Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201703/to-quoc-noi-dau-song-ky-2-727833/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201703/to-quoc-noi-dau-song-ky-2-727833/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tổ quốc nơi đầu sóng (Kỳ 2) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 16/03/2017, 08:45 [GMT+7]

Tổ quốc nơi đầu sóng (Kỳ 2)

Kỳ 1: Linh thiêng Gạc Ma

(Congannghean.vn)-Trường Sa, một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Để giữ vững chủ quyền, nhiều thế hệ ông cha đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu, nước mắt. Trường Sa hôm nay đang trỗi mình mạnh mẽ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng giữa trùng khơi nơi đầu sóng ngọn gió.

Kỳ II: Bác sĩ Trường Sa

Cứu người, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở trên đất liền đã là việc khó, thế nhưng thực hiện các ca phẫu thuật, đảm bảo sức khỏe cho quân và dân giữa trùng khơi luôn là một thách thức lớn. Với những người lính mặc áo blu trắng nơi đảo xa, câu chuyện về “lương y như từ mẫu” luôn là những thước phim tư liệu thực tế, sinh động.

Công tác khám, chữa bệnh cứu người trên các đảo chìm gặp rất nhiều khó khăn (Trong ảnh: Đảo chìm Đá Lớn C)
Công tác khám, chữa bệnh cứu người trên các đảo chìm gặp rất nhiều khó khăn (Trong ảnh: Đảo chìm Đá Lớn C)

“Đè sóng, cưỡi gió” để phẫu thuật cấp cứu

Ở tuyến giữa của Trường Sa, trong số 14 điểm đảo thì chỉ có duy nhất đảo Phan Vinh là có bệnh xá, còn lại những điểm đảo khác chỉ có các đội nghiệp vụ về y, bác sĩ. Dù vậy, nhiệm vụ của những người lính mặc áo blu trắng này cũng không hề đơn giản. Ngoài việc luôn phải đảm bảo đủ thuốc men cho cán bộ chiến sỹ trên đảo và ngư dân, họ còn phải tiến hành sơ cứu những trường hợp gặp nạn, tai nạn bất thường hoặc bệnh tật đột xuất trước khi chuyển lên tuyến trên điều trị.

Trung úy Phạm Đình Tuấn, y sĩ chuyên nghiệp tại Đảo Đá Lớn C chia sẻ: Hàng năm, nhiệm vụ của lực lượng quân y trên đảo Đá Lớn C nói riêng và các đảo khác ở Trường Sa nói chung, đột xuất nhất vẫn là việc cấp cứu cho ngư dân bị tai nạn lao động hoặc bệnh tật bất thường. Trung bình mỗi tháng, các anh đón tiếp từ 5 - 7 tàu cá của ngư dân ghé đảo để thăm khám hoặc xin thuốc chữa bệnh, còn cấp cứu thì mỗi năm cũng từ 2 - 3 trường hợp, nặng nhẹ khác nhau.

Đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh xá các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hầu hết đều chẩn đoán và điều trị kịp thời những bệnh nội khoa từ đơn giản đến phức tạp, hiểm nghèo. Thậm chí, có những trường hợp, các thầy thuốc phải huy động cán bộ, chiến sỹ trên đảo hiến máu để cứu bệnh nhân.

Đơn cử, vào khoảng hơn 1 giờ ngày 26/11/2016, quân y đảo Đá Lớn C tiếp nhận trường hợp ngư dân Bùi Ngọc Hải (SN 1988), đi trên tàu cá QNG 40289, do ông Bùi Ngọc Lãnh trú tại Quảng Ngãi làm trưởng tàu, bị thương ở tay, làm lật da, cơ tay lộ ra ngoài do bất cẩn trong quá trình xay đá để ướp cá. Tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch vì mất nhiều máu, thời điểm đưa đến máu vẫn tiếp tục chảy. Ngay trong đêm, quân y trên đảo đã huy động truyền máu, tiêm thuốc; đồng thời sơ cứu, băng bó rồi đề xuất chỉ huy dùng thuyền cao tốc đưa nạn nhân sang đảo Sinh Tồn Đông để điều trị.

Một trường hợp khác là ngư dân Trần Văn Lịch (SN 1979), quê Bình Định, những ngày đầu năm 2017 được đưa lên đảo trong tình trạng nhiễm trùng nặng, mụn nhọt nổi lên sưng tấy do giẫm phải đinh. Lúc này, xác định nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây biến chứng, thậm chí phải tháo khớp nên anh em quân y đã hội chẩn và quyết định tiến hành tiểu phẫu, mổ ngay tại đảo để cấp cứu bệnh nhân.

Khám, chữa bệnh và điều trị cho chiến sỹ trên đảo Phan Vinh
Khám, chữa bệnh và điều trị cho chiến sỹ trên đảo Phan Vinh

Trong khi đó, ở Đảo Tiên Nữ - hòn đảo nằm ở vị trí cực Đông của Tổ quốc, nơi mặt trời mọc sớm hơn một giờ đồng hồ so với đất liền, việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và ngư dân cũng có những khó khăn, vất vả không kém ở các điểm đảo khác.

