Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201607/noi-niem-sinh-vien-lam-nghe-cho-thue-mat-689784/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201607/noi-niem-sinh-vien-lam-nghe-cho-thue-mat-689784/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nỗi niềm sinh viên làm nghề cho thuê… mặt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 22/07/2016, 09:12 [GMT+7]

Nỗi niềm sinh viên làm nghề cho thuê… mặt

Sinh viên có muôn vàn cách làm thêm kiếm tiền. Không chỉ làm những việc "truyền thống" như gia sư, bán hàng… nhiều bạn bạo dạn làm nghề cho thuê… mặt. Tức là mang khuôn mặt của mình cho những học viên trang điểm "mượn" để thực tập. Phía sau công việc được xem là mới mẻ này có biết bao nỗi niềm.

Năng động thì phải thử

Nguyễn Thị Tâm, sinh viên Trường Đại học Dân lập Đông Đô đã có hai năm làm thêm bằng việc cho thuê khuôn mặt của mình. Đây là công việc không thường xuyên, bởi việc làm thêm chính của Tâm vẫn là gia sư. "Nhưng công việc đó cũng cho em thêm sự trải nghiệm. Nhất là được gặp các anh chị học nghề trang điểm. Dù biết chẳng công việc nào dễ dàng. Chính cho thuê mẫu mặt cũng có cái giá của nó", Tâm cho hay.

Nở rộ việc cho thuê mẫu mặt.
Nở rộ việc cho thuê mẫu mặt.

Cái giá mà Tâm nói đến là gì? Nhìn vào khuôn mặt của em thì biết. Nó nổi mụn đỏ quá nhiều. Khuôn mặt không còn mịn màng như trước, bởi phấn đánh lên mặt đều thuộc hàng kém chất lượng. Với khuôn mặt như vậy, ngay cả người thuê cũng thấy tội nghiệp.

Qua tâm sự thì Tâm cho biết, tất cả bắt nguồn từ cuộc sống gia đình vất vả. Bố mẹ không thể chu cấp nhiều hơn cho con gái. Hơn nữa em phải quyết tâm học đại học nên càng phải chịu khó. Tâm nói thêm: "Nghề này không mất vốn. Chỉ ngồi cho các chị ấy trang điểm. Chừng một giờ thì nhận tiền công 50 nghìn đồng!".

Tôi hỏi, với khuôn mặt đang bị lên nhiều mụn của em, tại sao em không gìn giữ? Tâm bảo rằng, em đang cần tiền. Một tuần nay em đăng ký đi làm liên tục do thời gian nghỉ hè. "Thực ra thời điểm này sinh viên đi làm thêm nhiều. Việc không đáp ứng đủ số người đâu. Càng đi làm thì càng thấy kiếm tiền chính đáng không phải chuyện đơn giản".

Theo tìm hiểu, nghề cho "thuê mặt" xuất hiện khoảng chục năm nay ở TP Hồ Chí Minh, sau đó lan ra Hà Nội và một số thành phố khác. Rộ sớm hơn chính là cho thuê đầu. Tức là để đầu tóc cho các học viên cắt, uốn. Sau này có ma nơ canh thay thế, bởi người cho thuê đầu cứ bị… cắt và hỏng tóc. Riêng nghề cho thuê mẫu mặt vẫn phát triển, thậm chí phát triển mạnh ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh những năm gần đây.

Nhiều sinh viên chung tâm sự: Ngoài được trải nghiệm cảm giác người khác trang điểm cho, được lĩnh tiền công, lại có thêm kinh nghiệm để tự trang điểm cho bản thân. Nhất là bây giờ theo xu hướng, con gái đi ra ngoài là phải trang điểm, dù là nhẹ nhàng. Em Hoàng Bích Nguyên, sinh viên năm thứ hai Trường ĐH Công đoàn Hà Nội cho biết: "Là sinh viên năng động, bọn em có trào lưu là phải thử hết. Nhiều bạn còn thử cả bán hàng đa cấp, làm gia sư, bán hàng quần áo, đi buôn. Nay lại cho thuê mặt. Đến nỗi bọn em còn lập cả nhóm "Những trào lưu mới". Nếu bạn nào không theo kịp coi như là không dám sống".

Cũng theo tìm hiểu từ các sinh viên và nhiều nguồn thông tin, hiện nay trên mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều nhóm hoạt động như "Hội mẫu make Hà Nội", "Hội mẫu make TP Hồ Chí Minh"…

Với rất nhiều thành viên là sinh viên các trường đại học, cao đẳng tham gia. Rất nhiều học viên học nghề trang điểm đã vào đó để "tuyển" mẫu. Thậm chí qua nhiều trang mạng, các trung tâm đào tạo, salon cũng tuyển mẫu mặt cho các học viên thực hành, giá cả thỏa thuận tùy từng địa điểm xa hoặc gần. Yêu cầu không quá khắt khe. Chỉ cần người con gái ưa nhìn, da không bị dị ứng với mỹ phẩm. Các trang mạng xã hội thậm chí đã tạo thành một cái chợ, chỉ cần đăng tin tuyển sau vài phút có rất nhiều người xin đi làm, cần bao nhiêu người cũng có.

Những nỗi niềm

Tìm hiểu thực tế hiện nay, không ít nữ sinh bỏ học, cúp môn đua đòi ăn chơi, dẫn đến sa ngã, lâm vào những tệ nạn xã hội. Và việc dấn thân của những nữ sinh làm nghề mẫu mặt rất đáng nể trọng. Theo giáo sư Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và phát triển, thì thực tế có nhiều sinh viên nghị lực, vượt khó, nhưng cũng không ít em mải chơi, thích hưởng thụ.

Ở hoàn cảnh ấy, với những sinh viên ngoài đi bán hàng, đã chấp nhận cho thuê mặt, để nhận về 50 nghìn đồng. Nhiều người cho rằng, các bạn nữ đã chịu khó "nhặt" như thế, thì chứng tỏ các bạn ấy rất ngoan, có ý chí. Thí dụ trường hợp bạn Lê Thanh My, quê ở Bắc Kạn, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhà nghèo nên em phải tận dụng mọi điều kiện để đi làm.

My cho biết, em mới tham gia công việc chừng hơn nửa năm, nhưng công việc cho em nhiều trải nghiệm. My tâm sự: "Thực tế là toàn những trải nghiệm khổ đau thôi. Bởi nghề này cứ phải ngồi yên, dù là trong phòng mát nhưng rất gò bó. Các bạn học viên thì cứ tô tô rồi lại tẩy xóa trên mặt. Nên mặt rất rát. Có lần còn bị người học trang điểm lỡ tay cạo trọc một bên lông mày, khiến cho khuôn mặt như bị biến dạng. Em phải kẻ chì mãi rồi đợi nó mọc lại đấy".

Lê Thanh My còn cho biết thêm, công việc này không vi phạm thuần phong mỹ tục, nên em đã giới thiệu cho nhiều bạn nữ khác cùng đi làm để có thêm thu nhập. Nhất là các bạn nghèo. Ngoài ra, My cũng cho rằng, em rất ao ước được học trang điểm. Nhưng để học được một khóa cũng phải mất vài chục triệu đồng. Số tiền ấy quá lớn. Em cố tham gia để "học lỏm" cách thức trang điểm từ các salon uy tín.

Chị Hải Vân, chủ một cửa hàng dạy trang điểm trên phố Mai Hắc Đế (Hà Nội) cho biết: Công việc làm mẫu "make up" thu hút sinh viên. Hiện nay, nhu cầu học nghề nhiều thì nhu cầu mẫu mặt cũng lớn. Có em một ngày làm mẫu ba lần. Vậy là có một khoản. Các bạn trẻ rất chịu khó".

Vượt lên rủi ro

Theo một người thợ học nghề "make up", đa số mỹ phẩm dùng để trang điểm cho mẫu mặt là hàng rẻ tiền. Vì thế ảnh hưởng rất xấu đến da mặt. Thậm chí nhiều em bị rỗ mặt. Có em bị rỗ chưa khỏi vẫn cố đi làm.

Chị Hải Vân cho rằng: "Kiếm được tiền nên các em ham. Các em ấy không tính đến hậu quả sau này. Nhiều em mặt rất xấu, nhiều nốt nhưng chọn ảnh đẹp đưa lên facebook, để người học nghề tuyển mặt. Nhìn trong facebook là ảnh đẹp, đến khi nhận mặt mới thấy thất vọng. Các em muốn được gọi đi làm nhiều thì phải quảng cáo cho bản thân thật thu hút".

Giáo sư Lê Thị Quý cho rằng, sinh viên như vậy còn mộc mạc, còn nghĩ đến công việc, lao động và có một ước mơ nên cần được ủng hộ. Không phải ra ngoài thành phố học, em nào cũng có điều kiện. Thực tế nhiều hoàn cảnh rất éo le và đôi khi các em không có điều kiện tiếp xúc với việc làm thêm. Nhiều sinh viên tâm sự rằng, muốn có việc làm thêm các em đã phải tìm đến những trung tâm giới thiệu và phải mất phí.

Thí dụ em Nguyễn Thị Châm, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đã mất cả triệu đồng mà không tìm được việc làm thêm ưng ý. Tham gia thành viên một "hội make" nào đó cũng là cách để có điều kiện giao lưu, tìm việc làm thêm.

Nhưng trên tất cả, chính các em là những người dám vượt lên cả sự rủi ro. Bởi như nhiều học viên học nghề trang điểm cho rằng, những rủi ro này không chết người, nhưng nó để lại hậu quả cho da mặt. Mà các sinh viên không lường trước được hết.

.

Nguồn: Cand.com.vn

.