Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201502/xuan-tren-dao-mat-587748/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201502/xuan-tren-dao-mat-587748/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Xuân trên đảo Mắt - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 16/02/2015, 09:10 [GMT+7]

Xuân trên đảo Mắt

(Congannghean.vn)-Những ngày cuối năm, trong không khí kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh vượt trùng khơi ra thăm đảo Mắt. Xuất phát từ cầu cảng Cửa Hội, con tàu quân sự vượt gần 20 hải lý đến với hòn đảo nhỏ anh hùng, nơi được xem là “mắt biển” che chắn biển trời cho 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tàu vừa rời bến, những đợt sóng trở nên dữ dội hơn, từng đợt sóng dội vào 2 bên mạn khiến tôi bắt đầu thấm mệt vì say sóng.
 
Thế nhưng, khi người chỉ huy tàu báo hiệu đã đến đảo, những mệt mỏi dường như tan biến. Nhìn từ trên tàu, đảo Mắt hiện ra sừng sững hiên ngang, trên vách núi, hai lá cờ đỏ thắm khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đón chúng tôi là các CBCS Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt xếp thành hai hàng trang nghiêm. Những cái bắt tay, những cái ôm siết chặt là tình cảm nồng hậu mà các chiến sĩ dành cho những vị khách đất liền.
 
“Hoàng Sa, Trường Sa” trên đảo Mắt
 
Với độ cao 218 m, diện tích hơn 2,2 km2, đảo Mắt anh hùng là thành lũy thép bất khả xâm phạm, là hiện thân sức mạnh của những người lính đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời quê hương. Khi những cây sung đảo bắt đầu đâm chồi nảy lộc non xanh biếc cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân mới lại về trên đảo nhỏ. Men theo những bậc thang cao, dốc, chúng tôi đến thăm nơi làm việc, ăn nghỉ của các chiến sĩ. Bước chân tôi như khựng lại bởi tấm bản đồ Việt Nam được khắc trên phiến đá. Dải đất hình chữ S với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa được khắc nổi trên phiến đá, quét sơn đỏ chót. Hai lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trên dòng chữ được đắp nổi “Đất mẹ linh thiêng - máu đào Tổ quốc”.
 
Đại úy Trần Văn Thảo, Chính trị viên Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt cho biết: “Đây là công trình chào mừng 51 năm thành lập Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt (31/3/1963 - 31/3/2014) do anh em tự đắp bằng bê tông, dù cách xa hàng nghìn hải lý nhưng tấm bản đồ là một lời khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa luôn ở trong lòng mỗi người chiến sĩ đảo Mắt, là máu thịt không thể cắt rời của Tổ quốc”.
 
Bản đồ Việt Nam trên đảo Mắt
Bản đồ Việt Nam trên đảo Mắt
 
Thượng úy Nguyễn Viết Dũng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, người đưa ra ý tưởng cho công trình này cho biết thêm, thông qua tấm bản đồ nhằm giáo dục tư tưởng, truyền thống yêu nước cho CBCS, từ đó nâng cao ý chí, bản lĩnh chiến đấu cho các chiến sĩ trẻ. Sau khi lên ý tưởng, công trình được “khởi công” ngày 15/1/2014 với sự tham gia của tất cả chiến sĩ trên đảo. Sau 3 tuần ròng rã gò lưng trên đá, tìm nguyên vật liệu, đục đẽo, đắp hồ, tấm bản đồ mới được hoàn thành. “Tấm bản đồ được đắp nổi nên đòi hỏi người thợ cũng phải tỉ mỉ, mất nhiều thời gian hơn. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội, những mốc son lịch sử chói lọi của đất nước như Điện Biên Phủ, dinh Độc Lập, nhất là hình ảnh Hoàng Sa, Trường Sa được đắp nổi như một lời tuyên bố hùng hồn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam”, Thượng úy Dũng chia sẻ.
 
Đảo nhỏ anh hùng
 
Mùa này, những cây sung đảo bắt đầu đâm chồi nảy lộc, những chồi biếc xanh mơn mởn báo hiệu một mùa xuân mới lại về. Khi tàu chúng tôi vừa cập bến, những món quà từ đất liền nhanh chóng được chuyển lên đảo mang đầy tình cảm hậu phương nơi đất liền. Những ngày cuối năm, giữa trùng khơi bão tố, đợt không khí lạnh tăng cường càng làm biển động dữ dội, thế nhưng trên thao trường huấn luyện, gương mặt chiến sĩ vẫn nhễ nhại mồ hôi. Với phương châm huấn luyện "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", các chiến sĩ luôn khắc phục khó khăn, hăng say tập luyện, nêu cao tinh thần cảnh giác, không để bị động trong bất cứ tình huống nào. Một giờ huấn luyện của đại đội pháo hỗn hợp khiến chúng tôi cảm nhận rõ hơn về tinh thần sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ đảo Mắt. “Công tác huấn luyện là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, vì thế các chiến sĩ luôn vững chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, không nao núng, bị động trước mọi tình huống của kẻ thù, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho biển trời quê hương, Đại úy Trần Văn Thảo cho biết.
 
Trong chiến tranh, đảo Mắt là đơn vị anh hùng, là thành lũy thép bất khả xâm phạm khiến quân thù phải khiếp sợ cả trên bầu trời lẫn mặt biển. Trong cuộc chiến chống Mỹ, đảo Mắt là nơi bị bắn phá ác liệt nhưng CBCS của đảo đã anh dũng chiến đấu, vững chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển phía Đông của tỉnh Nghệ An. Trong cuộc chiến đó, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Đảo Mắt đã đánh 297 lượt máy bay, 64 trận với tàu chiến, bắn cháy 10 khu trục hạm, 2 tàu tuần dương hạm, 1 tàu biệt kích, giải vây cho 3.210 lượt thuyền, cứu vớt 172 người bị nạn. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, ngày nay, các chiến sĩ Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Mắt càng vinh dự và tự hào khi được chiến đấu, tập luyện trên đảo Mắt anh hùng. Giữa trùng khơi bão tố, những người lính luôn hăng say tập luyện, sẵn sàng chiến đấu, vững chắc tay súng canh giữ biển trời, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
 
Trên đảo, việc thiếu nước ngọt, thiếu đất để tăng gia sản xuất là điều tất yếu, thế nhưng các CBCS đã khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần “Thực túc binh cường” áp dụng và sáng tạo nhiều mô hình hay để tăng gia sản xuất, tận dụng các hố đất, hố đá để trồng rau, bởi thế mà trên đảo vẫn có hơn 7.000 m2 diện tích trồng rau xanh, hàng năm duy trì 3 - 4 đầu lợn, 20 con gà, 30 con dê và 10 con bò.
 
Đại úy Trần Văn Thảo, Chính trị viên đảo Mắt trao đổi với phóng viên
Đại úy Trần Văn Thảo, Chính trị viên đảo Mắt trao đổi với phóng viên
 
Bác sĩ trên đảo
 
Nằm ngay cạnh nhà chỉ huy đảo là bệnh xá được xây dựng khá quy mô. Với biên chế 1 bác sĩ, 3 y sĩ, mỗi năm bệnh xá được cung cấp 2 đợt thuốc. Mặc dù điều kiện vật chất còn thiếu thốn nhưng đội ngũ y, bác sĩ ở đây luôn tận tình cứu chữa, sẵn sàng phục vụ hết mình cho đồng đội và ngư dân. “Vào mùa hè, thiếu nước ngọt, khí hậu khắc nghiệt nên các chiến sĩ hay bị viêm da, ngứa ngáy khó chịu, còn mùa này, anh em ở đây lâu, quen với khí hậu nên cũng không mấy khi ốm đau. Với những trường hợp bệnh nặng, sau khi sơ cứu, chúng tôi chuyển vào đất liền để kịp thời điều trị”, y sĩ Hoàng Đình Quyền cho biết. Không chỉ khám, chữa bệnh cho các chiến sĩ, bệnh xá đảo Mắt còn là nơi che chở, bảo vệ ngư dân những khi bị tai nạn ngoài ý muốn. Nhờ có các y, bác sĩ ở đảo mà ngư dân ra khơi cũng yên tâm hơn. Thông thường, những ngư dân đánh bắt hoặc neo đậu khu vực này khi bị bệnh sẽ vào bệnh xá để khám, chữa bệnh.
 
Đây là năm thứ ba Thượng úy Quyền đón xuân trên đảo. “Dù không được đầy đủ như ở đất liền, nhưng Tết ở đảo cũng có hoa đào, bánh chưng, anh em quây quần đón giao thừa, chúc mừng năm mới“. Bữa cơm cuối năm trên đảo tươm tất và thịnh soạn. Bên mâm cỗ, chúng tôi được các anh lính đảo chiêu đãi món bánh chưng tự gói và thịt lợn đảo. Chia tay đảo Mắt, tình cảm quân dân quyến luyến như níu giữ bước chân tôi. Trên chuyến tàu trở về, chúng tôi lại bắt gặp những con tàu khác chở hàng ra đảo. Mùa xuân đã về trên hòn đảo nhỏ. Những chuyến hàng đang lần lượt chuyển lên đảo để các chiến sĩ chuẩn bị đón Tết. Nơi đảo xa, những người lính gửi theo những cánh sóng, những chuyến tàu trở về đất liền lời hứa chắc tay súng, vững niềm tin bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
.

Huyền Thương

.