Phóng sự

Nỗi buồn làng 'xuất ngoại'

09:38, 10/02/2015 (GMT+7)
Vùng sông nước Đồng Tháp Mười ru hồn lữ khách bằng câu ca: "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân". Ông lái đò bên cồn Dừa bỗng chậm mái chèo, nhìn xao xác: "Gái đẹp ở đây đi lấy chồng ngoại quốc nhiều lắm, số còn lại cũng phiêu dạt tứ xứ rồi". Câu chuyện về những cô gái đánh cược vận mệnh, "xuất ngoại" lấy chồng, những mong đổi đời, đã trở thành nỗi buồn thăm thẳm ở xứ Nha Mân…
 
Sáo sang sông, "sáo" đi "xuất ngoại"
 
Cách đây 10 năm, cô gái Nguyễn Thị H. (18 tuổi), con bà Lê Thị G, (52 tuổi, xã Tân Thuận Đông - Châu Thành - Đồng Tháp) bỏ quê hương lên Sài Gòn làm nhân viên bán quán cà phê. Hai năm "bầm dập" ở thành phố, H. chưa bao giờ gửi tiền về quê cho cha mẹ. Lương nhân viên bán cà phê chỉ đủ cho H. thuê phòng trọ và mua vài hộp phấn rẻ tiền.
 
Một đàn chị của H. tên My may mắn lấy được anh chồng Đài Loan là chủ một cửa hàng bán điện thoại bên ấy. Vừa lấy chồng, My đã có ngay xe bốn bánh để đi, cô ta nhanh chóng rũ bỏ những thứ tầm thường của ngày hôm qua, "lột xác" thành bà chủ môi son má phấn, diện những bộ "cánh" bóng loáng. Bao nhiêu cô gái thầm ao ước được như My, trong đó H. đã nhen nhóm một khát khao "xuất ngoại". Được sự hướng dẫn nhiệt tình của My, H. bắt đầu lập Nick name lên mạng chát chít làm quen với "zai ngoại".
 
Chỉ trong vòng hai tháng, H. làm quen được với anh chàng người Malaysia (quốc tịch Trung Quốc) tên Kim Wu. Hai người trao đổi hình ảnh cho nhau. Vừa nhìn thấy H., Kim Wu đã "đổ" ngả nghiêng. Còn H. vẫn có một chút do dự vì "bạn trai" không được đẹp cho lắm, lại già bằng ba mình. Tuy nhiên, lời giới thiệu về gia cảnh và tài sản "khổng lồ" của Kim Wu đã làm H. hoa hết cả mắt. Kim Wu nói rằng, nếu H. đồng ý làm vợ, thì anh ta sẽ bay sang Việt Nam đưa cô về Malaysia luôn.
 
Hai ngày sau, H. thông báo cho ba mẹ lên Sài Gòn ra mắt anh chồng ngoại. Kim Wu từ Malaysia bay qua Việt Nam, gặp cha mẹ vợ để làm các thủ tục rước dâu. Lúc đầu  Kim Wu không dám xưng bằng con vì anh ta ngang tuổi với cha vợ. Kế hoạch "đánh nhanh rút gọn" của Kim Wu thất bại do H bị trục trặc một số giấy tờ làm hộ chiếu. Kim Wu nôn nóng nên đã đưa "vợ" vượt biên qua Malaysia theo đường tiểu ngạch.
 
H và người chồng Trung Quốc Kim Wu
H và người chồng Trung Quốc Kim Wu
 
Làm dâu xứ người, không bao lâu H. sinh hạ một bé gái. Chồng không cho H. đi làm gì, chỉ ở nhà chăm con và hầu hạ. H. làm gì, mua gì đều phải ngửa tay xin tiền chồng. Ba năm lấy chồng ngoại, ước mong đổi đời và có tiền gửi về quê phụ ba mẹ, H. vẫn chưa thực hiện được. Cuộc sống của cô bị giam lỏng, H. .cảm thấy ê chề, tủi hổ. Khi đứa con đến tuổi đi nhà trẻ, H. quyết tâm "phá cũi sổ lồng". H. tuyên bố: "Nếu không cho tôi đi làm tôi sẽ bỏ về Việt Nam".
 
Sợ mất "người hầu", anh chồng chấp nhận xin việc cho vợ vào làm công nhân may mặc của một công ty Đài Loan. Được đi làm, H. mừng không sao tả xiết. Mặc dù công việc chân tay nặng nhọc, chiếm hết thời gian, nhưng H. lấy lại được niềm tin khi hằng tháng có lương. Từ đó, mỗi tháng H. gửi tiền về cho ba mẹ thay căn nhà rách. Làng quê ai cũng sáng mắt trước cảnh "đổi đời" của gia đình bà G.
 
