Phóng sự
Bán sức ở xứ người
15:55, 18/02/2015 (GMT+7)
Cái tết chỉ còn đếm từng ngày nhưng dòng người vẫn ùn về biên giới, vượt sông sang đất khách bán sức lao động kiếm tiền mua sắm tết. Mặc cho lực lượng biên phòng can ngăn, phía bạn truy đuổi, song những người nông dân vẫn lén lút đi bè vượt dòng Quây Sơn…
Chỉ mong ngày ngắn đêm dài
Tính đến đầu năm 2015, anh Đàm Văn Quềnh ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đã có 7 năm đi chặt mía ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), có vụ ép anh đi lại vài ba lần. Có đợt đi kéo dài mười ngày, có đợt kéo dài hàng tháng trời.
"Ở nhà không có việc làm ổn định. Sang bên đó ngày nào cũng có việc làm, chỉ sợ trời mưa là không làm được thôi. Đi chặt mía mỗi ngày được trả công 65-70 tệ, tháng bỏ túi 6,7 - 7,2 triệu đồng rồi. Ngày cơm ăn ba bữa, tắm nóng lạnh, quần áo cho vào máy giặt vắt khô. Kiếm tiền ở bên đó dễ hơn ở bên mình nhiều".
Quềnh là người liên lạc với người quen ở phía Trung Quốc, anh đảm nhận việc tìm, dẫn người đi. Mỗi ngày anh được chủ mía trả thêm 5 tệ. Để "mục sở thị", người viết bài này đã theo chân anh Quềnh cùng 6 người khác có hơn chục ngày bán sức ở xứ người. 9h sáng, chúng tôi đón xe từ xã Thông Huề đến Thác Bản Giốc hết 40 nghìn đồng, đi qua bè vượt dòng Quây Sơn hết 10 nghìn đồng, từ Đức Thiên đến nhà anh Sằm bản Lũng Liêng (thuộc xã Thái Bình, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây) hết 40 tệ. Anh Sằm là đầu mối phân công lao động, gia đình nào nhận được phiếu muốn chặt phải đến nói với Sằm về chuyện thuê mướn lao động. Gia đình nào thuê tổ nhân công chặt mía phải trả cho Sằm 40 tệ/ngày. Sằm lấy vợ người Việt là cơ sở để người đến chặt mía thuê bấu víu vào.
Chúng tôi không biết mình đi vào sâu trong nội địa đất Trung Quốc mấy chục cây số, chỉ biết ngồi trên xe mất gần 2 tiếng đồng hồ. Để được trả công 65 tệ/ngày quả không dễ. Trời còn đang tối, đàn gà vẫn còn bất động trên chuồng, chủ mía đã đến nhà mà đám lao động thuê ngủ gọi "các cháu ơi mau dậy ăn chúc (cơm) rồi đi làm, bà nấu xong rồi".
Quờ tay với chiếc điện thoại di động chỉ để xem giờ, không thể gọi hay nhận cuộc gọi vì không ai đăng ký chuyển vùng quốc tế, chưa đến 5 giờ sáng. Ăn sáng chưa đầy 30 phút, mỗi người tự cầm một cái bao tải trong đó có 1-2 bó lạt để buộc mía, 1 ái liềm (dao), vác giá gom mía thành vác mà chủ nhà đã để sẵn ở trước cửa. Có những hôm khi chúng tôi ra khỏi cửa đàn gà đang lục cục ra chuồng. Những hôm trời nắng đi nửa cây số đến ruộng mía trời cũng đã sáng hẳn, chỉ khổ những ngày trời âm u, rẫy mía gần nhà, đến nơi nhìn thấy ngọn mía mà vẫn chưa nhìn rõ gốc. Thấy chúng tôi chưa chặt, chủ nhà giục. "Chưa nhìn thấy gốc làm sao chặt được", có người trong đoàn trả lời. "Lấy liềm về quờ sẽ nhìn thấy".
Tác giả cùng tổ làm công ăn bữa cơm tại nương |
Chủ nhà đã nói vậy, chúng tôi đành "quờ" từng gốc mía, chặt ngọn, tước vỏ, gom được 1 vác mía trời mới sáng tỏ. Để chặt mía mỗi người còn được phát một đôi găng tay bằng len. Những đêm sương rơi nặng, sương muối xuống nhiều, gom được 1-2 vác mía găng tay ướt, bàn tay cóng lạnh. Chị Mông Thị Lan lần đầu đi chặt mía thuê nói bằng tiếng phổ thông: "Ở nhà mình ra sớm vào muộn như ở đây chắc cũng không đến nỗi không kiếm được đồng tiền".
Ngày làm không đếm thời gian, chỉ biết sáng ra là ngày của chủ mía, tối mịt người làm công mới được nghỉ. Nhưng vì đồng tiền có người còn dậy đi "chong ỏi" (chặt xếp mía trên xe) vào lúc 11, 12 giờ đêm mỗi khi có người đến gọi đi. Mỗi xe mía khi "chong" xong, chủ mía trả 50 tệ. Trong gần 2 tuần bán sức nơi xứ người, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả khi phải làm thuê kiếm tiền. Lần đầu đi chặt mía thuê, đôi tay bị đau khớp, ngày chị Lan chặt bó được 3, 4 chục vác.
"Chặt được như thế là chị đã cố gắng lắm rồi. Có người còn không chặt được như chị. Tay chị đau không bó chặt được như mọi người thôi". Vác mía không được bó chặt rất khó khi vác lên xe, chị Lan tự vác mía của mình mỗi khi chuyển lên xe công nông đưa về bãi tập kết ở đầu làng.
Việc đi lao động chui ở xứ người cũng lắm chuyện phiền toái. Cái sự rắc rối đó nhiều khi lại đến từ chính những người trong tổ. "Trăm hay không bằng tay quen", chặt mía có người đã chặt mấy vụ, có người mới đi lần đầu, chuyện nhanh, chậm, bó đẹp, bó chặt là chuyện thường tình. Đáng lẽ ra những người cùng đi phải "nhìn nhau mà làm", người làm chậm thì nhanh tay lên, người nhanh hơn ghìm lại chờ đợi thì không có chuyện gì phải lo. Đằng này người làm nhanh cứ thế mà làm, chủ nhà nhìn thấy người đã bó được 5 vác, kẻ mới bắt đầu gom vác thứ 4, người làm chậm liền bị nói. Và chính người làm nhanh quay sang chê bạn đồng hành làm chậm. Hiềm một nỗi nhanh hay chậm cũng chỉ được trả công 65-70 tệ/ngày. Làm nhanh có được thưởng đồng nào đâu. Thế là mỗi lần đi về, những người trong đoàn lại tự nói xấu nhau, gây mất đoàn kết.
Đến bữa cơm nhớ đời
Chúng tôi nhớ mãi bữa cơm sáng và trưa ở một gia đình tên Phay ở bản Pu Lầu (xã Thái Bình), cơm trắng ăn chấm đỗ tương ngâm xào lẫn cải bao. Nhìn 2 tô thức ăn để trên bàn, nhiều người đã tỏ ra ngán ngẩm. Nhưng không ăn sẽ không có sức để chặt, vác mía lên xe đã ăn dấm dứ 2 lưng bát. Trong tổ có nhiều người chưa từng ăn như thế bao giờ, lại ăn vội ăn vàng nên đã có người nuốt không trôi.
Anh Nông Văn Dực nhai miếng cơm mãi không buồn nuốt xuống bụng: "Ngày làm vất vả, mệt mỏi là thế, ăn kiểu này sao chịu được, bye bye sớm thôi". Song theo anh Quềnh được ăn như thế là còn may. Nhiều người đến những bản, làng khác còn không được ăn "tốt" như vậy đâu. Bữa chỉ có cơm trắng chấm cải bao thái to xào lẫn bì lợn. "Điệp khúc" đó được diễn từ bữa này sang bữa khác. Người giỏi chịu đựng lắm cũng chỉ cầm cự được trên dưới một tuần phải quay về hoặc tìm đến những bản khác có chế độ ăn tốt hơn.
Chị Hoàn Thị Lam đã có lần đi trồng, bón phân, chặt mía ở bản Sòng Chó (huyện Đại Tân). Đây là vùng thiếu nước sinh hoạt. Vì chỗ trồng mía ở trong lũng, cách nhà khá xa, tổ làm thuê phải nghỉ lại trong lũng, nước xe ôtô chở đến. Thực phẩm, gạo người nhà đem lên. Vì thiếu nước nên ai cũng tranh nhau tắm giặt trước vì… sợ hết nước. Đến bữa, mọi người luân phiên nhau làm cơm, xào rau, rửa bát…
Nhọc nhằn, khổ cực nhưng vì đồng tiền phải nán lại. Ở quê nhà làm sao kiếm nổi mỗi ngày hai trăm ngàn đồng? Bao nhiêu khoản cần chi tiêu từ tiền mắm muối, sách vở, quần áo cho con, cháu, cưới xin, ma chay… không thể việc gì động đến tiền là cứ trông chờ vào thóc lúa được. Ăn kham khổ cũng cố mà chịu đựng. Muốn quay về không quen đường sá, một mình sao thể quay về. Buồn khổ nhất là những ngày mưa to không thể đi chặt mía. Ở nhà trở thành kẻ ăn không ngồi rỗi, không kiếm được tiền, chủ nhà cũng không vui vẻ gì.
Chị Đàm Thị Hương bản Kéo Hin, xã Trung Phúc (huyện Trùng Khánh) cho chúng tôi biết: Đoàn chị có 10 người vào bản Háng Ra từ hôm 22/1/2015 chặt mía được 7 ngày thì trời mưa to không làm được. Nghỉ ở nha â1 hôm chủ nhà vẫn vui vẻ làm cơm cho ăn, sang đến ngày thứ 2, đến 12 giờ mà vợ chồng chủ nhà vẫn không chịu về. Cả 10 người không được ăn cơm trưa khi lên xe về Thác Bản Giốc. Cũng may tiền công 7 ngày chủ mía vẫn trả cho đầy đủ.
Sau bữa cơm tối, mọi người sưởi ấm bên bếp lửa |
Đối mặt với rủi ro
Kỳ thực người đi làm thuê chui luôn đối mặt với nhiều rủi ro không thể lường trước. Hôm chúng tôi quay ra (31/1/2015), cảnh sát giao thông phía Trung Quốc làm gắt. Ba chiếc xe "lèn" khách không khác gì xe chở lợn (xe có 8 ghế ngồi thì nhét tới 17, 18 người) về đến gần xã Thái Bình phải đánh xe rẽ lên đường núi lẩn tránh lực lượng chức năng.
Qua cuộc điện đàm giữa lái xe và người nhà trên dọc đường ra Thác Bản Giốc, chúng tôi được biết xe chưa thể ra được. Trong hơn 2 giờ nép mình bên hai bờ lau lách, chuông điện thoại của 3 anh lái xe liên tục đổ chuông. Cuộc người gọi đến đón người ở Thác vào, cuộc người gọi đến đón ở bản ra, cuộc gọi của người nhà xe…
Ngồi trên xe ngột ngạt, lái xe mở hai bên cửa để khách xuống. Cả ba chiếc xe khách đều là người Việt quen mặt biết tên cả. Chúng tôi không biết số người mình vào đất bạn làm thuê lên con số bao nhiêu. Mọi người hàn huyên, chuyện trò rôm rả. "Lát nữa trên đường đi không được nói chuyện đâu đấy", có ai đó nhắc khéo. Sau hơn 2 giờ trốn ở rìa núi, xe mới bắt đầu hướng về Thác Bản Giốc.
Ngồi trên xe, chị Lam tỏ ra là người có kinh nghiệm vượt biên giới làm thuê. Chị kể ở bản chị có 1 chị tên Kết đi sang chặt mía thuê đã nhận 3 nghìn tệ của một người Trung Quốc để mai mối cô dâu Việt. Song vụ mai mối không thành. Đầu năm 2014, chị Kết lại cùng chị em trong bản đi sang đất bạn chặt mía. Người ta đến hỏi chị về cô dâu, số tiền, tất cả chị đều nói không. Thế là chủ liền đến báo Công an bắt chị Kết đưa đi. Chị Kết bị đưa đi từ ngày 6/3 âm lịch đến nay không biết tung tích ở đâu. "Chị ấy dại quá, không có tiền trả cho người ta, lại còn đến đúng bản đó để chặt mía thuê nữa. Trước khi đi, tôi cứ tưởng chị có tiền trả rồi nên không hỏi".
Anh Tạ Văn Đông bản Cốc Phay, xã Trung Phúc, huyện Trùng Khánh cũng đã bị lực lượng chức năng phía bạn bắt giam gần năm trời, chỉ vì Đông đi mua pạc phắn (hêrôin) về hút hít và bị bắt quả tang. Ở quê trộm cắp, người làng xa lánh, đi đâu cũng bị người khác đề phòng, cảnh giác. Không thể sống ở quê, Đông đành sang Quảng Đông làm thuê làm mướn, với suy nghĩ "biết đâu sang bên đó ngày lao động quên đi cơn nghiện, gắng ra sức cai được để trở lại làm người lương thiện".
Phận sang làm thuê chui lúc nào cũng mang trong mình nỗi lo thắc thỏm. Có tổ làm thuê đang chặt mía gần đường, khi lực lượng chức năng "tiện đường đi qua" đã dừng xe lại đuổi bắt ngay trên ruộng mía đưa lên xe. Có người chỉ 1,2 tuần bị bắt giam liền được thả ra, có người bị bắt giam vài tháng trời. Đến giờ chị Mị ở bản Lang Lài, xã Trung Phúc vẫn chưa quên chuyện mình bị công an phía bạn bắt được.
"Họ nhốt cả đám người vào một căn phòng chật chội. Ngày họ vẫn cho ăn 3 bữa. Sáng ra họ bắt chị em phụ nữ nhổ cỏ ở sân nhà. Ở nhà túng thiếu đấy nhưng chị chẳng dám đi nữa đâu. Mỗi lần nghe nhắc đến hai chữ chặt mía là chị thấy sợ rồi", chị Mị tâm sự.
Có được tiền công trong túi nhưng "khi nào về đến bên mình đổi sang tiền Việt đó mới cầm chắc tiền của mình". Nhiều người đã nói như vậy. Và quả không sai, đã có nhiều người về đến giáp biên bị biên phòng bạn bắt được đã bị lột sạch tiền. Xung quanh chuyện người làm thuê không được trả tiền công cũng có nhiều phức tạp. Chặt thuê cho hộ dân được ngày nào trả đủ ngày đó, nhưng nếu làm cho doanh nghiệp thì phải tính tháng, làm sơn, gỗ, phụ hồ xây dựng thì tính năm.
Anh Nông Văn Lãm ở xã Thông Huề đi sang Quảng Đông làm phụ xây gần một năm trời, khi về chưa đủ tháng nên không được chủ lao động chi trả tiền công. "Người ta còn nợ tôi hơn 1 vạn tệ (hơn 30 triệu đồng tiền Việt), đến nay chưa nhận được đồng nào".
Vẫn biết lao động chui ở xứ người luôn tiềm ẩn những rủi ro không thể đoán trước, nhưng vì miếng cơm manh áo họ đành đánh cược với may rủi.
*Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.
Nguồn: cstc.cand.com.vn