Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm trước việc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) đề xuất Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện của người điều khiển ôtô, xe máy, xe điện có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở. Giới luật học đánh giá đây là một kiến nghị vi hiến, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân.
Ý tưởng "chưa từng có ở đâu"
Người dân băn khoăn về những hệ lụy sẽ phát sinh khi kiến nghị này đi vào đời sống. Trong khi đó, những người "trong cuộc" lại cho rằng đây là biện pháp cần thiết để đẩy lùi tai nạn giao thông (TNGT). Đồng thời, đề xuất này cũng dựa trên những căn cứ pháp lý cụ thể.
Theo thống kê của UBATGTQG, chỉ tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, trên toàn quốc đã xảy ra 536 vụ tai nạn giao thông (TNGT), cướp đi sinh mạng của 317 người và làm bị thương 509 người; hơn 7.000 xe máy bị tạm giữ vì vi phạm an toàn giao thông (ATGT). Trong 2 tháng đầu năm 2015, toàn quốc xảy ra 4.115 vụ, làm chết 1.567 người, làm bị thương 3.771 người.
Xuất phát từ tình hình trên, ngày 27/2/2015 cơ quan này đã có công văn số 58/CV- UBATGTQG, kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm từ ngày 15-3-2015 một số quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC), nhằm kéo giảm TNGT và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (GTĐB).
Theo đó người điều khiển ôtô mà trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, phải thi lại nội dung về Luật GTĐB trước khi cấp lại giấy phép lái xe. Hình thức xử phạt này cũng áp dụng đối với người vi phạm điều khiển môtô, xe máy điện. Ngoài ra, UBATGTQG cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc.
Lý giải cho đề xuất này, ông Nguyễn Trọng Thái (Chánh văn phòng UBATGTQG) nói: "Việc người điều khiển phương tiện uống quá nhiều rượu bia, vượt ngưỡng nồng độ cồn cho phép là nguyên nhân chính gây ra TNGT ở nước ta. Áp dụng chế tài xử phạt nặng đối với người, phương tiện vi phạm mang tính chất răn đe, nhằm hạn chế thấp nhất TNGT có thể xảy ra. Đề xuất của chúng tôi xuất phát từ mục đích nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm ATGT nguy hiểm cho những người điều khiển phương tiện, chứ không phải với mục đích là để xử phạt".
CSGT kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. |
Ông Thái cũng đánh giá những chế tài hiện tại chưa đủ sức răn đe, và chỉ những hành vi nguy hiểm thì cơ quan này mới đề xuất xử phạt như vậy. "Đề xuất này đang trong quá trình trình Chính phủ để nghiên cứu. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến góp ý, để đề xuất được hoàn thiện và phù hợp với thực tế xã hội" - ông Thái nói.
Về căn cứ pháp lý, ông Khuất Việt Hùng- (Phó Chủ tịch UBATGTQG) đã viện dẫn Điều 26 - Luật xử lý VPHC 2012 quy định về việc tịch thu phương tiện đối với "VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức". Ông nói: "Như vậy đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quy định này. Trong Luật xử lý VPHC cũng quy định rất rõ thẩm quyền, vấn đề là trong thẩm quyền chúng ta triển khai như thế nào". Ông Hùng bày tỏ tin tưởng vào khả năng đi vào cuộc sống của đề xuất: "Khi số lượng hành vi ít, khả năng tổ chức thực hiện là khả thi".
Thiết bị kiểm tra nồng độ cồn. |
Trái với lập luận của UBATGTQG, nhiều chuyên gia luật học đã lên tiếng phản biện, cho rằng kiến nghị nói trên là vi hiến, xung đột với hàng loạt quy định trong Hiến pháp 2013, Luật Dân sự về bảo hộ quyền sở hữu tư nhân.
Ông Lê Hồng Sơn (Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp) cho biết: "Luật pháp hiện hành áp dụng biện pháp răn đe là tạm giữ phương tiện và phạt tiền. Đề xuất tịch thu phương tiện không thể dễ dàng thực hiện, vì liên quan quyền sở hữu tài sản đã được Hiến pháp quy định. Tôi cho rằng văn bản này khi trình lên Chính phủ sẽ không được thông qua một cách dễ dàng".
Luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Công ty luật Nay&Mai) phân tích: "Mục đích giảm thiểu TNGT, bảo vệ tính mạng con người là đúng, nhưng việc áp dụng chế tài tịch thu phương tiện là không khả thi, chưa kể còn trái với hàng loạt quy định khác.
Trước hết, Điều 32 - Hiến pháp 2013 đã quy định quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ. Khoản 2 - Điều 169 Bộ luật dân sự nêu rõ: "Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình". Chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tịch thu bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Về việc UBATGTQG viện dẫn Điều 26 - Luật Xử lý VPHC 2012 để làm căn cứ tịch thu phương tiện, tôi cho rằng chưa chính xác.