Không còn khát tiền, thì H. lại rơi vào bi kịch tình cảm. Chồng H., không hiểu bị bệnh gì mà từ ngày cô đi làm, anh ta ôm con gái ngủ riêng một phòng. Đứa con quen hơi cha nên chẳng thiết tha gì với mẹ. H. như người thừa trong nhà. Cuối tuần được nghỉ làm, H. muốn dắt con đi chơi sở thú nhưng cha lắc đầu là nó nhất quyết không đi. H. chỉ biết gọi điện về than khóc với mẹ.
 
Bà G thương con quá, vay mượn bằng được mua vé máy bay sang Malaysia xem tình hình của con gái. 10 năm biền biệt xứ người, bà G chết lặng ngoài sân bay khi thấy đứa con gái tươi trẻ nõn nà ngày nào nay héo úa, tàn tạ. H. dẫn mẹ về nhà, con rể và cháu ngoại trố mắt nhìn bà, chẳng hỏi một lời. Bà G buồn rầu: "Vẫn biết mình với nó bất đồng ngôn ngữ, nhưng thái độ của nó cứ coi mình như người dưng. Chưa bao giờ nó gọi tôi một tiếng mẹ". Hoàn cảnh kinh tế nhà chồng H. tương đối khá giả, nói chung là không thiếu thứ gì. Chỉ thiếu tình người thôi.
 
Đêm, hai mẹ con nằm ôm nhau thủ thỉ, H khóc thút thít nói rằng, cô rất nhớ nhà, nhớ Việt Nam. Ở bên này cũng đi làm công nhân thôi, nào sung sướng gì. Của cải thì của chồng hết, bản thân cô chẳng có một thứ gì. Ở với nhau 10 năm mà chưa đăng ký kết hôn, bây giờ có bỏ nhau thì cũng … "nhẹ tựa lông hồng".
 
H. không biết ông ta bị bệnh gì mà gần 10 năm nay không hề đụng đến vợ. Có lẽ, ông chồng lấy H. cũng chỉ mong một đứa con thôi, xong thì chẳng cần gì nữa. Bà G phẫn nộ, đòi đưa con gái về Việt Nam ngay. Tuy nhiên, con rể không đồng ý. Bà tính toán lựa thời điểm thích hợp sẽ trốn. Nhưng cũng không xong, vì chị H. còn bao nhiêu thủ tục, lại không có hộ chiếu. Tình thế bắt buộc bà dịu giọng quay sang năn nỉ con rể. Bà xin con rể cho H. về Việt Nam vài ngày thăm gia đình, vì H. xa quê đã lâu. Hơn nữa, bên nhà cũng sắp có đám cưới người thân. Năn nỉ mòn lưỡi, cuối cùng ông chồng đã đồng ý cho vợ về nhưng với điều kiện chỉ được về một mình, không được mang con theo. H. đồng ý ngay. Hai mẹ con không đợi thêm ngày nào nữa, họ nhanh chóng về Việt Nam.
 
Gần 4 tháng thoát khỏi cảnh "kẻ hầu" bên xứ người, H tươi trẻ ra, cảm giác yêu đời hơn. Tuy nhiên, nỗi nhớ con thì chưa thể nào dứt được. Tương lai hai mẹ con sẽ khó mà gặp nhau bởi H quyết định không bao giờ quay trở về Malaysia nữa. H. chấp nhận đánh đổi giữa tự do và tình mẫu tử. Bây giờ, H đi học nghề uốn tóc ở chợ Nha Mân. H vẫn ấp ủ sẽ có một cái nghề ở quê, rồi gặp anh nào yêu thương thì lấy. Bởi, H. mới chỉ ngoài 30 thôi, lại là gái một con nên vẻ xuân sắc mặn mòi chưa mất đi đâu được.
 
Lời ru thăm thẳm…
 
Ai cũng bảo H. may mắn nhất khi thoát khỏi "địa ngục trần gian" trở về Việt Nam lành lặn. Như cô Nguyễn Thị Đ, người cùng xã (25 tuổi) thì bi kịch chồng chất bi kịch. Đ. là thôn nữ mới lớn, xinh tươi, chỉ tội con nhà nghèo. Gần 10 năm trước, một bà mai từ thành phố về làng tuyển lựa gái đẹp đi lấy chồng Hàn Quốc. Ba mẹ Đ choáng ngợp trước món sính lễ cưới, (có thể xây được căn nhà to vật vã) đã gật đầu ngay. Đ. không còn sự lựa chọn, một bên hiếu còn bên kia là cuộc sống giàu sang. Đ. chưa đủ tuổi kết hôn nên đi theo dạng bảo lãnh.
 
Nha Mân là thương hiệu nổi tiếng được lấy đặt tên cho nhiều công trình
Nha Mân là thương hiệu nổi tiếng được lấy đặt tên cho nhiều công trình
 
Ba năm đầu, Đ. sinh liền tù tì 3 đứa con. Nhiệm vụ của Đ. chỉ ở nhà đẻ con cho gia đình chồng, cô không được bước ra khỏi ngõ. Mới 20 tuổi, Đ đã là mẹ của ba đứa con. Món qùa lớn nhất Đ được nhận sau chuỗi thời gian sinh đẻ "quần quật" là một chuyến về Việt Nam thăm gia đình. Tuy nhiên, Đ. chỉ được đi một mình, gia đình không cho cô mang con theo vì sợ cô cao chạy xa bay.
 
Người phụ nữ sống trong quốc gia nào cũng vậy, tình mẫu tử luôn là thứ không gì đánh đổi được. Đ sẽ không bao giờ rũ bỏ ba đứa con mà ra đi, Đ. sẽ phải quay về. Khi đã nắm chắc tâm lý ấy, họ mới yên tâm để Đ. về Việt Nam. Giờ đây, cuộc sống của Đ. đã an phận với một đàn con lai Hàn. Bận bịu với con cái, Đ. không còn thời gian đi kiếm tiền, "món nợ" với bậc sinh thành ở Việt Nam mãi mãi còn đó, Đ sẽ chẳng bao giờ trả nổi.
 
Nhà ông Trần Văn T nằm yên bình sau khu lò gạch cũ kỹ, tựa lưng vào nhánh sông Cửu Long. Ông T. năm nay 82 tuổi , hiện đang sống với cô con gái đầu 60 tuổi. Ông T có cô con gái út Trần Minh T lấy chồng Đài Loan 7 năm nay, hiện đã có hai mặt con lai. Nhờ lanh lợi, hoạt bát hay vì lý do gì đó thì không ai biết, mà cô T cưỡi đầu cưỡi cổ ông chồng Đài Loan. Cô về Việt Nam như cơm bữa và không quên "tiếp nhiên liệu" cho gần 10 "cỗ máy ăn" ở quê. Hai năm trước, cô giới thiệu đứa cháu họ "hốt" được một ông chồng Đài Loan đại gia, nghe nói làm giám đốc công ty bất động sản gì đó. Từ ngày mai mối cho đứa cháu "xuất ngoại", cô bặt tăm một thời gian. Mới đây, lại thấy cô xuất hiện ở cái làng quê nổi danh gái đẹp này.
 
Tấm ảnh cưới của gia đình có con gái lấy chồng ngoại được đặt làm bảng hiệu cửa hàng
Tấm ảnh cưới của gia đình có con gái lấy chồng ngoại được đặt làm bảng hiệu cửa hàng
 
Bà Trần Thị Liễu, chị gái cô T. cho biết: "Con T. lấy chồng sướng lắm. Nó không phải bà mai gì đâu, nó giới thiệu giúp cho mọi người thôi. Làm ơn đó mà". Bà Liễu bật mí thêm, hồi mới sang Đài Loa làm dâu, mẹ T. ở nhà lâm bệnh nặng, T. liên tục gửi tiền về cho mẹ đi bệnh viện. Suốt ba năm trời, mẹ cô nằm ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, và tiền T gửi về không biết bao nhiêu mà kể. Từ ngày mẹ mất, T. không còn cho tiền nữa, nghe nói nhà chồng làm ăn thua lỗ.
 
Những câu chuyện về gái "xuất ngoại" ở xứ Nha Mân chưa bao giờ kết thúc, ít nhất là tới thời điểm này. Bây giờ, nhà nào có con gái lấy chồng ngoại đã không còn là niềm kiêu hãnh nữa, thay vào đó là sự âu lo, hoảng sợ. Giàu sang cũng chỉ thay được mái nhà, còn lại là nỗi đau mất mát...
 
Bà Hồ Ngọc Anh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thuận Đông (Châu Thành - Đồng Tháp) cho biết: "Ở xã hầu như năm nào cũng có vài trường hợp lấy chồng nước ngoài, nhưng chưa có trường hợp nào bị trả về hoặc rơi vào bi kịch thương tâm. Phần lớn là do bảo lãnh chứ không phải môi giới. Ở đây nhà nào có con đi nước ngoài là có nhà xây khang trang, kinh tế khá giả. Còn phía sau đó cuộc sống của họ như thế nào thì chỉ có trong gia đình biết thôi".

 

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác