Phóng sự
'Nẻo về' của kẻ trộm kho lương ở quê lúa xứ Nghệ
"Ngày đó tôi vẫn biết việc trộm thóc ở kho lương của huyện là sai, sớm muộn gì cũng bị phát giác, nhưng vì nghèo túng quá nên làm liều", trong căn nhà hai tầng khang trang ở giữa xóm 3, xã Thọ Thành (Yên Thành, Nghệ An), ông Bùi Liên, SN 1955 mở đầu câu chuyện về quá khứ lầm lỗi của mình như vậy.
Ông Liên sinh năm 1955, là con thứ 3 của gia đình công giáo ở Yên Thành. Học hết lớp 7, ông nghỉ học làm thợ nề. Năm 1976, ông cưới vợ. Vợ ông mất sau 7 năm trời chung sống vì bạo bệnh, để lại cho ông hai đứa con thơ dại. Năm 1986, ông Liên đi bước nữa với một người phụ nữ ở xã Đô Thành, tên Lê Thị Việt (SN 1963) rồi 5 đứa con nữa lần lượt ra đời. Dù chăm chỉ làm lụng, vợ chồng ông vẫn không kiếm đủ gạo nuôi đàn con nhỏ. Năm 1992, ông đi chợ Sy (huyện Diễn Châu) mua đồ nghề về làm mộc gia dụng. Tại đây, ông thấy một người thợ sửa khóa liền đến hỏi cách phá khóa cửa. Người thợ rèn thấy vậy không khỏi ngạc nhiên và bảo: "Bí mật nghề nghiệp không thể tiết lộ".
Sau vài phi vụ trót lọt, cuối cùng người quản lý kho lương cũng phát hiện mất lúa. Rồi Bùi Liên lọt vào diện nghi vấn "đặc biệt" khi người dân trong xóm thi thoảng vẫn thấy ông "nghèo rớt mùng tơi" mà hay chở thóc về. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn không đủ căn cứ để kết tội.
Sự việc sẽ êm trôi nếu không có một ngày thằng cháu ngoại của ông Liên trộm ống nhôm pha kẽm của một ông Công an xã trong xóm và bị bắt. Qua nghiệp vụ, Công an cũng moi ra chuyện ông Liên trộm thóc ở kho lương. Biết không thể chối tội, Bùi Liên liền tìm đến Công an huyện đầu thú. Tháng 2/1994, Bùi Liên bị TAND Tỉnh Nghệ An tuyên phạt 11 năm 9 tháng tù với tội danh "trộm cắp tài sản XHCN".
Ông Bùi Liên trải lòng về đời mình. |
Những ngày đầu ở Trại giam số 3 (Tân Kỳ) với Bùi Liên là những tháng ngày u tối: "Ở tuổi 40, cái tuổi ở bên kia sườn dốc cuộc đời lại phải vào tù, khi ấy tôi nghĩ mọi thứ với mình đã chấm hết và toàn nghĩ tiêu cực. Định tâm lại, tôi nghĩ đến vợ, đến những đứa con thơ ở nhà và không còn con đường nào khác ngoài cải tạo thật tốt để trở về".
Năm đầu ở trại, bà Lê Thị Việt tới thăm 3 lần nhưng nghĩ thương vợ đi đường xa vất vả, nắm bàn tay vợ qua song sắt, ông động viên: "Ở đây người ta sống được, anh cũng sống được nên em không phải lo anh đói khát. Em ở nhà chịu khó vất vả, chăm sóc các con và chờ ngày anh về". Sau một thời gian tu chí cải tạo, lại vốn là thợ nề nên ông được giám thị trại giam cân nhắc và cử làm đội trưởng xây dựng. Cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, cán bộ quản giáo lại linh động nhận các công trình bên ngoài cho anh em tù nhân làm cải thiện bữa ăn.
Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cải tạo, năm 1998, ông hy vọng mình được đặc xác nhưng qua xem xét, Bùi Liên chỉ được giảm án 18 tháng tù. Dù buồn tủi nhưng điều đó càng là động lực để thôi thúc ông phấn đấu, cải tạo tốt hơn để sớm có ngày về với vợ con. Ngày 2/9/2000, Bùi Liên được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá, ra tù trước thời hạn 4 năm 3 tháng.
Ngày trở về quê, trên đầu ông Liên đã hai thứ tóc. Nhìn cảnh vợ con lam lũ, vất vả với 9 sào ruộng mà vẫn không đủ ăn, lòng ông quặn đau. Mới ở trại về, lại không có phương tiện đi lại, ông liền ra ngân hàng vay được 2 triệu đồng để làm vốn làm ăn. Đầu tiên, ông dành ít tiền mua gạo cho vợ con ăn và sắm chiếc xe đạp làm phương tiện đi lại. Rồi ông bảo người con trai cả mới ở miền Nam về đi làm thợ hồ. Lúc ấy, con trai ông lo lắng: "Con mô biết xây?". "Cứ đi rồi bố chỉ cho, con sẽ làm được", ông nói chắc nịch.
Công việc hằng ngày của ông Liên. |
Và ông nhận lần lượt 3 căn nhà ở tại xã Đô Thành. Ông hướng dẫn con trai từng bước xây dựng những công đoạn đơn giản, còn ông chỉ thực hiện phần khó. 3 căn nhà dân được cha con ông hoàn thành, người ta tin tưởng và giới thiệu ông xây dựng thêm 3 căn nhà ở khác. Sau đó, ông quyết định chuyển sang làm chủ thầu xây dựng, nhận công trình rồi đưa người đi làm. Thiếu vốn, thiếu máy móc, không có tiền để thuê công nhân, Bùi Liên liền bán 3 sào ruộng trong vòng 5 năm với giá 8 triệu đồng. Có tiền, ông đầu tư mua toàn bộ máy móc phục vụ cho xây dựng công trình.
Đồng vốn ít, lúc đầu cha con ông chỉ nhận làm nhà ở hộ gia đình. Để có thể duy trì công việc, ông phải "cầu cứu" các cửa hàng vật liệu xây dựng cho khất nợ lấy hàng rồi trả dần. Do làm có chất lượng, uy tín, các công trình xây dựng ông nhận được ngày một nhiều. Nhờ đó, kinh tế của gia đình ông ngày càng khấm khá.
Năm 2004, ông xây được căn nhà 2 tầng rộng 75m2 với giá 140 triệu đồng. Tiếp đó, từ năm 2010-2012, ông xây thêm 2 căn nhà 2 tầng khang trang cho mình và người con trai cả, mỗi căn trị giá 900 triệu đồng. Nhiều năm qua, ông luôn tạo việc làm thường xuyên cho 9-10 lao động, trừ cơm trưa, mỗi ngày mỗi người thợ được trả 180.000-200.000 đồng.
"Từ ngày ra tù, biết ông có tay nghề và để giúp ông hòa nhập, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện để ông thi công những công trình vừa và nhỏ trong xã. Không những làm kinh tế giỏi, ông Bùi Liên còn đứng ra giải quyết bất hòa cho các hộ gia đình và tham gia bảo vệ trật tự an ninh thôn xóm. Nhờ uy tín của ông, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã luôn được ổn định. Tháng 7/2014, ông Liên là người đại diện cho xã Thọ Thành đi dự Hội nghị những tấm gương điển hình tái hòa nhập cộng đồng huyện Yên Thành", ông Nguyễn Quang Biên, Trưởng Công an xã Thọ Thành cho biết.
Vợ chồng ông Liên trong ngôi nhà khang trang. |
Trước khi chia tay tôi, ông Liên bộc bạch: "Thực tế mà nói, người ta có tội bị bắt còn tôi thấy mình như "được bắt". Chính nhờ sự tận tâm của những người quản giáo chỉ cho những cái đúng, cái sai lúc ở trại giam và sự quan tâm của các cấp chính quyền, bà con lối xóm ngày mới trở về thì bản thân tôi mới có thể phục thiện, hối cải để thành người có ích chứ không thì sẽ ngày càng sa đọa, lấn sâu vào con đường lầm lỗi".
Ai đó từng nói: "Quay đầu là bờ" và câu nói này thật đúng với ông Bùi Liên. Vượt qua quá khứ lầm lỗi cùng với sự nỗ lực vượt khó vươn lên, người đàn ông ở tuổi 61 ấy dù cuộc sống no đủ nhưng vẫn lao động, làm tấm gương tốt cho những mảnh đời lầm lỗi, sống tốt đời, đẹp đạo.
Nguồn: CSTC/CAND