Phóng sự
'Bí quyết' cảm hoá lòng người
Họ - những cán bộ trẻ, xa cuộc sống nơi thị thành hay những vùng quê yên ả, tình nguyện công tác ở các Trại giam, đóng quân ở nơi xa xôi, hẻo lánh, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế khó khăn, điều kiện làm việc thiếu thốn.
Vượt qua tất cả những điều đó, là tình yêu nghề, là khát vọng được cống hiến. Đặc biệt, bằng sự chân thành, họ đã chạm tới góc khuất của những kẻ từng gây tội ác, từng quấy phá, khơi được mầm thiện trong những con người tưởng như đã quá cằn cỗi này…
"Xin thầy cho tôi được gọi là anh"
Đó là tâm nguyện của anh Nguyễn Khánh Hùng, trú ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đối với Thượng uý Vũ Ngọc Kế, cán bộ Trại giam Thanh Lâm. Hùng từng phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý, bị tuyên phạt 8 năm 6 tháng tù, thi hành án ở Trại giam Thanh Lâm.
Đại úy Trần Hoàng Loan hướng dẫn phạm nhân lao động. |
Sau khi hết án về nhà, nghe tin vợ Thượng uý Vũ Ngọc Kế có chút trục trặc trong công tác, Hùng vội quay lại trại để sẻ chia, để nói lời cảm ơn với người thầy của mình mà trước đó anh chưa kịp nói, đồng thời tha thiết đề nghị được kết nghĩa anh em với Thượng uý Vũ Ngọc Kế để cảm ơn thầy đã giúp mình làm lại cuộc đời.
Thượng uý Vũ Ngọc Kế, vốn quê ở Nam Định, sống nơi phố thị, chưa xa gia đình bao giờ, chưa biết khó khăn là gì nên khi nhận công tác tại Trại giam Thanh Lâm, lần đầu tiên đến đơn vị đi qua hàng chục khúc cua tay áo, hai bên là rừng núi, anh không khỏi hoang mang. Đêm đầu tiên "ở trại", đèn điện leo lét, xung quanh là rừng núi âm u, rét thấu da, thấu thịt, anh không ngủ được, tư tưởng chỉ muốn về nhà.
Sáng hôm sau, khi đồng chí Giám thị giao nhiệm vụ, được động viên, được chứng kiến những đồng đội khác đã sống cả đời, sinh con đẻ cháu, gắn bó máu thịt với mảnh đất này, anh đã tự nhủ rằng, mình cũng sẽ làm được. Với nhiệm vụ của chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ, anh Kế cùng đồng đội phải tuần tra, canh gác, bảo vệ trại giam.
Ngoài công việc ban ngày, khi màn đêm buông xuống, khi mọi người quấn mình ấm áp trong chăn, chìm sâu vào giấc ngủ thì Cảnh sát bảo vệ luôn phải căng mắt theo dõi mọi động tĩnh xung quanh trại. Mỗi ca trực kéo dài 2 tiếng, phải bồng súng đi quanh khuôn viên trại kiểm tra nhằm phát hiện những điều bất thường mà phạm nhân có thể gây ra bất kể lúc nào.
Năm 2012, tốt nghiệp trường Trung học Cảnh sát nhân dân - đây là cơ hội tốt để có thể xin chuyển đơn vị khác gần nhà hơn, điều kiện công tác tốt hơn, nhưng anh Vũ Ngọc Kế vẫn tình nguyện quay về Thanh Lâm - bởi anh thấy đây mới chính là ngôi nhà của mình, là nơi để mình gắn bó máu thịt. Rồi anh tìm hiểu, cưới vợ - một cô gái miền núi gốc Như Xuân - nơi đơn vị đóng quân, quyết tâm lập "Thủ đô" ở vùng đất nghèo khó này.
Quay lại đơn vị, anh Kế được phân công làm công tác quản giáo. Đội anh phụ trách có 44 người, đa số án nặng, cả giết người, cướp tài sản, ma tuý... phần đông họ không có nghề nghiệp và sống lang thang không nơi cư trú rõ ràng nên công tác quản lí giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Xác định được rằng, muốn giáo dục, cải tạo được họ, trước hết, phải hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội cũng như tâm tư nguyện vọng của phạm nhân đó. Chính vì vậy, ngay khi nhận Đội, anh Kế đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ của từng phạm nhân để hiểu rõ từng người. Từ đó, anh có biện pháp giáo dục, quản lí phù hợp.