Bởi vì hiện nay trong Luật xử lý VPHC 2012 cũng như Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chưa hề có quy định (chế tài) tịch thu phương tiện giao thông. Mức phạt tiền 15 triệu đồng là cao nhất đối với người điều khiển ô tô, xe máy có nồng độ cồn cao trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở. Văn bản dưới Luật không được phép "sáng tạo" những quy định mới không có trong Luật. Không có một cơ quan nhà nước nào được quyết định tịch thu phương tiện, vì chế tài này chưa được quy định trong Luật xử lý VPHC. Nếu vẫn muốn hiện thực hóa ý tưởng này, cần phải sửa lại các luật liên quan, từ Hiến pháp trở đi.
Ông Mai Đình Cẩn ở TP Đồng Hới, Quảng Bình bày tỏ quan điểm không đồng tình việc kiểm tra nồng độ cồn. |
Mặt khác, Luật xử lý VPHC cũng chưa xác định rõ thế nào là "VPHC nghiêm trọng do lỗi cố ý". Do đó, nếu kiến nghị này đi vào đời sống, sẽ rất dễ dẫn đến cách hiểu và vận dụng tùy tiện, vi phạm nguyên tắc áp dụng thống nhất của pháp luật".
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Lê Thanh Yên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bổ sung: "Ở Hàn Quốc, những trường hợp lái xe say xỉn, cảnh sát giữ lại đến khi tỉnh rượu mới cho tiếp tục tham gia giao thông. Các nước khác, như Nhật Bản có thể bỏ tù người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn, hoặc cấm lái xe vĩnh viễn…Nhưng đó là chế tài nhằm vào đúng con người vi phạm, chứ không phải là phương tiện. Tôi chưa từng thấy ở đâu có ý tưởng tịch thu trắng phương tiện đi lại của dân như thế này. Đề nghị trên là cảm tính, khó thực hiện, vì hàng loạt các vấn đề pháp lý phức tạp khác sẽ phát sinh.
Chẳng hạn, không phải lúc nào người vi phạm cũng chính là chủ sở hữu phương tiện, như các trường hợp lái xe thuê, xe đi mượn… Vấn đề sở hữu chung hợp nhất giữa vợ và chồng đối với phương tiện, vấn đề xe công (của các cơ quan nhà nước) mà lái xe vi phạm… sẽ được xử lý như thế nào khi phương tiện bị tịch thu?".
Tiếng nói từ phía người dân
Kiến nghị của UBATGTQG ngay lập tức đã phả "hơi nóng" xuống cộng đồng. Cũng là dễ hiểu, bởi vì đề xuất trên nếu được thông qua, sẽ đụng chạm trực tiếp đến đời sống của người dân. Bất kỳ ai, gia đình nào cũng đứng trước nguy cơ bị mất tài sản, bởi vì theo công thức quy đổi, chỉ cần uống trên 41,5ml rượu vang (loại 13,5độ), hoặc 74,67ml bia (tương ứng với ¼ chai bia 330ml, loại 7,50) sẽ bị phạt theo đề xuất này. Còn uống 14,36 ml rượu trắng (39độ) sẽ bị tịch thu phương tiện.
Anh Nguyễn Đức Việt ở phố Trung Kính bày tỏ lo lắng: "Gia đình tôi có thu nhập thấp. Chắt chiu mãi mới mua nổi một chiếc xe máy để cả nhà dùng chung. Cuộc sống thì không thể tránh khỏi những lúc có việc phải uống rượu. Nếu chỉ vì ly rượu thôi bị tịch thu xe thì quá nặng với người dân chúng tôi".
Thạc sỹ Nguyễn Cao Cường (Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích: "Hiện nay việc uống rượu bia đã trở thành một thói quen sinh hoạt trong đời sống của nhiều người, như một sự tất yếu. Người Việt sử dụng rượu, bia trong tất cả các sự kiện, như cưới xin, lễ tết, họp mặt, liên hoan, tiếp khách, ma chay… Có câu "phi tửu bất thành lễ" mà.
Việc ban hành các chế tài xử phạt thật nặng đối với những lái xe say xỉn, theo tôi là rất cần thiết, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần giảm thiểu TNGT và bảo vệ tính mạng con người. Tuy nhiên, ý tưởng tịch thu trắng phương tiện đi lại của dân, tôi cho là hà khắc quá. Nó sẽ gây ra hiệu ứng mạnh mẽ từ phía xã hội. Tâm lý luyến tiếc tài sản khi bị tịch thu có thể dẫn người dân đến những phản ứng quá khích, như xung đột, chống trả lại lực lượng thực thi công vụ. Rồi việc đơn thư khiếu kiện, tranh chấp quyền sở hữu, đòi bồi thường… cũng sẽ diễn ra phức tạp, gây tâm lý hoang mang, nặng nề trong xã hội.
Chưa hết, việc xử lý vi phạm này cũng dễ dẫn đến sai phạm, tiêu cực, vì vấn nạn đưa và nhận hối lộ chưa được ngăn chặn hoàn toàn. Để giảm thiểu TNGT, theo tôi cần phải có những giải pháp đồng bộ, ngoài việc xử phạt thật nặng (có thể hình sự hóa, đưa việc say xỉn khi lái xe trở thành một tội), thì còn phải đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân… Dù gì thì mọi chính sách cần phải xuất phát từ thực tiễn xã hội, phải thực sự mang cuộc sống vào pháp luật, chứ không được áp đặt chủ quan duy ý chí".
.