vì việc bắt đánh bạc trên sông nước dễ xảy ra tai nạn nguy hiểm khi con bạc đường cùng gieo mình xuống sông bỏ trốn, hoặc trong lúc vật lộn chiến sỹ ta bị ngã…
"Đặc thù của công tác triệt phá các ổ nhóm cờ bạc là phải bắt được quả tang khi hành vi phạm tội đang diễn ra. Nếu không thu được tang vật, phương tiện phạm tội, tiền bạc tài sản dùng vào việc đánh bạc, sẽ không thể kết tội đối tượng. Chính vì vậy, trong chuyên án này chúng tôi đã phải tính toán rất kỹ về biện pháp vô hiệu hóa đám "chim lợn" (những tên cảnh giới từ xa), biện pháp tiếp cận ngụy trang phù hợp, biện pháp bảo đảm an toàn cho cuộc bắt…
Tất cả những khả năng có thể xảy ra đều được tính đến và dự liệu phương án xử lý. Chính vì vậy mới có chuyện Cảnh sát ém sẵn dưới sông trực vớt những tên nhảy xuống. Giờ G, gần 100 Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông được huy động, bằng nhiều biện pháp ngụy trang tiếp cận hiện trường. Mệnh lệnh chiến đấu phát ra, các tổ công tác đồng loạt khép chặt vòng vây, tấn công theo thế gọng kìm, ngay lập tức khống chế vô hiệu hóa bọn cảnh giới, rồi dùng công cụ hỗ trợ phá cửa ập vào bắt giữ toàn bộ đối tượng cùng tang vật.
Bị "đánh" bất ngờ, con bạc chạy toán loạn, thoát thân qua hai cửa chính và các cửa sổ của nhà nổi, khiến nhà nổi nghiêng hẳn về một phía buộc lính ta phải dùng bình xịt hơi cay để trấn áp. Tuy nhiên đã có 7 tên kịp nhảy xuống sông. Tình huống này đã được dự liệu nên chúng đã được cánh trinh sát phục sẵn dưới sông nhanh chóng "vớt" lên và bắt gọn.
Tổng cộng có 62 con bạc sa lưới cùng chủ sới và đám đệ tử giúp việc, thu giữ tại chỗ 148 triệu đồng trên chiếu bạc, cùng 4 xe ôtô, 3 bộ đàm, 7 mắt camera và nhiều tài sản có giá trị khác. Điều quan trọng là chúng tôi đã bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cuộc bắt, không có con bạc nào hay CBCS bị thương. Ổ nhóm cờ bạc hoạt động gây nhức nhối dư luận đã bị xóa sổ" - Đại tá Huỳnh kể.
Đột kích sới bạc nhà nổi Thùy Linh neo đậu trên sông Hồng. |
3. Điểm nhấn quan trọng sau 1 năm trận mạc của lính hình sự Lào Cai, đó là tỷ lệ điều tra khám phá trọng án đạt 100%, các loại tội phạm khác đều được kéo giảm.
Trao đổi với PV, Đại tá Huỳnh cho biết: "Là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, Lào Cai có vị trí chiến lược. Từ khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cáp treo Sa Pa đưa vào hoạt động khai thác đã thu hút lượng khách du lịch rất lớn đến Lào Cai.
Thêm vào đó, cơ chế mở thu hút đầu tư nhiều đơn vị doanh nghiệp vùng xuôi đến Lào Cai làm ăn… đã đặt ra những vấn đề phức tạp về ANTT. Trong đó nổi lên hoạt động của các đối tượng lưu động, các băng ổ nhóm từ địa phương khác đến Lào Cai núp dưới danh nghĩa kinh doanh để hoạt động phạm pháp rồi nhanh chóng rời khỏi địa bàn; hoạt động của các băng ổ nhóm bảo kê hàng hóa, bến bãi, bốc xếp hàng hóa trên tuyến biên giới ẩn chứa nhiều nguy cơ mất ANTT. Năm qua tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm mua bán người có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, với đặc thù của tỉnh miền núi vùng cao, là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều tập tục lạc hậu, nhận thức về pháp luật hạn chế, thanh thiếu niên thiếu việc làm… đã gây ra những hệ lụy liên quan đến ANTT.
Đáng chú ý là các vụ án giết người, cướp tài sản do mâu thuẫn, tập tục lạc hậu... có chiều hướng gia tăng. Quán triệt tinh thần chủ động, kiên quyết trong đấu tranh trấn áp tội phạm, lực lượng CSHS Công an tỉnh Lào Cai đã bám sát chương trình kế hoạch công tác, từ chỉ huy đến CBCS đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ.
Sau 1 năm chiến đấu, tận lực phục vụ nhân dân, những gì mà chúng tôi đã làm được ghi dấu bằng danh hiệu thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, sự động viên lớn lao nhất đối với chúng tôi, đó là mối thiện cảm, lòng tin nơi dân mỗi khi nhắc đến lực lượng CSHS nơi phên giậu này".
Theo Báo CAND