Phóng sự
Lạ kỳ tục làm 'ma khô' của người Lô Lô miền sơn cước
10:59, 06/02/2015 (GMT+7)
Từ bao đời nay, người Lô Lô sinh sống ở vùng núi tỉnh Cao Bằng luôn duy trì một tục kỳ lạ với ý nghĩa để linh hồn về nhập vào thể xác được người dân gọi là làm "ma khô". Đồng bào nơi đây quan niệm rằng, khi qua đời, phần hồn đang còn lang thang khắp nơi, vì vậy họ phải làm "ma khô" để phần hồn về với phần xác nơi chôn cất, khi đó gia đình mới phát đạt. Ngược lại, nếu bỏ qua tục này "con ma" kia mỗi năm sẽ quay về nhà "đòi" các con vật nuôi, con cháu trong nhà còn bị ốm đau, bệnh tật. Chúng tôi đã tìm đến bản Nà Van, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) để khám phá, tìm hiểu thực hư.
Lạ kỳ tục làm "ma khô"
Vượt hơn 130km từ thành phố Cao Bằng theo hướng Tây Bắc, thị trấn Bảo Lạc (Cao Bằng) hiện ra trong màn sương mù phủ kín. Theo chỉ dẫn của cô bán nước, chúng tôi đi thêm 5km dọc lên con đường ngoằn ngoèo sát những đỉnh đồi. Bản Nà Van hiện ra, nơi đây vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị truyền thống dân tộc về phong tục tập quán, nhà sàn, trang phục…
Trong cuộc trò chuyện với anh Lang Văn Thọ, Công an viên bản Nà Van vô tình chúng tôi được nghe kể về tập tục làm "ma khô" của người Lô Lô. Theo anh Thọ, tục làm "ma khô" có nghĩa là lễ gọi hồn về nơi chôn cất, không để linh hồn đi lang thang, vất vưởng khắp nơi quậy phá, hoặc quay về "đòi" vật nuôi, khiến mọi người trong nhà đau ốm, bệnh tật. Tục này có thể tiến hành sau đám tang khoảng 8, 9 ngày hoặc 3 đến 4 năm, thậm chí mười mấy năm mới làm, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình đó bởi rất tốn kém.
Theo quan niệm, nếu mọi điều thuận lợi, không mắc sai sót nào trong quá trình làm "ma khô" thì gia đình đó về sau sẽ ăn nên làm ra, không lo cái bụng bị đói.
Anh Lang Văn Thọ, Công an viên bản Nà Van, xã Hồng Trị. |
"Mới tháng trước, trong bản này vừa làm hai đám "ma khô" xong. Sau khi chôn cất người chết, tuyệt đối con cháu trong gia đình không được ra khỏi nhà, nam phải ở trong nhà 9 ngày, còn nữ thì 8 ngày. Trong 3 ngày làm lễ "ma khô", người nhà cũng phải kiêng kỵ không được làm bất kể việc gì, mọi việc đều do họ hàng làm theo sự chỉ đạo của thầy mo. Những ngày đó, mọi người chỉ ăn uống, hát hò và nhảy múa. Tất cả các đồ cúng "ma khô" đều đặt ở ngoài cửa, không được phép đưa vào bên trong nhà.
Người Lô Lô chúng tôi quan niệm rằng, khi cúng lễ "ma khô" ở trong nhà thì linh hồn ấy sẽ không siêu thoát. Đây là lễ tiễn đưa cuối cùng người chết về với thế giới bên kia một cách trọn vẹn". Anh Thọ cho hay.
Anh Thọ cho biết thêm, điều quan trọng trong lễ làm "ma khô" đó là chuẩn bị được 5, 6 đôi trống đồng đực và cái (biểu tượng cho âm và dương), treo lên trên không nhưng mặt trống phải hướng vào nhau với khoảng cách 20 đến 30cm. Trống được gõ bằng 2 thanh tre. Thanh to được xiên qua củ ráy đôi bọc vải chàm để gõ hai mặt trống.
Chiếc trống đồng là dụng cụ không thể thiếu để làm "ma khô". |
Sau khi tiếng trống đồng vang lên, ngay lập tức thầy mo sẽ làm lễ chính, con cháu và họ hàng sẽ hát đến hết buổi. Tất cả gồm có 6 bài đánh trống để tạo nhịp điệu cho 12 điệu múa trong màn khai lễ của dân tộc Lô Lô. Nội dung lời hát nói lên sự tiếc thương đối với người đã khuất, cầu mong linh hồn về với tổ tiên và phù hộ cho người thân, họ hàng được mạnh khỏe, may mắn…
Thầy mo Lang Văn Minh ở bản Nà Van chia sẻ: "Trong lễ làm "ma khô", trống đồng là dụng cụ không thể thiếu đã được các cụ ngày xưa gìn giữ cẩn thận và truyền lại từ đời này sang đời khác. Khi gõ tiếng trống tức là mình đang gọi linh hồn về, sau khi cúng bái đầy đủ mọi lễ nghi cần thiết mới tiễn hồn ma về với nơi chôn cất phần thể xác trước khi về với tổ tiên.
Thầy mo trẻ Lang Văn Minh. |
Bình thường trống đồng không được gõ lung tung, không cho người nơi khác động vào nếu không sẽ mất linh thiêng, nặng hơn có thể gia đình chủ nhân của chiếc trống bị gặp xui xẻo hoặc tai ương. Nếu người lạ muốn xem thì phải thắp hương và cho ít tiền hoặc lễ vật đặt trên bàn thờ mới được phép xem và chụp ảnh".