Đại úy Bùi Văn Ngân (SN 1975), quê ở tỉnh Quảng Ninh, người đã có thâm niên nhiều năm công tác trên đảo cho biết thêm, đặc thù công việc của đội ngũ quân y trên đảo là đảm bảo quân y, chăm sóc và tư vấn sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo cũng như ngư dân gặp thiên tai, hoạn nạn. Nghe qua, có vẻ nhẹ nhàng nhưng thực chất, công việc rất nặng nề bởi cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ cho việc cứu chữa người bệnh rất hạn chế, thậm chí lạc hậu. Đặc thù của đảo Tiên Nữ là ngư dân khi đến vùng biển này đánh bắt cá thường khai thác ở ngư trường giáp với vùng biển của Philippin nên mỗi khi chẳng may gặp nạn, thường lên đảo này để nhờ cứu chữa, bởi đó là hải trình ngắn nhất.

Chữa bệnh… từ xa!

Theo bác sĩ Ngân, tùy theo mức độ tai nạn, những ca nào xử lý được, trong khả năng chuyên môn thì thực hiện cứu người tại chỗ. Đối với những trường hợp nặng thì tiến hành sơ cứu, sau đó chuyển lên tuyến trên (thường là chuyển về bệnh xá đảo cấp 1 Phan Vinh).

Được biết, tại đảo Tiên Nữ, bình quân hàng năm tiếp nhận cấp cứu không dưới 100 trường hợp là ngư dân, công nhân xây dựng và cán bộ, chiến sỹ bị thương. Riêng năm 2016, quân y đảo đã cấp cứu, khám và cấp thuốc cho 72 trường hợp, trong đó có hơn 50 trường hợp là công nhân của Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang làm nhiệm vụ xây dựng nhà văn hóa đa năng tại đây.

Phan Vinh là đảo cấp 1 duy nhất trong số 8 hòn đảo nằm ở tuyến giữa của quần đảo Trường Sa, do vậy nơi đây được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất vượt trội, và hệ thống khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe được xem là tuyến đầu. Đến nay, Bệnh xá Phan Vinh đã lắp xong hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telemedicin), cho phép kết nối với đất liền, cụ thể là kết nối với Bệnh viện Quân y 7 Hải Dương để hỗ trợ trong công tác khám, chữa bệnh.

Theo Đại úy Trần Quang Dũng (SN 1982), Bệnh xá trưởng thì hệ thống Telemedicin dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây có thể bao gồm cả chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men… được ví là bước đột phá, “cây đèn thần” của nền y học hiện đại. Việc áp dụng ứng dụng này vào khám, chữa bệnh ở Trường Sa là một nỗ lực rất lớn của quân y Việt Nam.

Ngoài ra, trang thiết bị tại Bệnh xá Phan Vinh ngày nay cũng rất tiến bộ, đã trang bị được máy siêu âm và máy điện tim. Đội ngũ y, bác sĩ ở Bệnh xá tay nghề vững vàng, đủ tự tin để thực hiện những ca phẫu thuật khó.

Thực tế, trong thời gian qua, ở Bệnh xá đảo Phan Vinh đã tiến hành cấp cứu nhiều trường hợp hiểm nghèo như phẫu thuật viêm ruột thừa cấp, chấn thương sọ não… Đơn cử, ngày 7/7/2016, ngư dân Phạm Vinh Chọn (SN 1965) trú tại tỉnh Bình Định, đi trên tàu cá BĐ 96458TS, được chủ tàu đưa lên đảo trong tình trạng bị đau dữ dội vùng bụng hố chậu phải, sốt li bì. Qua thăm khám, quân y chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc ruột thừa giờ thứ 40, rất nguy cấp nên sau hội chẩn, đã tiến hành mổ cấp cứu. Khi mổ ra, bên trong đã vỡ mủ, dịch mủ trắng phủ tràn ổ bụng. Sau khi tiến hành cắt ruột thừa, tẩy rửa ổ bụng và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Theo Đại úy Dũng, trước đó ngư dân này đã ghé đảo Tốc Tan và phải chịu đựng cơn đau trong 40 giờ đồng hồ. Nếu đến đảo chậm khoảng 1 giờ đồng hồ nữa thì tính mạng sẽ khó giữ được.

Bác sĩ ở Trường Sa vừa đòi hỏi bản lĩnh toàn diện về chuyên môn nghiệp vụ, vừa ứng trực, sẵn sàng chiến đấu. Đó luôn là nhiệm vụ không hề dễ dàng, song vượt qua gian khổ và cả trở ngại, những người lính hải quân đã khắc phục mọi khó khăn, đem hết tâm và tầm của mình ra để cứu chữa, chăm sóc sức khỏe và phục vụ cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như cứu chữa ngư dân gặp nạn, giúp họ vững tâm ra khơi, bám biển.

                                  (Còn nữa)

.

Thiên Thảo

.