Trở lại chuyện phạm nhân Nguyễn Khánh Hùng, anh Kế hồ hởi: "đó là một cuộc gặp gỡ xúc động mà không phải trong đời ai cũng có được, vừa thấy tôi, anh Hùng ôm chầm lấy "thầy ơi, tôi đã thành người lương thiện thật rồi"...
Nguyễn Khánh Hùng từng phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý. Vốn là người sức khoẻ yếu, lại nhút nhát, không dám giao tiếp với ai nên lép vế trước phạm nhân khác, lại thường không đủ khoán. Thấy vậy, anh Kế đã nhiều lần gặp riêng động viên.
Đại úy Trần Hoàng Loan. |
Lúc đầu, Hùng ngại lắm, thấy cán bộ là lảng đi, nhưng Thượng uý Vũ Ngọc Kế không nản chí, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nhận thấy Hùng rất có quyết tâm cải tạo nhưng vì nhút nhát không dám thể hiện. Được cán bộ quản giáo thường xuyên động viên, giáo dục, dần dần Hùng cứng cáp hơn, có thể nói trước đám đông.
Anh Kế đã xây dựng Hùng làm đội trưởng đội phạm nhân tự quản. Không phụ sự tin tưởng của cán bộ quản giáo, Nguyễn Khánh Hùng làm rất tốt, giúp cán bộ nhiều trong việc quản lí các phạm nhân, tạo động lực tốt cho các phạm nhân khác phấn đấu.
Kết quả xếp loại, Nguyễn Khánh Hùng luôn đạt tốt, được giảm án 3 lần. Trở về, tham gia phụ giúp quản lí cửa hàng với người em trai, Hùng đoạn tuyệt quá khứ lầm lỗi về ma tuý và luôn nhớ về người thầy của mình trong trại giam.
Trong bữa cơm ấm cúng, Hùng đề nghị đổi cách xưng hô từ thầy sang anh, xin nhận anh Kế là anh kết nghĩa, bởi hơn ai hết, Hùng hiểu sự tận tâm của người cán bộ quản giáo đã giúp anh làm lại cuộc đời...
Tình người cảm hoá cái ác
Đại uý Trần Hoàng Loan, Phó Bí thư Chi bộ, quản giáo phụ trách đội phạm nhân thuộc phân trại số 1, Trại giam Định Thành được Ban giám thị tin tưởng giao nhiệm vụ quản giáo phụ trách buồng giam riêng.
Đây thực sự là thử thách lớn đối với bất cứ cán bộ nào bởi phạm nhân giam riêng là những phạm nhân đặc biệt nguy hiểm, có biểu hiện hành vi móc nối với phạm nhân khác, đối tượng bên ngoài tìm cách chống phá, trốn, vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy trại giam, không có hướng sửa chữa nên cần cách ly mới có thể giáo dục cải tạo phạm nhân đó.
Cũng chính vì vậy, phạm nhân giam riêng thường có tư tưởng lệch lạc về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không tin tưởng vào cán bộ quản giáo mà chỉ yêu cầu gặp Giám thị để giải quyết tâm tư nguyện vọng.
Với quyết tâm cao bằng nghị lực và ý chí cố gắng khắc phục những khó khăn, vận dụng các quy định pháp luật về thi hành án phạt tù và các quy định pháp luật khác có liên quan, cùng những kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước, anh Loan đã đi sâu phân tích, nghiên cứu đặc điểm cá nhân, mức độ tội lỗi, thái độ cải tạo của từng đối tượng, từ đó đề ra các biện pháp tổ chức quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo, tác động phù hợp với từng loại đối tượng.
Thượng uý Vũ Ngọc Kế động viên phạm nhân cải tạo. |
Với sự đấu tranh kiên trì, bền bỉ bằng đường lối chính trị của Đảng, pháp luật của Nhà nước kết hợp khéo léo các biện pháp nghiệp vụ của ngành, nắm chắc mọi diễn biến tình hình không để chúng có điều kiện co cụm, cấu kết vi phạm nội quy trại giam.
Với quyết tâm đó, anh không chỉ ngăn chặn xử lý nhiều vụ việc phạm nhân vi phạm, mà còn dùng tình người, bằng sự chân tình của mình giúp nhiều phạm nhân tiến bộ, từ bỏ hành vi vi phạm.
Nhớ lại trường hợp phạm nhân Đặng Văn Út, SN 1960, ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang, phạm tội trộm cắp tài sản với mức án 5 năm tù, anh Loan không giấu được vẻ vui mừng.
Út là đối tượng có tới 7 tiền án, cả cuộc đời sống ở trại giam nhiều hơn ở nhà, bởi cứ ra tù lại phạm tội, lại vào tù. Chính vì vậy, phạm nhân này luôn chống đối quyết liệt với nhiều thủ đoạn tinh vi, không chịu tiếp thu sự giáo dục của cán bộ quản giáo.
Đi tù nhiều lần, tại nhiều trại nên Út hiểu hết những kẽ hở của pháp luật cũng như thủ đoạn đối phó với cán bộ công an, chính vì vậy, đối tượng này luôn tìm cách tuyên truyền phương thức thủ đoạn cho số phạm nhân khác cùng chống đối, vi phạm pháp luật, nội quy trại giam.
Nhận nhiệm vụ cảm hoá, giáo dục Út, anh Loan hiểu rằng, ngoài các biện pháp nghiệp vụ, pháp luật được áp dụng, người quản giáo cần phải kiên trì nhẫn nại lâu dài, vận dụng khôn khéo các biện pháp giáo dục mới hy vọng giáo dục phạm nhân trở thành người có ích cho xã hội.
Qua quản lý theo dõi, nhận thấy phạm nhân Út là người không nghề nghiệp ổn định, gia đình không thăm gặp nên anh thường xuyên gặp gỡ, hỏi thăm sức khỏe phạm nhân này. Anh còn sử dụng tiền lương của mình để mua những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, đề nghị ban Giám thị hỗ trợ từ quỹ "Hòa nhập cộng đồng" cho phạm nhân Út.
Bên cạnh đó thường xuyên giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, thường trao đổi cuộc sống gia đình của Út. Mưa dầm quả nhiên đã thấm đất, tình cảm chân thành của quản giáo Loan đã khiến Út nhận thức được hành vi sai trái của mình và quyết tâm cải tạo tiến bộ, hiện nay phạm nhân Út chấp hành tốt nội quy trại giam.
Hay như trường hợp phạm nhân Hoàng Xuân Tuấn, SN 1982, trú ở bến Vân Đồn, phường 2, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, phạm tội mua bán trái phép chất ma tuý với án phạt 8 năm tù.
Tuấn là đối tượng chủ mưu cầm đầu, hoạt động tích cực trong các vụ việc gây rối nên đã 5 lần bị kỷ luật và được chuyển từ trại giam khác đến Trại giam Định Thành.
Khi được chuyển đến chấp hành án tại buồng giam riêng tại trại giam Định Thành, phạm nhân Tuấn tư tưởng không an tâm cải tạo, chống đối quyết liệt, xúi giục phạm nhân khác vi phạm nội quy, luôn đòi hỏi chế độ chính sách trái với quy định của pháp luật. Xác định đối tượng nguy hiểm, anh Loan tiến hành gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại, giải quyết những thắc mắc kiến nghị chính đáng của tên Tuấn.
Dù vậy, Tuấn luôn tỏ ra bất cần, không hợp tác. Anh Loan đã tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình cũng như nguyên nhân khiến Tuấn luôn chống đối, quậy phá, biết được Tuấn luôn có tâm trạng cho rằng mình bị bỏ rơi, không ai quan tâm nên chán nản.
Chính vì vậy, anh Loan đã kiên trì, nhẫn nại, gần gũi phạm nhân Tuấn, không né tránh, ngại khó khăn và phối hợp với bộ phân nghiệp vụ thực hiện đúng chế độ chính sách đối với Tuấn và các phạm nhân khác. Thường xuyên hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, tình trạng sức khỏe để kịp thời động viên phạm nhân Tuấn yên tâm chấp hành án.
Dần dần phạm nhân Tuấn có biểu hiện chuyển biến nhận thức rõ rệt và xin viết bản cam kết cải tạo tiến bộ, không tái phạm. Cho đến nay phạm nhân Tuấn chấp hành tốt nội quy trại giam, có ý thức giúp đỡ phạm nhân khác cùng tiến bộ.
Nguồn: Báo CAND