Phóng sự

Ấm tình đồng đội

15:39, 03/03/2015 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Thấm thoát đã hơn 40 năm, sau sự kiện ngay lòng Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch 81 ngày đêm, quân ta giành thắng lợi về quân sự trên chiến trường để tạo lợi thế cho đàm phán tại Hội nghị Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
 
Vừa qua, tại nơi từng là “túi bom” trong kháng chiến - TP Vinh anh hùng, đã diễn ra cuộc hội ngộ của trên 300 tướng lĩnh, dũng sĩ, chiến sĩ Nghệ An sau hơn 40 năm xa cách, một thời từng hiên ngang ngoài trận mạc, nay trở về với cuộc sống đời thường, trong đó, nhiều người đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”. Gặp lại nhau trong cảm xúc dâng trào, với cái bắt tay thật chặt và lưu luyến trước những mất mát, hy sinh của đồng đội.
Đại diện Hội và các ban, ngành gặp gỡ các chiến sĩ trong ngày hội ngộ
Đại diện Hội và các ban, ngành gặp gỡ các chiến sĩ trong ngày hội ngộ
81 ngày đêm “máu và hoa”
 
Trên đường thiên lý Bắc - Nam, ngang qua TX Quảng Trị, rẽ theo hướng Bắc chừng 2 km là đến Thành cổ một thời “máu và hoa”. Nơi đây, mùa Hè đỏ lửa năm 1972, hàng nghìn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu ngày đêm bảo vệ Thành cổ.
 
 Quảng Trị là chiến trường sinh tử đối với Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây vừa là bàn đạp để thực hiện âm mưu “Bắc tiến” khi có thời cơ, vừa là lá chắn bảo vệ “biên giới Hoa Kỳ từ vĩ tuyến 17” như Ngô Đình Diệm từng tuyên bố. Nắm được tình thế đó, địch tập trung lực lượng quân đội và hỏa lực hùng hậu để biến Quảng Trị thành phòng tuyến ngăn chặn vững chắc nhất.
 
Tổng thống Nicxon từng thách thức: “Nếu có một cuộc tiến công mạnh của Cộng sản thì tuyến phòng thủ của Việt Nam Cộng hòa chỉ có thể trùng nhưng không thể đứt”... Ấy vậy mà từ ngày 30/3/1972 - 1/5/1972, trong chiến dịch Xuân Hè, các chiến sĩ giải phóng lần lượt bước qua xác giặc, cắm lá cờ chiến thắng lên nóc nhà Dinh tỉnh trưởng. Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng sau 18 năm kể từ ngày Mỹ ngụy chiếm đóng.
 
Mất Quảng Trị là mất thế chiến lược tại cửa ngõ phía Bắc, được viện trợ tối đa của Mỹ, tháng 6/1972, chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích mang tên “Lam Sơn 72”, hòng tái chiếm Quảng Trị mà mục tiêu số 1 là chiếm lại Thành cổ. Trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị dễn ra vô cùng ác liệt và gian khổ, hơn 10.000 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, hàng vạn người bị thương, trong đó có rất nhiều con em Nghệ An.
 
Trong trận chiến này, Mỹ và Ngụy đã huy động tối đa lực lượng hải quân, lục quân và không quân cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại nhất lúc bấy giờ, hòng bẻ gãy sức kháng cự, chiến đấu của quân và dân ta. Chúng đã ném bom, bắn phá vào Thành cổ Quảng Trị hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945 trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Vì vậy, chiếm Thành cổ hoặc bảo vệ Thành cổ có liên quan đến toàn mặt trận. Tỉnh Quảng Trị là một chiến trường, Thành cổ là một mắt xích quan trọng của chiến dịch.
 
Là mục tiêu chiến dịch của hai bên, do vậy khi địch tấn công vào thị xã để cắm cờ, lúc cao nhất có 5 tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Lữ đoàn 258 và 147. Lực lượng phòng ngự chiến dịch của ta trong 2 tháng 8 và 9 năm 1972 là 79.900 người nhưng tại mặt trận thị xã và Thành cổ lúc cao nhất chỉ có vài nghìn người, chủ yếu là Trung đoàn 48 Sư 320B, Trung đoàn 88 Sư 308, Trung đoàn 95 Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18 Sư 325, Trung đoàn 165 Sư 312, 2 Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 8 Quảng Trị cùng lực lượng du kích xã Hải Trí...
 
Chính trong chiến dịch phản kích mang tính hủy diệt của kẻ thù, Thành cổ Quảng Trị đã viết nên trang sử hào hùng bằng một cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được nhiều danh nhân, học giả trong nước, thế giới hết lòng ca ngợi tinh thần chịu đựng của bộ đội ta. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Chúng ta chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng phải chảy với bom đạn mà chúng ta là những con người thật sự, con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”.
 
Khúc tráng ca Thành cổ anh hùng
 
Thành cổ hôm nay không chỉ là di tích lịch sử mà còn là nghĩa trang tương đương với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nhưng khác là Nghĩa trang Trường Sơn có trên 10.000 ngôi mộ, còn ở đây chỉ có Đài tưởng niệm trung tâm là ngôi mộ tập thể duy nhất. Trong gió lạnh, ngan ngát hương trầm, nơi đây hàng nghìn người con đã chiến đấu, hy sinh anh dũng, do khối lượng đạn bom quá lớn nên hài cốt các anh không còn, mỗi tấc đất, cỏ cây đều thấm máu các anh.
Nụ cười của “Những người chiến thắng” trong chiến dịch Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn - Ảnh tư liệu
Nụ cười của “Những người chiến thắng” trong chiến dịch Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm dưới mưa bom, bão đạn - Ảnh tư liệu
 
Thắng lợi trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị thật huy hoàng nhưng cũng nhiều hy sinh, mất mát. Máu xương của hàng vạn chiến sĩ đổ xuống và hàng nghìn người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. May mắn là người sống sót trở về sau cuộc chiến, đã có 10 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị (từ 1965 - 1975) nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất và cũng là những năm tháng không thể nào quên đối với cuộc đời chiến binh của Thiếu tướng Cao Xuân Khuông, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Quảng Trị, nguyên Phó Tư lệnh QK4 là 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ.
 
Ông luôn day dứt trong lòng khi biết nhiều đồng đội của mình vẫn nằm dưới đáy sông Thạch Hãn bốn mùa lạnh lẽo và vẫn còn những đồng đội khác còn khó khăn trong cuộc sống. Cho đến nay, mỗi lần nhớ lại cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng cũng rất hào hùng đó, nhất là mỗi lần thăm lại chiến trường xưa, ông không khỏi bồi hồi, xúc động với sự hy sinh cao cả của đồng chí, đồng đội và cũng rất đỗi tự hào vì những gì mà Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị đã góp phần cho chiến công anh hùng.
 
Vì vậy, việc ra đời của Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 Nghệ An, ông mong muốn Hội sẽ trở thành mái nhà chung để anh em có cơ hội thăm hỏi, động viên, chăm sóc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Thông qua các tổ chức của Hội để làm sao các đồng chí không có điều kiện có thể về lại Quảng Trị thắp nén hương cho đồng đội ngày xưa và tổ chức nhiều hơn nữa cho các đồng chí được về thăm lại chiến trường, đồng thời có nhiều hoạt động giao lưu, kể chuyện cho thế hệ trẻ những năm tháng ở chiến trường.
 
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa Hè đỏ lửa năm 1972 mãi là khúc tráng ca trong lịch sử chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trước sức mạnh của địch, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ “gan vàng dạ ngọc”, bản lĩnh vững vàng và sáng tạo tuyệt vời, cống hiến hết mình đã làm nên những chiến công hiển hách. Sự cống hiến, hy sinh của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã góp phần làm nên thắng lợi vang dội của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Ông Trần Duy Ngoãn, Ban Thường vụ Hội Chiến sĩ Thành cổ tỉnh Quảng Trị năm 1972 Nghệ An, từng tham gia ở đơn vị C6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209 Sư 312 cho biết: Hội được thành lập để mọi người cùng chung tay góp sức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, khắc ghi tên tuổi để lưu danh các anh hùng, tổ chức tư vấn cho gia đình liệt sĩ tìm hài cốt người thân. Đồng thời, vận động toàn thể hội viên khơi dậy, phát huy truyền thống cách mạng, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cũng như những đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, các bộ, ban, ngành liên quan giải quyết chính sách tồn đọng cho hội viên theo pháp luật. 
 
Dũng khí oai hùng và phẩm chất cách mạng sáng trong vẫn còn vẹn nguyên ở mỗi chiến sĩ Thành cổ hôm nay. Năm tháng qua đi, Thành cổ Quảng Trị mãi mãi được lưu truyền cùng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam. Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 Nghệ An sẽ là nơi hội ngộ của các chiến sĩ Thành cổ, những người đại diện cho thế hệ trẻ một thời sục sôi nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng, kiên cường bám trụ Thành cổ, chấp nhận hy sinh, chiến đấu dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. 

Xuân Thống

Các tin khác