Tục làm "ma khô" cũng lắm… tốn kém
Theo cụ Hoàng Thị Nê (76 tuổi) ở bản Nà Van cho biết, làm lễ ''ma khô'' phải trải qua nhiều giai đoạn tiến hành lễ nghi cũng như tốn kém về tiền bạc và vật chất. Trong 5 bước làm lễ, mỗi bước phải giết một vài con vật nuôi dùng để thờ cúng và chiêu đãi khách. Với sự "đạo diễn" của thầy cúng, bước đầu tiên bộ phận làm bếp phải giết một con chó, bước thứ hai giết 2 con lợn, các bước tiếp theo đều giết bò và bước cuối cùng gia chủ còn "hi sinh" 20 đến 30 con lợn cắp nách. Không những thế, tất cả họ hàng được mời đến cũng đều mang một con lợn thịt sẵn để bày cúng ngoài cửa.
Đây là tục lệ được người dân tộc Lô Lô tổ chức với quy mô lớn, gia đình phải mượn tạm không gian nhà hàng xóm mới đủ chỗ cho khách khứa.
Cụ Hoàng Thị Nê đang trò chuyện về tục làm "ma khô". |
Anh Minh cho hay: "Khi đã vào lễ chính, lợn, bò, chó đều được đặt ngay dưới dàn trống đồng và chọc tiết ngay tại đó. Sau khi chọc tiết những con vật nuôi mới đặt chúng trên tấm liếp vuông có buộc một tấm vải đỏ lên bát gạo, một chén rượu rồi thầy cúng sẽ cầm một cành lá bưởi dùng để cầu khấn. Tất cả các con vật của họ hàng mang đến đều được thui trên những đống lửa riêng rẽ. Nếu có 20 con lợn cũng phải đốt 20 đống lửa. Mọi việc xong xuôi, hàng xóm ra về sẽ được một phần lộc bao gồm: thịt, rượu, cơm, còn riêng thầy cúng thì được một xâu thịt. Anh em họ hàng thân thiết sẽ phải ở lại trò chuyện với gia đình một đêm nữa".
Cũng theo ông Minh, họ hàng với gia đình làm ma khô, họ còn phải mang một cây trúc rồi treo một miếng vải hoa đỏ hoặc xanh để làm cây nêu. Ngoài ra, họ còn mang kèm theo rượu, gạo và 1 con lợn nhỏ hoặc gà. Riêng con rể, con gái, cậu lớn và cậu bé đều mang bê, nghé đến. Lúc này, đàn ông mặc áo tang bằng vải đỏ hoặc xanh, còn phụ nữ lại đội trên đầu từ 3 - 5 chiếc áo mới truyền thống dân tộc. Chính vì vậy, tục làm ''ma khô'' không phải ai cũng làm ngay được mà phải chuẩn bị một thời gian dài, khi nào có điều kiện kinh tế, đủ mọi trang phục, dụng cụ làm lễ mới có thể tổ chức.
Mặc dù biết tục lệ này rất tốn kém nhưng không thể không làm bởi vì đây là phong tục truyền thống từ các cụ ngày xưa, nhằm mục đích tiễn đưa tưởng nhớ và tôn trọng người đã khuất.
Cũng giống các dân tộc Tày, Nùng khi làm lễ đám tang, người Lô Lô lấy các thanh tre buộc lại giống như hình người rồi mặc áo giấy cho chúng. Các hình này được đặt trên bàn thờ nhằm tượng trưng cho người đã chết. Sau khi thầy cúng gọi hồn, lúc này tiết mục nhảy múa bắt đầu diễn ra, đầu tiên là người nhà rồi đến hàng xóm. Họ phải múa 36 điệu, những điệu múa mô phỏng lại những động tác sinh hoạt cũng như làm việc của người Lô Lô như làm nương, làm rẫy, tra ngô… Khi mổ bò họ cũng phải nhảy 9 vòng trước cửa nhà. Sau lễ cúng "ma khô" gia đình phải "nuôi ma" trong vòng 3 ngày và cho ăn 3 bữa: sáng, chiều và tối. Người nhà chỉ được ăn khi người chết ăn xong, trước khi ăn cũng phải nhảy múa.
Anh Nà Văn Đáo, Trưởng bản Nà Van cho rằng: "Làm "ma khô" thực chất là một nghi thức tiễn hồn về thế giới tổ tiên, một hình thức mãn tang của đồng bào dân tộc Lô Lô. Điều độc đáo là chỉ có trong đám tang của người Lô Lô mới đánh trống đồng. Chiếc trống đồng không những là một tài sản quý, mà nó còn là một khí cụ mang tính tôn giáo. Có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được về nơi đầu tiên sinh ra. Nghi lễ này không thể bỏ qua vì nó là tục truyền đời của dân tộc chúng tôi, nếu tiến hành êm xuôi thì linh hồn người đã khuất sẽ phù hộ, làm ăn phát đạt, ngược lại sẽ luôn gặp điều xui xẻo, bất lợi trong việc chăn nuôi trồng trọt. Khi công việc làm ''ma khô'' đã hoàn tất, gia đình đó sẽ yên tâm, không áy náy vì cho rằng linh hồn người chết ở thế giới bên kia đã đoàn tụ, không còn lang thang vất vưởng khắp nơi nữa".
Nguồn: Cstc.cand.com.vn