Phóng sự

'Cảm ơn các anh Công an đã cứu giúp cuộc đời tôi'

08:44, 29/07/2016 (GMT+7)

"Tôi xin cảm ơn chú Dinh (Thiếu tướng Lê Trọng Dinh) và các cán bộ Công an Thanh Hoá cùng các thầy ở Trại giam Ninh Khánh đã cứu giúp cuộc đời tôi. Tôi còn được sống đến hôm nay, 2 đứa con tôi học giỏi, ngoan ngoãn đều nhờ các chú công an. Nếu không, gia đình tôi tan nát hết rồi...". Đó chính là tâm sự từ đáy lòng của phạm nhân Lê Thanh Hợp (Hợp "cán"), SN 1976, trú ở phường Phú Sơn, TP Thanh Hoá. Hợp chính là "sát thủ" trực tiếp cầm AK "vãi" đạn ở 3 địa điểm tại TP Thanh Hoá trong đêm 30-6-2008 khiến 1 người chết, 4 người bị thương gây xôn xao dư luận.

Vụ án xảy ra khoảng 23h15 đêm 30-6-2008. Khi thành phố Thanh Hóa bắt đầu chìm vào giấc ngủ thì ở trước số nhà 68 đường Lê Hoàn, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa xảy ra một vụ nổ súng, làm 2 người là Ngô Như Hòa và Nguyễn Xuân Chiến bị thương. Ít phút sau, cũng tại đường này (đoạn trước cổng trường THCS Trần  Mai Ninh) lại xảy ra vụ nổ súng nữa. Rất may, trong đêm tối nên không ai bị thương.

Thiếu tướng Lê Trọng Dinh - người trực tiếp vận động Lê Thanh Hợp khai báo.
Thiếu tướng Lê Trọng Dinh - người trực tiếp vận động Lê Thanh Hợp khai báo.

Nhưng, không dừng lại ở đấy, khoảng 15 phút sau, tại ngã tư Nguyễn Mậu Tuân, phường Nam Ngạn xảy ra vụ nổ súng thứ 3 làm anh Phạm Đức Tuyên chết tại chỗ, anh Nguyễn Thế Hiếu và Nguyễn Đình Hiệp bị thương. Như vậy, chỉ trong khoảng chưa đầy 20 phút, 3 vụ nổ súng làm náo loạn TP Thanh Hóa, khiến dư luận hoang mang.

Ngay sau khi gây án, các đối tượng đã nhanh chóng tẩu thoát. Phải nói rằng, đây là lần đầu tiên trên địa bàn TP Thanh Hóa xảy ra vụ án nghiêm trọng đến như vậy nên Công an đã tập trung toàn lực lượng, quyết tâm điều tra, làm rõ vụ án. Khám nghiệm hiện trường, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thu được 13 vỏ đạn và nhiều đầu đạn AK, K54 cùng nhiều dao, kiếm, mác, mảnh thủy tinh vỡ.

Sau đúng 1 tháng điều tra, Cơ quan Công an đã xác định được nhóm đối tượng gây án do Lê Khắc Cường (tức Cường "trưởng"), SN 1982, trú ở khu Đông Bắc Ga, TP Thanh Hoá cầm đầu. Cường là con trai ông Lê Văn Trưởng, chủ vũ trường "Vùng trời xanh" khá nổi tiếng ở TP Thanh Hoá.

Cường cầm đầu một băng tội phạm chuyên cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, thường xuyên gây ra các vụ cố ý gây thương tích, "dằn mặt" đối phương để phô trương thanh thế. Thời điểm làm rõ Cường, đối tượng này cùng "phó tướng của hắn là Hợp "cán" đang ở TP Hồ Chí Minh chuẩn bị trốn ra nước ngoài.

Bắt được Cường nhưng đối tượng này hầu như không khai báo gì. Với kinh nghiệm của người làm điều tra lâu năm, Thiếu tướng Lê Trọng Dinh (khi ấy đang là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự) đã quyết định chọn Lê Thanh Hợp để "mở nút". Trong băng nhóm do Cường "trưởng" cầm đầu thì Lê Thanh Hợp được coi là "cấp phó", nắm rõ mọi hoạt động.

Trong khi Cường "trưởng" là "dân gốc" ở TP Thanh Hóa, nổi danh từ sự giàu có, liều lĩnh và mưu mẹo thì Hợp "cán" được mọi người biết đến với sự tàn ác. Cường "trưởng" được coi là "thủ mưu" còn Hợp "cán" được đồng bọn coi là "thủ ác". Là đối tượng trực tiếp cầm súng bắn chết người nên khi bị bắt, Hợp nhất quyết không khai báo mà còn thách thức cơ quan điều tra, có lúc đập đầu vào tường để doạ tự sát.

Với kinh nghiệm của người làm điều tra lâu năm, anh Dinh đã trực tiếp gặp Hợp, phân tích lẽ đúng sai. Hôm đầu, Hợp không nói gì. Để tác động tâm lí Hợp, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Đồng Đại Lộc đề nghị truyền hình Thanh Hóa phát đoạn băng khám xét nơi ở của Lê Khắc Cường, tạo điều kiện cho Hợp xem. Khi hắn xin đi vệ sinh, lực lượng chức năng đã dẫn hắn đi qua chiếc xe ô tô bán tải Cường hay sử dụng…

Những việc trên đều để Hợp biết rằng, cơ quan điều tra đã rõ chân tướng của hắn và đồng bọn. Đặc biệt, đòn tâm lí lớn nhất đối với Hợp đó là việc Trưởng phòng Lê Trọng Dinh nói chuyện về 2 con trai hắn - chúng sẽ chịu cảnh thiệt thòi nếu bố mẹ đều ở tù.
Đặc biệt, anh Dinh nói: "Tội của cháu thế nào cháu biết rồi, nếu ngoan cố không chịu khai báo, rất có thể sẽ bị tử hình: nếu cháu hợp tác, khai báo thành khẩn, chú sẽ đề nghị cấp trên tạo điều kiện cho cháu được đầu thú để cháu được hưởng khoan hồng và đề nghị cho vợ cháu được tha tù trước thời hạn (gần 1 năm) để về chăm sóc con…".

Cán bộ Trại giam Ninh Khánh hướng dẫn phạm nhân lao động.
Cán bộ Trại giam Ninh Khánh hướng dẫn phạm nhân lao động.

Bị đánh trúng tâm lí thương 2 đứa con, không muốn con đi theo vết xe đổ của mình, Hợp rơm rớm nước mắt. Hôm sau, trên đường bị đưa ra Trại tạm giam T16, biết không thể giấu được nữa, Hợp xin đầu thú, quay về TP Thanh Hoá để khai nhận tội lỗi của mình.

Tôi gặp Hợp ở Trại giam Ninh Khánh, khi Hợp đã "yên vị" với án chung thân nhưng anh ta vẫn luôn cảm ơn Công an Thanh Hoá, trong đó có "chú" Lê Trọng Dinh (hiện là Cục trưởng C85) - người anh ta luôn coi là ân nhân và các thầy ở Trại giam Ninh Khánh đã cứu giúp cuộc đời Hợp.

Kẻ "thủ ác" từng nổi danh một thời bây giờ đã "hiền như đất", bởi hơn ai hết, Hợp đã hiểu rõ được rằng "quay đầu là bờ". Hợp cúi đầu "em trót gây tội rồi, giờ chỉ có hoàn lương may ra có đường quay về"...

Tôi hỏi Hợp "bị bắt mấy ngày thì anh đầu thú?". "3 ngày chị ạ". "Sao tận 3 ngày? Sao không đầu thú sớm hơn?". "Lúc đầu em nghĩ là nếu không khai thì Công an chả làm gì được, tạm giữ mấy ngày sẽ phải thả nên em không khai. Nhưng sau biết rằng, không khai các chú ấy vẫn đủ tài liệu để kết tội. Lúc đó, tội nặng hơn, có khi bị "đòm" cũng nên. Mà các chú ấy tốt lắm, tội phạm giết người như em mà vẫn đối xử tử tế, cho ăn uống đầy đủ, cho vợ em ra tù sớm...".

"Sao phải để đến lúc bị đưa ra T16 anh mới khai?". "Cũng phải suy nghĩ chị ạ, em sợ khai ra mà bị "đòm" thì thương con lắm. Nghĩ thấu đáo nên khi xe ra đến gần Ninh Bình thì em xin quay về để khai. May các chú Công an thương em, đề xuất cho em được khoan hồng nên em mới có ngày hôm nay".

"Thế sao lúc đầu đi Trại giam Xuân Nguyên anh lại "quậy" thế?". "Lúc đó mới thành án, em cũng hơi tâm lí vì án chung thân chưa biết có ngày về hay không. Bây giờ em hiểu rồi, cải tạo tốt may ra được giảm án xuống có thời hạn thì được quay về".

Nhắc đến hai đứa con, mắt Hợp sáng lên: "ông bà nội vừa đưa chúng ra thăm em hôm qua chị ạ. Cũng  may trời thương, em thế này nhưng con em ngoan lắm, học giỏi nữa. Cả 2 đứa đều đạt học sinh giỏi. Thằng cu lớn nhà em bị chậm học 1 năm do em bị bắt, gia đình tan tác nên không cho đi học đúng tuổi được. Thế mà năm nay cũng lên lớp 7 rồi. Nhanh quá chị ạ".

"Thế vợ có hay vào thăm không?". "Ít lắm chị ạ, cô ấy đã làm tròn bổn phận là chăm sóc 2 đứa con khi gia đình em đang hoang mang tột độ. Bây giờ bọn trẻ ở với ông bà nội ở quê, vợ em ở thành phố, thi thoảng về thăm con thôi".

Hợp cho biết, hiện anh ta đang làm ở đội bếp, chuyên nấu cơm cho các phạm nhân ăn. Suốt hàng chục năm "cầm súng", từng thanh toán không ít đối thủ, cuộc sống ăn chơi vương giả nhưng đến bây giờ mới biết thế nào là lao động thực sự, thế nào là sống tử tế để tạo phúc cho con...

Tôi hỏi Hợp, nếu được nói một lời với những người phạm tội khác, với người phạm tội nhưng vẫn còn lẩn trốn, che giấu, anh sẽ nói gì. "Chị ơi, quay đầu là bờ. Em từng trải qua nên em "thấm", chỉ có khai báo thành khẩn mới được khoan hồng. Như thế cũng làm mình nhẹ nhàng hơn, bớt dằn vặt hơn. Trốn hay chối chỉ làm mình tội nặng thêm thôi. Quan trọng hơn là lúc nào mình cũng thấy mắc nợ. Mà không khai báo thì Công an cũng biết cả ấy mà...".

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác