Phóng sự

Một lần đến xứ tắm tiên...

08:44, 03/11/2015 (GMT+7)

Tú Lệ, miền đất thiên đường của tộc người Thái ở huyện vùng cao Văn Chấn. Nhắc đến Tú Lệ là nhắc đến món cốm dẹp Nậm Lóng thơm lựng, cùng đó là những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Không chỉ có thế, vẻ đẹp đằm thắm, tinh khôi của các sơn nữ người Thái ở Tú Lệ cũng lưu luyến bao trái tim đến từ chốn thị thành vốn dĩ đam mê kiếm tìm, khám phá vẻ đẹp trinh nguyên của những nhan sắc vùng cao không tô son, trát phấn.

Có dịp đến huyện vùng cao Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), nghe danh tiếng của Tú Lệ, tôi tìm đến. Để rồi bên cạnh sự choáng ngợp trước một Tú Lệ thiên thai nhiều sắc màu mê hoặc, mới biết ẩn sâu trong đó là nhiều câu chuyện chưa vui ở một vùng đất đang được nhiều người biết đến: Xứ tắm tiên.

1. Khi chúng tôi đến Mù Cang Chải là lúc vùng đất được mệnh danh “thiên đường của ruộng bậc thang” vừa vãn chợ phiên được tổ chức mỗi năm một lần ngay giữa lòng thị trấn Mù Cang Chải. Anh Nông Văn Phong, công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mù Cang Chải cho biết những ngày diễn ra chợ phiên, Mù Cang Chải ngập tràn sắc màu váy áo của các sơn nữ người Thái, người Mông, cùng đó là các món ẩm thực của người sở tại với xôi ngũ sắc, bánh chưng đen…

Ẩm thực của người Thái ở đây rất đa dạng. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng món thịt nướng lá, gà nướng lá mắc mật chấm với chẩm-chéo (hỗn hợp nước chấm gồm  chanh, ớt, tỏi, quả mắc-khén, tiết gà, gan gà) và món cá gập nướng mà tiếng bản xứ gọi là “papỉnh-tộp”… 

Trò chuyện, biết chúng tôi có ý định tìm hiểu sâu về ẩm thực của tộc người Thái, anh Phong tư vấn nếu có điều kiện nên chinh phục đèo Khau Phạ đến với bản Nậm Lóng của Tú Lệ (huyện Văn Chấn). Anh Phong cho biết từ bao đời nay, cốm dẹp của người Thái ở bản Nậm Lóng - Tú Lệ là món ngon trứ danh gây biết bao luyến lưu, làm xiêu lòng nhiều thực khách khó tính khắp trong Nam ngoài Bắc, và cả ngoài nước!

Sau này qua tìm hiểu, mới biết quá trình làm nên hạt cốm của người dân bản Nậm Lóng - Tú Lệ rất công phu với chuỗi quá trình gặt, suốt, tuốt, sàng, sẫy, đãi, giã, rang… Được gói trong lá dong, cốm Nậm Lóng - Tú Lệ dẻo thơm vô ngần, như nhan sắc và nụ cười duyên của các sơn nữ bản Nậm Lóng khiến bao người say đắm!

Không cưỡng được sức hấp dẫn của cốm Nậm Lóng - Tú Lệ vốn nên hình hài từ những hạt thóc đẫy đà qua sự tinh tế và chịu thương chịu khó của các mẹ các chị cùng những cô sơn nữ người Thái, sáng tinh khôi, để lại “thiên đường ruộng bậc thang” Mù Cang Chải phía sau, theo Quốc lộ 32, chúng tôi quyết định chinh phục đèo Khau Phạ bằng xe máy. Hiện đang là thời điểm những cánh đồng lúa vắt trên núi cao, ở lưng chừng mây đang lúc trĩu hạt.

Chỉ một vài tuần nữa lúa chín là người Thái, người Mông ở Mù Cang Chải sẽ vào mùa gặt. Mùa lúa trĩu hạt là lúc các thửa ruộng bậc thang phải đón nhiều đoàn khách, chủ yếu là các bạn trẻ mê “phượt” và giới nhiếp ảnh từ Hà Nội và nhiều địa phương khác đến săn vẻ đẹp mê hồn của các thửa ruộng bậc thang được báo chí nước ngoài bình chọn “đẹp nhất thế giới”.

.
Khu vực suối nước nóng ngày ngày tấp nập du khách đến tham quan ít nhiều gây cản trở sinh hoạt của người bản xứ.

2. Nằm trên độ cao 1.200m so với mặt nước biển, với chiều dài trên 30km, là con đèo hiểm trở, nguy hiểm nhất trên tuyến Quốc lộ 32, Khau Phạ là một kỳ quan sơn trùng sơn với vô số biển mây bồng bềnh thoắt ẩn thoắt hiện theo các cơn gió phóng đãng. Chúng tôi đi qua những bản người Mông e ấp giữa đại ngàn thâm u, với vô số khúc cua cùi chỏ bên vách núi dựng đứng, có đoạn chồm ra ngoài như những cơn sóng tử thần chực ngoạm các tay lái, bên vực thẳm sâu hun hút.

Bao đời qua, đèo Khau Phạ được người đời ví là  “tứ đại đỉnh đèo” ở khu vực Tây Bắc. Người Mông bản địa cho biết, đỉnh núi cao nhất ở Khau Phạ đến hơn 2000m. Ngôn ngữ địa phương gọi Khau Phạ, hiểu theo tiếng Kinh là “sừng trời” (chiếc sừng ở lưng chừng trời), hay “cổng trời”. Cùng với sự kỳ vĩ đến kinh ngạc, các bậc cao niên cho biết, Khau Phạ đặc biệt nguy hiểm vào hai mùa thu - đông với sương mù dày đặc, có khi tuyết xuất hiện…

Sau chặng đường dài quăng mình trên đèo Khau Phạ trong cảnh sắc kỳ vĩ, hiểm nguy và đẹp mê hồn, rồi chúng tôi cũng lên đến được đỉnh đèo. Khi đã no mắt với những biển mây bồng bềnh kéo bầy rong ruổi trên các đỉnh núi-thung lũng ruộng bậc thang, xổ đèo, chúng tôi đến Nậm Lóng - Tú Lệ, xứ sở của nếp thơm-cốm dẹp cùng các sơn nữ người Thái xinh đẹp như tiên nữ hạ phàm.

Đến được nơi cần đến rồi, mới biết Nậm Lóng là bản người Thái, đi đâu cũng thấy nhà nhà treo bảng bán cốm và làm cốm, hương thơm ngất trời. Ngoài cốm Nậm Lóng - Tú Lệ còn nổi tiếng với tục “tắm tiên” bên dòng Nậm  Kim hoang dã, kỳ bí.

Được bao quanh bởi 3 đại hùng sơn Khau Phạ, Khau Song và Khau Thán, đi đâu cũng thấy Nậm Lóng ẩn giữa núi non. Tại Nậm Lóng, chúng tôi gặp các thành viên Đoàn y bác sĩ Tình nguyện Niềm Tin (Tổ chức thiện nguyện chuyên giúp đỡ bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và trẻ em vùng cao tại TP HCM) khi đoàn đang thực hiện chương trình san sẻ yêu thương với trẻ em vùng cao Tây Bắc.

Bác sĩ trưởng đoàn Trương Thế Dũng, bộc bạch rằng phía sau vẻ đẹp đến sững sờ ở vùng đất này là câu chuyện buồn. Ở đây có rất nhiều đứa trẻ không biết khái niệm tuổi thơ. Nhiều em tuổi đời chưa qua 5 tuổi đã phải ngày ngày chăn trâu, hoặc trầm mình dưới các cánh đồng, sông suối dùng nôm bắt cá. Ở tuổi này, trong khi ở nơi thị thành, con người ta được cha mẹ chăm chút cho từng miếng ăn, còn ở đây, các em đã phải đánh vật với kế sinh nhai, các em sống trong sự thiếu thốn, thiệt thòi vô cùng: “Tại Tú Lệ, không riêng gì bản Nậm Lóng, nhiều bản khác như Lìm Mông, Lìm Thái con gái mới 16-17 đã lấy chồng, đẻ con. Đất đai ở núi rừng Tây Bắc có giới hạn, mà tỉ lệ sinh quá đông, chính lẽ đó đã đẩy nhiều đứa trẻ người Thái, người Mông vào đoạn trường áo cơm, lầm lũi!”.

Đúng như chia sẻ của bác sĩ Thế Dũng cùng các thành viên đoàn Niềm Tin, tại Nậm Lóng, chúng tôi gặp nhiều sơn nữ sớm “theo chồng bỏ cuộc chơi”. Một trong số ấy là sơn nữ Vi Thị Thu Hương. Mới 23 tuổi mà Hương đã lấy chồng được 8 năm, với 3 đứa con gái.

Tôi gặp Hương tại ngôi nhà kiểu truyền thống của người Thái nằm ven đường, khi cô cùng chồng chật vật rang cốm, giã cốm lấy đó làm kế sinh nhai cho gia đình. Làm vợ từ năm 15 tuổi và làm mẹ ở tuổi 16, phải chăm con, phải quần quật với việc đồng áng nên Hương già háp. Cạnh nhà Hương là nhà của Vi Thị Nhọt, lấy chồng năm 16 tuổi, đến nay mới ngoài 20 đã có đến 3 mặt con. Hỏi vì sao lại lấy chồng quá sớm, cả hai cười vô tư: “Mình thương mình lấy thôi, ở đây ai cũng vậy mà”.

Hương và Nhọt chỉ là hình ảnh đại diện cho rất nhiều sơn nữ ở Nậm Lóng sớm theo chồng bỏ cuộc chơi và theo sau đó là mỗi một câu chuyện buồn. Càng buồn hơn khi tôi được biết vì trai gái người Thái khi đến và sống với nhau ở độ tuổi tảo hôn nên không có giấy hôn thú. Các bà mẹ trẻ đẻ nhiều, đẻ dày nên nhiều đứa con được sinh ra gần như phải tự sinh tồn, phải sống như thú hoang.

Đắng lòng khi được thầy giáo Phạm Văn Khiêm (Trường tiểu học Tú Lệ) cho biết, có không ít nữ sinh vừa học xong lớp 9 đã vội… theo chồng trong sự bất lực của thầy cô và nhà trường.

Những bà mẹ trẻ và trẻ đáng thương nặng gánh áo cơm.

Rời Nậm Lóng, theo chân thầy Khiêm cùng một số giáo viên Trường tiểu học Tú Lệ vào sâu trong bản Nậm Lìm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy đối lập với khung cảnh trời mây, non nước đẹp như tranh ở đây là hình ảnh buồn đến trĩu lòng gắn với nhiều đứa trẻ mới dăm ba tuổi đầu đã bị cuộc sống khắc nghiệt ném vào cuộc mưu sinh.

Có lắm em mặt mũi lấm lem, ngăm mình dưới dòng nước chảy siết, hay cố sức băng mình giữa ruộng đồng mênh mang kiếm từng con cá. Được tặng quà bánh, các em liền bốc ra nhai ngấu nghiến... Hỏi ra mới biết cha mẹ của các em không ai khác, mà là những chàng trai cô gái đã sớm vội thành vợ thành chồng khi ăn chưa no-lo chưa tới…!

3. Tiếp tục đi sâu vào bản làng của người Thái, nhiều vị khách đường xa thật sự trĩu lòng khi tiếp cận những bà mẹ chưa đủ tuổi vị thành niên cùng đàn con nheo nhóc. Để thay đổi bầu không khí, các thầy giáo gợi ý đến thăm và thả mình dưới suối nước nóng Tú Lệ. Điều này được nhiều người hưởng ứng bởi trước khi đến đây, thông tin Tú Lệ với tâm điểm là bản Lìm Mông là “thiên đường tắm tiên” đã khiến nhiều vị khách phương xa mong ước được đắm mình trong cõi thiên thai đó.

Trên nhiều diễn đàn “phượt”, người ta kháo nhau rằng con gái người Thái xứng danh mỹ nữ. Chiều chiều, sau khi gác lại việc đồng áng, các cô đến suối nước nóng ở bản Lìm Mông để ngâm mình trong dòng suối nước nóng. Người ta cũng đồn đãi con gái xứ Thái nhờ dòng suối này mà có được sắc vóc mảnh mai, da trắng ngần, môi thắm, suối tóc đen tuyền…

Rời bản Lìm Thái, theo chân các thầy cô, chúng tôi đến bản Lìm Mông. Suối nước nóng nằm cách trung tâm xã Tú Lệ 1,5km, cách đường cái chính chưa đầy 200m, đường vào quanh co, khúc khuỷu, trơn trượt. Qua mấy dốc cao, đúng như mô tả của nhiều dân phượt say đắm vẻ đẹp thiên thai của miền sơn cước xứ Thái, trước mặt chúng tôi là khung cảnh đẹp đến mê hoặc với dòng Nậm  Kim đục ngầu, dòng chảy cuồn cuộn nằm giữa núi non trùng điệp và những đồng lúa đang thì con gái mướt rượt.

“Suối nước nóng nơi dân làng tắm kia kìa, chỗ có đông người đang đứng đấy” – thầy giáo Khiêm, vừa nói vừa chỉ tay về phía trước.

Hướng ánh mắt về phía chỉ tay của thầy giáo Khiêm, tôi thấy suối nước nóng mà lâu nay người ta đồn đãi “chốn tắm tiên” của các mỹ nhân xứ Thái, là cái bể được xây sơ sài nằm sát dòng chảy cuồn cuộn của dòng Nậm Kim. Hỏi các bậc cao niên người Thái suối có từ bao giờ, các cụ đều không có câu trả lời. Chỉ biết từ bé xíu đã thấy có suối và nhờ mạch ngầm không bao giờ cạn này mà các cụ không bị đau nhức xương khớp.

Và chừng như nhờ được hơi ấm của suối tác động giúp máu huyết lưu thông nên trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận chuyện bị cao huyết áp, hay các chứng tai biến không có trong đời sống của các cụ già xứ Thái!

Đã 5 giờ, lúc này đây, tôi quan sát thấy thay vì  trầm mình dưới suối thì nhiều cô gái người Thái chỉ đứng từ xa nhìn đám đông dân “phượt” đứng chen chân bên mạch suối nóng chụp ảnh, nô đùa. Hoạt động du lịch mới chớm nở đã mang đến cho người dân ở đây nhiều niềm vui khi đón được nhiều du khách phương xa, có thêm thu nhập từ nghề làm cốm… nhưng cũng gây không ít phiền toái trong đời sống thường nhật của họ, trong đó có chuyện tắm suối: “Em không dám tắm đâu. Em chờ người ta đi hết rồi thì em mới xuống suối”.

Anh Nông Văn Phong rất rành rẽ nhiều loại thảo dược quý của tộc người Thái.

Cô sơn nữ có khuôn mặt khả ái là Vi Thị Ngọc Hân, 20 tuổi,  em gái của cô sơn nữ đã làm vợ từ tuổi 15 Vi Thị Thu Hương, trò chuyện với thái độ không vui. Một sơn nữ khác là Mai, 19 tuổi, còn nói không ít người, tìm đến Tú Lệ chỉ để rình con gái tắm? Tất cả bắt nguồn từ những mẩu thông tin được người ta loan truyền với tốc độ chóng mặt.

Vừa nói, Lệ vừa mở điện thoại cho tôi xem một trong những thông tin như thế: “Buổi chiều người Thái đi làm về ra đây tắm, quần áo để ngay bên mép bể… Xin tư vấn cụ là đã đến tắm thì phải bỏ hết nội y ra, chứ mặc đồ gì trên người lại bị coi là… khiếm nhã”.

Vậy đó, một đồn mười,  mười đồn trăm, trước hấp lực vẻ đẹp tinh khôi của các sơn nữ người Thái và nhất là cái vụ “sơn nữ tắm tiên”, “có thể tắm giao lưu với trai gái người Thái nhưng phải trút bỏ toàn bộ xiêm y như họ”…, nên ngày càng nhiều dân “phượt” tìm đến Tú Lệ để thỏa con mắt tò mò:  “Thực ra thì chúng em không tắm như người ta nói đâu. Khi tắm chúng em tròng váy vào người nhưng người ta cứ hay đến tìm hiểu con gái tắm ra sao. Rồi có người canh chụp ảnh nữa, ngượng lắm” - Mai e dè phân trần.

Ở suối nước nóng xứ Thái, chuyện các sơn nữ “sợ tắm” vì ngại không ít cặp mắt soi mói với sự hỗ trợ của ống nhòm, ống kính tê-lê dán vào người, đã không còn là chuyện lạ. Một khi sợ như thế, sự hồn nhiên của các cô gái đã không còn. Câu chuyện này gợi cho người viết nhớ đến cái lần thôn Hòn Lay (nơi cư trú của người Ê-đê ở xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) sốt trước tin đồn “suối thần chữa bách bệnh” gần 10 năm trước.

Nguyên thủy suối nước nóng ở Hòn Lay chỉ là nơi sinh hoạt thường nhật của người dân bản xứ, nhưng vì bị đồn “chữa được bệnh nan y” nên dòng người từ khắp nơi ùn ùn đổ về tắm táp, khấn cầu khiến suối bị ô nhiễm, làm đảo lộn mọi sinh hoạt của dân nơi đây…

Cơn sốt suối thần ở thôn Hòn Lay kéo dài đến gần một năm thì mới hạ nhiệt. Còn như những gì chúng tôi ghi nhận, cơn sốt đến Tú Lệ tắm tiên và xem “tắm tiên” mới bắt đầu và đang trong giai đoạn tăng nhiệt. Bao giờ “giông gió” đi qua?!

Nguồn: CSTC/CAND

Các tin khác